ĐIỂM SÁCH: ONLY LOVE IS REAL

Only Love is Real
by Brian Weiss

 

Trong bài này ta ghi nhận một khuynh hướng trong phép trị bệnh hiện đang được một số người tin tưởng (từ thập niên 1980), dó là việc trở ngược về những kiếp trước, với mục đích tìm manh mối cho khó khăn của kiếp hiện thời. Khó khăn này có thể là bệnh tật, về thể chất hay tâm thần, như đau một bộ phận nào đó trong thân thể mà lối trị liệu y khoa thông thường không chữa được, hay có lòng sợ hãi không nguyên cớ như sợ chết chìm, sợ nghẹt thở. Khó khăn còn có thể về tình cảm như có mối liên hệ bất hòa với ai trong gia đình, thiếu tự tin, hay có khuynh hướng không giải thích được như muốn viết sách mà không viết được.
Điểm đáng nói là phương pháp này do bác sĩ tâm thần áp dụng, mà không phải do người có khả năng huyền bí như thông nhãn hay người đồng. Việc trở lại những kiếp trước để truy nguyên căn bệnh không phải là mới có lúc này, nó được biết tới nhiều nhất trước đây nhờ ông Edgar Cayce, với những trường hợp soi kiếp của ông được lưu lại thành hàng ngàn hồ sơ, và xuất bản thành nhiều sách. Sự khác biệt giữa việc soi kiếp của ông và cách chữa trị hiện thời, là với ông Cayce thì người đến nhờ ông giúp dường như không đóng vai trò gì, ông Cayce sẽ nằm thiếp đi và trong giấc ngủ ông nhìn lại tiền kiếp của bệnh nhân, thốt ra lời mô tả kiếp có nguyên nhân cho khó khăn trong kiếp hiện thời, thí dụ người có cảm giác bị nghẹt thở, khó thở kéo dài nhiều năm trong kiếp này, được truy ra là đã bị chết vì bão cát trong sa mạc v.v.
Theo lối này thì chính người bệnh không thấy được tiền kiếp của mình, trong khi với cách chữa trị mới thì người bệnh lại đóng vai trò tích cực, họ là người trở ngược về quá khứ đi tìm tiền kiếp của mình, thấy kiếp trước còn bác sĩ chỉ hướng dẫn và không thấy được kiếp trước của bệnh nhân, họ chỉ lắng nghe bệnh nhân mô tả điều thấy hay cảm được trong khi quan sát và sống lại kiếp trước này. Một khác biệt nữa nằm ở chỗ ông Cayce không có huấn luyện chuyên môn về y khoa hay tâm lý, chỉ là người có thông nhãn, và soi kiếp trong trạng thái xuất hồn, còn trong những phương pháp mới thì bệnh nhân tỉnh thức hoàn toàn trong lúc trở ngược về kiếp trước, và người trị bệnh là những chuyên gia như bác sĩ, tâm lý gia được huấn luyện theo đường lối khoa học tại các đại học tân tiến của Hoa Kỳ, nhưng lại chữa trị theo cách chưa được khoa học công nhận, tuy mang lại kết quả không thể bác bỏ được.
Sự việc xẩy ra một cách tình cờ, bác sĩ Brian Weiss tốt nghiệp từ các đại học lớn của Hoa Kỳ, được huấn luyện thêm thành bác sĩ tâm thần, và là giáo sư tại một số đại học y khoa. Ông chuyên sử dụng những phương pháp được công nhận trong ngành phân tâm học, thôi miên, ông không biết gì về luân hồi, nhân quả, và đã viết nhiều bài nghiên cứu về y khoa cho cả hai mặt là thể chất và tâm thần, vào lúc chuyện xẩy ra thì ông là trưởng phân khoa tâm thần của trung tâm y khoa tại Miami Beach ở tiểu bang Florida. Ta nói qua một chút về thuật thôi miên dùng trong phép chữa trị tâm thần. Bác sĩ Weiss giải thích rằng nó không giống như trong phim ảnh, hay chuyện cho ấn tượng sai là người bị thôi miên không còn ý thức, không biết mình làm gì, trong khi theo khoa tâm thần trên thực tế, người được thôi miên giữ trọn vẹn tri thức của mình, rất chủ động, biết mình đang làm gì và khi cảm thấy không thoải mái thì họ có thể ra khỏi trạng thái thôi miên theo ý muốn. Nói khác đi họ duy trì tự do ý chí trong suốt lúc thôi miên, mà không hề bị người thôi miên chi phối hay ảnh hưởng.
