BA NGƯỜI LÍNH
Ba Người Lính (tt)
Kỳ 7 (PST 63)
Winfred Brandon – We Know These Men.
(Xem Ba Người Lính từ Trang Đầu Tiên trong Mục Sách Dịch)
Carol chẳng tin chút nào. Cô đứng đó nhìn anh ta và tìm cách giải thích hợp lý. Đa số các cô trong trường hợp này sẽ nắm lấy mẫu tin để được an ủi. Mới đầu Carol cũng muốn làm vậy nhưng phút sau thì cô thắng sự yếu lòng và cố tìm lời giải thích hợp lý cho những chữ trên tờ giấy.
Cô tự bảo mình đây chỉ là một trường hợp lạ lùng nhất của việc truyền tư tưởng. Cô không thể gạt bỏ khỏi tâm trí những điều Flanagan nói. Chúng cứ lập đi lập lại trong óc cô, cái thông điệp mà Flanagan tưởng là của Gordon Brainard và nhắn lại với cô. Nó cứ nằm trong trí cô luôn, vì cô không thể ngưng suy nghĩ tới nó. Nghe Gordon nói những chữ ấy mà không phải ai khác thật là đau khổ. Đùa cợt Gordon như vầy thực là quá lắm. Rõ ràng trí óc của người lính này đã nhận được tư tưởng của cô. Đây quả là thí dụ tuyệt hảo cho chuyện thần giao cách cảm!
Trong lúc những điều này diễn ra trong trí Carol thì Gordon tìm cách gây ấn tượng về mình lên trí của cô. Cô lại thấy có cảm biết mơ hồ về sự hiện diện của anh. Cô gần như chắc chắn là nghe được anh gọi tên cô. Khi Carol ngửng lên, cảm giác biến đi và cô lắc đầu.
– Mình đừng để mê tín dị đoan làm mờ óc.
Rồi cô bỏ đi, làm nhiệm vụ của mình trở lại.
Anh lính, người tin chắc vong linh đã làm chuyện này, không chịu bỏ cuộc.
– Cô không tin có vong linh, nhưng tôi tin là có. Tôi đánh cá với anh mẫu tin này là do một vong linh viết. Nếu muốn thì anh có thể viết nhiều bằng cách đó.
Ý này dường như làm những người khác thích chí nên họ khuyến khích anh lính viết nó tiếp tục xem sao. Anh không hứng cho lắm, vì nỗ lực của anh bị xem không phải là chuyện thật.
Brainard không còn sức lực và thấy cố công nữa cũng không ích gì. Anh chỉ quyết định là ở đó chờ; ít nhất anh được gần Carol và như thế còn tốt hơn là bị chia rẽ hoàn toàn.
Mấy người lính bắt đầu kể cho nhau nghe những kinh nghiệm khác nhau của mình và chuyện họ đã nghe về vong linh. Gần như ai cũng có biết điềm báo trước, hoặc dự buổi cầu hồn với cái bàn tự nó nghiêng và nghe được tiếng gõ mà không có ai làm. Khi kể xong ai cũng có tâm trạng muốn nghe hay thấy bất cứ hiện tượng gì. Người đã viết mẫu tin lần này không chắc lắm là mình đã cảm thấy hoặc kinh nghiệm ra sao hay chuyện chi, khi tay anh viết những điều mà trí anh không định. Sau bao lời bàn ra tán vào của người chung quanh anh cảm thấy hoang mang, và bắt đầu sợ là không chừng tâm trí mình bị mất thăng bằng.
Trong số chuyện kể có vài chuyện về hồn ma ám ảnh, và những tội phạm ghê gớm khi ai có tâm trí yếu ớt bị ma nhập. Trước đây anh đã nghe nhiều chuyện như vậy rồi nhưng chúng không có nghĩa gì đối với anh, và anh còn nghi không biết nó có thật hay không. Nay ở đây có vong linh xui khiến anh viết. Anh nhất định là không để cho chuyện như vậy diễn ra nữa.
Chuyện gây ấn tượng cho Carol nhiều hơn là họ tưởng. Khi cô có cơ hội về phòng và được ở yên một mình, cô lấy mẫu giấy trong túi ra, mở nó, đọc lại mẫu tin lần nữa. Tên Gordon Brainard thì giống như chữ ký của chính Gordon. Làm sao có chuyện đó được ? Cô quyết định sẽ hỏi người viết tin này tự mình viết lại tên đó cho cô xem. Thử thì sẽ biết.
Trong thâm tâm cô hy vọng đó là Gordon. Lối giáo dục của cô đã dạy cô chống lại với tư tưởng ấy. Cô tự hào là mình không có mê tín dị đoan và suy nghĩ vẩn vơ. Cô rất là tân tiến về mặt suy nghĩ mạch lạc, rõ ràng. Cô được dạy là bác bỏ khoa học huyền bí, và cô không thể nào chấp nhận hiện tượng gì có tự động ký trong đó. Tuy vậy, cô vẫn thấy vui hơn.
