THẾ GIỚI VÀ NGHỆ THUẬT

Thế Giới và Nghệ Thuật

 

 

Triết học có một câu rất nổi tiếng là “Thế giới như Định mạng và Ý tưởng”. Đó là tựa đề của tác phẩm vĩ đại của Schopenhauer, và ý niệm đó nói rằng cuộc sống có hai khía cạnh, một như là Định mạng và một là Ý tưởng. Tất cả chúng ta đều biết có một đặc tính của sinh hoạt trong thế giới biểu lộ như là năng lực. Năng lực này có thể là thân xác hay tình cảm hay trí tuệ, nhưng dù đó là đặc tính nào thì nó liên tục ảnh hưởng con người, và do việc con người bất lực họ không thể làm gì khác hơn là trở thành dụng cụ cho nó. Thế giới như là định mạng thì mạnh mẽ muôn phần hơn con người, và về lâu về dài con người chỉ là kẻ thua cuộc trong sinh hoạt của thế giới. Bất cứ điều gì anh ráng đạt tới để thỏa mãn ao ước của mình, thì tốt lắm cũng chỉ đạt được kết quả tạm thời và không trọn vẹn, vì đối với sinh hoạt của thế giới thì cá nhân không quan trọng bao nhiêu, thế giới như là ý tưởng không chìu theo họ và mang lại hạnh phúc mãi mãi.

Tuy nhiên khi vạch rằng con người không bao giờ có thể tìm thấy sự mãn nguyện nào, trong việc cố công làm chủ thế giới bằng ý chí nhỏ bé của mình, Schopenhauer cũng đưa ra một con đường thoát, là ta trở thành một với thế giới như là ý tưởng. Nếu một khi chúng ta phản ứng với thế giới không phải qua sự biểu lộ của nó như là định mạng, mà biểu lộ như là ý tưởng thì con người tới được bến bờ an lạc. Muốn được vậy con người phải tự tách mình khỏi thế giới như là định mạng, nhờ vào việc phát triển tính mẫn cảm về nghệ thuật. Bởi khi họ phản ứng có tính thẩm mỹ với thế giới thì họ có thể cảm biết được nó, mà không nhất thiết phải bị lôi kéo vào guồng máy tuyệt diệu của thế giới như là định mạng.

Ý niệm thế giới như là ý tưởng nằm ở căn nguyên của hình thức cao tột nhất trong nghệ thuật Hy Lạp. Mục tiêu của nghệ thuật Hy Lạp dù là kịch hay điêu khắc, là tượng trưng một số khuôn mẫu của thế giới như là ý tưởng. Những khuôn mẫu này được chọn lọc cẩn thận theo óc tưởng tượng của nghệ sĩ, và trưng ra cho người thưởng ngoạn sao cho mỗi kiểu phản ảnh trọn một loại. Theo sự trưng bày của nghệ sĩ, cách thức là người thưởng ngoạn sẽ theo dõi các kiểu tương tác với nhau, mà chính mình không bị lôi cuốn vào đó như là một phần của thế giới như là định mạng. Vì thế khi người thưởng ngoạn theo dõi diễn biến của những mẫu người trong bất cứ vở kịch nào, ta có thể thấy phản ứng của họ là phản ứng của người quan sát dửng dưng ngoài cuộc. Nhưng cho dù có sự thản nhiên ấy, họ lại thấy mình được tượng trưng rất sát trong màn kịch giữa các nhân vật mẫu. Nỗi đau khổ của các vai trên sân khấu là đau khổ cho họ, nhưng họ quan sát chúng theo quan điểm thế giới như là ý tưởng, mà không phải theo mối tương quan thông thường với thế giới như là định mạng.

