LỚP ĐÊM
LỚP ĐÊM
Sách của tác giả A.A. Bailey có đề cập tới lớp đêm cho người chí nguyện. Trong lúc ngủ họ dự lớp học ở cõi trung giới, thành phần học viên thuộc đủ mọi quốc tịch; lớp giúp họ nhận ra những vấn đề thế giới, khoa học, kinh tế v.v.; họ được chỉ dẫn để đối phó và thực hiện Thiên cơ theo khả năng và trong lãnh vực chuyên môn của mình. Hai học viên như vậy ghi lại kinh nghiệm của họ thành sách tên Through the Curtain. Sách có nội dung thích thú, cho cái nhìn bên trong của nhiều sự việc đương thời; sau đây là một trích đoạn trong sách.
1– Nghi lễ, tâm thức và ảnh hưởng của chúng trên giáo dục
Nghi lễ đúng cách là phương pháp giáo dục trong tương lai. Nghi lễ có thể được định nghĩa rộng rãi như sau: Nghi lễ là sự liên tục bình thường những chữ, dáng điệu hay cử động thực hiện theo thứ tự đúng cách và hợp lý, để khêu gợi và hướng dẫn năng lực (vật chất, ether, tình cảm, trí tuệ và tâm linh) tới một mục tiêu đã định trước rõ ràng.
Có một khoa học về nghi lễ mà theo đó kết quả mong muốn có thể thành tựu được. Những tôn giáo trong thế giới biết đôi chút về khoa học này và quân đội cũng áp dụng nguyên lý rất có hiệu quả. Hội kín Mason đã ràng buộc hội viên chặt chẽ vào hoạt động có mục đích nhờ vào cách sử dụng nghi lễ. Tuy nhiên phần bí mật của nghi lễ không thể được nhân loại thấu rõ. Điểm căn bản là có một phương thức giản dị mà khi được thực hiện với thứ tự đúng cách, có thể chỉ trong thời gian rất ngắn biến đổi cả một nền văn minh, ngược lại nếu sử dụng sai lầm sẽ cho ra kết quả khốc hại. Về một mặt, nghi thức là một sự diễn lại một điều; diễn lại sự hình thành thái dương hệ, diễn lại tiến trình của sự sống. Ở đây chúng ta có thể đi xa hơn và định nghĩa nghi thức, như là việc con người diễn hành vi của Thượng đế bằng cử động tượng trưng. Nghi thức hàm ý hình thức có tính biểu tượng, như câu chú chẳng hạn, và hành vi có tính biểu tượng. Thánh lễ của Công giáo là một thí dụ về việc ấy. Tâm thức con người được nâng cao hay mở rộng ít nhất từ mười lăm phút đến sáu tiếng đồng hồ sau khi dự thánh lễ.
Vũ điệu tôn giáo ở Ấn Độ, Java khi được thực hiện theo đúng thứ tự, có thể làm khán giả và vũ viên cộng hưởng với năng lực tinh thần hết sức mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Vũ viên có thể bị năng lực tinh thần mà họ diễn tả tràn ngập, hay nói nôm na là bị thiêng liêng nhập vào.
Điều cần nhấn mạnh là một nghi thức chính xác và theo đúng, có thể làm một người hay một nhóm cộng hưởng với một năng lực chính xác, rõ ràng và sinh ra kết quả đã định trong tâm thức rồi sau đó trong tánh người. Khi được sử dụng đúng cách, nghi thức như vậy không hề cản trở ý chí tự do của con người, mà thúc đẩy cái tiến trình thông thường của sự tăng trưởng, giống như ánh sáng mặt trời thúc đẩy sự tăng trưởng bình thường của cây. Về mặt khác, cũng cần nhớ rằng có những nghi lễ khêu gợi tà lực, và cho ra sự cộng hưởng hủy diệt trong cá nhân và trong nhóm. Nhân loại biết vài nghi thức như vậy và hiện nay đang dùng chúng. Chính những nghi thức ấy khi được tìm biết và sử dụng rộng rãi đã khiến châu Atlantis bị sụp đổ.
