ĐỌC SÁCH: A TREATISE ON WHITE MAGIC
Đọc Sách: A Treatise on White Magic
Quyển ‘A Treatise on White Magic’ (WM, Luận về Chánh Thuật) của tác giả Alice A. Bailey, được xuất bản năm 1934 và tới nay đã tái bản hơn 15 lần. Bên dưới tựa là phụ chú ‘The Way of The Disciple’, và có lẽ tựa ấy nói lên chính xác nội dung của sách.
I. Lý Do có Sách
Thế giới đang trong buổi giao thời giữa giá trị cũ tàn lụi dần và giá trị mới được đề xướng (thí dụ tôn giáo với tín điều cứng ngắc và những hiểu biết tinh thần mới), thế nên có nhu cầu đưa ra chỉ dạy giúp con người tìm thấy chính mình. Cũng vì thế có nhu cầu trình bầy các luật của linh hồn, cho ai bác bỏ truyền thống cũ mà muốn biết linh hồn và sự khai mở tâm linh. Những luật này được diễn giảng trong quyển WM, đây là sách đầu tiên trong loạt sách vở về huyền bí học chỉ dẫn cách tập luyện và làm chủ thể tình cảm. Đã có nhiều sách về huyền bí học viết về thể xác, cách thanh lọc nó và về thể sinh lực (thể phách), đa số là thâu thập từ những sách khác cả xưa lẫn nay. Quyển WM nhằm để tập luyện cho người chí nguyện thời nay cách làm chủ thể tình cảm, nhờ vào trí tuệ được linh hồn soi sáng.
Một điểm phân biệt rõ ràng giữa quyển này và nhiều quyển khác về đề tài tương tự, là nội dung và mục đích của sách. Đa số các sách chú trọng vào việc phát triển cá nhân, đặt nặng lòng sùng tín vào cá nhân của vị thầy, nhưng đó không phải là cách đúng thực, mà cũng không hợp cho trình độ của người trong tân kỷ nguyên, và đòi hỏi của thời đại. Những sách ấy hợp với đường lối của thời đang qua, còn việc phụng sự ngày nay đòi hỏi con người phải biết sử dụng trí năng có hiệu quả, kèm với tình cảm được thanh lọc, và nhắm đến việc phát triển trực giác, quyển WM đáp ứng lại các điều này.
Hai chữ ‘huyền bí học occultism’ và ‘huyền thuật magic’ cần được giải thích ở đây. Chúng nói về khoa học huyền bí tức việc luyện kim tinh thần, mà không hàm ý học hỏi để có được quyền năng siêu nhiên, cái chỉ là kết quả đương nhiên mà không phải là mục tiêu nhắm tới của huyền bí học chân chính. Mục đích của việc luyện kim tinh thần, hay huyền bí học chân chính, thì không gì khác hơn là phát triển và biểu lộ Phật tính, hay trở nên trọn lành như Cha trên trời.
Huyền thuật là cách sử dụng những quyền năng về tình cảm và trí tuệ, và do động cơ của việc làm mà ta có chánh thuật white magic hay tà thuật black magic. Những quyền năng này mọi người đều có ít nhiều, và có thể tập luyện để sử dụng thành thạo như lòng thương yêu, khả năng định trí, nói lời có thiện ý, và quyển WM theo như tựa sách bàn về chánh thuật, cách sử dụng tình cảm và trí tuệ để việc phụng sự có hiệu quả, và hơn thế nữa đưa người thực hành những chỉ dẫn trong sách tới các đấng cao cả. Ấy là một lý do khác khiến có sách, tức nhu cầu trình bầy về Thiên Đoàn Hierachy, sự hiện hữu của các Chân Sư, công việc của các ngài cho công chúng, để chữa lại ấn tượng sai lầm mà vài sách khác đã gây ra. Hội Theosophia trước đó đã trưng ra sự hiện hữu của các ngài, tuyên bố này tạo nên nhiều điều tốt đẹp mà vài chi tiết sai lạc cũng nẩy sinh, khiến có hiểu lầm đáng tiếc. Nhờ sách WM người ta có quan niệm đúng đắn hơn về Chân Sư và những điều kiện của đường Đạo.
