1001 CHUYỆN
Bài 24
– Mình có nên sang Ấn Độ vào ashram (đạo viện) không ?
– Vào ashram để làm gì ?
– Không biết. Thấy bà con rủ nhau ào ào đi thì em nôn nả, ban Beatles cũng đã từng vào ashram, còn bây giờ có bao nhiêu là trang web viết về guru với đệ tử, nghe sao gặp thầy dễ quá. Bo lấy nghỉ phép thường niên mà đi, không chừng gặp guru thì hay biết mấy !
– Tức là phải qua Ấn mới có guru ? Rồi làm sao biết ashram nào hay guru nào là đáng tin ?
– Dễ òm, mở bất cứ cuốn hướng dẫn du lịch nào cũng có ashram cho mình tha hồ chọn. Các trang web bàn chuyện vanh vách thấy ham lắm.
– Nó đáng tin không ? Bài học vỡ lòng hay ABC của huyền bí học, là cưng chuẩn bị bản thân rồi khi sẵn sàng thì có guru ngay cạnh, và cưng thấy mình ở trong ashram mà không cần phải đi đâu. Kế đó, ai thuộc về ashram bí truyền thì không hé miệng, bởi họ hiểu điều ấy không cần thiết, cũng như nói ra nhiều phần có hại hơn là có lợi.
– Chuẩn bị là như thế nào ?
– Qui luật từ bao lâu nay không thay đổi, là học hỏi, tham thiền và phụng sự. Chuyện mà các trang web nói là phản ảnh lại những ước ao, ham muốn thường tình trong tâm tưởng người, và như thế không đáng tin. Những suy luận kiểu ấy được gọi là chuyện tào lao tinh thần – spiritual gossip – không ích lợi cho ai mà còn có hại vì nhiều lẽ.
1. Mối liên hệ giữa guru và đệ tử là chuyện hết sức thiêng liêng cũng như riêng tư, nó chỉ liên quan đến các nhân vật trong cuộc là thầy và trò, nên không phải là đề tài cho mình đặt câu hỏi trên trang web. (Xin đọc thêm Vị Chân Sư số này, trang 55)
– Nhưng thánh kinh ghi 'Hãy gõ, cửa sẽ mở; hãy hỏi, sẽ được trả lời'.
– Hỏi là hỏi chân nhân của cưng, vị thầy trong tâm mà ai cũng có, là vị guru đầu tiên của mỗi người. Khi câu hỏi được thành tâm đặt ra thì chắc chắn sẽ có hồi đáp, giải thích sẽ đến bằng cách này hay kia. Hay là khi gõ cửa đủ lâu thì cửa sẽ mở. Với trả lời trên internet thì người ta phải dè chừng, bởi trước khi một ai được nhận vào ashram, họ phải chứng tỏ là đã biết kín miệng, vì có những điều chỉ được thảo luận trong ashram mà không được đề cập tới trong công chúng.
– Vậy ai trả lời là không thuộc về ashram ?
– Không nên đi ngay tới kết luận. Chỉ cần nói là khi có kinh nghiệm, cưng sẽ thấy vài chuyện đến từ bên trong mà không đến từ bên ngoài, hay sự giác ngộ chỉ đến từ nội tâm, đó là trường hợp ở đây. Cưng nên luôn luôn nhớ rằng người ta tăng trưởng qua việc tự trả lời câu hỏi của mình. Thường thường chỉ cần thời gian và một chút suy gẫm, tìm tòi, dùng trí trừu tượng là có thể làm việc ấy.
– Lẽ thứ hai là gì ?
– 2. Đặc tính của chánh đạo luôn luôn là mở rộng, thăng hoa, và các vị Thầy làm việc từ cõi trí trở lên, nói chính xác là cõi thượng trí hay tư tưởng trừu tượng, và cao hơn nữa là trực giác. Bởi vậy khi nội dung của trang web:
- Có tính kích thích tình cảm, trình bầy vấn đề về mặt tình cảm, dù là tình cảm cao thượng như việc làm đệ tử,
- Nghiêng về phần vật chất hay trí cụ thể,
- Chú trọng vào cái ngã,
cưng nên mỉm cười và nói 'Ciao' hay 'Sayonara' rồi sang trang web khác. Tình cảm và trí cụ thể không đưa cưng đi xa hay tới đích mong muốn là ashram.
