SỨC  KHỎE  VÀ  BỆNH  TẬT

SỨC  KHỎE  và  BỆNH  TẬT

Xem Mục Bệnh Tật

Bài sau đây nói về khía cạnh huyền bí của sức khỏe và bệnh tật, nó dựa trên việc nghiên cứu bằng thông nhãn một số lớn trường hợp mà tôi được biết, và can dự vào việc chữa trị trong vài năm.

Tôi quan sát theo khả năng của mình tình trạng thể xác, cùng những thể thanh của bệnh nhân từ lúc họ mới tới, qua những giai đoạn chữa trị khác nhau, cho tới lúc bình phục hay không tùy người. Bởi cần phải nghiên cứu một thời gian dài hơn, và cần áp dụng khả năng thông nhãn một cách khoa học có huấn luyện cao độ hơn, nên đây chỉ là giai đoạn đặt ra giả thuyết cùng thử nghiệm nó, và cần được xem là chỉ có tính gợi ý để người khác so sánh kết quả của họ với của tôi. Kết quả được trình ra, để mong sao có thêm nhiều người áp dụng những chỉ dạy thâm sâu và có tính soi sáng của MTTL, vào các vấn đề sức khỏe và bệnh tật.

Người học hỏi MTTL cần phải theo đuổi lý tưởng phụng sự, mở rộng phạm vi hữu ích của mình. Mong mỏi của tôi là những điều sau có thể làm điểm khởi đầu cho ta thêm hiểu biết về chính mình, và nhờ vậy thêm sự hữu ích của ta cho nhân loại.

Ta không thể hiểu rõ sức khỏe và bệnh tật hoàn toàn nếu chỉ học hỏi về thể xác mà thôi, mà cần thăm dò sâu hơn nếu muốn khám phá nguyên nhân thực. Có quan niệm nói rằng căn nguyên của bệnh nằm sâu trong trí não và tình cảm con người, nó không phải chỉ đúng cho những bệnh gây tử vong cao dù có tiến bộ khoa học, mà đúng cho mọi mặt về sức khỏe dù không đáng kể thế mấy.

Để định nghĩa sức khỏe, tôi xin đề nghị ta hãy xem sức khỏe là tình trạng trong đó sinh lực được tuôn chảy thông suốt không trở ngại qua trọn thân, là trạng thái mà việc hấp thụ, tiêu hóa và thải bỏ diễn ra toàn hảo ở những cõi khác như ở cõi trần. Với định nghĩa đó tôi muốn nhấn mạnh ý tưởng, là trong thiên nhiên có một nguồn cung cấp dồi dào sinh lực hay lực sống, và nếu muốn trọn con người có sức khỏe tốt lành, hữu hịệu thì năng lực phong phú này phải được hấp thu, tiêu hóa và biểu lộ bằng hành động, rồi cuối cùng thải ra sau khi nó hoàn tất phần việc là làm sinh động trọn hệ thống. Năng lực sinh động này hiện hữu trong mọi cảnh giới, và nếu muốn duy trì sức khỏe thì tiến trình nói ở trên phải diễn ra đầy đủ theo mức tiến hóa, trong tất cả những thể mà tâm thức linh hoạt. Nếu định nghĩa này đúng, thì đau ốm có thể được xem là việc ngăn trở dòng sống trong các thể thanh lẫn thể xác.

Kinh nghiệm có khuynh hướng chứng minh giả thuyết về sức khỏe này là đúng, và nỗ lực chữa bệnh bằng phương pháp dựa trên kinh nghiệm ấy cho ra thành công đáng kể. Phương pháp sử dụng trong việc chẩn bệnh là xem xét kỹ lưỡng tình trạng thể sinh lực, tình cảm và trí, sau khi đã tìm hiểu về triệu chứng ở thể xác và bệnh sử, nhằm khám phá vấn đề nằm ở thể nào. Nói rộng ra thì tình trạng tâm trí và tình cảm có thể được chia làm hai loại, một loại làm ta mở rộng tâm tư, biểu lộ và có hạnh phúc, loại kia tạo nên giới hạn, ngăn trở, sự không vui. Chúng là tình trạng lành mạnh và không lành mạnh.