Khối nhân loại trên địa cầu có thể cộng hưởng với nhiều tần số rung động hơn bất cứ khối nhân loại nào khác trong thái dương hệ này. Ngày kia, khối chánh đạo với các Chân sư và đệ tử đã được chuẩn bị, sẽ đưa ra các nghi thức của chánh đạo mà con người có thể và sẽ cảm ứng, và nhờ vậy sinh ra sự tăng trưởng xây dựng về mặt tâm thức rất mau lẹ. Nghi thức đó sẽ phải phát ra từ trung tâm và ở giữa những quốc gia và các nền văn minh hiện thời, giống như sự hé nở của những bông hoa ánh sáng từ các nụ hoa bị ẩn dấu không ai màng. Nghi thức như vậy có thể biến đổi sự cảm ứng của nhân loaị, từ khía cạnh vật chất của sự sống sang tâm thức hay khía cạnh tinh thần, lấy thí dụ là một chương trình đã thử ứng dụng điều này bằng nghi thức đơn sơ nhưng rất hữu hiệu, nhằm chỉnh đốn lại thể tình cảm (the Biometric program). Ba hình ảnh biểu tượng đem vào năng lực của ba cung để tạo nên một loại điều chỉnh nào đó.
Như bạn đã biết, sự tăng trưởng của cây cỏ, một số sinh vật trong biển, đi theo vòng xoắn ốc logarithm và tỷ số toán học, cũng như mọi nghi thức đều có căn bản toán học. Âm điệu du dương cũng có căn bản toán. Toán học là nền tảng của âm thanh, và sự sáng tạo khởi đi từ những tương quan toán học theo thứ tự đến âm thanh, cái xếp đặt mọi chất liệu, mọi vật chất theo đường lối trước sau rõ ràng. Chúng ta có thể đưa ra quan niệm tổng quát rằng toán học là dạng nguyên khởi, và vũ trụ hữu hình là sự thể hiện của dạng ấy. Toán học là biểu lộ thuần túy nhất của mọi tương quan, sự sáng tạo vũ trụ là một chuỗi tương quan ấy.
Trở lại nghi thức, ta thấy có một nguyên tắc căn bản. Nếu, và khi con người thực hiện các nghi thức theo thứ tự của tiến trình sáng tạo, anh sẽ cảm ứng được với các năng lực của vũ trụ hay cộng hưởng với chúng, vì anh sẽ đi theo cùng một công thức toán học mà các năng lực ấy theo. Lấy thí dụ trong ngành giáo dục, khi nhét điều hiểu biết vào óc đứa trẻ thì không phải giáo dục chút nào. Giáo dục phải tuần tự theo nghi thức trước sau, làm đứa trẻ cộng hưởng với những năng lực trong thế giới tư tưởng. Theo cách ấy, tâm thức của em được mở ra, nhìn thấy những tương quan mới và đó là sự tăng trưởng đích thực. Giáo dục trong thế giới hiện giờ cho đứa trẻ từng nhóm dữ kiện không liên hệ với nhau, và hầu như đứa trẻ thấy được mối tương quan thực sự là nhờ tình cờ và may mắn.
Về tôn giáo, nghi thức đúng đắn có thể làm con người tiếp xúc được với năng lực tinh thần, và trong tương lai những nghi thức ấy sẽ được xếp hạng giống lớp học ở trường, ứng với mỗi trạng thái tâm linh. Chúng có thể thúc đẩy sự tăng trưởng có thứ tự vào trạng thái tâm linh kế.
Những nghi thức đặc biệt sẽ được đưa ra nhằm mang lại một số cộng hưởng nào đó. Ban đầu chúng sẽ được dùng trong nhóm nhỏ và về sau cho nhóm đông hơn.
