1001 CHUYỆN #39

1001 Chuyện

 

– Mimi của em lên thiên đàng rồi Bo ơi. Nó hay đi chơi ban đêm, sáng về ngủ, nhưng ba ngày nay không thấy nó về. Tối qua em nằm mơ thấy nó chạy đến với em, em và Kim ôm ấp nó vì nhớ nó quá và nó cũng đáp ứng lại như khi còn sống, tỉnh giấc, em biết là nó đã chết rồi. Tội nghiệp Muni cô đơn, vẫn đến ăn và vẫn không để cho em vuốt, nhưng em hỏi nó Mimi đâu thì nó nhìn ra cổng, là nơi mà Mimi hay chạy vào mỗi sáng để đón Muni.
Mấy hôm nay tụi em hụt hẫng, Kim in ra tờ cáo bạch Lost Cat rồi đem dán lên các cột điện ở góc đường. Nhưng bây giờ em biết là không còn Mimi bằng xương bằng thịt nữa, chắc bây giờ nó chỉ lẩn quẩn trong nhà với tụi em. Khi còn sống nó làm như con mình vậy đó vì chỉ có mình nó, và em chìu chuộng nó nhiều; nó ngủ cả ngày trên ghế salon dưới chân Kim, khi tỉnh dậy vào buổi chiều là lúc em trong bếp nấu cơm thì nó đi vào, ngái ngủ kêu vài tiếng meo meo rất nhỏ cho mẹ hay là nó dậy rồi. Thương lắm Bo ơi, khi đó em hỏi nó là con muốn ăn hả, và nó bắt đầu đi trước em ra cửa để được ăn và đi tè.
– Bà Dora Kunz kể là có lần lái xe thấy một con chó bị xe đụng chết. Nó bị mất phương hướng và đi lòng vòng, bà mới làm nó bình tâm lại và bắt đầu cuộc sống mới ở bên kia. Có nghĩa không có đau đớn sau đó. Mấy năm trước cưng nói có sáng sớm đi bộ gặp con báo sau nhà, hai bên nhìn nhau kinh ngạc rồi báo phóng đằng báo, người chạy đằng người, 180 độ với nhau, thì có thể nay con báo đã lấy Mimi đi. Nhưng Mimi về gặp cưng là nó đã bình thường trở lại, không còn hoảng sợ, đã an ổn như con chó kia và sống theo thói cũ rồi.
Nó biết tìm về gặp cưng với Kim là hay lắm. Đâu có mấy ai nằm mơ thấy chó mèo về thăm mình đâu, như Mimi. Con mèo hay quá, tỉnh mau lẹ thiệt. Cám ơn Trời. Mimi yên ổn, an vui rồi thì cưng cũng an lòng và vui đi. Để giúp có thái độ này thì nhớ là khi học hỏi MTTL mình nên tập nhìn sự việc theo quan điểm tinh thần, và nên luôn hiểu rằng đối với những đấng Cao Cả biết và làm việc cho Thiên Cơ, và những ai hướng dẫn nhân loại có các phát triển mới, mặt hình thể của sự sống, phần thể hiện hữu hình bên ngoài, thì hoàn toàn có tầm quan trọng thứ yếu. Cái nhìn của con người thường bị méo mó do sự đau đớn, khổ não, mà hình thể tức thân xác phải chịu đựng (hoặc đó là chính mình hay kẻ khác, từng cá nhân hay khối đông người), thành ra mình không thấy rõ ràng mục đích và sự thúc bách của sự sống bên trong hình thể.
Cho rất nhiều người Việt hay hằng triệu gia đình trên thế giới trong các cuộc chiến, chiến tranh là tai biến tột cùng, là điều tệ hại phải tránh với bất cứ giá nào trong tương lai, là chuyện khủng khiếp và ghê gớm xẩy ra cho thấy lòng ác độc của con người, và lòng dửng dưng mù quáng không tin được của Thượng đế. Nhưng theo các Vị ở bề trong, chiến tranh như thế chiến cótính chất là một cuộc giải phẫu lớn, được làm để  nỗ lực cứu sự sống của bệnh nhân. Nói theo biểu tượng thì ấy là việc vi trùng dữ dằn và sự nhiễm trùng đe dọa mạng sống của nhân loại, và có giải phẫu hầu kéo dài cơ hội và cứu mạng sống, mà không phải là cứu hình thể.
