KIẾN TRÚC HỒI GIÁO & ẤN GIÁO
KIẾN TRÚC của HỒI GIÁO và ẤN GIÁO
Lời khuyên của người Pháp cho ai muốn tìm hiểu một đất nước nào là:
– Bạn muốn biết người ở đó ra sao ư ? Hãy nhìn vào quý bà quý cô nước ấy !
Cũng tương tự vậy, tôi muốn nói rằng:
– Bạn muốn biết một quốc gia ra sao ư ? Hãy nhìn vào kiến trúc của họ.
Vì kiến trúc bày tỏ một cách tế nhị điều mà một quốc gia đang mơ mộng muốn trở thành. Học hỏi về kiến trúc làm người ta hiểu ra y như tiểu thuyết tâm lý. Trong bài dưới đây tôi đối chiếu những kiểu kiến trúc Hồi giáo và Ấn giáo nhưng tôi sẽ không tránh được sơ sót về đề tài chưa có hướng dẫn ấy, vì tới nay tôi chưa đọc được tác giả nào chỉ dẫn cho tôi cái ngành kiến trúc đặc biệt này của đông phương.
Tại Ấn Độ ta có hai trường phái kiến trúc đối chọi nhau lạ lùng, đó là kiến trúc Hồi giáo và Ấn giáo. Kiến trúc điển hình cho Ấn giáo thấy ở nhiều nơi trong tiểu bang Mysore và Kathiawar, còn điển hình cho kiến trúc Hồi giáo thấy ở những đền đài, thành quách tại Agra, Delhi, lăng mộ của các hoàng đế Hồi giáo. Hai kiểu thức này khác nhau như thế nào ?
Trước hết chúng khác về vật liệu. Kiến trúc Ấn giáo sử dụng loại đá cứng nhất mà người thợ khắc Ấn Độ có thể kiếm được tức đá hoa cương (đá xanh), dinh thự Hồi giáo thì làm bằng đá mềm hơn, hoặc là hồng sa thạch hay cẩm thạch. Ở miền bắc Ấn nơi có đá mềm hơn, người Ấn vẫn thích dùng đá hoa cương cứng, làm như họ chê đá nào mềm hơn. Nhưng tại sao ? Đó là câu hỏi tâm lý mà ta đối đầu và tôi sẽ bàn về sau.
Trong kiến trúc Ấn giáo hình người luôn luôn xuất hiện, nhưng kiến trúc Hồi giáo thì không hề có. Điêu khắc gia Ấn thường xuyên dùng hình thần linh, thiên thần, tiên nữ, anh hùng trong dân gian cho cột kèo, trang trí; nhưng người Hồi giáo dùng đề tài khác lấy từ thiên nhiên như cây cỏ, cành lá, hoa trái. Khi phải trang trí một khoảng dài người Ấn dùng hình kỷ hà hay tương tự, hay hình thú vật như hình đầu voi, đầu chim, thí dụ bức chạm (frieze) chạy suốt một mặt tường; họ rất ít khi dùng mẫu hoa. Ngược lại người Hồi giáo không ngừng quay về thiên nhiên, sao chép nó thật chăm chút và nương theo tiết điệu của hoa lá cành. Kiến trúc Hồi giáo dùng vòm, vòng cung. Ấn giáo thích dùng đà ngang thẳng.
Kiến trúc Ấn giáo ưa chuộng những hành lang với hàng cột đồ sộ sậm màu, dẫn tới điện thờ ở trung tâm nơi không hề có ánh sáng mặt trời chiếu tới; nhưng kiến trúc Hồi giáo thích có sự tương tác giữa nắng và bóng, và có vẻ như luôn luôn cần ánh sáng. Kiến trúc sư Ấn chỉ dùng một màu là màu nghiêm nghị của đá hoa cương, người Hồi giáo lại dùng nhiều màu, hoặc khảm vào tường vào mái, hay ghép đá màu thành hình (mosaics).