Có lời nói rằng khi một ai quan sát như vậy, nhìn ngắm phản ảnh cái tôi của mình trên sân khấu, kết quả sẽ là anh thông cảm với điều đang diễn trên đó, được giải tỏa, gột sạch, thanh tẩy tâm hồn. Người xem có thể khóc hay cười với nhân vật trong vở kịch, nhưng sự đồng hóa như thế vào lúc ấy đối với họ có đầy tri thức, và không làm trí não họ quên đi sự kiện rằng mình là người quan sát, tức là một phần của thế giới nhưng là ý tưởng. Thế nên trong lúc vở kịch diễn ra họ có thể động lòng vì tình tiết của kịch, nhưng sâu trong tâm họ lại tách biệt thản nhiên, và nhờ sự tách biệt đó về mặt nghệ thuật, họ gột rửa được phần nào cái thấp kém trong bản thân. Bằng cách ấy, họ kinh nghiệm gián tiếp nỗi đau khổ và sự vui sướng và nhờ vậy được tự do, không cần phải tiếp tục đồng hóa với thế giới như là định mạng. (1)

Ý niệm triết học nói về việc giải thoát nhờ khám phá thế giới như là ý tưởng, là một trong những yếu tố chủ trị của Wagner. Trong tất cả những vở nhạc kịch của ông, mục tiêu của tâm thức hay tiềm thức, là tượng trưng những mẫu người và nhờ sự quan sát những mẫu này mà ta được cứu chuộc. Wagner thành công đáng kể trong mục tiêu nghệ thuật của ông và điều này, cái trội hơn âm nhạc tuyệt vời của ông, khiến những ai hâm mộ ông sinh lòng nồng nhiệt tinh thần, mối nhiệt tình mà người nào không cảm được sự giải tỏa do nhạc Wagner mang lại, sẽ thấy là quá đáng.

Mỗi vở kịch vĩ đại đều có những đặc tính của sự giải tỏa, dù đó là bi kịch như Antony và Cleopatra, hay dù đó là kịch thuật sự như vở trường thiên của Homer, đều có ảnh hưởng y hệt như nhau. Khi màn kịch diễn xong, ta thấy về một mặt ta liên kết mật thiết hơn với thế giới như là định mạng, nhờ hiểu rõ hơn các nhân vật trong đó, về mặt khác ta được tắm gội, gột rửa hơn và được tự do, vì ta đã thấy cũng thế giới ấy như là ý tưởng. Tính thản nhiên và sự thanh tẩy này cũng có được với hài kịch, nếu nó có tính chất nghệ thuật. Ngay cả vở kịch tế nhị cho trẻ con như Peter Pan cũng làm giải tỏa tâm hồn. Cái yếu tố trên hết thảy, cần cho bất cứ hoạt động nào muốn phản ảnh thế giới như là ý tưởng, là Nghệ Thuật.

Ý niệm như thế nói rằng bản chất của nghệ thuật là tìm cách biểu lộ thế giới như là ý tưởng, và do đó mang lại kết quả là giải tỏa, đã được các nhà văn về triết lý biết tới rất rõ. Thực vậy, mỗi nghệ sĩ dù hữu thức hay vô thức, đều cố gắng thể hiện thế giới như là ý tưởng trong sáng tạo của mình. Khi nghệ sĩ chưa tách mình ra khỏi để tài thì họ chưa thể ‘thấy’ nó như họ muốn để tượng trưng.Trước tiên họ phải tách mình ra khỏi thế giới bằng cách dùng ý chí, và rồi ngắm nhìn cũng thế giới ấy như là ý tưởng. Khi họa sĩ Watts bẻ lại lời phê bình rằng tranh của ông không hiểu được bằng câu đáp:

- Tôi vẽ ý tưởng chứ không vẽ vật.

trong câu hàm chứa chân lý sâu xa. Mỗi nghệ sĩ dù là điêu khắc gia, người vẽ phong cảnh hay nhạc sĩ, là tạc hay vẽ hay sắp xếp ý tưởng mà không phải là vật.