Có một quyền lực nào đó đã lấy đi nỗi đau khổ nặng nề cô mang trong lòng từ khi biết Gordon thiệt mạng. Cô quyết tâm chịu đựng nỗi khổ của mình một cách dũng cảm mà không làm bớt sức làm việc, hoặc thêm gánh nặng cho những điều dưỡng viên khác, ai biết được sự mất mát của cô. Có những lúc cô thử tưởng tượng cuộc đời sẽ ra sao trong những năm tới đây, để giúp cô chịu đựng được chúng. Yêu người khác thì không có rồi. Cô là người một chồng một vợ và cô biết như thế.
Rồi bây giờ có niềm hy vọng điên rồ, ngu dại này làm tâm hồn và luôn cả thân xác cô xúc động hồi hộp. Công việc của cô làm như bớt mệt nhọc hơn, và giờ khắc không quá dài. Cô thấy được khích động, đi ngược với lý trí của mình, với hy vọng là bằng cách nào đó, Gordon còn sống và thương yêu cô.
Nghĩ như vậy tạo nên sự khác biệt biết bao !
CHƯƠNG XXI
Chỗ này chán chưa, nhiều người đi tới đi lui chẳng làm gì, chỉ nghe mấy tay ăn học dạy bảo mình đang ở đâu.
Hanson muốn có hành động nhưng lại không thể thực hiện được kỹ thuật cho phép anh đi ra khỏi Tổng Hành Dinh. Khi đã kể hết chuyện quá khứ và hết óc tưởng tượng để thêm mắm thêm muối vào, cử tọa vắng đi từ từ. Anh hết nước và phải chịu nghe người khác kể chuyện của họ; những người mà ở Hoa Kỳ thuộc vào hạng cầu bơ cầu bất giống như anh.
Hanson nghĩ sự việc có gì đó không ổn. Lấy trường hợp của anh coi. Anh tính là lúc qua đời mình đã là người sốt sắng theo đạo, nhưng anh bị tử trận bất thình lình trước khi có giờ cải tà qui chính. Cảnh đời bên kia theo lý phải hoặc là Thiên Đàng hoặc là Địa Ngục. Nhưng chỗ này không có đặc điểm nào của địa ngục có thể làm nó thành chỗ lý thú. Không có quỉ sứ và cũng không có ai giống như Satan. Chắc chắn đây không phải là thiên đàng, vậy chỗ này là cái quái gì ?
Đây không phải là chỗ cho người như anh, người đã làm đủ mọi trò lươn lẹo trong đời trước khi bị động viên. Anh muốn đấm mấy ông thầy, đặc biệt cái ông người ta gọi là Morton. Đó là chuyện bực bội nhất, vì bây giờ anh không còn sức đánh đấm gì nữa. Anh nhẹ tênh như làn khói. Anh còn không cảm xúc được việc gì.
Cuối cùng Hanson có cảm tưởng trọn sự việc chỉ là một giấc mơ. Hẳn anh đã mơ trọn những chuyện điên rồ đang diễn ra nay. Anh tin là mình đang nằm ngủ trong hầm trú ẩn hồi trước, và quyết định rằng ngủ tiếp cho xong. Thành ra anh nằm xuống giường và ngủ mất, làm những người chung quanh thở ra nhẹ nhõm.
Nhiều người khác cũng ngủ, trong đó có Potter, và mấy ông thầy không tìm cách đánh thức họ dậy. Họ chỉ đủ sức lo cho những ai được mang về mỗi ngày từ trận tuyến. Morton thì tiếp tục có buổi họp hằng ngày để chỉ dẫn.
Có những người lính ở đây đã lâu và có thể tự di chuyển theo ý mình. Một người lính trẻ lại còn đã tới Paris. Anh có thể đi tới kịch trường và những nơi đã biết trước chiến tranh. Người khác từng là sinh viên ở đại học Sorbonne và nay đi nghe giảng bài ở đó. Có nhiều người khác đi tới những chỗ nghỉ mát họ đã viếng thăm lúc được đi phép. Mỗi người mang về những chuyện về kinh nghiệm của họ, và nói tới đám đông những linh hồn người Pháp họ gặp đi lại trên đường phố Paris.
Trong lúc đó Cummings cố công hết sức để làm tĩnh lặng cái trí, cho anh có năng lực tư tưởng để có thể đi và về không cần ai giúp. Nay anh biết rõ là mình có thể tới bất cứ nơi nào mình có thể nghĩ ra, nhưng vấn đề là việc trở về. Cố gắng để đi tới chỗ làm anh kiệt sức, khiến cho việc trở về hóa ra thật khó. Anh không muốn phải tùy thuộc vào những linh hồn đang phải làm việc quá mức này.
