ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Đời Huyền Bí của HPB (tt)

 

The Esoteric World of Madame Blavatsky - Daniel Caldwell

 Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

y là bản thảo của phần III quyển The Voice of the Silence, và trong khi tôi đọc thì bà ngồi đó hút thuốc, nhịp chân trên sàn như là thói quen của bà. Tôi đọc mãi, quên sự có mặt của bà mà đắm chìm trong sự mỹ lệ và thanh cao của đề tài, cho tới khi bà phá vỡ sự yên lặng của tôi với câu hỏi.
– Sao ?
Tôi thưa với bà rằng đây là bài hay nhất trong tất cả sách vở TTH của chúng ta và cố gắng, trái với thói quen của tôi, bầy tỏ bằng lời nỗi nhiệt thành mà tôi cảm thấy. Nhưng ngay cả khi đó HPB cũng chưa hài lòng với việc làm của mình, và tỏ ra lo ngại nhiều là bản dịch không lột tả trọn vẹn ý nghĩa của nguyên tác, và khó mà có thể khuyến dụ bà rằng bà đã thành công.
Đây là một trong những đặc điểm chính của bà. Bà không hề tin tưởng vào tác phẩm văn chương của mình, mà vui vẻ lắng nghe mọi lời phê bình, luôn cả từ những ai lẽ ra không nên lên tiếng. Lạ lùng thay là bà luôn luôn nhút nhát hết sức với những bài viết hay nhất của mình, và tin tưởng nhất với các bài bút chiến.
Khi chúng tôi trở về Lansdowne Road, cả bác sĩ Archibald Keigthley và Bertram Keigthley đã đi ngoại quốc, người trước làm một vòng đi quanh thế giới, người sau đi giảng ở Hoa Kỳ. Thành ra việc của họ phần lớn để lại cho tôi, và dần dần tôi bắt đầu gặp riêng bà nhiều về công việc của bà, do trường hợp cần thiết phải vậy.
Để xem tôi có thể cho bạn ý niệm về cách thực hiện công việc.
Bắt đầu thì có tờ Lucifer mà khi ấy bà là chủ bút duy nhất. Khởi sự thì HPB không hề đọc một bản thảo nào, mà bà đòi xem bản vỗ của nó và ‘ước lượng’ nội dung. Điều bà đặc biệt quan tâm là chiều dài của bài, và thường cặm cụi đếm số chữ mỗi trang, và không hề chịu tin là tôi đếm chính xác khi tới phiên tôi ‘ước lượng’ chiều dài. Nếu tôi gợi ý là cách của tôi là phương pháp tiện dụng hơn, bà sẽ dũa tôi với nhận xét đúng về việc giáo dục ở Oxford và Cambridge, và tôi thường nghĩ bà chủ tâm dùng phương pháp cổ lỗ sĩ về cách tính bằng số học, để chữa tánh nóng nẩy và tự tin vào sự tài giỏi hơn người của tôi. Một điều lớn nữa là việc xếp đặt những bài thành trang tạp chí. Trong những ngày ấy bà không hề giao chuyện này cho ai khác, và đo hết mọi thứ là việc làm cực nhọc.
Đem Lucifer đi in luôn là chuyện gấp rút, vì bà thường viết lời bình luận vào phút chót, và khi đã quen với việc, xem nhà in, nếu không là ai khác, có lỗi nếu báo không ra đúng kỳ hạn.
Giờ đầu tiên buổi sáng sau điểm tâm sẽ mãi đối với tôi là kỷ niệm vui vẻ. Mọi chuyện đều khác với lẽ thường. Tôi hay ngồi lên tay ghế bành rộng của bà, và vâng lời hút điếu thuốc bà đưa, trong khi bà mở thư từ, cho tôi hay bà muốn làm gì, và ký những chứng chỉ hội viên; chuyện sau luôn có căng thẳng lớn, vì bà ghét việc làm máy móc như vậy.
Tuy HPB giao phần lớn việc liên lạc thư từ cho tôi, dầu vậy không phải là nó không có sự giám thị rõ ràng, vì bà sẽ đột nhiên gọi để xem thư trả lời mà hy vọng là chưa gửi đi, hay bản sao của một thư cũ, mà không có gì báo trước, và nếu có lỗi nào, bài ‘moral’ mà tôi nhận được sẽ làm tôi không thoải mái. Một điều mà bà luôn luôn nhấn mạnh với tôi là tập có ý thức về sự ‘thích hợp của việc - the fitness of things’, và bà không nhân nhượng nếu luật hòa hợp này bị vi phạm, không cho ta có lối thoát nào, không nghe bất cứ viện cớ gì, với khả năng lý luận và hiểu biết rất mạnh của bà luôn luôn đi tới trúng đích, cho dù cách biểu lộ có vẻ như không liền lạc; và một phút sau, bà lại là người bạn thân ái, là bậc huynh trưởng, và tôi có thể nói chăng, là đồng chí mà chỉ mình bà biết cách thành như vậy.