2– Mục tiêu và phương pháp tương lai của giáo dục. 3–1961
Vị thầy giảng rằng chúng ta đã bị lẫn lộn hoàn toàn về mục đích thật của giáo dục nơi con người . Chúng ta đã tin giáo dục là nhét các sự kiện vào đầu óc học trò, người khác tưởng đó là dẫn cái trí đi ra, việc sau này không tệ lắm nhưng bởi ta đang bước vào thời đại có nhiều hiểu biết mới, con người cần một ý niệm mới về mục tiêu của giáo dục.
Trước hết, mục tiêu thật của giáo dục là làm điều hợp các thể, nhất là thể tình cảm và thể trí và liên hợp những thành phần, đặc tính của phàm nhân (PN). Khi biết rằng đây là điều mà giáo dục cần phải đạt, tức có những cá nhân với đặc tính được liên hợp để họ có thể ghi nhận ảnh hưởng từ chân nhân, thì con người sẽ có được định nghĩa xác thực về giáo dục.
Có người đang ở mức độ mà thể tình cảm là phần nên được chấn chỉnh, điều hòa, xếp đặt lại nhất. Người khác thì có công việc chính là chú tâm vào sự điều hợp, và xếp đặt lại thể trí, để cuối cùng tổng hợp và điều hòa trong PN. Điều này là mục tiêu của giáo dục.
Chuyện thứ hai là giúp con người thấy được mối tương quan, và về khía cạnh đó một số nguyên lý nên được dạy. Nguyên lý đầu tiên là loại suy, vốn được dạy ở cổ Ai Cập: Trên sao dưới vậy, cái nhỏ là hình ảnh của cái lớn, và cái lớn là hình ảnh của cái nhỏ. Bởi con người là đơn vị riêng biệt có tri thức về mình, muốn tìm hiểu mối tương quan giữa cái tôi với thế giới cùng vũ trụ, anh cần được dạy suy nghĩ theo cách ấy.
Thứ ba, là tập con người nhận biết sự liên hệ giữa nhân và quả trên mọi cảnh giới. Điều này rất đơn giản ở cõi trần, nhờ vào toán học và các định luật vật lý người ta hiểu ngay được. Còn với cõi tình cảm và cõi trí, chúng ta đang tìm hiểu cái ý niệm đó bằng phương pháp ấu trĩ, chẳng hạn ý niệm trong y khoa về ảnh hưởng của tâm trí trên thể xác. Ngoài ý đó ra, còn nhiều khía cạnh khác của luật nhân quả về mặt tình cảm và trí tuệ.
Như vậy, chúng ta bắt đầu quan niệm về giáo dục là: Con người là cá nhân bất tử có ngã thức đang tìm cách làm toàn hảo những dụng cụ anh dùng để biểu lộ: các thể xác, sinh lực, tình cảm và trí; đang tìm cách ý thức nhiều hơn về mối tương quan trong thế giới mình sống và trong mọi cảnh giới, về luật nhân quả trong đó. Trường học tương lai sẽ hướng về quan niệm giáo dục này.
Viola Pettit Neal
(Through the Curtain)
LỚP ĐÊM (2)
Trong số báo PST 29, chúng ta có trình bày về lớp đêm, nay xin có bài tiếp về hoạt động này. Trên địa cầu không phải chúng ta chỉ học hỏi, nghiên cứu ban ngày và tối đi ngủ thì ngưng mọi việc, mà chúng ta vẫn tiếp tục sinh hoạt trong lúc ngủ tuy rằng ở môi trường khác trong những thể thanh. Ở cõi tâm linh có những lớp được tổ chức để chỉ dạy cho con người, vì địa cầu có 24 múi giờ khác nhau nên các lớp đêm được xếp đặt cho phù hợp với thời điểm của người theo học. Có đủ lớp học về mọi ngành sinh họat của người, và việc chỉ dạy có mục đích thúc đẩy, trợ giúp cuộc tiến hóa, có nghĩa sáng dậy nơi cõi trần ta có thể không nhớ đã học chuyện gì, nhưng tiềm thức giữ lại những điều học được nơi đây, và có dịp thì đem áp dụng vào cuộc sống mà ta có thể không ngờ, kết cục là những tiến bộ trong khoa học, tâm lý, giáo dục không hẳn chỉ do công trình nghiên cứu mang lại, mà phần nào còn là nhờ chỉ dẫn trong lúc ngủ. Chính trị cũng được lưu tâm với các nhân vật quan trọng được gợi ý về tình hình thế giới, và tìm cách uốn nắn hoàn cảnh sao cho Thiên cơ được thực hiện. Dưới đây ta ghi lại kinh nghiệm của hai nhân vât hoàn toàn không biết nhau, mà đều thấy rằng mình đã tham dự các lớp đêm, một là bác sĩ tâm lý Brian Weiss ta đã biết tới trong mục Điểm Sách số PST 44, và hai là tiến sĩ Viola Petitt Neal được giới thiệu trong số PST 29, và là tác giả quyển sách về lớp đêm (Through the Curtain).