Ông có một bệnh nhân mà các lối chữa trị tâm lý thông thường trong hơn một năm rưỡi không làm bớt được nỗi lo lắng, sợ hãi không duyên cớ của cô. Một hôm ông mới dùng phép thôi miên và dặn cô trở về nguyên do đã gây ra triệu chứng này, ý của bác sĩ là muốn cô nhớ lại chuyện gì đã xẩy ra lúc còn nhỏ dẫn đến tình trạng lo lắng, sợ hãi khi lớn, không dè cô lại theo sát lời chỉ dẫn và chìm sâu vào tiềm thức tuy vẫn chủ động, thấy lại kiếp trước của mình và mô tả cho ông nghe.
Ông hết sức ngạc nhiên, bởi ông là người Do Thái nhưng ít quan tâm đến mặt siêu hình, và tự nhìn nhận là không muốn biết đến chuyện tái sinh, vì ông đầy lòng nghi ngờ những điều không chút khoa học như tâm linh vá các quan năng khác thường. Còn bệnh nhân là người theo Công giáo La Mã không biết về luân hồi, và cô rất tin tưởng vào tôn giáo của mình. Cô là chuyên viên phòng thí nghiệm, nên có óc suy xét thông minh, và không hề có dấu hiệu là có chứng hoang tưởng, mê loạn hay rối loạn tâm thần đáng ngại nào, cô cũng không nghiện rượu hay có dùng ma túy. Nói khác đi cô không điên, không mất lý trí. Trong lúc trị bệnh, cô tỏ ra sợ bị mắc nghẹn nên cô nhất định không chịu uống thuốc. Trong trạng thái xuất hồn mà vẫn tỉnh táo, cô trở lại kiếp khoảng 4.000 năm trước ở Ai Cập, mô tả hình dạng của mình, y phục, địa hình của vùng cô sống, kể lại những biến cố trong kiếp ấy cho tới khi cô bị chết chìm. Cô thuật lại thêm rằng khi chết, cô thoát ra khỏi thân xác bay lơ lửng bên trên nhìn xuống thể xác của mình, tức kinh nghiệm được thuật lại rất nhiều trong sách vở về lúc cận tử của thế kỷ 20, nhưng cô không hề nghe đến tên tác giả hay tên những quyển sách này.
Bác sĩ Weiss tỏ ra đầy nghi ngờ và kinh ngạc. Ông đã thôi miên hằng trăm bệnh nhân trong nhiều năm hành nghề, nhưng chuyện trở về kiếp trước chưa hề xẩy ra, và ông kết luận rằng lời kể này chỉ là mơ mộng viễn vông. Dầu vậy, việc rất lạ lùng là sau đó triệu chứng của cô giảm đi khác thường, mà bác sĩ Weiss biết rằng mơ mộng viễn vông không thể dẫn tới việc trị dứt bệnh mau lẹ và hoàn toàn như vậy được. Tuần này sau tuần kia, lúc bị thôi miên cô trở lại thêm những kiếp khác và triệu chứng khó trị của cô biến mất dần, để chỉ trong vài tháng cô hoàn toàn khỏi bệnh mà không cần dùng một thứ thuốc nào. Quyển sách thuật lại nhiều chuyện thú vì mà chỉ xin kể hai chi tiết ở đây.  