Họa sĩ sẽ kinh nghiệm rằng phút giây mà họ thấy được thoáng qua thế giới như là ý tưởng, thì họ cảm nhận một sự bình an tuyệt vời, nếu không phải có thêm cảm nhận được giải thoát và cứu chuộc. Sau khi nhìn ngắm như vậy thế giới qua nghệ thuật như là ý tưởng, họ sẽ không còn thấy cuộc đời giống như xưa nữa.Nghệ sĩ biết rằng cho dù họ vẫn là một tạo vật trong thế giới như là ý tưởng, họ đã khám phá ra một thiên đàng cứu rỗi nơi họ có thể sống với thế giới như là ý tưởng. Từ sự kiện vĩ đại này có chân lý tuyệt diệu phát sinh, nói rằng bất kể con đường cứu chuộc mà sự mặc khải trong các tôn giáo nói tới là gì, một yếu tố của sự cứu chuộc ấy bắt buộc phải là nghệ thuật.

Vậy thì thế giới như là ý tưởng là đề tài của nghệ thuật.Mỗi nghệ sĩ tìm cách giúp nhân loại bằng cách tỏ lộ cuộc sống như là ý tưởng. Tính tới nay người ta đồng ý về nền tảng căn bản của nghệ thuật, nhưng thực tế là không ai có thể đứng tách rời với cuộc sống. Với tư cách là triết gia và nghệ sĩ, ta có thể có sự tách rời phần nào với cái thế giới như là định mạng, và nhìn ngắm nó như là ý tưởng, nhưng bao lâu mà ta còn hiện hữu dưới bất cứ hình thể nào thì ta bắt buộc là một phần của thế giới, và không sao tách rời trọn vẹn khỏi nó. Không ai có thể tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới, giống như không thể cắt đứt với quá khứ của mình. Sự cứu chuộc có được nhờ hòa làm một với thế giới như là ý tưởng không thể nào là chung cuộc, vì nó có tính không toàn vẹn trong đó.

Tính không toàn vẹn này là do có sự cứu chuộc không phải chỉ nhờ nhập một với thế giới như là ý tưởng, mà cũng nhờ sự nhập một với thế giới như là định mạng. Chắc chắn chúng ta có được bình an nhờ tách biệt, nhưng nó không phải là cái bình an chấm dứt hết mọi chuyện. Muốn có điều sau này thì cộng với sự tách biệt khỏi thế giới, còn phải có thêm việc chế ngự thế giới.Nói khác đi chẳng những chúng ta phải tách lìa mình với thế giới và nhìn nó như là ý tưởng, mà cùng lúc ta còn phải trở thành hợp nhất với thế giới, biết, cảm và sống nó như là định mạng. Mà ta phải sống theo định mạng của chúng ta mà không phải định mạng của thế giới.
Việc chế ngự thế giới như là định mạng cũng là chủ đề của nghệ thụật, vì nghệ sĩ là người bắt lấy những lực của sự sống và nặn chúng thành chuyện khác. Để cho thấy các mẫu người như chúng hiện hữu  trong đời, nghệ sĩ phải trước tiên nắm lấy những kiểu mẫu này đang bay lượn trong thế giới như định mạng. Nghệ sĩ dùng tài thiện xảo của mình bắt lấy chất liệu gốc của cuộc sống, nhào nặn nó thành mỹ vật để phản ảnh thế giới như là ý tưởng. Một nghệ sĩ chân chính, trong khi phải tách biệt và giữ lòng an nhiên, thì về một mặt khác phải đồng hòa thân thiết hết sức với thế giới như là định mạng, cho phép tất cả những lực của thế giới ấy tuôn tràn qua người nhưng không thể cho chúng chế ngự được anh, vì anh phải tạọ một vật bằng chất liệu của chúng nhờ vào ý chí của mình, mà không phải ý chí của lực. Mỗi đại nghệ sĩ là một xoáy các lực trong đời, và anh càng chế ngự chúng để tạo hình khác chừng nào, thì càng là nghệ sĩ tuyệt vời hơn chừng ấy.

