TÂM THỨC CÂY
The Kingdom of Fairies
Geoffrey Hodson - Thanh Thiên dịch
Tâm Thức Cây
Cotswolds
23 August, 1925
Những tia nắng của mặt trời chiếu rọi trên lưng đồi đầy cỏ ở bìa rừng, và điều ấy lôi cuốn một số lớn tinh linh từ trong rừng ra, chúng đang nô giỡn theo cách của chúng với nhau. Có ít nhất ba loại mannikin riêng biệt và khá đông tiên nữ. Cả bọn làm thành một cảnh tượng đáng yêu. Trong nhóm có những sinh vật sống trong cây ta đã nói trên kia, có elf sống trong cỏ.
Nhìn kỹ hơn tôi thấy mannikin của cây khác nhiều điểm so với mannikin thấy ở cây du, rừng ở khu này phần lớn gồm cây dương, mannikin ốm hơn, coi trẻ hơn và sinh động nhiều. Gương mặt rất mỏng, có góc cạnh và mũi nhọn. Chúng đội nón dài có chóp nhọn rơi xuống lưng khi đi, và thả dài ra sau khi lơ lửng. Y phục gồm áo choàng bó sát người và quần dài với vớ cũng nhọn đầu. Kiếu vớ này mới lạ đối với tôi khi quan sát tinh linh và hẳn phải bất tiện, vì khi chúng đi trên mặt đất nó cứ hay vướng vào chân, nhưng tôi không thấy nó làm cản trở chuyện đi đứng. Quần áo mầu nâu đậm với những chấm xanh lá cây đây đó, thay đổi theo từng sinh vật; có kẻ đội nón dài toàn mầu xanh lá cây, có kẻ chỉ thuần mầu nâu, lại có kẻ trộn lẫn hai mầu này. Tinh linh cao chừng nửa thước.
Một trò chơi chính của bọn là ‘chạy’ thật lẹ xuống sườn đồi cho tới khi cách khu rừng khoảng 7 m, phóng lên không mau lẹ, bay sát trên đầu tường ở bìa rừng rồi đáp xuống khoảng 20 hay 30 m bìa rừng bên kia. Coi chúng cổ quái khi ‘bay’ trong không với nón lơ lửng sau lưng, chân duỗi dài ra trước, chóp nhọn của vớ thòng quá ngón chân. Một số chạy lên chạy xuống sườn đồi lẹ làng, bằng những bước dài và ta thấy rõ là việc phóng lẹ trong không đầy ánh nắng làm chúng rất vui thích. Vào giờ này nắng bắt đầu yếu, dù vậy chúng cũng không chịu nổi nếu ở ngoài nắng lâu, và cứ chốc chốc phải ngồi nghỉ trong bóng mát của khu rừng. Rõ ràng là chúng không quen với ánh nắng mạnh, cho dù sức nắng đã giảm đi rất nhiều do cây trong rừng. Đó cũng là lý do tại sao chúng bay rất lẹ vào rừng như tôi đã tả ở trên, nhưng dù phải làm vậy, chúng coi đó là một nỗi vui thú.
Chú brownie thì có thân hình to lớn hơn và cục mịch, chúng là những ông lùn rất mập, cao chừng ba tấc, mặc quần áo thông thường của brownie, một số đông có khóa lớn sáng rực để thắt lưng đằng trước. Áo choàng có nón ngắn, viền hình vỏ sò, nón mầu vàng còn trọn y phục lại mầu nâu. Nón của chúng cũng nhọn và dài vừa phải. Nước da tươi mát, râu rậm mầu nâu, cả râu mép nữa. Đa số gương mặt nở nụ cười rộng. Chúng đi từng cặp đôi hay cặp ba đó đây, một số kết thành vòng chơi đùa. Điệu múa của chúng giống như những cố gắng vụng về của người không quen, trông chúng thật tức cười khi muốn đi mau hơn bằng cách trôi đi trên không, và chúng không hề biết điều ấy. Tôi vừa thấy một chú băng qua cánh đồng; chú lùn khởi sự bằng cách đi từ từ, xong gấp hơn rồi bay lên cao chừng 15 cm và trôi mau lẹ một khoảng chừng 30 tới 40 m, vẫn liên tục co duỗi chân như khi chạy, và tiếp diễn cử động ấy khi hạ xuống; sau cùng tinh linh đi chậm lại rồi ngưng hẳn.