Ông nội Brainard rất tốt bụng và cho Cummings hiểu anh có thể thực hiện được gì nếu chịu khó đúng mức. Thế nên anh nằm xuống và tập giữ cái trí vào một ý tưởng mà thôi. Anh không dám nghĩ tới một nơi chốn nữa, vì sợ rằng lỡ anh tới đó thì không có cách nào để quay về. Anh tập trung tư tưởng vào những câu trong sách và bài thơ, ngay cả vài câu trong các bài hát mà anh còn nhớ. Rồi anh thấy những chữ ấy bắt đầu hiện ra trong khoảng không gian trước mặt anh. Morton giải thích điều này như sau.
– Ether, ông bảo, là chất liệu lưu giữ mọi tư tưởng và sinh ra hình trong trí của mọi tư tưởng nào rõ rệt và được duy trì.
Ông cũng giải thích là mọi âm thanh mà người trần sinh ra, tạo nên rung động trong cõi ether và còn đó mãi. Những rung động kinh khiếp của bộ máy chiến tranh, cũng như âm nhạc và các âm thanh khác, đều có đó, và nếu người ta cảm nhận được đúng tần số rung động của những âm thanh này, họ có thể nghe được nó. Ông bảo các khoa học gia biết điều ấy, những ai đã nghiên cứu lý thuyết về sự rung động và nay thí nghiệm với máy móc mà chẳng bao lâu, sẽ cho người trần hiểu biết và dùng một dụng cụ để bắt được âm thanh, khuếch đại nó khiến cho ai nấy có thể nghe được.
Morton khuyến khích các người lính luyện việc tập trung tư tưởng, bằng cách tưởng tượng ra một vật đáng yêu như bông hoa, hoặc một tác phẩm nghệ thuật nào mà họ yêu thích và còn nhớ thật sống động. Vài người, những ai ở đây lâu nhất, đã tạo được các vật như là cuốn sách, đồ gốm mà họ có, ngay cả việc tái tạo hình chụp người thân của họ.
Ông Thầy giải thích là mỗi sáng tạo ở cõi này sẽ còn hoài, nguyên vẹn, cho đến khi có tư tưởng khác mạnh hơn tư tưởng đã sinh ra vật, hủy diệt nó. Vì không ai muốn hủy hoại mỹ lệ nên phần lớn các sáng tạo vẫn còn nguyên. Lẽ tự nhiên không có mấy ai ra công tập trung tư tưởng để tạo ra vật gì xấu xí hoặc gây phiền muộn.
Vấn đề chính là số đông người những ai không đủ sức tập trung tư tưởng lâu. Các ông thầy nói là người trung bình, khi biết không cần phải làm lụng mệt nhọc để có thực phẩm hay tiền bạc, sẽ rơi vào tình trạng vô dụng, biếng nhác và không còn có ích gì cho chính mình hay người khác. Những người này, mấy ông thầy nói, giống như khối đông đảo người trần không suy nghĩ, làm trì trệ bánh xe tiến hóa trên địa cầu.
Nhiều người ở Tổng Hành Dinh có may mắn được chỉ dạy tinh thần làm họ tin vào sự bất tử của linh hồn họ. Những người này, tuy không phải ai cũng có văn hóa hoặc có học cao, dường như nắm được ý mấy ông thầy dậy họ. Người khác, như Cummings, có học hơn họ nhiều lại thấy không thể tin được những điều kiện lạ lùng đó, mà cần có chứng cớ khoa học giải thích cho họ trước đã, thì mới chịu làm việc với những luật quản trị cảnh giới lạ lùng này.
Nhiều người lính thấy cay đắng với việc bị mất thân xác, lòng đầy oán hận nên chỉ nguyền rủa ai quyền hành đã bắt họ rời bỏ cuộc đời mà họ đã chuẩn bị để sống, và đẩy họ vào lò sát sinh. Lính rủa xả thậm tệ những người ấy, gọi họ bằng những tên tệ nhất, xấu xa nhất và tìm cách trả thù. Tất cả những gì họ muốn chỉ là làm cho ai đã bắt họ phải mất đời trai trẻ, bị đau khổ như họ đã bị đau khổ.
Morton và mấy ông thầy đã hoài công vạch cho họ thấy thái độ đó chỉ vô ích và bảo.
– Chúng tôi không phải là thánh thần. Chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn các linh hồn sử dụng cuộc sống bên này ra sao.
Tuy nhiên những người ấy lòng đầy oán hận nên không chấp nhận lời khuyên nhẹ nhàng đó.
Trả thù thì có lợi gì ? Morton vạch cho họ thấy rằng chương trình hợp lý nhất là làm việc một cách thông minh, để có được đời sống tốt đẹp hơn ở cõi trần. Ông còn nói đó là lý do tại sao ông, và những người khác như ông, đã ở lại cõi trung giới, ra sức ở đó bao thế kỷ, giáo dục và giúp đỡ các linh hồn ý thức những điều họ có thể làm cho mình.