Tinh thần cởi mở hoàn toàn, không ích kỷ và tình thương có thể xếp vào loại thứ nhất còn trong loại thứ hai là thành kiến, lòng ích kỷ và tất cả những tính chất tiêu cực của trí não, tình cảm. Một khoảng thời gian dài ngắn có thể trôi qua trước khi tình trạng tâm lý hiện ra trong thể xác, nhưng với loại đầu thì bạn sẽ thấy người ta có sức khỏe tốt, còn nếu loại sau mạnh hơn thì có đau ốm, và cũng có niềm tin là mỗi tình trạng tâm thần tương ứng với một loại bệnh riêng, cho một cơ quan riêng.

Trước hết ta hãy xét các tình trạng tâm thần.Một nhóm người làm thí nghiệm, là một thành viên dùng ý chí tạo cho mình những tâm trạng khác nhau, khả năng này có được nhờ tập tham thiền. Hai người có thông nhãn quan sát kết quả và ghi nhận xét riêng của mỗi vị. Một tâm trạng được chọn làm thí nghiệm là lòng sầu não rất nặng, tư tưởng loại này mau lẹ ảnh hưởng thể tình cảm và một thời gian ngắn sau đó lan tới thể sinh lực (thể phách). Khi tâm trạng này hóa sâu đậm thì người ta thấy hào quang sức khỏe (xin coi phần sau) rũ xuống, và sự luân lưu của prana bị ngăn trở.

Kế tiếp tư tưởng bình thản an nhiên, rồi khôi hài với ai đó kể một chuyện vui, và cuối cùng là cố gắng nâng cao trí não mở rộng tâm thức. Ảnh hưởng đối với thể sinh lực được thấy rất là rõ rệt, nó hồi phục mau lẹ và nâng lên tới tình trạng linh động nhiều hơn, sự luân lưu của prana cũng tăng nhất là dòng chảy tới não.

Nếu đây là kết quả của việc chỉ tạm thời thí nghiệm với quyền năng tư tưởng, thì có vẻ hiển nhiên là trạng thái tâm thần khi kéo dài tới mức trở thành thói quen, có thể cho ra ảnh hưởng rõ rệt trong thể xác theo với thời gian. Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy rằng tâm trí không nhất quán, thành kiến mạnh mẽ, trí não hẹp hòi, suy nghĩ sai lầm khiến con người lạc với chân lý, việc lời nói và hành động không đi đôi với nhau, đều đi kèm với những sự đau ốm khác biệt và trong nhiều trường hợp, có vẻ như là nguyên nhân tích cực gây ra bệnh.

Với tình cảm thì nguyên tắc y hệt cũng áp dụng, tình cảm bị đè nén hay ẩn ức đã được nhìn nhận là nguyên do gây đau ốm. Sự nhìn nhận này ăn khớp với định nghĩa về sức khỏe đề nghị ở trên. Đè nén bất cứ loại gì muốn nói dòng sinh lực bị ngăn chận, và như thế có nghĩa là đau ốm. Tương tự vậy, tình cảm tiêu cực như sợ hãi, rầu rĩ, lo lắng, bất an, ganh tị, thù ghét là nguyên do mạnh mẽ gây trục trặc cho thể xác. Tình cảm thích hợp mà quá nhiều cũng có thể làm đau ốm.

Ngày xưa thầy thuốc, giáo sĩ và huấn sư là chung một người nhưng nay không còn như vậy nữa. Công việc của thầy thuốc thường giống như của giáo sĩ, vì tất cả những thiếu sót về tình cảm và tâm thần phải được chỉnh đốn lại, phải được nhìn nhận và giải quyết trước khi có thể chữa lành. Tư tưởng sai lầm phải được sửa lại cho đúng, con người qui thuận sự thực, thành kiến được nhận ra và loại bỏ, ẩn ức tình cảm được giải tỏa và nếu không thể biểu lộ ra thì phải tìm cách thăng hoa, chuyển biến. Nỗi sợ hãi, lo lắng, rầu rĩ phải bỏ đi và trọn nộị tâm con người phải làm cho hòa hợp với chân lý, với luật của sự sống là tình thương.