Nói rộng ra, năng lực theo sau tư tưởng thì khi mơ chuyện guru – đệ tử là cưng thêm năng lực cho ảo ảnh này, khiến bị chìm đắm hơn nữa vào huyễn mộng trong cõi tình cảm. Mình nói 'mơ tưởng', vì ai biết chuyện sẽ không đặt câu hỏi mà họ sống. Suy nghĩ về điều vật chất cũng vậy, là tăng cường sức mạnh của nó, khiến nó có sức lôi cuốn mình hơn và làm con đường trở nên khó khăn hơn.
Kết hợp phần vật chất với cái trí cụ thể muốn tìm hiểu mọi điều mọi chuyện trong cõi hiện tượng, thì nó đưa tới việc có những câu hỏi tuy hợp lý mà người chí nguyện không nên theo đuổi, lấy thí dụ thắc mắc về hạt nguyên tử trường tồn permanent atom và cách hoạt động của nó; những đường rãnh của hạt mà lực tuôn tràn theo. Chắc chắn có nhiều điều để nói về đề tài này, nhưng mục tiêu của người chí nguyện không nên là giới hạn tâm thức của mình vào việc chú tâm đến vật cực nhỏ như vậy, cùng chi tiết liên quan đến sự sống trong hình thể trong thiên nhiên, mà là mở rộng tâm thức để bao trùm điều gì vượt bên ngoài họ, đạt tới trạng thái tâm thức cao hơn, chủ ý hòa mình vào Thiên đoàn (Hierachy).
Cưng thấy chưa, mình nói về năng lực, tâm thức mà không nói về hình tư tưởng hay tình cảm, cho dù là tình cảm thánh thiện.
– Bo đang dẫn em đi đâu đây phải không ?
– Bo đang cố gắng làm cho cưng phân biệt giữa việc sống đạo, hay trở thành, là (being) với kiến thức, suy luận của hạ trí và tình cảm mơ mơ màng màng hay thấy trong sách vở, tràn lan trên internet.
Việc không đặt câu hỏi chuyện guru - đệ tử còn là do có những điều chỉ được trả lời bằng cách thấy, thấy với con mắt tâm linh, ngôn ngữ vốn có tính giới hạn sẽ không tả được trọn vẹn cho bằng việc thấy sự vật. Người ta có thể chú tâm nhiều vào hạt nguyên tử trường tồn, và học hỏi về những đường rãnh của hạt là chuyện lý thú, có thể thực hiện được về mặt khoa học và kỹ thuật, nhưng nó sẽ không dẫn tới việc gia tăng phát triển mặt tinh thần. Thay vào đó nó nhấn mạnh đến phàm ngã và như thế làm tăng thêm khó khăn trên đường Đạo.
Mặt khác, ta cần biết tới một điểm tế nhị nữa ở đây. Với khoa học gia hay người chỉ mới có ao ước tinh thần, họ có thể nghiên cứu chuyện như vậy mà tương đối không hề hấn gì; còn đối với ai càng tiến xa hơn, sự nhấn mạnh về phàm ngã và quan tâm đến nó theo cách ấy làm chuyện càng nguy hiểm thêm. Lý do là người trước chưa có đủ năng lực để có thể khích động các 'điểm lực' ấy (hạt nguyên tử trường tồn) có hoạt động nguy hại. Không có gì cần làm trí não phải quan tâm đến những mặt hình thể này của sự sống.
Nay sang một điểm quan trọng khác, là mỗi chúng ta dù ở mức nào trên thang tiến hóa cũng là một tâm điểm phát ra lực, cho ảnh hưởng đến người chung quanh. Sức mạnh của lực tỏa ra, làn rung động của nó, ảnh hưởng nhiều hay ít thường là nằm ngoài tầm tay của ta. Chuyện cho tác động dù ta muốn hay không, giống như đức Phật không thể không tốt lành, hay một ngôi sao không thể không sáng, hoa hồng không thể không thơm vì bản chất của đức Phật, của ngôi sao, hoa hồng là như vậy không thể khác hơn.