Ông giải thích những điều kiện khi trước ở cõi này. Quả thực nó là địa ngục, nhưng giống như trên Trần, một số nhỏ các linh hồn giác ngộ và không ích kỷ, đã tận tụy làm việc để biến nó thành chỗ tốt đẹp hơn. Nay, như người ta thấy, cõi trung giới đã thành nơi có trật tự, có tiến bộ, và mỹ lệ. Người ta không cần phải tin là có thiên đàng hay hỏa ngục, trừ phi tự mình tạo ra nó. Có tiếng la ó phản đối ồ lên.
– Tự mình quyết định hay sao ?
– Không có Thượng đế làm mình hạnh phúc ư ?
Và Morton trả lời:
– Chỉ có phần Thượng đế trong lòng anh. Anh là một phần của sự Thiêng liêng mà mỗi chúng ta đều ở trong đó.
Nay khi thấy mình ở trong cõi tâm linh, đa số người mong là một vì Thượng đế, mà họ tin và thẳng thắn nói ra hoặc dấu trong lòng, sẽ thưởng cho những đau khổ của họ. Khi ấy Morton sẽ hỏi:
– Người trần có tìm thấy được những thần thánh đó chưa ?
Họ phải nhìn nhận là chưa.
– Thế thì tại sao các anh mong là mình sẽ tự động được ân phước như thế ở cõi bên nây ? Sang đây anh còn phải tự mình tạo nên cuộc đời hơn ở cõi trần. Luật Nhân Quả quản trị mọi linh hồn. Ở đây anh có nhiều cơ hội hơn vì không phải làm lụng để kiếm sống. Đây là điều mà anh phải ý thức, chúng ta là sản phẩm của tư tưởng mình. Anh đã có nhiều kiếp ở cõi trần, cững như có nhiều kiếp ở cõi trung giới. Anh là tổng hợp của tất cả những tư tưởng trong các kiếp sống ấy. Tại sao không nắm cái ý tưởng là dùng những kiếp qua để làm kiếp này tiến bộ hơn ? Dù anh ý thức hay không, anh là một phần của cuộc tiến hóa của nhân loại. Tự anh quyết định mình là sự trợ giúp hay là điều cản trở cho nhân loại tiến lên.
CHƯƠNG XXII
Khi có ai muốn tranh luận, Morton sẽ bảo:
– Đem ý kiến của anh mà đọ với Luật của Sự Sống thì chỉ vô ích. Chúng tôi cho anh dụng cụ để làm việc, phương tiện để anh có thể tạo cho mình một đời sống tràn đầy và tiến bộ. Khi chúng tôi cho anh hay cách làm chủ những luật này và sử dụng nó, là chúng tôi đã làm hết sức mình. Hãy lợi dụng tối đa cơ hội hiện có, vì chúng tôi không thể dành thì giờ cho ai không chịu nỗ lực để tự giúp mình. Chúng tôi có quá ít người ở đây.
Có vài người hay chỉ trích mấy ông thầy, và cho rằng không nên bắt buộc họ phải tự giúp mình. Các giảng viên bẻ lại bằng cách hỏi họ có biết là không giảng viên hay ông thầy nào có bổn phận gì phải giúp họ cả, và họ được giúp chỉ vì tình huynh đệ và lòng từ thiện mà thôi.
Những kẻ tệ nhất trong nhóm người than phiền phá ra cười khi nghe như vậy. Giúp đỡ kiểu gì đây ? Chẳng có gì mà chỉ toàn là luật với lệ.
Tới đây thì Morton được cầu cứu để xử sự với mấy người này, ông làm vậy mà tỏ ra nóng nẩy.
– Mấy anh có bao giờ nghĩ tới chuyện là điều gì sẽ xẩy ra nếu chúng tôi bỏ mặc mấy anh ? Tôi sẽ cho các anh hay. Anh sẽ bất lực không thể rời khỏi bãi chiến trường là nơi anh bị tử trận. Nếu muốn, chúng tôi có thể bỏ công việc này và bỏ luôn mấy anh. Chúng tôi đã làm chủ được trí tuệ của mình đến mức chúng tôi có thể đi lên cõi Tinh thần và bỏ mặc những người như các anh.
– Cõi Tinh thần ! vài người kêu to.
– Phải, cõi ngay bên trên cõi này, nơi mà các linh hồn đã học và biết sử dụng luật cho mình.
– Đó hẳn phải là chỗ khá hơn ở đây. Có giọng của ai đó ngắt lời.
– Về nhiều mặt nó là như thế. Nhưng các anh phải học nhiều trước khi tới mức có thể bỏ thể tình cảm, để có một thể thanh bai hơn và vào được cõi mà chúng tôi gọi là cõi Tinh thần (cõi trí, theo từ ngữ TTH). Muốn làm vậy thì các anh phải cởi bỏ thể tình cảm, giống như anh phải ra khỏi thể xác và ở trong thể tình cảm như bây giờ đây. Việc thoát ra khỏi thể này xẩy ra không phải do bom đạn, mà do tư tưởng mạnh mẽ và ý chí của anh. Anh cần hiểu là chúng tôi không thúc đẩy anh phải tự giúp mình.