Người Hồi giáo trung thực với thiên nhiên khi nào được, nếu họ chạm khắc hay khảm một cái hoa trong đá cẩm thạch, họ cho thấy mình đã cẩn thận phác họa cái hoa trước đó từ thiên nhiên. Thế nhưng khi điêu khắc gia người Ấn muốn chạm một con bò trong đá hoa cương thấy rõ là họ chẳng hề bận tâm đến việc lấy thước đo con bò, để biết sự liên quan giữa những phần trong thân thể con bò với nhau. Không phải là họ không ghi nhận các tỷ lệ thực sự của con bò. Ta có thể nói họ không màng tới chúng, họ chú tâm vào con bò mà không vào cơ thể nó. Đi xa hơn thì họ chú tâm vào con bò trong trí của họ họ hơn là bất cứ con bò nào trên đời này. Theo cách thức tương tự y vậy, khi nhìn vào tượng con bò được họ chạm khắc, bạn thấy họ không nhằm gợi trong trí bạn hình ảnh một con bò mà đúng ra là ý niệm về một con bò.
Đó là cái dị biệt căn bản giữa người Ấn giáo và Hồi giáo, người trước theo sát ý tưởng, người sau khăng khăng với vật. Người Ấn giáo khi nhìn ngắm thiên nhiên sẽ vượt qua sự vật trước mặt anh để chìm đắm vào ý tưởng so với vật, tìm kiếm vẻ mỹ lệ mới trong vật bằng cách xem xét nó sát hơn. Kiến trúc sư Hồi giáo xây dinh thự bằng đá cẩm thạch, sơn son thếp vàng nó và kêu lên mừng rỡ:
— Nếu có cõi thiên đàng trên đời thì nó là đây, nó là đây, nó là đây !
Kiến trúc sư Ấn giáo khởi đầu ở vách đá hoa cương ở một bên đồi, bắt đầu từ trên đỉnh và đục đẽo thành đền thờ, tháp, làm như không ngừng nói với chúng ta như trong kinh Uphanishad rằng:
— Ngài đến và đi trong vũ trụ này, đơn thân duy nhất, là lửa là nước mà Ngài thấm nhuần. Chỉ có Ngài biết đường thoát khỏi sự tử và không có đường nào khác.
Điều gì làm hai kiểu đối chọi nhau rất mực như thế ? Ta cũng sẽ thấy cùng sự dị biệt trong tranh vẽ Ấn giáo và Hồi giáo. Sự tương phản là do cái khác biệt tinh tế về tâm lý giữa người Ấn giáo và Hồi giáo. Sự khác biệt này có trong mọi đất nước y như giữa người này với người kia, nhưng khi nói một cách tập thể thì nó phân biệt một sắc dân này với sắc dân khác. Thế thì cái tương phản tâm lý ấy là gì ?
Nó là sự khác biệt đã được nói tới trong văn chương và trong mọi khía cạnh của Nghệ thuật. Hai chữ “cổ điển (classic)” và “lãng mạn (romantic)” mô tả sự đối chọi ấy. Đặc tính của Nghệ thuật cổ điển dù là kiến trúc hay điêu khắc, thi ca hay âm nhạc, là trưng ra đề tài cho óc tưởng tượng theo đường nét tổng quát, rộng rãi, không có nhấn mạnh nào khi trình bầy. Một trong những tính chất nổi bật nhất của kiểu thức cổ điển là việc thiếu nhấn mạnh ấy. Đề tài được đặt trước óc tưởng tượng với hình thức gợi trong trực giác những nguyên lý và lụật căn bản, nhưng không có thí dụ đựa ra hay chi tiết phác họa về chúng. Việc ấy không được nhấn mạnh, mà nói theo một cách thì mỗi cá nhân phải tự mình điền vào các khoảng trống. Chỉ có cái khung được đưa ra cho ta nhưng bên trong khung ấy có đủ ánh sáng khiến ta chú ý. Kiểu thức cổ điển mời gọi trước tiên trí não, và thứ yếu mới đến tình cảm. Nó gợi ý cho trực giác hơn là tác động ngay vào cảm tình.
Kiểu thức lãng mạn ngược hẳn lại, nó lôi cuốn tình cảm trước rồi sau đó mới là trí tuệ. Một đề tài được nhắc đi nhắc lại mãi, hiện tới hiện lui qua biến thể và mô tả bằng thí dụ. không ngừng có nhấn mạnh vào cái đặc thù và không có nhắc nhở về cái tổng quát. Có sự kêu gọi nhiệt tâm của ta và tình cảm của ta bị lôi cuốn đi, trước khi lý trí có thể ra tay kiểm soát nó. Nghệ sĩ lãng mạn chỉ cho ta thấy mỹ lệ trong chi tiết bằng cách trước tiên đưa ra một phần nhỏ bé, rồi phần nhỏ bé khác của điều gì nằm trong toàn cảnh, và theo cách đó dẫn dắt ta từng bước một để biết rằng có một tổng thể rộng lớn hơn.