Điều đó muốn nói rằng với ai tiến hóa xa, năng lực mà họ bình thường có và sử dụng không ý thức, sẽ cho ra hai ảnh hưởng; nó sẽ gợi nên sự đẹp đẽ nhất lẫn điều tệ hại nhất khi họ làm việc trong đời. Ví von hay được đưa ra là ánh sáng mặt trời hay mưa làm cỏ dại nẩy nở, mà cũng làm mùa màng tươi tốt như nhau không phân biệt. Người bình thường tự họ là một tâm điểm phát lực, với người tiến hóa thì tâm điểm ấy càng mạnh hơn vì lực tuôn tràn qua họ nhiều hơn. Ai càng tiến xa lực tỏa ra càng dũng mãnh, tạo nên vấn đề cho ai thấp hơn mà tiếp xúc với họ.
Tự nhiên là người tiến xa không cố tâm sinh ra khó khăn cho ai khác, nhưng các nhóm bí giáo hay có chuyện nói rằng vị thầy trong nhóm tạo tình trạng thử thách để học trò phát triển. Điều ấy không đúng và trái ngược với luật huyền bí. Sự thật là giây phút ta bước vào vùng tỏa lực (hay bán kính tâm linh, vùng ảnh hưởng tinh thần) của vị Chân sư hay ai cao cấp hơn, thí dụ như khi người đệ tử gia nhập ashram và tiếp xúc với vị Thầy và các đại đệ tử, thì nhiều việc bắt đầu sinh ra trong đời ta. Kích thích cho ra hệ quả tốt đẹp khi được nhận biết, tiếp thu đúng cách và hữu ý sử dụng để mang lại thay đổi cần thiết.
Cuối cùng, khi đáp ứng với làn rung động cao hơn, theo thời gian mức rung động của người đệ tử được luyện thành giống vậy không đổi, hai làn rung động nay có thể hòa nhịp (synchronise) với nhau. Sự hòa nhịp này là đặc tính của mọi cấp bậc tiến hóa, nó cho ai ở mức cao biết ai ở mức thấp hơn nay đã tới trình độ nào, và có thể nhận họ vào hàng ngũ cao hơn. Sự hòa nhịp là chìa khóa của việc chứng đạo (initiation), hiểu nó thì ta hiểu được câu nói 'Ai là Phật thì biết ai là Phật', bởi có sự hòa nhịp với nhau, và điều này không thể giả mạo.
Từ đây suy rộng ra, mức rung động là căn bản của mọi việc, và có thể được dùng để giải thích nhiều điều. Thí dụ trong lịch sử Hội, những năm ngay sau khi bà Blavatsky qua đời có nhiều xáo trộn cho một số nhân vật có liên hệ thân cận với bà lúc bà còn sinh tiền. Giải thích nói rằng khi bà còn sống, năng lực tinh thần mạnh mẽ của HPB có tính bảo vệ, nâng đỡ người xung quanh. Khi bà qua đời và nguồn lực che chở mất đi, ai chưa tự làm cho mình đứng vững về mặt tinh thần đã té ngã vì khuyết điểm của họ. Nói thêm thì đặc tính che chở này là điểm chung của mọi ashram chân chính.
– Nhưng mà em quên hỏi một điều thiết yếu, 'ashram' là gì ?