Trong lúc chữa bệnh có một hôm nữ bệnh nhân tới dự cuộc triển lãm về cổ Ai Cập, khi nghe người hướng dẫn giải thích về mẫu vật trưng bầy ở đó, cô tự dưng thấy có điểm mà cô tin chắc là không đúng, và mạnh dạn thảo luận với người hướng dẫn, đưa tới khám phá là nhận xét của cô đúng với lịch sử cổ Ai Cập. Cô thấy lạ lùng vì quả là cô ưa thích Ai Cập mà không biết vì sao, cô không hề cố ý tim hiểu về đất nước này, không có kiến thức mấy về nó nhưng có những điều mà tự dưng cô biết rằng mình biết. Sau khi chuyện ở cuộc triển lãm diễn ra, trong suốt buổi thôi miên những lần kế, cô trở ngược lại một kiếp là nhân viên đền thờ tại Ai Cập, làm việc mật thiết với các giáo sĩ và do đó có hiểu biết sâu rộng về sinh hoạt của đền thờ, cùng phép chữa trị và dược chất sử dụng thời ấy. Lần khác trở về kiếp mới đây nhất thì cô thấy mình là phi công Đức hồi thế chiến thứ II, cô mô tả những bộ phận của phi cơ rành rẽ trong khi ở kiếp hiện thời, cô không có hiểu biết gì về máy móc trên phi cơ.
Lắng nghe những chuyện như vậy làm nỗi kinh ngạc của bác sĩ Weiss giảm bớt đi, ông quyết định giải quyết thắc mắc bằng phương pháp mà ông được huấn luyện tức nghiên cứu một cách khoa học. Ông mới đi lục lọi thư viện, tiệm sách để có thêm dữ kiện, và khám phá là có những chuyên gia tâm thần khác đã dầy công thâu thập, cũng như kiểm chứng những trường hợp về luân hồi, và đã có một số bác sĩ dùng cách trở ngược về kiếp trước để trị bệnh. Đồng thời với khám phá này, ông cũng biết thêm là còn nhiều chuyên gia y tế và tâm thần khác e sợ không dám nói lên niềm tin vào luân hồi, tái sinh, chuyện kiếp trước, không dám công bố việc làm vì sợ gặp phản ứng bất lợi cho nghề nghiệp và uy tín của họ.
Nữ bệnh nhân trong chuyện được lành bệnh sau khi trở về hàng chục kiếp, cô được sung sướng hơn, có đời sống tươi vui hơn, và thấy rằng sự sống tiếp diễn sau cái chết, tức không phải cái chết là hết. Còn với bác sĩ Weiss, quan niệm của ông về việc trị bệnh tâm thần bắt đầu thay đổi hẳn, ông nhận biết là phương pháp trị bệnh bằng cách trở ngược về quá khứ cho ra việc giảm triệu chứng tâm thần mau lẹ, mà nếu theo cách chữa trị thông thường thì phải mất hàng tháng hay nhiều năm tốn phí cao mới bớt. Ông mới bắt đầu dùng đường lối này cho những bệnh nhân khác và lại có kết quả tuyệt hảo, bệnh nhân của ông là bác sĩ, luật sư, thương gia, giám đốc, bà nội trợ, công nhân, nhân viên bán hàng, thuộc đủ mọi tôn giáo, tầng lớp xã hội, có trình độ học vấn khác nhau, và nhiều người đã dứt những chứng kinh niên như kinh hoảng, ác mộng, sợ hãi, đau đớn thể chất v.v.
Chúng ta nhìn sự việc trên như thế nào ? Trước hết là có sự vui mừng, có lòng chia vui với ai nhờ vậy thoát được bệnh tật đau khổ, thứ hai là có lẽ nên chờ đến tới khi có hiểu biết nhiều thêm về hậu quả của việc trở ngược lại những kiếp đã qua, rồi hãy sử dụng phép trị bệnh ấy. Thường thường nhớ lại tiền kiếp là chuyện không được khuyến khích vì một số lý do, hiểu biết này có thể trở thành gánh nặng trong tâm tư làm người ta bận tâm đến quá khứ nhiều hơn là hiện tại, dành nhiều thì giờ cho việc đã qua thay vì tìm cách sống trọn vẹn trong kiếp này. Đa số người được bác sĩ Weiss mang trở ngược lại tiền kiếp tránh được chuyện như vậy, nhưng cũng có trường hợp người hiện giờ ở Hoa Kỳ thấy trong một kiếp mình sống ở miền nam Âu châu, kiếp ấy có vài điều làm họ đặc biệt thích thú nên sau đó, họ dự tính lên đường trở lại vùng đất ấy để tìm thêm chứng cớ của kiếp sống xưa.