Nhìn từ quan điểm này, mục đích của đau ốm và sự đau đớn là dạy cho ta tránh cái sai lầm.Sự đau đớn có thể được xem như là sai lầm lộ rõ để nó được ta nhận biết và sửa chữa. Vì vậy dùng thuốc làm cho bớt đau hay bớt bệnh, chỉ mới đi một chặng đường trong việc chữa trị mà chưa phải là đi hết đường, ta cần áp dụng phương pháp trị vĩnh viễn là có nhận thức trong tâm về ý nghĩa của đau ốm, cũng như linh hồn chỉ tiến bước học hỏi được khi có nhận thức ấy.

Bởi mỗi hệ quả phải có một nguyên nhân, sự khỏe mạnh hay đau ốm của thân xác là do nhân quả, xẩy ra từ một phút trước đó hay thuộc về kiếp xưa. Hiển nhiên tất cả bệnh tật di truyền hay bẩm sinh là kết quả của hành động đã làm trong những kiếp trước. Tuy ta chưa có khả năng nhìn lại nhiều kiếp xưa của bệnh nhân để tìm ra nguyên do của bệnh ngày nay, có người nỗ lực tham thiền nói rằng thấy được thoáng qua vài nét hay chi tiết rõ của kiếp xưa. Nhiều nỗi khó khăn về tâm thần và tình cảm mà tôi ghi ở trên, là vấn đề chưa giải quyết được ở kiếp đã qua, nay được mang trở lại để hóa giải trong kiếp này. Đó là cách thức cho linh hồn tiến bước, và ta có thể trợ lực hay ngăn cản tiến trình một cách đáng kể bằng cách là ta chăm lo thân xác lúc yếu cũng như lúc mạnh.

●Các Thể lúc Mạnh lúc Đau

Những thể thanh ta sẽ nói tới là thể trí, tình cảm và thể sinh lực.Các luân xa (chakras hay huyệt đạo, trung tâm lực) trong các thể này đóng một phần quan trọng trong sức khỏe của thể, nhất là những luân xa trong thể sinh lực tương ứng với lá lách và tùng thái dương (solar plexus hay huyệt đan điền). Ba thể thanh được tạo trong lúc tâm thức đi từ cõi thượng trí vào cõi trần, loại vật chất được sử dụng và cách nó xếp đặt trong các thể phần lớn do nhân quả ấn định. Khi chân nhân khởi sự tiến trình tái sinh, động lực này làm linh hoạt hạt nguyên tử trường tồn ở mỗi cõi và một loạt nhiều rung động phát ra, những rung động này nằm tiềm ẩn trong hạt nguyên tử trường tồn nơi chất chứa kinh nghiệm của bao kiếp trước. Mỗi thể ở mỗi cõi được cấu tạo chỉ bằng những vật chất nào đáp ứng với rung động phát ra, nên thể có cấu tạo theo đúng với nhân quả của cá nhân.

Chúng là sản phẩm của quá khứ chính chúng ta, vật chất thích hợp được thu hút vào các thể thanh và thể vật chất, được điều chỉnh cho càng sát theo chừng nào càng tốt chừng ấy, với nhân quả và nhu cầu cho cuộc tiến hóa của mỗi người. Điều này được thực hiện với minh triết của các vị thần nhân quả, các ngài lựa chọn cho ta cha mẹ là người sẽ cung cấp đúng một thể cần cho sự phát triển tương lai của ta. Phận sự của thể sinh lực là để cho prana hay sinh lực luân lưu khắp cơ thể, làm xác thân linh động, và bảo tồn sinh lực này.