21F Vô Danh
Tháng 9 - 1889, London

Vài hôm trước tôi có may mắn tới gặp bà Blavatsky tại nhà bà ở London. Hôm đó trời mưa như ngày nào cũng vậy ở London, và đường từ Charing Cross tới Holland Park bằng xe ngựa hai bánh sẽ chẳng dễ chịu tí nào, nếu tâm trí không bận rộn nhớ lại bao năm dài kiên nhẫn chờ đợi, từ khi tôi mới có ý muốn được gặp bà.
Kẻ hành hương tới thánh địa Mecca của đạo Hồi, người sùng mộ chót hết được hầu chuyện với đức Giáo hoàng, người Mỹ có được đặc ân ra trình tòa, du khách thấy Mont Blanc lần đầu tiên, tất cả đều thành vô nghĩa trước kinh nghiệm của những tình cảm trong đó tất cả mấy điều này hòa lại, và còn thêm điều gì nữa mà chỉ có sự bí ẩn mới cho được, khi xe lăn bánh dọc theo các con đường chính đông đảo của London để tới thăm bà Blavatsky.
Mưa lớn hơn, và sau hai mươi phút dong cương khó nhọc, người đánh xe dừng ở số 7 Lansdowne Road. Mưa không còn rơi từng hạt mà như cầm chĩnh đổ, và kẻ hành hương lẹ làng đội mưa chạy xuống coi để thấy số nhà không phải 7 mà là 17. Có lời cám ơn cho thông tin này, và nhủ thầm rằng hẳn bà phải rất có tiếng tăm, rồi lại băng qua mưa lần nữa để tìm nhà. Lansdowne Road là một trong những con đường rộng, xinh đẹp trong vùng Hyde Park, nơi mà nhà là căn bề thế, có thể xứng cho giới quí phái. Vườn được chăm sóc kỹ hay những dải cây cỏ xanh, thêm vẻ quyến rũ cho dinh thự to lớn bằng đá là kiểu ở đây.
– Oui, Madame, entrez, s’il vous plait.
là câu đáp trịnh trọng cho câu hỏi,
– Bà Blavatsky có nhà chăng và tôi gặp bà được không ?
Được đưa vào phòng đầu tiên bên trái, nơi có một bàn rộng và bàn ghế được dùng hoặc là phòng ăn, phòng tiếp khách, và đôi khi là phòng làm việc vì trên bàn có nhiều giấy tờ khác nhau và bài viết, tôi chờ thêm lệnh. Lát sau cửa xếp được mở ra và tôi đứng đối diện với một ông vóc dáng to lớn, mặt vui vẻ, bộ râu rậm, một người đàn ông nhã nhặn mà cung cách và diện mạo thật đặc biệt, khiến tôi lập tức không chủ ý mà kêu lên.
– Đại tá Olcott.
– Đúng vậy, và cô là đồng hương của tôi. Xin mời ngồi.
Ông chỉ mới từ Ấn Độ sang London mấy ngày trước, và thì giờ trôi qua nhanh khi ông nói về công việc làm, và chỉ bị gián đoạn khi cửa mở, cho hay bà Blavatsky vào.
Tôi tả bà ra sao đây ? Đó là chuyện bất khả. Một ấn tượng tổng quát về sự tốt bụng, về uy lực, về tài năng tuyệt vời là tất cả những gì còn lại của giây phút ấy trong trí tôi. Bà đi đứng khó khăn vì bị phong thấp nặng, nhưng bà cười nói khi ngồi vào ghế bành.
– Tôi đã gạt được y sĩ và cái chết nhiều lần trước đây rồi, họ nói là tôi hy vọng gạt được phong thấp nữa, nhưng làm vậy không dễ.
– Nhưng bà vẫn viết chứ ạ ?