Câu hỏi đặt ra là để chi ? Cuộc sống luôn tiến đến trước, mỗi kiếp  có phần việc con người phải làm và bài học riêng của nó, cho ta gặp gỡ làm việc chung với một số người, hay cuộc sống đặt ta vào hoàn cảnh đặc biệt để vừa giải quyết một số chuyện cũ, vừa phát triển chính con người của ta, và đặt nền móng cho những kiếp tới. Khi lãng quên phần việc và bài học của kiếp hiện tại do chuyên chú vào quá khứ, thì ta không làm tròn mục đích của lần tái sinh này, khiến uổng phí thời gian ở cõi trần và có lẽ đó chuyện nên suy nghĩ.
Nguyên do thứ hai là mỗi sự việc có thời điểm thích hợp của nó để xẩy ra, chuyện trong quá khứ sẽ cho ra kết quả ở tương lai vào đúng lúc, khi có thuận duyên và con người có đủ sức mạnh tâm linh để đối diện với hệ quả, và đủ khôn ngoan để rút tỉa được bài học. Nay vì lý do nào đó ta cố tâm tìm lại quá khứ thấy chuyện đã qua, thì ý thức có được từ chuyện này có thể khơi dậy một số phản ứng dây chuyền, khiến hệ quả của quá khứ  bị ép buộc xẩy ra sớm hơn ngày giờ đã định, trước khi có điều kiện thuận tiện để ta khai thác được tối đa bài học của quá khứ, giống như trái cây được hái sớm không có đủ thì giờ chín trọn vẹn tự nhiên, Nhân quả không phải là luật bất di bất dịch mà bởi con người có tự do ý chí, ta có thể thúc đẩy hay trì hoãn việc nhân quả trở lại hay trang trải nó.
Thí dụ cho sự thúc đẩy là khi ta sở hữu vật có làn rung động ứng hợp với chuyện quá khứ đặc biệt nào đó, như cổ vật có lời chú đi kèm, trong trường hợp ở đây hiểu biết chuyện cũ làm khơi động dòng tâm thức khi xưa, và do vậy cũng có thể khiến hệ quả biểu hiện sớm hơn thiên nhiên dự tính, trước khi ta sẵn sàng. Điểm này cần nói vì luật Trời đầy tình thương và trong nhân quả có tình thương, theo nghĩa nó được xếp đặt cho thành hình lúc ta phát triển đủ để học hỏi và tăng trưởng tối đa từ việc ấy, mà không máy móc xuất hiện bất kể tới lợi ích ra sao cho người trong cuộc. Thí dụ cho sự trì hoãn khoan giải quyết chuyện cũ khi nó tới là như tự tử, hay muốn hết bệnh bằng mọi giá. Điều này có thể làm được vì con người có tự do ý chí, xoay chuyển được vận mạng của mình, nhưng nếu đó là nhân quả trở lại thì việc tránh né không làm tiêu tan chuyện cũ, mà chỉ gác nó qua bên, sự việc chưa giải quyết và còn đó chờ đợi ta sau này.