Anh được cho cơ hội để học những gì chúng tôi có thể dạy anh. Nếu anh chọn sự ngu dốt và bất lực, thay vì hiểu biết và năng lực thì đó là chuyện của anh và anh phải nhận hệ quả của nó. Tự do ý chí là Luật quí giá nhất và cũng nguy hiểm nhất trong số các luật. Các anh không thể bị ép buộc phải làm điều gì, mà chỉ có thể được khuyến dụ. Quyền chọn lựa là của anh, và anh phải chấp nhận hệ quả.
Khi những lời nghiêm khắc này bắt đầu thấm và người ta khởi sự hiểu ý nghĩa của nó, vài người khi trước phản đối nay nhận thấy nghe theo lời khuyên này là việc khôn ngoan. Đa số thì chỉ cười cho qua lời khuyến cáo của Morton, rồi tiếp tục tranh luận và chỉ trích.
Những người khá nhất, người như Cummings, ngay từ đầu tỏ ý hăng hái muốn học. Lẽ tự nhiên các giảng viên cảm thấy chú ý tới họ hơn.
Một hôm giảng viên trẻ Ransome tới gặp anh và nói.
– Cummings, anh có trí tuệ tuyệt lắm. Chúng tôi luôn luôn muốn tìm ai có trí tuệ hơn trung bình với hy vọng là có thể khuyến dụ họ học thành Giảng Viên.
– Nó có nghĩa là sao ?
– Nó có nghĩa hoàn toàn làm chủ năng lực tư tưởng của mình. Sau khi anh rời bỏ thế giới vật chất, quyền năng duy nhất mà anh có được là quyền năng sinh ra bằng tư tưởng. Ai có thể đạt được trình độ cao của việc sử dụng trí tuệ của mình thành nhân vật chỉ huy nơi đây, người sáng tạo và là giảng viên trong cảnh giới mà chúng ta sinh hoạt. Giảng Viên còn gồm luôn cả tiêu chuẩn về văn hóa. Người thầy đạt tới bằng cấp và nhận được nó y như ở đại học dưới trần.
– Nhưng không phải chỉ những ai có học vấn cao mới nhận được văn bằng sao ?
– Không, đây là nền dân chủ tâm linh, và chúng tôi cho ngay cả cho ai dốt nát và mù chữ một nền giáo dục tuyệt vời, nếu họ muốn học và chịu học. Những ai danh tiếng trong các ngành học khác nhau ở cõi của bạn, khi sang bên này họ rất vui sướng được chia sẻ hiểu biết của mình và dạy học. Đương nhiên chúng tôi không có sách vở, bản đồ hay tài liệu để đọc. Mọi chuyện làm bằng cái trí và lời nói, ngoại trừ việc học toán.
Trong trường hợp đó giảng viên sẽ nhờ giúp để tập trung tư tưởng vào con số cần cho bài toán, và chúng hiện ra trên vật trông như bảng đen. Cách làm việc này chậm, nhưng chúng tôi thấy kết quả tốt đẹp giống như học dưới trần. Thực vậy, so sánh với thời gian và chi phí dành cho việc giáo dục ở dưới trần tại Hoa Kỳ, chúng tôi ngạc nhiên thấy nó cho kết quả ít oi so với thành quả có được theo phương pháp của chúng tôi.
– Chuyện không ngừng làm tôi ngạc nhiên là thấy trí não các anh tân thời ra sao ở cảnh giới này.
– Phải, ngay cả những ai trong chúng tôi đã ở đây hai hoặc luôn cả ba thế kỷ cũng tân thời. Ấy là vì chúng tôi tiếp xúc với mỗi thế hệ khi họ qua đây, và nghe những tư tưởng cùng tập tục đang thịnh hành ở cõi trần vào lúc đó. Vài người trong chúng tôi vẫn còn ăn mặc theo lối cũ, do thói quen của mình, nhưng chúng tôi theo kịp trào lưu tư tưởng.
– Anh nói làm cho việc sống ở bên nây nghe thật là thích thú.
Cummings bắt đầu ý thức là có thể có tương lai, có sự nghiệp cho mình ngay cả ở cảnh đời này, dù cho tới nay thấy thiệt là trống vắng.
– Anh chưa biết gì về cõi của chúng ta, Ransome tiếp tục. Ở đây chúng tôi chỉ tìm cách cứu linh hồn của binh lính tử trận. Khi có hòa bình thì chúng tôi ai nấy quay về nước, khi đó anh sẽ có thể gặp thân nhân của dòng họ anh, những người đã sang cõi này trước anh. Anh sẽ có lợi thế là được họ giúp đỡ, và không chừng là khách trong nhà của họ.
– Nhà ? Có chuyện đó nữa sao ?
– Có chứ. Ransome mỉm cười trước câu hỏi. Bộ anh tưởng chết rồi thì người ta không còn thích có một chỗ cho riêng mình à ?