II. Nội Dung
Đi vào chi tiết thì xin đề cập vài điểm chính nêu ra trong sách:
● Huyền Thuật: những điều được nhắc tới chính yếu là đời sống tinh thần, sống ý thức như là linh hồn mà bản chất là tình thương, có tính bao trọn inclusiveness không chia rẽ, và biết rằng mọi vật dù muôn hình vạn trạng nhưng đồng nhất thể.
● Tâm lý Tinh thần. Khoa tâm lý phát triển mạnh trong thế kỷ 20 nhưng cái được nghiên cứu và nói tới là tâm lý cái tôi, phàm nhân hơn là tinh thần. WM dành cho ai ao ước muốn học hỏi điều sau, đáp ứng nhu cầu của người thuộc thế hệ mới, với con số người như vậy ngày càng gia tăng.
● Học sử dụng trí tuệ đúng đắn.
Như đã nói ở trên, sách vở về huyền bí học thường nặng phần tình cảm và trực giác mà nhẹ phần trí tuệ, khiến ai theo sách có trí năng thiếu phát triển, không suy luận hợp lý. Kết quả là huyền bí học bị cười chê trong giới trí thức nói riêng, và mất uy tín trong xã hội nói chung. Cái trí không được coi trọng để có huấn luyện, đưa tới hiểu biết thiếu sót, hiểu lầm, dễ tin, và diễn giải sai lạc về hiện tượng hay các loại tâm thức khác nhau ở cõi cao. Người ta cũng không có giá trị đúng đắn, thí dụ tôn vinh quá đáng cái không chính yếu như thông nhãn, và không nắm đúng mức giá trị của thực tại tinh thần.
Kết quả của những điều trên thấy rõ trong nhiều tổ chức kể luôn hội Theosophia. Năng lực tuôn vào con người nhưng bởi không có trí tuệ hướng dẫn, nó chạy loạn và ta có những trường hợp đáng tiếc, khiến công việc của Thiên Đoàn bị ngăn trở, như người lãnh đạo tự phụ quá mức, đạo hữu mê tín dị đoan, người trong tổ chức hóa cuồng tín, trí óc lệch lạc cho rằng mình đạt tới trình độ này hay kia, trong khi thực tế không phải vậy. Người ta bị cõi trung giới chi phối, có ảo tưởng rằng họ cao hơn kẻ khác. Nguy hại còn biểu lộ như là rối loạn về tình dục, hay tâm tính xáo trộn do huyệt đạo bị kích thích quá sớm hay quá nhiều, hay do cách tham thiền không thích hợp. Như thế sự việc càng rõ ràng là việc học tập cần phải đi từ từ, và cần phát triển trí năng cũng như phần tinh thần nơi con người.
Giải thích thêm thì để có thể tiếp nhận, và diễn giải đúng đắn hứng khởi từ trên cao nhờ tham thiền, ta cần có trí năng linh hoạt. Thế nên mọi việc luyện tập đúng đắn về huyền bí học, đều nhấn mạnh khả năng tập trung tư tưởng, có sức tượng hình, biết tạo hình tư tưởng, và nắm được chính xác các ý nghĩa tâm linh. Con người đã biết sử dụng tình cảm nay bước đường tới là học làm việc trên cõi trí. Điều này ít được người chí nguyện nhận biết, họ có ao ước về mặt tình cảm, muốn thấy ý tưởng của mình được thể hiện, dành nhiều thì giờ cho hoạt động ở cõi trần và làm họ mệt mỏi vì đồng hóa với hình mà họ tạo ra, thay vì tách rởi nó. Khi ấy hình tư tưởng có thể ám ảnh và chế ngự họ, trở thành yếu tố chính thay vì là mục đích của hình.