Một lý do khác của thái độ dè dặt với chuyện khám phá tiền kiếp, là trong chúng ta có hai thành phần cùng sinh hoạt là phàm nhân và Chân nhân, và mục tiêu được nhắm đến là sự quy thuận của phàm nhân đối với Chân nhân. Khi được vậy thì con người chỉ có khát khao duy nhất là thực  hành ý muốn của Chân nhân, còn khi chưa có sự quy thuận ấy thì có tranh chấp giữa cái cao và cái thấp, với mỗi thành phần có ý hướng riêng. Phàm nhân muốn được hạnh phúc, sung sướng còn Chân nhân muốn tăng trưởng. Đối chọi này được thấy rõ trong câu chuyện của một người tới nhờ bác sĩ Weiss đưa trở về quá khứ, họ thắc mắc là sao kiếp hiện giờ của mình bị nhiều khó khăn quá, họ tự hỏi là tại sao mình lại chọn các khó khăn này. Họ thấy được nhiều kiếp trước, có kiếp đầy trở ngại mà cũng có kiếp thoải mái dễ dàng. Người này khám phá một điều quan trọng là những kiếp khó khăn làm họ tăng trưởng mau, còn kiếp nhàn hạ thoải mái chỉ là giai đoạn nghỉ ngơi, không có tiến bộ mấy. Khám phá này do vậy là câu đáp cho thắc mắc tại sao kiếp hiện tại của họ lại có quá nhiều trắc trở, đó là vì Chân nhân muốn tăng trưởng và họ tìm ra được ý nghĩa của sự việc trong đời.
Thí dụ này đưa ra khác biệt lớn lao giữa ý hướng của phàm nhân và Chân nhân, mục đích của Chân nhân là tăng trưởng thiên tính hay Phật tính, là mở rộng và bao trùm được nhiều hơn. Khi gia tăng cảm nhận của mình tức thông cảm nhiều hơn với người khác, thì phần tâm linh cảm thấy rất hài lòng, còn mục đích của phàm nhân chưa phát triển thì không phải là mở rộng lòng thương yêu mà là thâu thập về mình, củng cố cái tôi. Phàm nhân đi tìm hạnh phúc, tưởng rằng hạnh phúc sẽ tới khi ước vọng được thỏa mãn, còn Chân nhân tìm cách tăng trưởng, biết rằng khi con người mở rộng thì sự an lạc tự nó sẽ tới, thêm vào đó, an lạc này sẽ lâu bền vì nó dựa trên sự phát triển của tâm linh có tính trường cửu.
Bởi khi ta tập được lòng khoan dung thì đặc tính này sẽ theo ta hoài trong những kiếp về sau không bao giờ mất, còn tính chất của vật chất thì phù du, ngắn ngủi nên lòng thỏa mãn khi ao ước cõi trần thành hình thường không bền, vì nó dựa trên những vật vô thường như của cải vật chất, thêm nữa khi được mãn nguyện người ta lại có ao ưóc  mới, và do đó không hề được toại nguyện hoàn toàn. Trở lại câu chuyện đi tìm quá khứ thường là ao ước của phàm nhân muốn được hạnh phúc, tức làm sao thoát khỏi khó khăn, đau khổ hiện nay bằng cách truy nguyên nguồn gốc trong quá khứ, trong khi đó Chân nhân không nhắm tới hạnh phúc mà muốn tăng trưởng và không bận tâm đến quá khứ.

Ta cũng có thể nhìn phương pháp chữa bệnh này theo một lối khác, ấy là với tâm thức ngày càng mở rộng thì những dè dặt xưa có thể được nới lỏng, giống như trẻ thơ bị cấm chơi dao, chơi lửa vì nguy hiểm xẩy ra cho trí óc non nớt, chưa biết cẩn trọng, nhưng cấm đoán này không còn khi ta trưởng thành biết suy nghĩ, lượng xét được mức hiểm nguy. Cũng y vậy, vào lúc tâm thức con người chưa mở mang đủ để việc trở về quá khứ được an toàn, thì có khuyến cáo ngăn cấm hành động ấy, nhưng khi còn người vững mạnh hơn về mặt tâm linh thì điều trên có thể được thực hiện mà không sợ hậu quả bất lợi. Ao ước được hết bệnh, được hạnh phúc là điều chính đáng, nhưng ta cần để ý cách thực hiện ao ước này, ở đây là bằng việc trở về quá khứ sao cho nó không gặp trở ngại cho mục tiêu thực của cuộc sống. là tăng trưởng tinh thần.