Cuộc giải phẫu nhiều phần thành công, tuy vi trùng, hay mầm bệnh, chưa được trừ tuyệt và vẫn còn khuấy động ở các nơi nhiễm trùng trong cơ thể của nhân loại. Mình nên nhớ rằng Sự Sống, mục đích và vận mạng có chủ ý được hướng dẫn của nó, mới là điều quan trọng, và khi một hình thể tỏ ra kém khuyết, hay quá đau ốm, quá suy yếu không thể biểu lộ mục đích ấy thì theo quan điểm của Thiên Đoàn, việc hình thể phải ra đi không phải là thảm họa. Sự tử không là tai ương phải sợ, việc làm của đấng Hủy Diệt thực ra không tàn nhẫn hay không đáng ước ao.
Có hai đường lối cho sự hủy diệt: một cái do con người gây ra mà không hiểu mục đích sự sống, họ hành động mù quáng và vô minh, bị thúc đẩy do ham muốn ích kỷ, do lòng ưa thích quyền lực hay thù ghét; rồi cũng có sự tàn phá mà linh hồn cho phép vào đúng lúc đúng dịp, và nó đến khi sự sống bên trong đòi hỏi có một thể mới để thể hiện.  Vì vậy, có nhiều sự hủy hoại được những đấng Cao Cả cho phép xẩy ra, và nhiều chuyện xấu biến thành tốt, vì chung cuộc đã được thấy ngay từ đầu, và tâm thức chín mùi do kinh nghiệm đủ để rời bỏ hình thể, cũng như cảm nhận được những lợi ích nhờ vậy sẽ tới.
Điều này đúng cho cá nhân, cho một nước và các giống dân. Có nhậy cảm với nỗi đau khổ trong thế giới là chuyện đúng, dầu vậy nếu bị tình cảm chi phối nó thành có tính chia rẽ, khi diễn giải và trụ vào chuyện này hay kia, vào cá nhân, và do vậy sinh ra huyễn tưởng và ảo ảnh, lầm lộn vấn đề thật và con người hoa mắt với những dữ kiện thiêng liêng.
– Covid thì sao, có liên quan gì tới đó không?
– Covid có tính cách nhóm, làm số đông người được gọi về. Nói về mặt sinh lý thì mầm bệnh là sinh vật, to hay nhỏ; nó tìm đường vào cơ thể con người qua máu, dùng tim và mạch máu để luân lưu và được phân phối đi khắp nơi. Cũng y vậy, năng lực tâm thức dùng hệ thần kinh và não bộ là phương tiện để lan đi. Nơi nào trong cơ thể suy yếu do có sẵn hay do di truyền, ở đó sinh lực không được phân bố đều, và mình sẽ thấy có sự thiếu phát triển hay tình trạng dễ mắc bệnh. Nếu là trường hợp như vậy, mầm bệnh có thể tìm thấy nơi thích hợp cho sinh hoạt độc hại của nó.
Khi người ta có sinh lực mạnh, dòng lực tuôn chẩy tự do không bị ngăn trở thì sẽ không có tình trạng dễ mắc bệnh, mầm bệnh không tìm được nơi trụ vào và sẽ không có rủi ro bị nhiễm trùng. Sinh lực tuần hoàn tựa như nước chẩy trong dòng sông. Khi dòng nước đi suông sẻ, nước chẩy mạnh lôi cuốn rác đi tức chất thải làm sạch đường nước; khi dòng nước bị nghẽn, nước chẩy yếu hay có thể tụ lại không đưa rác đi, và mình có tình trạng ao tù nước đọng dễ sinh bệnh.
Đó là mặt thể chất, con người sống trong môi trường có nhiều mầm bệnh nhưng việc nhiễm trùng thường là do karma cá nhân, riêng cho mỗi người. Sự bảo vệ thực sự duy nhất đối với việc nhiễm trùng là tạo, và duy trì các thể lành mạnh, dẻo dai. Một tâm thần lành mạnh tạo nên một thể sinh lực có sức kháng cự với bệnh. Con người tự làm cho mình có sức khỏe yếu kém trước, rồi tình trạng ấy mới cho phép mầm bệnh, vi trùng đi vào cơ thể, và sinh ra dạng bên ngoài của bệnh; hoặc mầm bệnh nằm sẵn trong cơ thể của đa số người rồi, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là phát ra. Việc xẩy ra ở đây theo một nguyên tắc chung thấy nơi nhiều điều khác, ấy là sự biểu lộ bên ngoài (tức là bệnh) thường khi không có tác nhân hữu hình (mầm bệnh), mà nguyên do chính là phần vô hình xẩy ra trước (dòng sinh lực lưu thông yếu), rồi đưa tới bệnh hiển hiện sau.