– Hay đó. Có nhiều định nghĩa cho ashram, trong PST 28-29 mình gọi đó là Tâm Phụng Sự, rồi tùy theo từng quan điểm mà ashram có những ý nghĩa khác.
a. Nó được xem là nơi hòa hợp nhiều cá nhân - không phải những cái ngã -, tụ lại chung với nhau để phụng sự. Đó là sự phối hợp hoạt động vào thành một tổng thể, có mục tiêu và viễn kiến chung nhưng thường khi có thể khác về phương pháp và kỹ thuật. Các đệ tử trong ashram không thệ nguyện làm chung một loại công việc theo cùng một cách và vào cùng một lúc. Thay vào đó họ thệ nguyện làm việc theo sự gợi hứng của chân nhân (linh hồn) họ, với hứng khởi này được củng cố nhờ tiếp xúc với vị Chân sư và các bạn đồng môn. Người trong ashram liên hệ với nhau do việc có cùng viễn ảnh và làn rung động, cộng thêm lòng tương kính và hoàn toàn tự do, đặc biệt là điều sau chót.
Như thế, một người chỉ vào được ashram khi đủ sức cảm nhận được cung và tính chất của vị Chân sư đứng đầu ashram, khi họ ý thức thường xuyên ảnh hưởng của chân nhân. Do đó, việc đầu tiên mà ai mới gia nhập khám phá là họ phải tạo sự hòa hợp giữa mình với các bạn đồng môn và với vị Thầy. Công việc của người trong ashram gần như hoàn toàn liên quan đến năng lực và lực, mà đó là chuyện tự nhiên vì khoa huyền bí học là khoa học về các lực và tác động của chúng. Càng nói thì cưng càng thấy mình tách rời cõi vật chất mà tiến vào ý niệm của trí tuệ, đi từ cõi hiện tượng vào cõi của nguyên nhân.
Giờ có một định nghĩa đáng cho cưng chú ý.
b. Ashram thật sự không phải là để cho hạ trí cụ thể bàn cãi thảo luận. Nó là trạng thái tâm trí của một nhóm tinh thần. Nó không phải là nơi có việc tham thiền dài và thinh lặng mà nó là một tâm năng lực, là xoáy lực gồm nhiều loại năng lực khác nhau tương tác trong phạm vi của nó. Năng lực và lực được tuôn vào hầu cho viễn ảnh thành hình. Đầu tiên vị Chân sư tiếp nhận năng lực từ Shambala, ngài trở thành trung tâm lực trong ashram. Kế đó các đệ tử tiếp nhận năng lực từ ngài và tới phiên họ mỗi người trở thành một trung tâm lực nhỏ hơn trong môi trường phụng sự của mình. Họ nhận biết Thiên cơ và chú tâm vào việc phân phối lực để Thiên cơ được thành. Theo cách đó, trọn hoạt động của ashram được điều hợp.
Cho người ở vòng ngoài tức mới nhập môn, tùy theo khả năng nhận ra nhu cầu trong thế giới, và tùy theo khả năng làm việc với các đại đệ tử trong ashram mà họ có thành công hay thất bại.
– Có ashram vòng ngoài và vòng trong ư ? Em chỉ dám mon men tới vòng ngoài, đứng cửa sổ nhìn vào thôi. Nói về người sơ cơ mới nhập ashram đi Bo, để may ra kiếp tới em có hy vọng !
– Một trong những khó khăn của tất cả ashram là việc hấp thu người mới vào, hoặc từng người hoặc là một nhóm. Đó là câu hỏi về làn rung động, về phần ashram thì có sự kiện là canh giữ để làn rung động của người mới vào không gây nguy hại cho công việc của ashram; về phần đệ tử mới thì đó là tăng mức nhậy cảm để chẳng những hòa được với làn rung động của bạn đồng môn, mà còn đáp ứng nhiều hơn với làn rung động của vị Chân sư đứng đầu ashram.
Vì vậy đây là tương tác hai chiều, người đã ở sẵn trong ashram phải nỗ lực làm quân bình xáo trộn do phản ứng từ cái ngã của ai mới vào đối với lối sống mới, do nhận biết thế giới của ý nghĩa, và với lòng sùng tín cao độ của người sau. Ở đây mình chỉ nói phớt qua nhưng cưng nên để ý tiến trình, là con người đi dần từ cõi hiện tượng sang cõi nguyên nhân, và sâu hơn nữa là vào cõi ý nghĩa. Họ tiếp xúc với thế giới chót khi sinh hoạt trong ashram, và cảm biết ngày càng nhiều.