– Nhưng đâu có vật liệu nào ở đây ? Làm sao người ta có nhà ?
– Họ có thể nghĩ ra hình ảnh ngôi nhà từng chút từng chút một. Đầu tiên là một phần của bức tường; rồi một cái cửa sổ, có thêm tường, rồi cửa lớn và cứ tiếp tục cho đến khi dựa theo trí nhớ họ tạo ra trở lại một chỗ gọi là nhà ở cõi trần.
– Thế thì nó hoàn toàn dựa theo trí nhớ phải không ?
– Phải. Cố nhiên có người có óc tưởng tượng thật hùng mạnh, như kiến trúc sư, nghệ sĩ, nhà thầu xây cất, ai thích sáng tạo mẫu nhà mới thay vì nhà mà họ đã ở trước kia. Những dinh thự nguy nga của chúng tôi, công ốc, thính đường hòa nhạc, thính phòng, giảng đường được họ vẽ kiểu và do tư tưởng của khối đông người tạo nên.
– Tôi tưởng cách đó chỉ gây rối rắm, lộn xộn.
– Không đâu, vì trước hết nhà vẽ kiểu tạo ra hoạ đồ nhỏ, rồi ông họa kiểu mỗi phần riêng biệt để mọi người cùng tạo hình ảnh ở mức độ lớn. Ông hướng dẫn tư tưởng của những ai trợ lực bằng cách kêu họ tập trung tư tưởng vào mỗi phần một lúc, cho tới khi trọn công trình hoàn tất. Những công thự của chúng tôi có thể tương đương với các khách sạn tiếng tăm của bạn.
– Ai ở trong đó ?
– Những linh hồn nào mới sang đây và không có bạn bè nào lo cho họ.
– Nhưng tôi không thấy có vật nào như vậy ở đây. Bộ người Pháp không có những dinh thự đó sao ?
– Tự nhiên là họ có. Anh chưa thấy được vùng trung giới của Pháp vì anh vẫn còn vướng bận ở cõi trần. Hiện tại chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi phải giữ cho mình ở gần cõi trần để tiếp nhận các anh khi các anh qua đây. Khi quay về Hoa Kỳ, tức vùng trung giới của Hoa Kỳ, chúng tôi có thể chỉ cho anh một vùng làm anh ngạc nhiên.
– Chừng nào thì mình quay về ?
– Chừng nào có hòa bình. Từ đây tới đó chúng tôi phải trụ ở đây.
– Tụi tôi cũng phải ở đây nữa hay sao ?
– Phải, các anh chưa thể tự lo thân được. Một số nhỏ những người đầu tiên qua đây có thể được gửi về theo chuyến tầu tới chở thương binh về nước. Những linh hồn nào đã học cách lo được cho chính mình sẽ có thể về nhà.
Nghe chữ ‘nhà’ làm Cummings nẩy sinh lòng ao ước mà hồi nào tới giờ anh không có, ngay cả khi chịu đựng cuộc sống thiếu thốn trong giao thông hào. Anh không ao ước một chỗ riêng biệt hay khung cảnh chi. Điều anh muốn là được trở về với người trong nước, tạo nên một phần của đời sống Hoa Kỳ. Anh lại có ước ao mãnh liệt muốn có chỗ của mình, như là tế bào trong cơ thể của chàng khổng lồ trẻ tuổi đang khôn lớn.
Khi tìm cách phân tích lòng nhớ nhà của mình, Cummings thấy ngộ nghĩnh. Anh, kẻ thích du lịch hơn ai hết, kẻ tự gọi mình là con người quốc tế, kẻ thường khẳng định là tinh thần con người phải không nhìn nhận có biên giới các nước; anh không có nhà theo nghĩa riêng tư, nhưng anh biết mình có ngôi nhà tinh thần, và đó là với những ai mà anh từ đó sinh ra.
CHƯƠNG XXIII
Dựa theo những gì đã học được, Cummings bắt đầu tự hỏi là Doris Fuller phản ứng ra sao với tin anh bị tử trận. Cô sẽ quan tâm đến nó không ? Cố nhiên anh hiểu là cô sẽ hối tiếc, và Martin cũng vậy. Nhưng trong đời cô sẽ nhớ anh nhiều không ? Anh không biết chắc.
Bây giờ thì thật sự là anh cô độc một mình. Không chừng là mẹ anh, và có thể luôn cả cha anh, đang chờ anh trong căn nhà ở cõi trung giới như mấy ông thầy đã tả. Hẳn anh sẽ vui khi hội ngộ như thế, nhưng nó không làm đời anh được trọn vẹn.
Nay anh có một ước ao, lớn lao hơn những gì anh biết trong đời, khiến anh ngộp, là muốn thành một phần của một người khác, trao mình như là tình nhân, dâng hiến trọn người anh cho kẻ dấu yêu. Anh biết Doris là người anh muốn kết hợp, nhưng anh không dám để cho ý nghĩ chiếm trọn tâm hồn mình.