Chúng không ngưng chuyện trò với nhau trong suốt buổi; vì tôi thấy nhưng không hề nghe chúng la hét với nhau, múa tay múa chân đủ trò. Tinh linh có rất ít đặc tính cá nhân, tâm thức của cả bọn gần như là một, duy nhất san sẻ gần như đồng đều cho khắp cả bọn. Cái điểm chính của tâm thức ấy là nỗi vui sướng, và trong lúc này đó là điểm nổi bật trong nhóm.
Tương tự vậy là mannikin mầu xanh lá cây, cao chừng một tấc đến tấc rưỡi, hình như chúng là biểu hiện của tâm thức có liên hệ mật thiết với cỏ. Sinh vật có gương mặt bầu bĩnh trẻ thơ, toàn thân chỉ toàn là chất liệu mầu xanh có quần áo là một bộ ôm sát người, với nón hơi nhú đôi tai dài và nhọn.
TÂM THỨC CÂY
Cotswolds
18 August, 1925
Như mọi thú vật trong lúc tái sinh là một cá nhân riêng biệt dù chỉ tạm thời, mỗi cái cây cũng vậy, trong đời của nó cây phát triển tính chất riêng của mình. Những cây du già cỗi to lớn trong thung lũng này đã phát triển cá tính rõ rệt, và có được một ý thức về sự hiện hữu, một khái niệm mơ hồ về chính mình.
Tiếp xúc với cảm giác về cá tính này cho ra một cảm xúc lạ lùng như thể ta đang đứng trước những thực thể bất động khổng lồ, mỗi cái biết rằng mình khác biệt với nhóm còn lại, mỗi cái có một bầu không khí nhất định và cho ra một ảnh hưởng rõ ràng. Khi vượt qua thân xác vật chất của cây, ta gặp ngay một cá tính và chạm được với tâm thức của nó. Như mới rồi một luồng gió nhẹ lay động khu vườn làm lá xào xạc và khiến khu rừng vang lên êm ái từ đầu tới cuối rừng, tâm thức cây biết được chuyện ấy.
Khi đi vào đời sống nội tâm của cây, tôi có được những cảm xúc hoàn toàn mới lạ; nó giống như tới một nước không quen, thấy sắc dân khác hẳn và làm quen với những tiêu chuẩn giá trị mới. Tôi cảm thấy rằng những ‘người’ này rất nhậy cảm với sự thay đổi trong nhiên thiên, thay đổi của thời tiết và bốn mùa, và rõ rệt là chúng có đủ tâm thức để nhận biết điều ấy. Người ta có thể nói là chúng cảm được và nhận ra gió chiều, nói với mình trong tâm tưởng: ‘A, gió chiều tới rồi, thích làm sao khi nó làm cành tôi lay động, thân tôi rung nhẹ và lá tôi xào xạc’. Tôi có cảm tưởng rất mạnh mẽ rằng nó nhìn ra những cây bên cạnh và nói, ‘Gió lại tới nữa kìa.’
Tâm thức này lan khắp mọi cành và mọi rễ của cây, tuy điểm chính hình như nằm ở thân cây. Thấy là nó nhậy cảm đối với mỗi đầu cành, thành ra mọi chuyển động của lá và những cành nhỏ ngoại biên gửi đi một rung động theo hệ thần kinh sơ khai, như màng lưới thuộc thể tình cảm, về đến tâm thức ở giữa. Trong trường hợp cây du, cảm tưởng cho thấy nó mang nam tính và tôi hay nghĩ tới tinh linh như là chàng cây. Tiếp xúc gần hơn nữa làm lộ ra sự hiện diện của một ý thức thúc đẩy bên trong muốn tăng trưởng, điều mà tôi có thể dịch sát nhất là ý muốn vươn mình; làm như cái ý chí thiêng liêng, hằng muốn vươn lên trên đường tiến hóa, biểu lộ như thế trong tâm thức cây, khiến ‘chàng cây’ cảm được sự thúc giục muốn vươn lên và lên nữa ra ngoài, khỏi đầu cành của thân xác mình; cảm tưởng ấy gần giống như khi ta thọc tay sâu vào bao tay, chỉ khác là ở đây có hàng ngàn ngón thay vì chỉ có năm. Đó là vùng tâm thức lạ lùng so với tâm tưởng con người, một vùng mà rừng là thành phố với người sống kế nhau và về một mặt, cả khối được đoàn kết, là một phần của tâm thức rộng hơn nữa, của đấng cao cả mà con cái là tất cả những cây.