– Làm sao tiến từ vòng ngoài vào vòng trong của ashram ?
– Người ta tiến bằng cách có tính chất và làn rung động càng ngày càng tương đồng thêm với ashram, và với vị Chân sư. Kinh nghiệm làm họ hiểu là phải loại bỏ những tính chất nào trong hào quang của mình không hòa hợp với nhóm, gạt bỏ tư tưởng và ham muốn nào có thể gây xáo trộn cho nhóm. Việc nhận một ai vào vòng trong chỉ có được khi họ chứng tỏ là biết canh giữ mình và ashram. Thí dụ như kín miệng và không oang oang tuyên bố rằng họ có quyền năng, hay thuộc về một ashram.
Tới đây cưng nên biết thêm một ý niệm mới là hào quang, bầu ảnh hưởng hay bán kính tâm linh. Tất cả chỉ muốn nói vùng chiếu tỏa lực của một người. Nó gia tăng theo mức tiến hóa của họ và mình chứng kiến sự kiện thường thấy trong thế giới là việc lập nhóm hay tổ chức quanh một nhân vật. Nhân vật đang cố gắng làm phát ra cái nốt của mình, tụ họp những ai họ có thể giúp đỡ, và khi làm vậy học được nguyên tắc sơ đẳng của cách nhóm làm việc.
Ta sang định nghĩa thứ ba.
c. Ashram không phải là một nhóm người đi tìm sự thể hiện tinh thần. Nó là tâm của hoạt động nhóm, là nơi người trong đó xử sự theo ảnh hưởng của linh hồn mà không phải của phàm ngã. Những giới hạn của phàm ngã, tư tưởng, khuyết điểm không được phép vào đây.
Mỗi ashram hay vòng trong của ashram chính yếu là một nơi tàng trữ tư tưởng, có nguồn là ý tưởng, mộng mơ, viễn ảnh và ước vọng của vị Chân sư đứng đầu. Nó được nuôi dưỡng và phát triển nhờ kinh nghiệm của ngài, lớn mạnh khi minh triết của ngài mở rộng, chịu ảnh hưởng của Đấng là Thầy ngài. Nó trở thành một hồ tư tưởng trong trẻo, có thêm đóng góp từ viễn ảnh và mơ mộng thanh khiết của nhiều đệ tử. Mỗi đệ tử được yêu cầu đóng góp vào đây, từ người mới nhập môn tới vị đại đệ tử. Thành ra trong giai đoạn đầu, người sơ cơ không đóng góp được gì mấy. Mỗi ashram như vậy khi hoạt động đúng nghĩa sinh ra một bầu ảnh hưởng và là một lực tích cực trong nhân loại.
Sự rung động vì vậy là nguyên do đầu tiên của chuyện mà cũng là yếu tố quyết định cho mỗi bước tiến kế đó. Con người nhận ra ashram hay tâm phụng sự của mình khi làn rung động của họ tương ứng với làn rung động của ashram. Họ gia nhập nhóm, làm việc với các bạn trong đó, khi càng tinh luyện tâm hồn anh càng nâng làn rung động lên cao, ứng hợp với những mức độ tâm thức cao hơn. Từng chặng một, anh đi dần dần từ vòng ngoài vào vòng trong, tâm thức phát triển khiến anh có nhãn quan, viễn ảnh rộng lớn hơn, cho tới cuối khi làn rung động của anh đồng nhịp với vị Chân sư đứng đầu ashram. Khi đó người đệ tử tới phiên mình đạt quả vị Chân sư.
Người trong ashram nhận được hứng khởi, thoáng thấy được Thiên cơ, nhờ tiếp xúc với những nhân vật trên anh thí dụ như các đại đệ tử. Giây phút họ bước vào vòng hào quang của các vị này, và hơn nữa của vị Chân sư, cuộc đời họ thay đổi hẳn do sự kích thích mà hào quang những nhân vật sau gây ra. Tiến trình đi hai chiều, khi phát triển thì tới phiên họ không phải chỉ đón nhận mà nay có thể đóng góp vào ashram, qua tính chất và làn rung động tương hợp. Đóng góp này nhóm phong phú hơn, có sinh hoạt mạnh mẽ hơn.