Khả năng không bị nhiễm trùng và có miễn nhiễm đối với bệnh hay lây phần lớn là nhờ sinh lực, mà cũng dựa trên hoạt động của các huyết cầu, chúng giữ cho dòng máu ở trong điều kiện tốt. Khi sinh lực tích cực và mạnh thì nó có tác dụng che chở, khi tiêu cực và yếu nó làm cho cơ thể dễ bị nguy hại là nhiễm trùng.
Lý thuyết khoa học về mầm bệnh nói chung là đúng, nhưng nó chỉ là vậy nếu mình nhớ trong trí là trên thực tế, mầm bệnh là hệ quả của các nguyên nhân mà người nghiên cứu chưa đụng tới, và nằm ẩn dấu trong lịch sử xa xăm của trái đất, của giống dân, với sự kiện là có rất ít hay không có gì được biết về chúng. Ta chỉ có suy đoán, giả dụ mà thôi, ngoài ra chuyện nhiều phần không thể nói đầy đủ hơn bao lâu mà con người còn giữ cách suy nghĩ hiện nay, còn có phản ứng tình cảm vẫn hay gặp với sự đau đớn và bệnh tật, cũng như bao lâu mà mình còn nhấn mạnh quá đáng lên sự sống của hình thể.
Đi sâu thêm thì suy nghĩ luôn về các yếu tố thể chất nơi mình thì không phải là cách của ai học chuyện tinh thần. Chúng ta được dạy là phải nhắm vào việc hòa hợp ba thể, và vào mục đích là trở thành con kinh thanh khiết cho linh hồn. Sự hòa hợp này bình thường có được theo cách sau:
● Lập hạnh
● Tham thiền để nhờ vậy tiếp xúc với linh hồn
● Phụng sự
Việc thực hành ba điều này trong nhiều năm sẽ sinh ra kết quả muốn có không tránh được, về tinh thần cũng như thể chất. Trong lúc này, một đời sống bình thường, lành mạnh, điều độ là cách tốt nhất để có sinh lực tốt đẹp. Dầu vậy ta cần nhớ là khi thể sinh lực tỏ ra yếu kém, và tình trạng xem ra khó mà, hay không thể, tái lập cho khá hơn, thì phải nhìn nhận là có giới hạn do karma áp đặt, và có sự sẵn lòng nhận chịu, và để sự việc tự nó giải quyết lấy. 
Ý chính là kiếp sống này không phải là kiếp duy nhất của ta, thế nên thường khi trong bất kỳ lần tái sinh nào có tình trạng không thay đổi được, nó có thể sẽ hóa dài thêm khi có chống đối ở nội tâm và vùng vẫy kháng cự. Ai hiểu biết cần học bài học là tiếp tục sống, làm việc cho dù vậy, và không phải vì vậy như lời thường nói.
Khi người ta có tầm nhìn đúng đắn hơn, và khi con người bắt đầu suy nghĩ về mặt linh hồn, mục đích cuộc sống và vận mạng (nghĩa là việc cần làm cho một kiếp sống, chủ ý khi tái sinh) thì khi ấy, bệnh tật theo mình hiểu sẽ rơi vào một trong hai loại lớn:
* Những bệnh có tính thanh tẩy, và cần một giai đoạn để tu chỉnh lại và cho thân xác nghỉ ngơi, chuẩn bị tiếp tục cuộc sống trên trần.
* Những bệnh sinh ra việc rút về hay linh hồn thu hồi hai khía cạnh của nó: sức sống và tâm thức; nói khác đi là sự tử.
– Mà đầu tiên vì sao có bệnh, như cô Vi hư quá (Covid).
– Có vài nhận xét sau được đưa ra về nguyên nhân của bệnh.
● Thứ nhất, yếu tố bên trong là tâm linh tự nó không thể sinh ra bệnh, nó chỉ muốn nói linh hồn đã sắp xếp để sử dụng một thể xác dễ mắc bệnh nào đó.
● Thứ hai, yếu tố bên trong chỉ trở thành nguyên nhân khi nó làm việc chung với khuynh hướng được thừa hưởng hay di truyền của thể xác. Thành ra có một số bệnh không thể tránh được vì đời sống tâm linh ấn định tình trạng, và thể xác có cấu tạo khiến nó dễ cảm thụ với bệnh nào đó. Đây là ý muốn của linh hồn.