– Cố nhiên, tôi viết nhiều như mọi khi.
Và đại tá Olcott ngắt lời.
– Phong thấp nhỏ nhặt có gì đáng nói, bao lâu mà nó không lẻn vào đầu bà hay chuyện viết lách của bà ?
Tất cả chúng tôi đều cười. Khi tôi nói.
– Báo Lucifer rất có tiếng ở Hoa Kỳ, bà đáp mạnh mẽ.
– Họ tẩy chay nó ở London và không cho bán ở sạp báo.
Tôi không hiểu nổi điều này và bà cười nói.
– Có người tin tôi là quỷ dữ với móng và sừng.
Chúng tôi lại cười nữa.
Chúng tôi trò chuyện về TTH và sự bành trướng mau lẹ của nó.
– Cô có thấy người ta nói về quyển sách này không ?
Và bà đặt vào tay tôi mấy tờ in thử của sách mới của bà, The Key to Theosophy. Tôi chưa thấy, và bà nói sách sẽ được phát hành chỉ nay mai, cũng như một tác phẩm nhỏ hơn mà bà vừa hoàn tất, The Voice of the Silence. Khi tôi ngỏ ý ngạc nhiên về số lượng bài mà bà đã viết và khối kiến thức dồi dào được trưng ra, đại tá Olcott nhận xét.
– Tôi đã làm việc nhiều năm với bà Blavatsky và biết hết mọi chuyện về việc ấy. Bà là đầu máy hăng say khi viết, và khi tôi nói với cô rằng trong lúc viết bộ Isis Unveiled, với thật nhiều các doạn trích từ cổ thư, bà chỉ có một tủ sách nhỏ gồm sách vở thông thường, thì cô sẽ tin tôi khi tôi nói với cô là bà đọc từ cõi thanh rõ ràng như đọc trên trang giấy mở rộng.
Trong trọn thời gian này tôi cảm biết có đôi mắt đọc thấu hết tư tưởng của tôi, và gương mặt đối diện tôi có thể bất cứ lúc nào trở thành tĩnh lặng như con nhân sư, mà lại rất từ hòa và linh hoạt ngay hiện giờ. Tôi có thể tưởng tượng không cá nhân nào biểu lộ ý chí bất khuất rõ như bà Blavatsky.
Gian phòng mà chúng tôi ngồi có nét rõ rệt con người của bà. Nó đầy những vật gợi ý về tư tưởng, sự thanh bai, nỗ lực văn chương, quan tâm đến thân hữu, nhưng không có chỗ chỉ để trưng bầy các món trang trí vô dụng. Bàn mà đại tá Olcott ngồi một bên và bà bên kia, có đầy giấy và sách. Tường treo hình chụp, và ở đây ngay trung tâm của thành phố nhộn nhịp, có vị sáng lập hội Theosophy đang sống và làm việc, với hội nay có hơn ba mươi chi bộ chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Tất cả những điều này thành đạt được chỉ hơn chục năm qua.
Khi tôi đứng dậy ra về, bà Blavatsky thân ái cầm lấy tay tôi chào từ giã, với lời thăm hỏi những bạn hữu Hoa Kỳ của bà. Bà nói.
– Hoa Kỳ là nước hay nhất và dở nhất, tốt lành nhất và xấu nhất trên thế giới.
Trời vẫn còn mưa khi đại tá Olcott đưa khách lạ ra xe và nói.
– Chúng tôi mong bà sẽ sắp hoàn toàn bình phục.
Cửa đóng, thêm nửa giờ trong xe hai bánh trên đường phố London, giữa cơn mưa trút nước, chỉ làm tăng thêm những ấn tượng mà chuyến viếng thăm người phụ nữ tuyệt vời nhất của thời đại đã tạo nên.