Bắt đầu với bác sĩ Weiss, ông kể rằng thường khi ông có giấc mơ rất sống động, trong đó ông thấy mình hoặc đang lắng nghe hoặc nêu câu hỏi với giảng viên. Có một giảng viên ông nhớ tên là Philo, khi tỉnh giấc thì có lúc ông giữ lại được vài chi tiết thảo luận trong buổi học và ghi ra giấy. Chẳng hạn một trong lớp học đầu tiên là bài nói chuyện của giảng viên và ông ghi nhận lại ý chính của lời chỉ dạy:
“...Minh triết chỉ có được rất chậm, vì sự hiểu biết trí tuệ dễ dàng thâu lượm cần phải được chuyển hóa thành hiểu biết có tình cảm, và trở thành tiềm thức. Một khi chuyển hóa rồi thì ấn tượng trở thành vĩnh viễn. Thói quen, lối cư xử là chất xúc tác cần thiết cho tiến trình này, bởi không có hành động để áp dụng ý niệm thì ý niệm sẽ thui chột và tàn dần, và hiểu biết lý thuyết mà không kèm với thực hành thì chưa đủ.
“Ngày nay người ta quên sự quân bình và điều hòa, nhưng hai điều này là nguồn cội của minh triết, và hệ quả là mọi việc trở nên quá độ, Con người mập phì vì họ ăn quá mức, họ cũng uống rượu, hút thuốc quá nhiều, chuyện gẫu hoặc quá nhiều hoặc quá ít, nói tràng giang đại hải mà không có mấy nội dung, lo lắng thái quá. Suy nghĩ thì hoặc quá nhiều mặt này hoặc quá ít mặt kia, thái độ thì cực đoan hoặc chấp nhận hoàn toàn hoặc bác bỏ hoàn toàn. Đó không phải là đường lối của thiên nhiên.
“Trong thiên nhiên có sự quân bằng , thú vật giết chóc từng lượng nhỏ một, và các hệ môi sinh không bị tiêu diệt hàng loạt như con người làm. Cây cỏ bị ăn rồi mọc trở lại, nguồn thực phẩm được tiêu dùng và rồi được đầy tràn trở lại, thí dụ như hoa làm cảnh vật tươi đẹp, quả được tiêu thụ mà rễ cây được tồn tại, duy trì. Nhưng con người chưa học được về quân bình, nên đừng nói tới chuyện thực hành nó. Nhân loại bị lòng tham và tham vọng hướng dẫn, bị lòng sợ hãi thúc đẩy, theo cách ấy cuối cùng nhân loại sẽ tự hủy diệt chính mình còn thiên nhiên thì vẫn tồn tại, ít nhất là thảo mộc.