Anh phải tìm hiểu thêm về tình yêu. Có thể có tình yêu sau khi chết không ? Cuối cùng khi anh lấy hết can đảm để nói về chuyện này, Ransome mỉm cười và nói.
– Câu hỏi của anh nằm trong tim của bất cứ ai cao hơn loài vật. Trọn khuynh hướng yếm thế trong thời đại của anh vẫn không hủy được cái ước muốn căn bản là muốn có bạn đời. Ở cảnh này chúng tôi biết được tình yêu theo nghĩa toàn vẹn của nó. Có thể nó không đúng y như anh tưởng. Ở đây chúng tôi đã tìm ra được giải đáp cho sự bí ẩn trong bao thời đại, là bí mật của việc có bạn tình đúng cho mình.
– Khó mà tin có chuyện đó.
– Tôi muốn nói là chúng tôi đã tìm ra sự kiện, và chứng minh được rằng mỗi linh hồn có linh hồn khác tương hợp hoàn toàn với nó.
– Làm sao anh có thể biết được chuyện đó ?
– Bởi vì chúng tôi tìm ra là có một luật thiên nhiên chi phối mọi sự sống. Người bạn tình của anh có cùng độ dài sóng và cùng làn rung động như anh.
Cummings tỏ vẻ thất vọng.
– Đối với anh nó có vẻ như là giải pháp máy móc, nhưng chúng tôi thấy đó là giải pháp đúng thật.
– Mà anh không có dụng cụ nào ở đây để thử nghiệm lý thuyết như vậy. Làm sao anh biết ai là bạn tình của ai ?
– Vì khi họ gặp nhau, hào quang của hai người hòa vào nhau như là một. Chúng tôi sẽ có thể cho anh thấy người nam và người nữ, sau nhiều thế kỷ đau khổ vì bị chia lìa với người bạn tình chân thực của mình, được đoàn tụ nơi đây qua sự kiện là làn rung động hòa hợp.
– Làm sao họ bị tách biệt nhau nếu họ đúng là tri âm tri kỷ của nhau ?
– Trong phần lớn trường hợp trong quá khứ, một người chết trước và thay vì chờ đến lúc bạn mình sang cõi này, họ đã tái sinh khiến cho đôi bên lạc nhau trong nhiều thế hệ. Linh hồn này chỉ cảm thấy thỏa lòng khi gặp linh hồn kia, là người mà nó hằng tìm kiếm để kết hợp trải qua vô số hình thể và sự sống, từ khi cả hai sinh sôi từ tế bào đầu tiên.
Cummings ráng dung hòa ý tưởng này với quan niệm riêng của mình về tình yêu.
– Tốt hơn anh nên chấp nhận như vậy. Nó là câu trả lời duy nhất người ta tìm ra được cho lòng khao khát chung của linh hồn.
Nghe đầy tính khoa học quá nên không làm mãn nguyện, nhưng mà ... Thôi, anh phải nhìn nhận là tới nay, anh đã có thể chứng thực tới một phần nào mọi chuyện mà mấy ông thầy nói cho biết. Việc phải làm là trước tiên theo lời khuyên của họ và học cho rành cách sống ở bên đây.
Tình yêu ! Anh sẽ tin là Ransome nói đúng khi lý thuyết được chứng minh cho thấy. Tuy nhiên, sâu thẳm trong lòng anh cảm thấy một niềm hy vọng lớn lao.
Nếu đó là câu trả lời thì sao ?
Nếu sự việc đúng như Ransome nói và người trần chỉ cần biết điều này thì họ tránh được đau khổ như thế nào ! Tâm tưởng anh hướng về Doris. Cô có phải là người tri âm tri kỷ của anh chăng ? Nếu đúng vậy thì chắc cô không hài lòng với cuộc sống của mình, nhưng xem ra cô và Martin có hạnh phúc. Không có dấu hiệu gì là giữa hai người có xung đột và thấy như là cả hai rất sung sướng.
Nếu Martin có người bạn lòng ! Không phải Doris mà là một người, giống như anh, do số mạng thấy đời trống rỗng và vô vị, vì đó cảm nghĩ của anh hiện giờ. Thế thì phụ nữ ấy cũng phải chờ tới khi qua đời mới có được tình yêu đúng thực với Martin.
Ý nghĩ có bạn tình chân thực bắt đầu khuấy động trí tưởng tượng của anh, làm Cummings ngẫm nghĩ về chuyện tình của các bạn anh và ngay cả với ai chỉ quen biết. Anh kết luận là đa số những người này không được hạnh phúc và chỉ sống theo dòng đời đưa đẩy, làm hết sức mình với lý tưởng không thành.
Nhưng nếu cái lý thuyết này đúng thì sao – cái nói về thử nghiệm bằng làn rung động ?