● Thứ ba, tình trạng bên trong tự nó cũng không thể là nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân ấy có khi các yếu tố bên ngoài và bên trong gặp nhau, mà nguyên nhân bên trong là cái khởi đầu. Một yếu tố tâm lý nào đó dẫn tới việc dùng sai năng lực, đưa tới các khuynh hướng bên trong tìm đường biểu lộ nơi cõi trần. Ở đây chúng tiếp xúc với thân xác có tính dễ cảm thụ điều này hay kia, có vài yếu kém bẩm sinh, có tuyến nội tiết bất toàn - tất cả những điều này là một phần của dụng cụ mà linh hồn ấn định là một số bài học cần được thông suốt.
Dây liên hệ giữa các lực bên ngoài và bên trong là nguyên nhân căn bản sinh ra bệnh; nó là sự thể hiện một nguyên tắc chung, là hai mặt âm và dương được mang lại với nhau sinh ra một yếu tố thứ ba, biểu lộ bằng một hình thức bệnh nào đó. Ta phải có vừa tình trạng tâm lý bên trong và nguyên nhân  - là cái thực tại bên trong - với tình trạng thể chất bên ngoài, biểu lộ ra như là sự yếu kém hay không toàn thiện. Hai điều sau này tới phiên chúng là khuynh hướng từ một kiếp trước, là tình trạng dễ mắc bệnh đã sẵn có từ khi mới sinh - do chính mầm trong thể xác, do di truyền hay do lúc sinh ra có tai nạn.
Thí dụ như với bệnh tiểu đường, nhiều phần đó là kết quả của nguyên nhân bên trong hơn là bên ngoài, và có thể bắt nguồn ở kiếp hiện tại, mà cũng có thể do thừa hưởng từ một kiếp xưa. Nếu là điều sau thì khi tái sinh, linh hồn chọn gia đình sao cho gia đình ấy sẽ cho nó một thân xác có khuynh hướng, hay có tính tự nhiên dễ mắc bệnh này. Tuy nhiên mình cũng nên nhớ rằng bởi mầm bệnh nằm ngủ yên trong hạt nguyên tử trường tồn, nó có thể có đó rất lâu, và một bệnh lộ ra ở kiếp nào đó có thể có nguồn gốc từ quá khứ rất xa xưa. Bệnh có thể không bắt nguồn từ điều gì họ làm ở kiếp này. Đột nhiên nó phát ra, chi phối kiếp hiện tại và nhân đó, cho cơ hội để rút về.
Đem hai yếu tố ấn định - trong và ngoài này - lại với nhau và theo luật, chuyện không tránh được là sẽ có biểu lộ hữu hình về bệnh tật hay khó khăn nào đó; nó có thể nghiêm trọng hay tương đối không quan trọng, có thể nguy hiểm cho tánh mạng hay chỉ gây khó chịu tạm thời. Điểm chính yếu muốn nói là không một điều kiện bên ngoài nào tự nó là đủ để sinh ra bệnh, nhưng sự khó khăn là y khoa đương thời chưa chấp nhận giả thuyết có nguyên nhân ẩn kín, ngoại trừ những điều nông cạn như sự lo âu, sầu não có thể làm bệnh tim có sẵn hóa nặng hơn. Trong trường hợp của bệnh truyền nhiễm như cô Vi, nguyên nhân bên trong có nguồn gốc nhóm - tức không phải thuần cá nhân - và vì vậy là ảnh hưởng bên ngoài của nhóm, và là sự thể hiện karma nhóm. Mình có thể thấy vì vậy sự khó khăn của vấn đề rất là lớn.
Như vậy phải có hai yếu tố hiện hữu và hai điều này, khi liên kết và được khích động, sinh ra bệnh, làm bệnh lộ ra. Ta nên nhớ là câu hỏi linh hồn chọn thân xác và loại thân thể, để có thể học một loại bài học và có kinh nghiệm làm hiểu biết hơn, là đề tài chưa được thấu đáo mấy. Ý có thể được đưa ra ở đây về việc này là bệnh tật thường khi là một cách để thanh tẩy, và sau cùng có ảnh hưởng tốt lành. Đó là việc làm thể hiện ra ngoài một yếu tố bên trong bất hảo, và khi nguyên nhân bên trong và bên trong được phơi bầy tỏ tường, sáng rõ, chúng có thể được đối phó, thấu hiểu và thường khi tan biến và chấm dứt qua những khổ ải, đau đớn mà bệnh gây ra. Nhưng nói luôn luôn là chuyện dễ làm.