Chàng cây là tổng hợp phần tâm thức ở cõi tình cảm của cây, và chàng dùng thể sinh lực mình như là dụng cụ để tiếp nhận cảm xúc ở cõi vật chất. Nhìn theo khía cạnh hồn khóm, mỗi cây trong đó được thấy là một cá nhân riêng biệt đang tái sinh, khác nhau trong sự phát triển phần lớn do tuổi tác. Chúng ta dùng chữ ‘cá nhân’ một cách tương đối thôi, tuy càng lại gần tôi càng nhận thức là với những cây cao tuổi, già lão, tính này càng mạnh, và cũng có nét tương tự như tình cảm gia đình ở mức phát triển của chúng, một tâm thức liên hệ trong nhóm. Cái cảm giác mạnh mẽ nhất chúng có thể có sinh ra từ việc sinh lực tuôn tràn trong thể sinh lực của cây; điều này xẩy ra không ngừng và gia tăng dần, mang lại cảm giác vui sướng.
Mỗi cây có một quả tim, một bộ phận tương tự như lá lách, và trung tâm giao cảm thần kinh hợp lại mà qua đó sinh lực tuôn vào rồi được phân phối đi khắp thân cây. Trong lúc ngồi dựa vào một thân cây du to lớn, mạnh mẽ, tôi đi sâu phần nào vào tâm thức cây, sự rung động liên tục của sức sống trong cây lộ ra thật rõ, trọn thân người tôi rung theo nhịp ấy và cả thể sinh lực cũng như thể tình cảm bị ảnh hưởng mạnh mẽ, đó là cảm giác lan rộng, nhịp nhàng, có hơi thoảng giống như nhịp đập tim đều đặn. Tôi nghe được tiếng đập ở cõi tình cảm, nó cho tôi cảm tưởng như một nốt nhạc được hát lên, một âm vang tròn đều phát xuất từ chính nơi sâu thắm của thân cây và vang dội ra khắp cành. Khi có một làn gió thổi tới, sự rung động thay đổi liên tục tùy theo sức gió và hướng gió. Lúc này cơn gió rất nhẹ khi có khi không, và âm của nốt chỉ thay đổi rất ít trên dưới nốt ấy một chút.
Kinh nghiệm này làm khơi dậy những cảm giác lạ lùng, hay đúng hơn là ‘kỷ niệm' trong tôi, giống như nó gợi nhớ lại thời kỳ xa xưa nào lắm tôi đã từng ở trong điều kiện tương tự; thật vậy cảm xúc nào cũng quen thuộc một cách kỳ lạ, càng trở nên rõ hơn, rồi khi tôi dần dần quen, với sự rung động và đồng hóa mình dễ dàng với chúng, tôi gần như thấy rằng cây trong tâm thức chúng cũng ý thức lờ mờ về những ai thương yêu và quý chuộng mình.
Tư tưởng mới mẻ sinh ra từ kinh nghiệm này là cây không phải chỉ để cho gỗ, là loài thảo mộc hữu ích cho ta, làm đẹp khung cảnh, chúng là sinh vật sống động và rất đỗi nhậy cảm. Chúng đang tới đích trong chặng tiến hóa của loài ấy, gần tới giới hạn cuối cùng của loài.
Khu rừng trong thung lũng này gồm những bạn bè vui sống với nhau, dường như tôi nghe được tiếng thì thào của vô số giọng, cây này nói với cây kia giữa cảnh trời thanh khiết, tươi mát và trong sạch của thế giới cây.
Tôi cảm nhận một niềm hạnh phúc sâu xa và sự mãn nguyện, khiến tôi nghĩ rằng con người cũng nên gắng tập cho mình có nhiều hơn sức mạnh dạn dầy và vững chãi, cũng như sự quân bình nhịp nhàng vốn là đặc tính của đa số cây.