Việc huấn luyện cái trí có giá trị của nó mà nhiều người tránh né không muốn tập, viện cớ rằng cái trí giết hại sự thật hay lý do gì khác, tất cả chỉ vì trí tuệ lười biếng. Mặt khác ta cũng không nên đi quá mau, và mong ước đạt thành quả sớm trong việc học hỏi, có lời khuyên là đừng dành nhiều thì giờ để diễn giải chi tiết. Bởi con người tiến hóa thành càng ngày càng có khả năng trí tuệ nhiều hơn, hiểu biết đưa ra cũng theo chiều hướng ấy, có nghĩa điều gì xuất hiện vào lúc này có mục đích làm sáng tỏ hay thêm vào cái đã trưng ra trước đó, hay trình ra giả thuyết mới mà tương lai sẽ khai triển thêm. Vào bất cứ thời nào, hiểu biết trong sách vở nên được xem là cái sườn tổng quát, ta nên chấp nhận nó như là giả thuyết để nghiên cứu và kiên nhẫn chờ đợi, tin rằng giả thuyết có thể đúng cho tới khi trực giác, hay triết thuyết của một đấng cao cả khác trong quá khứ phản bác lại. Cũng về trí năng thì con người có thể suy nghĩ sai đưa tới thí nghiệm hết sức tệ hại, thí dụ như chủ thuyết cộng sản trong thế kỷ 20, nhưng nhờ vậy mà ta tăng trưởng và học cách suy nghĩ. Khó khăn tạm thời, khủng hoảng vào một lúc nào đó, chiến tranh và đổ máu có thể khiến người thiếu suy nghĩ trở nên bi quan, nhưng ai hiểu biết và cảm được sự dẫn đắt của Thiên Đoàn, ý thức rằng có cơ Trời, và sau cơn hỗn loạn con người sẽ nhờ đó trở nên thành thạo, khôn ngoan hơn.
Nhu cầu luyện tập trí năng còn nhắm tới một điều khác trong tương lai, đó là sẽ có một khoa yoga mới dần dần thay thế Raja yoga, nhắm vào ai đã biết sử dụng trí năng và làm chủ tình cảm. Nó là yoga tổng hợp có mục tiêu là phát triển trực giác có ý thức, tập cho con người biết sử dụng cái trí để diễn giải trực nhận tinh thần. Agni yoga là tiên phong cho yoga mới này, với một số chỉ dẫn được đưa ra về mặt ý chí.
Không phải đến bây giờ cái trí mới được chú trọng, mà nó đã được quan tâm từ lâu qua giảng dạy về luân hồi, nhân quả. Khi tập cho người làm chủ và kiểm soát vận mạng của chính mình, những đấng cao cả bắt đầu với cái trí của con người, cái tạo ra hình tư tưởng, tuôn năng lực vào đó khiến hình linh hoạt tới lúc đủ mạnh thể hiện ra nơi cõi trần. Nói khác đi các ngài nhắm đến việc chỉ dẫn khiến con người biết suy nghĩ, và đó cũng là việc đang diễn ra hiện nay trên thế giới. Khuynh hướng của nền văn minh hiện đại là sản xuất ra người biết suy nghĩ. Giáo dục, sách vở, khoa học, triết lý đều thúc đẩy việc đi tìm chân lý, dùng trí não kiểm chứng lại nó, các sinh hoạt này là nhằm sinh ra người biết sử dụng trí năng.
● Trực giác
Bước đường tương lai không phải chỉ là học sử dụng cái trí, mà cái trí khi phát triển sẽ dẫn tới việc mở trực giác. Ta có diễn trình sau: người sơ cơ cần làm chủ thể tình cảm của mình, học kiểm soát tình cảm bằng cách dùng cái trí, đây là phần việc của đa số nhân loại hiện giờ. Sang bước kế anh sử dụng cái trí đúng cách và đạt tới ý thức cao hơn, làm cho trực giác linh hoạt.