– Em vẫn thương nhớ Mimi quá.
– Có lời khuyên là nếu muốn giúp ai đã vào cõi sáng, mình gửi tình thương đến họ, nhớ rằng họ vẫn cũng là người ấy, chỉ khác là không còn cái áo ngoài xác thịt gò bó nữa. Cứ giúp đỡ họ, mà đừng đòi hỏi là họ phải thỏa mãn nhu cầu của mình.
– Là sao ?
– Nghe lạ tai, nhưng nghĩ kỹ sự khóc than, tiếc thương khi ai qua đời chính ra không phải cho người ra đi mà chính là cho người ở lại, và có tính vị kỷ nếu không muốn nói là ích kỷ. Người ta đau khổ vì nay không còn thân nhân bên cạnh mình, nhà cửa ra vào vắng vẻ, hay sinh kế sẽ hóa khó khăn hơn, thí dụ vậy. Các thay đổi cho người sống khi có thân nhân qua đời là một thực tại, mà lòng vị kỷ (mất kẻ làm mình hạnh phúc) cũng là một thực tại khác, mình cần có hiểu biết tinh thần để vượt lên trên các thực tại này và thấy Sự Sống.
– Nghĩa là … tùm lum, đang nói tới cái chết mà có sự sống ở đâu chen vào !
– Nó như thế vì có nhiều cách nhìn. Điều gì là thực tại, là chuyện rất thực theo quan điểm này, lại chỉ được xem là chuyện thoảng qua trong một thực tại khác, theo góc nhin khác rộng rãi hơn. Nhiều thực tại hiện hữu trong cùng thời gian và không gian mà ai cũng có kinh nghiệm tuy không để ý, và công việc của mình là sống theo thực tại nào đúng hơn, rộng lớn hơn. Thí dụ dễ nhất là em nhỏ chạy đến với mẹ, bị vấp té trầy da rướm máu và òa ra khóc. Sự đau đớn, hốt hoảng là rất thực, cảm xúc vỡ tung là thực tại chắc như bắp cho em.
Nhưng bà mẹ làm gì ? Cô không khóc cùng với con mà dịu dàng mỉm cười, đón lấy con mếu máo đi cà nhắc tới, cúi xuống ‘mi’ đầu gối và nói.
– Mẹ thương, hết đau rồi.
Cô làm vậy không phải vì cô phủ nhận thực tại của con, mà vì do kinh nghiệm, cô biết điều em nhỏ đang trải qua nhưng cô không sống trong thực tại của em. Dù có thông cảm với con cô vẫn trụ trong thực tại mà cô biết, là điều rộng rãi hơn, đúng thực hơn, và mời gọi con đi vào đó cùng sống với mình, khuyến khích em nhỏ nhìn vượt qua tổn thương to lớn đối với em hiện giờ để thấy điều có thể có, ‘Hết đau rồi’. Thế thì bao trùm cái chết là Sự Sống thiêng liêng và người đã chết, luôn cả Mimi, đang rất linh hoạt trong Sự Sống vĩnh cửu đó, và thực tế là không có cái chết.
Lại nữa, nhìn rộng ra đi, câu chuyện còn hàm một ý quan trọng mà ai học MTTL nên nhớ luôn, ấy là trách nhiệm đi đôi với hiểu biết, có hiểu biết nhiều thì trách nhiệm nặng thêm. MTTL mở cửa cho con người đi vào vùng trời rộng lớn có bao điều thú vị làm người ta hớn hở, vui thích với những hiểu biết thâu thập được. Nhưng có hiểu biết mà không áp dụng tức sống theo điều đã học, đã biết, thì sự việc như dòng nước không luân lưu xuôi chẩy mà đọng lại, thành ao tù nước đọng và bệnh tật xẩy ra.
Ý còn muốn nói là khi ai có được sự sáng, là có trách nhiệm truyền sự sáng ấy cho người khác mà không giữ riêng cho mình, và hay hơn nữa là trở thành sự sáng ấy tới hết mức của mình, tức sống theo MTTL, áp dụng MTTL vào đời mình. Nó không muốn nói ai có chút hiểu biết cũng phải đăng đàn giảng thuyết. Không ai bị đòi hỏi làm quá sức mình, mà ai cũng có thể cố gắng thể hiện Theosophy trong đời ở mức của họ, tại chỗ của họ như là cha mẹ, vợ chồng, chủ nhân, nhân viên v.v.; và làm MTTL sống động trong đời mình là cách truyền bá, giảng dạy có hiệu quả nhất.  