Trọn câu chuyện thấy đơn giản quá không tin được. Anh ngạc nhiên với cách Morton, Ransome và những ông thầy khác bình thản nói lên những điều thật lạ lùng của họ. Hiển nhiên là họ tin các việc ấy. Vậy tại sao anh lại nghi ngại ?
Nhưng với trường hợp của Doris và anh thì nó vẫn chỉ là giả thuyết. Có thể hai người tính ra không phải là bạn lòng của nhau. Rồi anh phải tìm xem ai là người hợp với anh, ai chịu đi tìm anh. Mà anh không thể nghĩ ra được niềm hạnh phúc lý tưởng với ai khác ngoài Doris.
Chuyện gì về Doris cũng có ý nghĩa đối với anh – giọng nói của cô, cách Doris dùng đôi bàn tay mình, nụ cười, và cả khi anh ngắm nhìn cô. Cô không đẹp một cách đặc biệt, da không trắng nuột nà hoặc rám nâu, không thuộc một loại rõ rệt nào. Đôi khi anh tự hỏi điều gì khiến anh thấy cô đáng yêu hơn hết so với hết tất cả những phụ nữ mà anh biết. Chỉ giản dị là cô đúng là người để cho anh.
Chồng cô dường như không hề nhận thức là bản chất cô khác người ra sao, thanh nhã như thế nào. Có vẻ như Martin coi đó là chuyện tự nhiên. Đôi lúc anh nghĩ rằng Martin không thật sự quý chuộng nét lạ lùng và đáng yêu của vợ mình. Liệu những người khác có rung động như anh đã từng rung động không, anh tự hỏi. Khó mà tin là họ không cảm thấy gì. Anh tin chắc là không người đàn bà nào có thể gợi cho anh sự ham muốn có được họ, như anh đã từng ham muốn có cô – người duy nhất mà anh không thể tỏ tình yêu của mình đối với cô.
Một hôm anh nằm trên giường cố gắng trụ tư tưởng vào một ý nghĩ duy nhất. Bọn anh giống như tù, bị cầm giữ ở chỗ này gọi là Tổng Hành Dinh, coi giống như một khu vĩ đại trong bệnh viện vũ trụ, không có cửa sổ để nhìn ra thế giới bên ngoài. Morton nói với họ rằng đây là trại huấn luyện cho họ học cách dùng cái trí, và chính sự đơn điệu sẽ giúp làm họ quay vào nội tâm của mình, giúp cho việc họ bị buộc phải suy nghĩ – là điều quan trọng nhất cho họ, để họ học cách suy nghĩ.
Anh chọn cái nhẫn mà cô thường đeo làm đối tượng cho việc tập trung tư tưởng của mình. Đó là chiếc nhẫn lam ngọc (sapphire) rất đẹp, cái nhẫn duy nhất mà cô đeo không kể nhẫn cưới. Nhẫn là quà tặng của Martin và không có liên quan gì đến anh. Anh thích chiếc nhẫn ấy và nghĩ lam ngọc hợp với mầu da của cô. Viên ngọc hiện rõ trong trí của anh, và anh lại còn tập trung tư tưởng vào cái viền bao quanh nó. Anh hình dung cái nhẫn như là nằm trong lòng bàn tay mình, như có lần anh hỏi xem để nhìn kỹ vật.
Khi đã giữ trong trí một lúc hình ảnh vật trang sức này, anh giật mình thấy chính cái nhẫn nằm trong lòng bàn tay. Trong một lúc anh không tin vào mắt mình. Anh hỏi người bên cạnh là họ có thấy gì trong tay anh chăng. Người lính đó tả chiếc nhẫn với đủ hết chi tiết.
– Trời, anh kiếm nó ở đâu ra vậy ?
Anh giải thích là mình đã nghĩ một lúc lâu về cái nhẫn như vầy, nó là của một người bạn, rồi cái nhẫn y hệt vật mẫu hiện ra.
Đây có phải là điều mà Morton muốn nói khi ông tả về việc tạo tác ? Nó phải có nghĩa đó, anh tự hỏi mình phải làm gì với vật. Anh thử nhón nó lên tuy nhiên anh không cảm thấy chi cả; nó là một hình dạng (appearance) như mọi vật ở đây là hình dạng vậy. Khi có cơ hội anh hỏi Morton về chuyện này. Ông thầy mỉm cười.
– Anh đã sáng tạo được vật đầu tiên. Nay anh có thể thấy những khả hữu của việc sáng tạo từ thanh khí ether. Chỉ xin có một khuyến cáo: Hãy xem chắc là anh thật sự ham muốn vật mà anh tạo ra. Có người thấy mình bị ngượng ngùng xấu hổ với vật họ tạo thành hình. Chúng tôi ngạc nhiên là anh có thể tạo nên vật theo hình trong trí sớm sủa và rõ ràng như vậy. Với đa số người họ phải mất nhiều năm mới làm được.
Vật nằm đó trong tay anh, cái nhẫn đáng yêu của người đàn bà mà anh thương mến.
(còn tiếp)