21G James Bernard Old
Tháng Mười Một 1889, London

Hồi ức đầu tiên của tôi về HPB thì có liên hệ với anh tôi là Walter Old (bút hiệu ‘Sepharial’ về chiêm tinh học). Anh rất chú ý đến Theosophy. Walter từ chức việc làm ở ngân hàng, và đi London phụ giúp công việc tại trụ sở hội Theosophy. Mẹ tôi hết sức lo về sự liên kết của anh với hội, và tự nhiên là bà nghĩ anh đã sai lầm lớn, khi bỏ việc rất khá ở ngân hàng đi làm chân thư ký không lương. Nên tôi được gửi đi để xem họ đang làm gì với anh.
Tôi có một mô tả về vẻ ngoài của HPB khi gặp bà lần đầu tiên tại Lansdowne Road, tháng Mười Một, 1889. Đây là phần trích ra từ nhật ký riêng mà tôi hay ghi lại.
Sau khi đến London, chúng tôi đi tới Lansdowne Road, và anh tôi giới thiệu bà Blavatsky. Thử hình dung một phụ nữ lớn tuổi, to lớn và uể oải, ngồi trong ghế bành rộng khác thường, mặc áo đen, rộng, làm che khuất thân hình dềnh dàng của bà. Đầu to, gần giống như đầu sư tử và có nam tính do đường nét mạnh mẽ. Hãy tưởng tượng đôi mắt êm mầu xám như mắt nai, rất nổi bật và có ánh mắt xa vời. Đặc điểm thêm về con người của HPB là đôi bàn tay của bà, ngón tay dài và thuôn ở đầu, êm và linh hoạt; đầu ngón vươn ra với móng tay mỏng, có hình dạng đẹp đẽ.
Khi về nhà sau lần viếng thăm đầu tiên đó, tôi thưa với mẹ là anh Walter không sao đâu. Nếu anh không có lương thì chắc chắn là anh có được minh triết và hạnh phúc. Anh có cơ hội trọn vẹn cho việc học hỏi về chiêm tinh học, trong khung cảnh và môi trường tuyệt vời.
Bà là nhân vật đặc sắc và rất đáng kể; chắc chắn bà có khả năng khác thường và dùng trong những khi đặc biệt. Trong một lần như vậy, tình cờ tôi là nhân chứng yên lặng và anh Walter là người nhận. Anh đang nghĩ tới một vấn đề về chiêm tinh học, và đi vào phòng khách với vẻ nghiêm trang và lo lắng. HPB và tôi đang trò chuyện; hiển nhiên bà cảm thấy chi đó về anh nên với cung cách của bậc thầy, ra lệnh cho anh ngồi xuống ghế sofa nghỉ ngơi.
Rồi bà quay sang tôi nói nhỏ:
– Đừng ngại, tôi sẽ cho anh Walter thấy điều anh muốn biết.
Bà chỉ chạm vào ngón tay cái của anh với chiếc nhẫn đeo trên ngón tay bà, và anh lập tức say ngủ như trong cơn mê thiếp, y như khi ta thấy ai dễ cảm thụ bị mê đi trong buổi biểu diễn về thôi miên. Chỉ một lúc rất ngắn sau, anh tỉnh giấc và bà hỏi anh.
– Anh hiểu những gì đã thấy không ?
– Vâng, anh đáp, và nó là câu đáp cho thắc mắc về chiêm tinh của tôi với chữ lửa Hebrew.
– Phải, bà đáp. Nhưng bây giờ anh phải không đi quá sức mình.
Xong bà quay lại tôi và nói bà đã rời khỏi thân xác mình ba lần trong lúc anh tôi mê thiếp hay say ngủ.

Chương 22
Avenue Road, St John’s Wood: Kết.

Nhà bà Annie Besant ở số 19 Avenue Road, St John’s Wood được khai trương vào ngày 3 tháng Bẩy, 1890 như là một trung tâm mới cho công việc về Theosophy, dùng làm trụ sở ở Âu châu cho hội TTH, và như là nơi cư trú của HPB. Chỗ này cũng thành nơi hội họp cho Inner Group gồm 12 học viên, hăng hái muốn nhận sự huấn luyện kỹ hơn là với những gì làm được cho nhóm đông hơn, và có tính tổng quát hơn. Do quan tâm về sự tiếp tục mặt bí truyền việc làm của bà sau khi bà mất đi, có lẽ HPB xem Inner Group là phương tiện để huấn luyện người kế nghiệp mình.
Vào tháng Hai năm 1891 trụ sở xứ bộ Anh dọn về đây. Khoảng tháng Ba hay Tư, ấn bản thứ hai quyển The Key to Theosophy được phát hành, trong đó có phần giảng nghĩa từ ngữ. Trong tháng Tư, bà Annie Besant sang Hoa Kỳ dự đại hội của xứ bộ Mỹ họp tại Boston năm ấy, mang theo lá thư chót của HPB gửi xứ bộ. Cũng trong tháng này có trận dịch cúm lan ra ở London và phần lớn nhân viên ở Avenue Road nhiễm bệnh, vài người bị nặng. HPB có nóng sốt cao và khó thở. Ngày 8 tháng Năm lúc 2.25 giờ trưa, bà qua đời an lành có một số học viên ở cạnh bên.
Ông Olcott khi ấy đang đi giảng và lo công chuyện hội ở Úc, có vài cảm nhận ngày hôm đó và hôm sau về sự ra đi của bà, trước khi điện tín đến cho hay. Thi hài HPB được hỏa thiêu ngày 11 tháng Năm tại Woking Crematorium ở Surrey.
Với các tác phẩm và chỉ dạy của mình, cuộc đời và tư cách, sứ mạng và khả năng tinh thần, H.P. Blavatsky là nhà huyền bí học vĩ đại nhất trong lịch sử của nền văn minh Tây phương, và là gạch nối với các truyền thuyết cùng những bậc đạo sư ở phương Đông.