Sách vở loại này cho ra nhận xét là các đấng cao cả dùng nhiều phương cách để thúc đẩy sự tiến hóa. Phong trào Theosophy có phương tiện nổi bật nhất là hội Theosophia, nhưng đồng thời và song song với hội còn có nhiều hoạt động, tổ chức khác tuy rất dị biệt nhưng nhắm tới cùng mục đích là đưa ra chỉ dạy mới, đôi khi dưới hình thức không ngờ, thích ứng với tâm thức mới của thời đại. Chủ trương của hội về cả ba mặt triết lý, khoa học và tôn giáo có thể không hấp dẫn một số người, trong khi điều duy nhất như việc xem xét tiền kiếp, hay hiểu biết về sự sống tiếp diễn sau cái chết lôi cuốn họ nhiều hơn, vì thế vài đường lối khác được chọn để trình bầy những chỉ dẫn này. Sự việc muốn nói tất cả những nỗ lực nhằm giúp thế giới ý thức nhiều hơn về sự sống, vật chất cũng như tâm linh, đều thuộc về phong trào Theosophy, và chúng ta nên có tinh thần cởi mở để đón nhận hiểu biết từ mọi nguồn, mà không chỉ giới hạn vào hội Theosophia.
Chuyện kế đáng ghi là khi bác sĩ Weiss nhìn lại tiền kiếp mình, thì ông thấy được hai kiếp lý thú, với một kiếp diễn ra ở vùng Babylon khi xưa cách đây mấy ngàn năm. Ông là giáo sĩ cao cấp trong đền thờ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với hoàng gia, nhưng khi tiến lên địa vị cao thì những ước nguyện thanh bai đầy lý tưởng của đời tu sĩ phai mờ dần, thay vào đó ông muốn có thế lực, giầu sang mà chức trọng quyền cao trong hàng giáo phẩm mang lại. Ông không giảng dạy đạo lý hay đi tìm chân lý nữa, chỉ lo làm sao thỏa mãn ham muốn vật chất, và một đời uổng phí như vậy trôi qua. Trong một kiếp sau ông thấy mình ở Âu châu vào thời trung cổ, bị hành hạ vì tin vào thuyết luân hồi là điều mà giáo hội Công giáo thời ấy bác bỏ. Ông nhất quyết không từ bỏ niềm tin và bị hành hạ đến chết.
Khi nhìn hai kiếp này, có một tiếng nói vang trong tâm tưởng ông rằng kiếp ở Âu châu không bắt buộc phải vậy, ông không cần phải chết, phải khăng khăng lớn tiếng rao giảng luật tái sinh, bởi vào lúc ấy, thời điểm chưa thuận tiện để thúc đẩy đề tài này, thay vì vậy ông có thể dễ dàng nói về tình thương thì cũng cho ra kết quả tốt đẹp. Kiếp ở Babylon ông có cơ hội để chỉ dạy chân lý thì không làm, kiếp ở Âu châu thời trung cổ không có cơ hội để nói về luân hồi thì ông lại làm. Tiếng nói ấy dịu dàng tiếp tục rằng trong kiếp hiện tại này ở thể kỷ 20, ông nên làm cho đúng. Rải rác trong chuyện có vài nhận xét nho nhỏ đầy sáng suốt như vậy, làm cho sách rất đáng chú ý.