Từ sự việc nghệ sĩ là người sáng tạo và qua sáng tạo của mình chỉ dạy một nguyên lý về cứu chuộc, tức được tự do  nhờ chế ngự, theo tôi biết nó sinh ra một vấn đề chưa được các nghệ sĩ thời nay nhìn nhận. Đó là mỗi nghệ sĩ phải làm cho những ai quanh họ học được nghệ thuật cứu chuộc, nhờ đồng hóa với thế giới như là định mạng. Nghệ sĩ ngày nay sáng tạo cho chúng ta và đòi hỏi  chúng ta, người không phải là nghệ sĩ, chỉ nhìn ngắm và thán phục. Phần việc này của họ hiển nhiên là cần thiết, vì chúng ta - người quan sát - phải đạt lấy một phần của sự giải thoát của mình, bằng cách quan sát thế giới được trưng ra cho chúng ta như là ý tưởng. Tuy nhiên nghệ sĩ cũng phải dạy chúng ta cái phân nửa sau của thông điệp về sự cứu chuộc, là chuyển hóa thế giới như là định mạng, cho tới khi thế giới ấy giống cái mẫu toàn thiện hơn, cái luôn hàm chứa trong thế giới trước mặt ta.

Mỗi nghệ sĩ vì vậy phải làm cho mỗi chúng ta thành nghệ sĩ phần nào giống như họ.Nó không có nghĩa là họ phải khiến mọi ai quanh họ thành nghệ sĩ giống như họ hoàn toàn, ấy là chuyện bất khả vì chỉ một số ít người có được các đặc tính của nghệ sĩ phát triển trọn vẹn.Mặc dù vậy mỗi nghệ sĩ nếu họ muốn tạo ảnh hưởng về sau, phải làm đôi điều khiến nhân loại ao ước là một ngày nào đó, mình có được những đặc tính như nghệ sĩ có. Ngày nay khi điêu khắc gia hoàn thành tác phẩm của mình họ cho rằng đã xong chuyện, nhưng tỏ lộ thế giới như là ý tưởng qua nghệ thuật điêu khắc của họ, chỉ mới là xong phân nửa công việc phải làm, Qua cùng tác phẩm điêu khắc ấy, điêu khắc gia phải làm cho mỗi ai thưởng ngoạn sinh ra phần nào khả năng uốn nắn cuộc đời, giống như điêu khắc gia đã gọt đẽo tạc nên tượng. Điêu khắc gia phải gợi nên trong lòng người xem ước muốn thành người tạo tác, cho tới khi mỗi người cảm nhận sâu sắc khát vọng tinh thần muốn làm chủ cuộc sống, và nhờ vậy có được sự cứu rỗi  do trở thành một với thế giới như là định mạng.

Ý tưởng mà tôi muốn bầy tỏ, có thể được diễn tả bằng chuyện thường xảy ra với một nhóm nghệ sĩ là các nhà thơ. Khi ta đọc thơ thì ảnh hưởng chung là không những ta kính phục và yêu mến thơ, mà cũng cảm thấy là thi ca dễ viết tới mức chúng ta có thể làm thơ. Nhờ ảnh hưởng đó, vài người trong chúng ta không hề là thi sĩ chút nào đã viết nên được câu thơ, vì chúng ta được những bài thơ xem có vẻ giản dị của một số đại thi sĩ gợi hứng mạnh mẽ (2).Các vần thơ của chúng ta làm mình hài lòng, tuy có thể người khác không cảm thấy vậy. Sao đi nữa, trong nhiều kiếp ta có thể không tiến tới mức làm một bài thơ nghe được, nhưng nỗ lực nhỏ bé của ta nay cho phép mình bắt đầu chế ngự chút ít thế giới như là định mạng. Ngay cả với cái chế ngự rất ít ấy có được nhờ nghệ thuật, ta học được yếu tố thứ hai của sự cứu rỗi.