“Hạnh phúc thực ra có căn nguyên từ tính đơn giản. Khuynh hướng suy nghĩ và hành động thái quá làm giảm đi hạnh phúc, vì thái quá làm lu mờ các giá trị căn bản. Làm sao con người đang từ tình trạng này chuyển sang được tình trạng khác, theo hệ thống gíá trị khác là quân bình và hòa hợp ? Và một khi đạt được rồi thì làm sao duy trì nó ? Câu đáp có vẻ giản dị và là niềm tin chung trong các tôn giáo, ấy là con người vốn bất tử và chuyện ta đang làm đây là học các bài học. Bài học cần được biến thành thực tế qua kinh nghiệm, làm cho ấn tượng nằm mãi mãi trong tiềm thức, bằng cách tình cảm hóa và thực hành ý niệm. Chẳng hạn ta dễ dàng nói hay đọc về tình thương, lòng từ thiện và niềm tin, nhưng khi ta cảm được các ý niệm này, khi ta thực hành nó thì nó đòi hỏi là gần như phải có tâm thức khác. Đó không phải là tâm thức thoảng qua rồi mất đi, hay có được nhờ ma túy, rượu hay tình cảm bất chợt xẩy tới, mà tâm trạng thường trực này đạt tới được nhờ hiểu biết và cảm thông, được duy trì bằng hành động, được áp dụng, biến thành hành vi và thói quen. Tất cả chúng ta đang học ở trường tùy theo cấp lớp khác nhau và bài học khác nhau. Chuyện vì vậy hóa rất giản dị nếu bạn có thể tin vào tính bất tử của người.
“ Nếu nhân loại bất tử và có nhiều chứng cớ cùng lịch sử cho phép ta tin như thế, thì tại sao con người lại làm những chuyện tệ hại cho chính mình ? Tại sao chúng ta lại dẫm lên nhau và kẻ khác để chiếm lấy điều gọi là 'lợi’ cho mình, trong khi thực ra thì chúng ta đang làm sai bài học ? Tất cả chúng ta đều cuối cùng đi tới một nơi chốn tùy theo vận tốc khác nhau, và nên hiểu rằng không ai cao cả hơn người khác. Trở lại với việc hiểu biết trí tuệ không thì chưa đủ mà còn cần phải cảm nhận, thì ta hãy cảm nhận rằng không ai cao cả hơn người khác, và thực hành nó bằng cách giúp kẻ khác. Tất cả chúng ta đều cùng một xuồng nên nếu không hợp lực với nhau, thì thế giới sẽ có thể chỉ còn cây cỏ trên mặt đất.”
Vào một tối khác trong một giấc mơ khác, tôi thấy mình đặt câu hỏi.
– Làm sao Thầy lại bảo rằng mọi người đều bình đẳng, trong khi thực tế đầy những chuyện trái nghịch đập vào mắt chúng ta: đầy những bất bình đẳng về đức hạnh, tâm tính, tình trạng tài chính, quyền lợi, khả năng, tài năng, mức thông minh, giỏi hay không giỏi toán..v..v.
Câu trả lời là một ẩn dụ.
– Chuyện giống như bên trong mỗi người có một viên kim cương rất to, hãy tưởng tượng đó là viên kim cương cao khoảng nửa thước, có cả ngàn mặt, nhưng các mặt này bị đất và dầu hắc lấm lem, che phủ. Mỗi linh hồn có phần việc là chùi rửa những mặt này cho tới khi trọn bề mặt của viên kim cương sáng rực rỡ và có thể phản chiếu vô số màu sắc.
Bây giờ có người đã lau sạch được nhiều mặt ấy và chói ngời lấp lánh. Kẻ khác thì chỉ mới chùi được có vài mặt nên không sáng bằng, nhưng bên dưới lớp bùn đất thì ai ai cũng đều có trong tim mình một viên kim cương rực rỡ chói lọi muôn mặt. Viên kim cương toàn bích, không có một tì vết gì, sự khác biệt duy nhất giữa người với nhau là con số mặt trên kim cương đã được lau chùi, mài dũa, còn thì mỗi viên kim cương đều y như nhau, và mỗi cái đều toàn hảo.