III. Giá Trị của Sách.
Giá trị nổi bật của quyển WM là tính cách hướng dẫn trên đường Đạo. Với người tìm hiểu về huyền bí học muốn biết phải tiến hành ra sao, WM cho câu trả lời cùng chỉ dẫn thật rõ ràng. Người trung bình có ước vọng tinh thần thì nhấn mạnh về hạnh kiểm, thanh lọc thân tâm, có hiểu biết về tình huynh đệ và nhu cầu của nhân loại là đủ; nhưng với ai muốn đi xa hơn, khao khát chân lý và phụng sự thì cần có định hướng về trí tuệ (thay cho thiện tâm mơ hồ thuộc về tình cảm), tâm thức phát triển và biết chân giá trị của sự việc. Cho bước đường sau, lòng sủng tín, phản ứng dựa trên tình cảm và cảm xúc thì chưa đủ, con người cần phải có ý thức tinh thần và tâm thức mở rộng ngày càng bao trùm, so với ý muốn thông thường là tạo nhóm riêng rẽ, gạt ra ngoài những ai không cùng nhóm hay cùng tôn giáo, mầu da.
Các chỉ dạy trong sách nhấn mạnh vào nhân loại và khả năng cần có để phụng sự hữu hiệu. Chú tâm được hướng ra tới lợi ích cho thế giới, sự thực hiện thiên cơ hơn là vào phát triển cá nhân. Bạn tìm thấy trong sách những chỉ dẫn cần thiết và thực tế của đường Đạo
– Luật cho thể xác, tình cảm, thể trí
– Sự quan trọng và lý do cần tập tánh Vô Hại Harmlessness
– Cuộc tiến hóa
Đây là sách dùng cho cả đời, muốn nói bạn cần đọc nhiều lần để thấm ý nghĩa. Nó cũng là sách để thực hành, không phải chỉ có đọc mà người ta cần phải sống theo những gì học được trong sách. Đọc sách cho ta hiểu biết, và ứng dụng chúng vào đời sống hằng ngày, không phải để làm tăng kiến thức, điều không giúp mấy cho ta nếu muốn tiến gần hơn tới mục đích của mình, là phát triển khả năng để phụng sự.
IV. Tác Giả Sách
Vị Chân Sư tác giả thực của loạt sách do bà Alice A. Bailey viết, trong đó có quyển WM, được biết là đức D.K. (Djwal Khul), ngài thuộc cung hai tức về tôn giáo và giáo dục. Hình cho thấy ngài là một vị sư Tây Tạng lớn tuổi với nụ cười vui tươi đầy thiện cảm. Vào đầu thế kỷ 20, ngài là vị sư trưởng tại một tu viện Tây Tạng, ngoài vai trò ấy ngài còn phụ tá hai Chân Sư K.H. và M. trong việc truyền bá MTTL. Những sách này là nhằm tiếp tục, và khai triển các hiểu biết được đưa ra trong bộ The Secret Doctrine của bà Blavatsky. Tuy những điều trên được viết về ngài nhưng Chân Sư nhấn mạnh rằng chức vị, danh hiệu đều không đáng kể, mà điều duy nhất có giá trị là giáo huấn, chân lý nằm trong sách thu hút được trực giác người xem. Ngài kêu gọi chúng ta phải luôn nhớ điều ấy. Đức Phật dạy:
Các con chớ tin điều nào chỉ vì người ta nói vậy, vì tập tục truyền lại từ bao đời, vì thế gian đồn đãi, vì thánh nhân đã viết, vì nghĩ đó là do thánh thần gợi hứng, vì suy luận mơ hồ, hay vì quyền uy của bậc tôn sư. Nhưng hãy tin khi lời nói, triết thuyết, văn bản được tâm trí con chấp thuận. Vì vậy, ta dạy các con đừng tin chỉ vì đã nghe, nhưng khi đã tin vào tâm trí của mình thì hãy hành động theo mạnh mẽ.
Đây là thái độ mà tác giả của WM mong muốn người đọc làm theo khi cầm sách. Nói chung thì tất cả những sách của bà Bailey có giá trị rất lớn và bạn nên tìm đọc hết. Chúng nối tiếp việc trình bầy MTTL mà bà Blavatsky đã làm trước đó. So sánh thì trong toàn bộ sách của bà Bailey, sách WM dễ đọc hơn hết nên bạn không cần phải có trọn bộ một lần, mà hãy đọc cuốn này trước để làm quen, rồi khi đã có căn bản thì quyển kế tiếp là bộ hai cuốn Discipleship in the New Age, I và II.