Cho nên tôi tin rằng sứ mạng cao cả của nghệ sĩ là gợi nên trong mỗi người trên đời một chút gì có tính nghệ sĩ ấy, điều hiện hữu trong chính người nghệ sĩ như là kết quả của nhiều kiếp hết lòng luyện tập. Vì vậy nghệ sĩ phải đừng xem nghệ thuật  của mình như chỉ là cái thể hiện năng lực sáng tạo riêng của họ. Họ phải nhận thức rằng trong khi sáng tạo như vậy họ cũng phải làm tuôn ra khả năng sáng tạo nơi người khác. Tính chất thiên phú về nghệ thuật nơi người nghệ sĩ có đó, không phải chỉ để họ đứng tách biệt và sáng tạo cho chính mình, mà để họ có thể sinh hoạt giữa nhân loại như là cái khuôn cho khối đông, nhào nắn tượng hình mỗi cá nhân trong đời, cho tới khi mỗi người cảm nhận được khả năng tuyệt diệu là hiểu được cuộc đời nhờ chế ngự thế giới như là định mạng. Khi ai ai cũng thành nghệ sĩ, lúc đó phần việc của nhà nghệ sĩ được hoàn tất, và bao lâu mà nó chưa xong thì sẽ chưa được như vậy.

 

C. JINARAJADASA
Art As Will and Idea

 

Chú thích.

(1) Để hiểu thêm ý này xin trích một đoạn trong quyển ‘More Lives Than One' của tác giả Claude Brandon, ông chuyên về kiến trúc và kịch nghệ với loạt bài về kiến trúc đã đăng tên PST các số trước. Ông viết rằng có sự khác biệt lớn lao giữa hiểu biết bằng trí tuệ về một điều, và hiểu biết nhờ kinh nghiệm về điều ấy. Nhiều người biện luận là ta nên dùng mặt nạ khi diễn kịch trên sân khấu, vì nó làm mất đi cái tôi thường rất huênh hoang của diễn viên, và cho phép họ trở thành một mẫu người tiêu biểu. Claude Brandon tin là mặt nạ làm được việc ấy, ông phân tích rằng vai trò đích thực của kịch nghệ là bởi con người mê mãi với cuộc sống, phải tất bật mưu sinh, ta cần có gì cho thấy cuộc sống rõ ràng, không mù mờ, vụn vặt, rời rạc, cho ra hình ảnh như từ trên cao nhìn xuống thay vì nhìn gần, và thấy phần nào cách thức của nó. Kịch nghệ là tác nhân mạnh mẽ để thực hiện ý này.

Bên cạnh nội dung vở kịch, hình thức kịch nghệ làm loại bỏ chi tiết không cần thiết và rút gọn thời gian, ta có thể theo dõi các nhân vật trong đời theo cách không thể làm được nếu không nhờ vở kịch. Bởi gần như bất cứ chuyện nào của cuộc đời, kể cả chuyện không đáng chi cả hay tệ hại tới đâu, khi được nhắm tới, soi sáng, chú mục vào như xem xét qua kính hiển vi, sẽ làm lộ ra đôi chút về cách thức của cuộc sống , cái thường không được nhận ra nếu không trưng lên và phóng lớn.

Nếu ta coi ấy là phận sự của kịch nghệ, thì nên sử dụng bất cứ phương tiện nào giúp thực hiện được mục đích này, và trong số đó phải kể đến mặt nạ.Mỗi loại người có mặt nạ mẫu riêng biệt tượng trưng sâu sắc cho loại đó, nó cố định, biểu lộ trơ trơ không thay đổi trong suốt buổi; bản chất này giúp trưng ra mạnh mẽ hơn đặc tính của từng vai.Mặt nạ ít được xử dụng trong kịch nghệ tây phương, trong khi kịch nghệ Á đông biết tới tính chất này và áp dụng rộng rãi. Thí dụ tuồng hát Trung Hoa có một số qui ước về cách hóa trang các vai, như gian thần, nịnh thần, trung thần vẽ mặt với màu khác nhau, thí dụ như gian thần luôn luôn là mặt trắng, và kịch Noh của Nhật cũng có qui ước tương tự. Gần đây vở nhạc kịch tên The Opera Phantom có vai chính đeo mặt nạ suốt buổi.Mặt nạ cũng rất có ích trong một số màn vũ, nó làm lấp đi cái tôi lắm khi quá nổi của vũ viên, hoặc có người thích áp đặt cá tính của mình trong vở kịch.Khi diễn viên đeo mặt nạ, khán giả cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa vở kịch và không bị những điều ngoài kịch bản làm phân tâm.