Khi tất cả mọi mặt được chùi rửa và chiếu sáng muôn mầu sắc, thì viên kim cương trở về tình trạng nguyên thủy là thuần năng lực, chỉ còn lại có ánh sáng. Nó giống như là tiến trình tạo viên kim cương nay đi ngược lại, tất cả áp lực được giải tỏa. Cái năng lực thuần khiết nằm trong ánh sáng muôn màu, và những ánh sáng này chứa đựng tâm thức và hiểu biết. Và nhớ rằng tất cả những viên kim cương đều toàn hảo.
Câu chuyện thứ hai về lớp đêm do tác gỉả Viola Petitt Neal thuật. Lớp học mà bà dự được giảng về sự kiện là thường khi một con khủng hoảng lớn lao của nhân loại, có đi kèm với các biến động lớn trong thiên nhiên, như thời tiết quá nóng hay quá lạnh, mưa bão, cuồng phong, động đất và núi lửa. Vị giảng viên nói:
“ Các bạn đều quen thuộc với nhận xét là rối loạn tâm não có thể gây ra bệnh cho thể chất, và đa số trường hợp là xáo động tình cảm sinh ra thay đổi sinh lý trong cơ thể. Người hay tức bực, giận hờn và có những tình cảm tiêu cực khác sẽ có thể bị gan xấu, hay nghẽn mạch máu não. Ai thường sợ hãi, bất an và lo lắng có thể bị bệnh tim và bệnh về mạch máu, và vào lúc này có nhiều trường hợp bệnh về hệ tuần hoàn, vì dịch trong cơ thể chịu ảnh hưởng mạnh mẽ mỗi khi ta có thay đổi tình cảm. Trở lại với những tình cảm dữ dội như giận dữ gây ra bệnh gan, ta có thể nói đó là động đất về gan, hay nếu là loét bao tử, ói mửa thì nó giống như núi lửa bùng nổ trên địa cầu.
“Trái đất chúng ta có những thể giống như con người, tức thể xác, sinh lực, tình cảm và trí. Nhân loại trên địa cầu có liên hệ rất đặc biệt với mọi mặt tình cảm của trái đất, và tình trạng của các loài trên trái đất ảnh hưởng tới chuyện gì xẩy ra cho hành tinh. Tức nếu nhân loại thường xuyên có tình cảm tiêu cực, phá hoại thì cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới thể tình cảm và thể vật chất của địa cầu. Theo cách đó, tương ứng với trạng thái tình cảm của người và những cơn khủng hoảng từ đó sinh ra, thì cũng có những xáo trộn của thiên nhiên tức thể xác của trái đất, như động đất, núi lửa bùng nổ, cuồng phong, bão, trời qúa nóng hay quá lạnh. Ở trên ta nói rằng ai nuôi giận hờn lâu thì có động đất trong lá gan, hay lên cơn suyễn thì có thể hệ hô hấp có bão, và những cơn nóng lạnh nơi người thì tương ứng với nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh của trái đất. Các tình trạng này xẩy ra vì loài người là một thực thể chung liền lạc, giống như mỗi người là một thực thể rõ ràng, và trọn nhân loại chi phối rất mạnh mẽ thể tình cảm của địa cầu, rồi tới phiên thể xác của địa cầu bị ảnh hưởng.
“Sau hàng trăm năm, hàng ngàn năm, mà nhân loại hành xử theo một đường lối nào đó thì tới lúc có cơn khủng hoảng, năng lực tuôn tràn mạnh mẽ khiến phải có biến đổi mặt này hay kia. Nếu năng lực tuôn theo một cách nào đó trong thời gian dài trong lịch sử con người trên trái đất, thì những năng lực này sinh ra chuyển động mà ta gọi là cơn khủng hoảng, và ta đã đến thời điểm như vậy vào lúc này với biến chuyển lớn lao cho bề mặt địa cầu. Bom nguyên tử cũng góp phần thúc đẩy khiến chuyện xảy ra vì chúng tác động vào thể sinh lực và thể xác của trái đất dữ đội, và sẽ có rắc rối, khó khăn cho con người, thí dụ như có chiến tranh. Chiến tranh hủy hoại nhiều người theo nghĩa chấm dứt cuộc sống này của họ, nhưng đó không phải là thảm kịch. Tai họạ thật sự là khi không có một nền văn minh khác tốt đẹp hơn lúc chúng ta tái sinh.