22 A. Henry S. Olcott
Tháng Bẩy 1890, London

Vào tháng Bẩy 1890, HPB và nhân viên của bà an vị tại ‘Trụ sở’ số 19 Avenue Road, St John’s Wood, London, và bà mất tại nơi đây năm sau đó. Ấy là một căn nhà lớn nằm giữa khu đất của nó họp thành vườn đẹp mắt, có sân cỏ, bụi cây và một vài cây to. Qua bậc tam cấp, người ta bước vào tiền sảnh và lối đi ngắn, hai bên có cửa dẫn vào các phòng. Phòng trước bên trái là chỗ làm việc của HPB, với phòng ngủ nhỏ của bà ở cạnh.
Từ phòng nhỏ này có lối đi ngắn đưa tới một phòng rộng rãi, được xây để cho phân bộ Bí Giáo dùng. Bên phải của lối đi khi ta bước vào là phòng ăn được bài trí mỹ thuật, cũng được dùng làm nơi tiếp khách. Cuối nơi đây là một phòng nhỏ khi ấy là nơi làm việc chung.
Một cửa nhỏ ngang qua tường phía bắc của phòng ăn, dẫn vào phòng họp mới của chi bộ Blavatsky; còn cửa ở tường phía nam của phòng HPB dẫn vào văn phòng của vị Tổng Thư Ký phân bộ Âu châu của hội. Tầng trên của căn nhà là các phòng ngủ. Phòng họp của chi bộ Blavatsky làm bằng sắt uốn, với tường và trần lót gỗ để tự nhiên không sơn. Họa sĩ R. Machell vẽ những biểu tượng của sáu tôn giáo lớn và đường hoàng đạo, lên hai nửa mái dốc của trần nhà. Cuối phòng hướng nam là một bục thấp cho vị chủ tọa và diễn giả của buổi họp tối.
Phòng có khoảng 200 chỗ ngồi. Vào buổi tối khai mạc 3 tháng 7, phòng chật cứng và nhiều người không dự được. Các diễn giả là bà Besant, ông Sinnett, bà Woolff từ Hoa Kỳ và ông Bertram Keightley. HPB có mặt nhưng không nói gì vì sức khỏe yếu.
Phòng làm việc của HPB đầy bàn ghế, và trên tường treo nhiều hình các bạn của bà cùng thành viên của Bí Giáo. Bàn viết lớn của bà đối diện với một cửa sổ qua đó bà có thể thấy vườn trước và cây, cảnh đường phố thì bị một bức tường gạch cao chặn lại. Avenue Road quả là tổ ong rộn ràng tất bật, không phải chỗ cho ai ưa nhàn rỗi, với HPB làm gương qua việc viết bài chăm chỉ không mỏi mệt, còn ảnh hưởng mạnh mẽ của hào quang bà trùm khắp, và kích thích tất cả những ai quanh bà.

22 C. Esther Windust
July 1890 - May 1891, London

Lần đầu tiên gặp HPB đã để lại một ấn tượng không xóa nhòa được cho tôi. Một người quen mời tôi đi với cô tới dự buổi họp của hội viên tại Avenue Road, London. Đó là buổi họp buổi tối thường lệ.
– Ta phải gặp bà này, cô nói, vì có nhiều chuyện nói về bà, tốt cũng như xấu, mà đa số người cho bà là kẻ lường gạt.
Nên tôi đến - mà không hào hứng cho lắm - để gặp một bà Blavatsky đáng nói, và với ý mạnh mẽ là lấy mắt nhìn kỹ mọi vật !
(còn tiếp)