(2) Kịch và thơ chia sẻ một điểm chung khác cần nói tới, ấy là cả hai có tính chú ngữ (mantra) khi lời kịch và lời thơ được chủ ý xếp đặt. Nói về thơ trước, thì các Chân sư có khi gieo ý tưởng trong trí các đại thi hào để họ trưng ra, giúp cho sự tiến hóa của nhân loại, khi khác những đại thiên thần cũng dự vào việc.Có những đại thiên thần ở cõi trí trừu tượng hân hoan gợi ý cho cả nhạc sĩ và thi sĩ trong một số điều kiện. Thi ca nào có âm điệu thật du dương truyền cảm, đầy nhạc điệu thường là do thiên thần gợi hứng. Thí dụ được đưa ra là thi sĩ Swinburne người Anh.

Nói tổng quát thì thơ có thể chia làm ba loại, có chứa đựng minh triết, có tính tiên tri, và khiến cảm nhận nhiều hơn về mỹ lệ. Các Chân sư và đại thiên thần mượn tay những đại thi hào để làm ba việc trên. Tuy nhiên thi ca ở bậc cao nhất còn chứa đựng một điều khác ngoài việc biểu lộ minh triết, tiên tri hay mỹ lệ, điều ấy hết sức tinh tế nên khó mà định nghĩa, ta chỉ biết rằng nó sinh ra nhờ phối hợp các chữ, nét trầm bổng nhịp nhàng. Kết quả thì ta có chú ngữ mà do âm điệụ sẽ tạo ảnh hưởng lên các thể thanh, vì vậy chính xác mà nói thì thơ loại ấy quả thật có năng lực huyền diệu. Những áng thơ tuyệt tác có tính chú ngữ này khiến chúng thật lôi cuốn, nhưng ta không thể nói rõ vì sao.

Đó là khía cạnh bí truyền của thơ, nó là một sự thật mà không phải là lời phóng đại thiếu căn bản. Áp dụng vào kịch thì kịch thơ có tác dụng chú ngữ tương tự, chẳng những ảnh hưởng các thể mà luôn cả ký ức người nghe. Cái trí dễ dàng ghi nhận và lưu giữ câu thơ, nhờ đó con người hấp thu minh triết mà thơ chứa đựng. Ngày nay khi kịch viết theo lời thường mà không phải là thơ ,thì kịch nghệ nói chung mất đi phần nào giá trị huyền bí, nhưng vẫn giữ được giá trị khác. Những vở kịch tuyệt tác nhất không phải chỉ thuần là kịch mà còn diễn giải cách đối phó trong đời. Nó khơi cho khán giả cảm theo và cảm cho các vai trong kịch. Phim ảnh cũng có tác dụng tương tự như vậy. Lẽ tự nhiên có kịch và phim hay lẫn không hay, dầu vậy cả phim và kịch đều có giá trị giáo dục rất lớn lao; khi trưng ra sinh họạt của nơi khác chúng làm ta cảm thông hơn với người nơi đó, tức khuyến khích tình huynh đệ đại đồng, mà hệ quả là dẫn tới hòa bình trên thế giới.

 

CYRIL SCOTT
An Outline of Modern Occultism

Xem Các Bài Liên Quan