Hai nghệ sĩ tính này, cổ điển và lãng mạn cũng thấy trong tâm tính người, đó là có người thì ý niệm quan trọng hơn sự vật, và người khác thì sự vật quan trọng hơn ý tưởng. Nói theo tâm lý thì ta có người hướng nội và hướng ngoại, lý tưởng và thực nghiệm, nhất nguyên và nhị nguyên, tự do ý chí và định mạng, mơ mộng và thực tế.
Sự khác biệt tâm lý ấy ít nhất làm tôi nghĩ rằng người nghệ sĩ Ấn giáo không tìm cách trung thực với thiên nhiên. Trong tiềm thức họ luôn luôn nỗ lực để cảm nhận sự sống, cái ngược với hình thể. Trong muôn hình vạn trạng mà thiên nhiên bên ngoài trưng ra trước mắt họ, người nghệ sĩ Ấn giáo nhắm đến việc tạo cho mình một thiên nhiên bí ẩn nội giới. Thiên nhiên như là ý niệm lại thực đối với họ hơn là thiên nhiên như ý chí (muốn nói dùng ý người uốn nắn thiên nhiên hay số mạng). Tuy nhiên người nghệ sĩ Hồi giáo không tin tưởng vào những chuyện mộng mị mơ hồ, họ chấp nhận thiên nhiên như nó là, đọc ý nghĩa của nó trong những vật mà thiên nhiên tạo tác. Phần hình thể lôi cuốn họ nhất mà không phải là phần sự sống.
Chỉ vì người nghệ sĩ Ấn giáo quan tâm đến phần sự sống hơn là phần hình thể mà cái họ chọn là đá hoa cương cứng khó đẽo gọt, mà không chọn đá cẩm thạch . Với cẩm thạch bạn phải trung thực rất đỗi với thiên nhiên. Bạn có thể giống như các điêu khắc gia tài giỏi nhất của Hy Lạp, dùng sự chân thực với thiên nhiên làm nấc thang tiến lên điều cao hơn, gần với cái thiên nhiên lý tưởng hơn, nhưng bạn phải bắt đầu bằng việc trung thực hết mức với thiên nhiên trước hơn hết thảy. Với đá hoa cương chuyện không phải vậy. Giá trị của đá hoa cương là không bao giờ nó có thể biểu lộ trọn vẹn ý niệm, và do đó cái ý tưởng vẫn còn bị nhốt trong đá. Khi nhìn vào cây cột bằng đá hoa cương, nó là cây cột vẫn còn trong giai đoạn đang được sinh ra, do đó bạn có thể thấy trong đó hình tuyệt hảo chưa sinh của nó. Còn cây cột cẩm thạch là cây cột đã sinh ra rồi, nên hiển hiện sự toàn hảo của nó. Nói cho sát thì không cột nào có tính nghệ thuật nhiều hơn cột nào. Nó tùy theo bạn là người quan sát có tính hướng nội hay hướng ngoại, mà cột hoa cương hay cột cẩm thạch tỏ lộ với bạn nhiều hay ít.
Tôi cho rằng đó là cái phân biệt căn bản giữa kiến trúc Hồi giáo và Ấn giáo, một cái là kiến trúc nhấn mạnh phần sự sống, cái khác nhấn mạnh phần hình thể. Mỗi loại là một nghệ thuật riêng, và không cái nào cao hơn hay thấp hơn, tốt đẹp hơn so với cái kia, nhưng với ai ngắm nhìn có sự nhạy cảm đích thực thì cái này phụ cho cái kia, hiểu được cả hai là thán phục cả hai, và đó là giá trị của cả hai cho ai đi tìm sự trọn vẹn trong nghệ thuật.
Kiến trúc Hồi giáo và Ấn giáo khác nhau, trong chính sự khác nhau ấy là khả năng gợi hứng mạnh mẽ cho ai ý thức rằng kiến trúc là âm nhạc cô đọng, và con người dùng nó để ca ngợi Thượng Đế.
C. JINARASADASA
Trích từ Karma-less-ness