Nói sát hơn nữa thì cưng không cần phải làm việc gì cầu kỳ, lớn lao mà nên nhắm vào việc chi đơn giản, và đặt tình thương là mục đích lớn cho mình. Chọn cách phụng sự nào có giới hạn rõ ràng - vì mỗi ai cũng có giới hạn và không thể có tư tưởng bao trùm trọn thế giới - và làm việc trí tuệ lẫn thể chất trong vòng các giới hạn ấy. Việc hoàn tất một chuyện do chính mình đặt ra cho mình, trong giới hạn của karma và môi trường mà số mạng đặt cưng vào, là tất cả những gì đòi hỏi nơi cưng.
– Em biết, cái đó gọi là Thiên trách, Dharma.
– Sách gọi đó là giới hạn tinh thần. Không có gì quan trọng hơn, hay là lớn hơn chuyện làm tròn phần việc của mình ở vị thế mình đang ở, và với nhóm của mình. Nhóm đó có thể là gia đình, hay là ai khác cộng tác với cưng, Một điều nên để ý là khi bắt đầu có ý thức phụng sự, những việc người ta làm đều có tính tự nguyện, nghĩa là tự mình đặt ra cho mình việc phải làm, mà không có ai tới vỗ vai kêu làm chuyện này hay kia. Tự mình có sáng kiến, tự mình thấy bước đường tới phải làm và xắn tay áo làm, không chờ ai giao việc cho mình, đó luôn luôn là phương pháp để tiến bước từ xưa tới nay.
Trở lại chuyện, nhìn đúng đắn thì cái chết là một chặng đường trong sự sống vĩnh cửu, người vừa rời cõi trần đang đi theo đường của họ, nếu muốn thì mình đến với họ bằng tình thương mà đừng tìm cách níu kéo, đem họ quay về với mình. Như vậy cưng thấy, sự vật vã khóc than thương tiếc người đã khuất có khi muốn nói lòng ích kỷ nơi ai làm vậy, hơn là tình thương thực sự dành cho kẻ đã rời đi.
Có ý nói rằng khoa học chính trong tương lai không phải là khoa học khám phá thế giới vật chất như trong mấy thế kỷ qua, mà là khoa tâm lý tinh thần. Việc đi sâu vào thế giới vật chất sẽ vẫn tiếp tục, nhưng phần tâm lý sẽ ngày càng được chú trọng nhiều hơn, và bởi sức khỏe tâm thần ngày càng được coi trọng, người ta sẽ thấy tâm lý tinh thần giúp nhiều trong hiểu và chữa các bệnh vật chất cũng như tâm thần.
– Bằng cách nào ?
– Bằng cách cho ý thức đúng đắn về sự sống, bằng cách nhìn nhận luật karma và tái sinh, biết rằng không phải chết là hết, và cái chết không có gì đáng sợ mà là cửa vào đời sống mới.
– Nhưng nỗi buồn có đó rất thật.
– Nói ‘I don’t care’ trong trường hợp này có lý lắm à. Đó không là thái độ của mình đối với ai khác, mà là thái độ của người đã hiểu biết đối với thể tình cảm. Cưng nói vậy ở vị trí là không một điều chi, sinh ra bất cứ phản ứng đau khổ hay buồn rầu nào, ảnh hưởng được mình cả. Cưng chỉ ghi nhận phản ứng đó, sống với nó cho đến khi nó qua đi, nhận chịu và không cho phép nó giới hạn mình. Trọn sự việc dựa trên niềm tin sâu xa vào linh hồn bất tử và phàm ngã thoảng qua.
– A, vậy Mimi đến với Kim và em, rồi bỏ đi làm em khóc hết nước mắt là một kinh nghiệm. Mimi chắc là tiến mau vì nó hiểu em với Kim hết mức, nói gì nó cũng hiểu. Nó biết leo cầu thang nên hay leo lên nóc nhà, sáng nào cũng đứng trên đó kêu cho em biết nó đang ở đâu, em gọi xuống ăn thì nó từ từ leo cầu thang xuống. Chắc bây giờ nó cũng vẫn còn làm vậy. Nghĩ thế khiến em vui.

Tin Tin

 

Xem Mục 1001 Chuyện