“Sự tương ứng giữa tình trạng của người và của trái đất xẩy ra theo nguyên tắc “Trên sao dưới vậy”, cái nhỏ là hình ảnh của cái lớn hơn, và cái lớn là hình ảnh của cái nhỏ hơn, và ta có thể ghi lại tóm tắt những tương đồng này như sau:
Trái Đất Con Người
Gió, bão Bệnh đường hô hấp, suyễn
Quá nóng/lạnh Nóng, lạnh
Động đất Đau gan, tình cảm dữ dội
Núi lửa Nôn ói
Sóng dâng Bệnh về hệ tuần hoàn.
Trích:
– Only Love is Real by Brian Weiss
– Through the Curtain by Viola Petitt Neal
LỚP ĐÊM (3)
Bác sĩ Philip, một y sĩ ở vùng trung tây, có khả năng thật lạ lùng. Ông cũng nổi tiếng về khả năng chẩn bịnh và kết quả mỹ mãn cho bịnh nhân của mình. Ông thường được mời làm y sĩ cố vấn tại Mayo Clinic. Nhiều bịnh nhân nói về ông với đầy sự thán phục. Qua nhiều năm ông cẩn thận che dấu khả năng thực là tuyệt vời của mình. Rồi chót hết thấy để sự việc được lưu lại, ông cần nói về các khả năng này nhưng với điều kiện là chỉ được viết về chúng sau khi ông qua đời.
Bác sĩ Philip có thể thấy được bất cứ bộ phận lục phủ ngũ tạng nào trong cơ thể bệnh nhân, và quan sát cách hoạt động của chúng cũng như bịnh trạng nào đang có. Ông biết trọn tình trạng của bịnh nhân chỉ trong vài phút đầu, khi họ ngồi trước mặt trong phòng mạch của ông. Để bảo vệ tiếng tăm trong nghề của mình ông không đả động gì đến chuyện này, và luôn luôn làm những thử nghiệm đúng cách thức cho bệnh nhân trước khi có định bịnh. Thêm vào đó ông còn có khả năng tiên đoán, và có thể thấy trước diễn tiến của bịnh hay sự xáo trộn. Hơn nữa, trong số những chữa trị có thể được dùng ông thấy gần như ngay lập tức cách nào nên theo.
Bác sĩ Philip dành hai ngày để nói với tôi về kinh nghiệm ban đầu, rồi việc dần dần khả năng được cải thiện qua năm tháng. Ông kể rằng trong nhiều năm liền ông tới "lớp học" khi ngủ vào ban đêm. Trong giấc ngủ ông thấy như đang ở nơi là trường y khoa, chỗ mà đêm này rồi đêm kia bài giảng y khoa rõ ràng mạch lạc được đưa ra theo thứ tự hợp lý, không hoang mang hay mơ hồ như bình thường có với giấc mơ. Ông nói chuyện với nhiều người và giáo sư có mặt ở các lớp này, và thảo luận với họ về các vấn đề y học.
Ông thấy mình rất sống động và tỉnh táo như lúc thức, và khi tỉnh giấc có thể nhớ hết những gì đã nói. Trong những lớp học ấy ông được luyện để nhìn vào cơ thể con người, và quan sát tình trạng cùng cách hoạt động của nó. Ngay thuở đầu của kinh nghiệm này, ông khám phá ra là mình có thể nhìn vào cơ thể bịnh nhân lúc hoàn toàn tỉnh thức và làm việc ở phòng mạch dễ dàng, y như khi ở trong lớp học ban đêm khi ngủ.
Trích:
Breakthrough to Creativity
Shafica Karagulla