Bán kính tâm linh của một người vừa có nghĩa đen là vòng ảnh hưởng do sức rung động phát ra từ hào quang, vừa có nghĩa bóng là tầm ảnh hưởng đối với người khác do hoạt động của họ bằng ngòi bút, lời nói, và ảnh hưởng cá nhân. Khả năng của một người làm tầm này hay bán kính to hay nhỏ.
– Ashram như thế ở đâu ?
– Nó ở nơi mà người ta thức tỉnh. Nhớ lại đi, người ta chỉ có thể tiếp xúc với các Chân sư ở cõi trí và tư tưởng đi mau hơn điện nên tổng quát mà nói, ashram là một trạng thái tâm thức hơn là một nơi chốn địa lý tuy có điều sau.
– Là làm sao ?
– Tim cưng nằm chỗ nào ?
– Em không hiểu.
– Tim cưng ở đâu thì ở đó là ashram. Ashram là Tâm Phụng Sự, người trong ashram sẽ có mặt khắp nơi để gắng công thực hiện thiên cơ mà họ cảm nhận được ở ashram. Họ hiện diện chỗ nào thì làn rung động của họ ảnh hưởng chỗ đó theo khả năng của mình. Họ tiến bằng cách làm cho làn rung động riêng ngày càng hòa vào nhịp rung động của ashram, thế thì chỗ nào có mặt họ thì chỗ đó tỏa ra ít nhiều tính chất của ashram.
Thí dụ dễ hiểu là tại ashram, do từ lực tốt lành phát ra nơi đó, thường có 'phép lạ' xẩy ra như chữa lành bệnh. Cũng y vậy, ai sống đạo, trau luyện thân tâm thì cho dù không biết họ cũng trở thành người chữa bệnh theo đúng nghĩa. Khi bệnh nhân đến gần ai như thế, năng lực tinh thần của người sau dù muốn dù không sẽ tự động tuôn vào người trước và chữa bệnh, không thể cầm giữ lại. Chuyện trong kinh thánh ghi có người được lành nhờ chạm vào gấu áo của đức Jesus, là muốn nhắc đến ý này.
– Thế thì em không cần sang Ấn Độ ? A, em biết rồi, một số thánh địa trên đất Ấn có guru chân chính 110% không sợ nhầm lẫn.
– Nơi đâu vậy ?
– Các Phật tích như Bồ Đề Đạo Tràng, vườn Lâm Tì Ni, vườn Lộc Uyển. Đi hành hương những nơi này có lý, vì theo ông Hodson hình tư tưởng của đức Phật và sức rung động của hình vẫn còn đó, mình tới hưởng lộc Phật 2500 năm sau. Tuy nhiên có người đi về kể rằng vì phái đoàn Phật tử các nước tới hành hương đông đảo, họ phải xếp hàng để vào chiêm bái, hết đoàn này ra tới đoàn kia vào liên tục không ngưng.
Trật tự thì có trật tự, có trang nghiêm khi mỗi phái đoàn tụng kinh bên trong, nhưng không khí bên ngoài ồn ào huyên náo; có trưởng đoàn còn lớn tiếng kêu gọi hay dặn dò đoàn viên giữa nơi lẽ ra phải giữ yên lặng. Sự thanh tịnh vì vậy co chân phóng thẳng lên trời, bay mất tăm hơi. Điểm hay là lòng thành kính của khách viếng thăm lộ ra hết sức cảm động; rồi mỗi nơi phải bỏ giầy dép bên ngoài để vào lậy Phật, cả trăm người như thế, chừng ra thì giầy dép còn nguyên, nơi nào cũng vậy.
Nghe thích quá nên tính sao đây Bo, 'To go or not to go ?'.
Bài đọc thêm:
– Thư Gửi từ Ashram (PST 28–29).
– Bán Kính Tâm Linh (PST 34).
– Discipleship in the New Age, vols 1, 2 A.A.Bailey.