Các tác phẩm của bác sĩ Weiss chú tâm vào tiền kiếp, và do đó gián tiếp nói về sự sống sau khi chết. Nhiều câu chuyện được ghi lại về đề tài này mà ở đây, ta chỉ thuật hai chuyện tại Hoa Kỳ. Một cặp vợ chồng trẻ tuy quí chuộng nhau mà lại thường tranh cãi, vì cô là luật sư tin vào luân hồi, còn anh là ký giả xuất sắc thiên nặng về trí tuệ đòi hỏi có chứng cớ và chế diễu điều ấy. Rồi anh mắc bệnh nan y và họ tranh cãi thêm, những tháng cuối đời anh thấy cay đắng và lại càng chỉ trích mạnh niềm tin của cô. Buổi sáng trước ngày qua đời, anh thuật với cô rằng có một cụ già ngồi trên ghế trong phòng, bảo đang chờ để rước anh đi. Anh mới xin lỗi cô, bảo cô tin như vậy là đúng, xin cô giữ vững niềm tin ấy, và anh tỏ ra bình an, thư thái, điềm tĩnh trước cái chết thay vì tức tối, giận dữ.
Chuyện khác cũng là một cặp vợ chồng đứng tuổi trong bệnh viện chờ giờ phút ra đi của ông, ông mắc bệnh ung thư vào thời kỳ chót và hai ông bà dành nhiều thì giờ với nhau trong những ngày cuối. Một hôm bà mới thuật với bác sĩ rằng ông cảm thấy mình trôi nổi bay lượn trong phòng, bác sĩ tỏ ý thích thú bảo đó không chắc là do mê sảng và muốn nghe thêm, thái độ cởi mở ấy làm họ mạnh dạn hơn nên hôm sau, bà kể là ông lại thấy mình trôi nổi nữa, mà lại cảm thấy rất thoải mái. Ông nghe thấy có người nói chuyện ngoài cửa nên bay ra đó. Bác sĩ tưởng là nhân viên bệnh viện đứng chuyện trò ở ngoài phòng của ông nhưng không phải vậy, bà chữa lại rằng đó những người đang chờ để rước ông đi.  
Qua hôm sau ông yếu dần, bà kể với bác sĩ là ông lại bảo thấy mình trôi ra gặp người ngoài cửa, họ cho ông xem một quyển sách lớn trong đó có tên của ông trong kiếp tới, nghe giống như tên người Pakistan hay Ấn Độ. Tới đây thì ông ngắt lời bà, nói là mình đọc được tên mà không thấy được họ của mình, vì người ta che đi cái họ viết trong sách. Những người ấy bào ‘Không, ông chưa được thấy họ của ông lúc này’. Ông cũng nói là thấy một xe bus tới để mang ông đi nơi khác, và thì thào với bà vì ông quá yếu, rằng chết không phải là sự mất mát mà là một phần của sự sống. Đến chiều cùng ngày thì ông ra đi.
Những kinh nghiệm như vậy làm cho người trong cuộc thay đổi quan niệm về cái chết, cả bệnh nhân và thân nhân của họ thấy an tâm khi giờ khắc qua đời tới gần, và khi sự phân ly xẩy ra thì mối đau lòng nhường chỗ cho hiểu biết tình thương còn hoài, và sẽ mang ai thương yêu lại với nhau vào một dịp khác. Như thế không phải chỉ sách vở của hội Theosophia mới làm công việc trình bầy chỉ dẫn này, mà nhiều phương tiện được sử dụng tùy trường hợp, để Minh Triết Thiêng Liêng đến được tất cả mọi người khi họ có tinh thần cởi mở. Thời đại mới cần sự trình bầy mới, và xin đề nghị quí độc giả xem các sách của tác giả Brian Weiss với óc phân biện, dè dặt, cùng ý thức rằng linh hồn non trẻ muốn có hạnh phúc, còn linh hồn già dặn hơn thì muốn có tăng trưởng, bởi tăng trưởng sẽ mang lại an lạc và trưởng cửu vì nó dựa trên khả năng phát triển như lòng khoan hòa, thương yêu. Khả năng ấy không hề mất theo thân xác khi qua đời, mà sẽ theo con người từ kiếp này sang kiếp khác, còn hạnh phúc dựa trên cái vô thường như địa vị, tiền bạc là những điều sẽ tan biến sau một kiếp, và do đó không thường hằng.
Sách đề nghị cùng tác giả:
Many Lives, Many Masters
Through Time Into Healing
Only Love is Real
Miracles Happen v.v.