Prana được hấp thu vào luân xa lá lách, nơi đây nó được chuyên biệt hóa cho hợp với làn rung động của cá nhân, rồi được chia làm bẩy phần với mỗi phần có màu riêng biệt, và được gửi đi tới những nơi khác nhau trong cơ thể. Prana cũng được hấp thu nhờ hơi thở qua thức ăn. Sau khi được sử dụng nó thoát qua da ra bên ngoài bằng nhiều luồng, những luồng thoát này tạo nên cái gọi là hào quang sức khỏe.Nơi cõi trần có lẽ sinh lực là yếu tố quan trọng nhất cho sức khỏe, việc thiếu sinh lực có khuynh hướng gây nên vòng luẩn quẩn nhân và quả khó mà phá vỡ.

Thí dụ cho điều này là tính lo lắng mà chứng ăn không tiêu là một yếu tố. Khởi đầu vì lý do nào đó sinh lực cho trọn cơ thể bị thiếu hụt, và dòng lực màu xanh lục dẫn tới bộ tiêu hóa bị sút kém không đủ. Những cơ quan tiêu hóa thiếu prana nên không thể làm phần việc của mình, không lấy ra hết được tất cả chất dinh dưỡng và sinh lực trong thực phẩm, cho kết quả là trọn cơ thể bị yếu sức thêm, không thể hấp thu và tiêu hóa sinh lực mà bình thường những hệ khác nhận vào. Cái vòng luẩn quẩn ấy cần bị phá vỡ,trước khi thể xác được làm cho khỏe mạnh trở lại.

●Các Yếu Tố

Xem ra có bốn yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu cho sức khỏe của thể xác là:

1. Tình trạng của mỗi thể thanh.
2. Sự liên hệ giữa những thể này với nhau và giữa chúng với thể xác.
3. Sự liên hệ giữa chân nhân và các thể.
4. Sự liên hệ giữa từng thể với môi trường của nó nơi cõi của thể.

Ta sẽ nói tới yếu tố 1 và 4 còn hai yếu tố 2 và 3 sẽ được xét sau.

Nói về tình trạng của thể trí, ta thấy rằng một trong những nguyên nhân chính gây đau ốm cho thể xác là tình trạng thiếu uyển chuyển của trí não. Tâm trí đóng khuôn cứng ngắc, khư khư cố định, ăn sâu chặt chẽ theo tính bảo thủ, chống lại tư tưởng và lề lối mới đưa ra, làm giới hạn dòng tuôn chảy của sinh lực từ chân nhân xuống các thể, và có lẽ sinh ra những bệnh như phong thấp, theo đó thể xác có khuynh hướng trở thành đóng khuôn hóa cốt cứng lại như thể trí.

Thành kiến là một căn nguyên khác của đau ốm về tâm thần. Những phần bên trong thể trí có khuynh hướng trì đọng một chỗ, ngưng không dự vào sự luân chuyển chung của vật chất trong thể. Chúng lộ ra như những vết sậm màu, có mức độ thay đổi về tỉ trọng, sắc sậm và kích thước.Đôi khi việc hóa cứng cho ra hình u lên giống như một mụn lớn.Nếu loại tư tưởng in trí tới mức thành ám ảnh tâm thần có cái tương ứng về mặt tình cảm, thì tình trạng tương tự sẽ dần dần xẩy ra ở thể tình cảm khi ta nhìn vào thể này.

Thói quen suy nghĩ không hợp với chân lý làm thể trí đau ốm nếu kéo dài nhiều năm, có vẻ như suy nghĩ sai lầm gây ra tranh chấp liên tục. Thế nên điểm căn bản của việc chữa trị là khiến bệnh nhân bỏ đi thói cũ hay lối suy nghĩ xưa nay, và trực diện với chân lý mà họ biết, làm đời mình thuận theo hiểu biết trong lòng. Nguyên tắc này có thể áp dụng cho mọi loại đau ốm về tâm thần, từ thói quen lầm lạc có tầm quan trọng nhỏ tới tất cả những hình thức định kiến ăn sâu, khăng khăng chỉ chấp nhận một lối suy nghĩ mà thôi, cho tới cả sự điên loạn, khi thể trí không còn họat động như là phương tiện cho tâm thức biểu lộ.

Sang thể tình cảm, vào giai đoạn phát triển hiện nay của chúng ta, thể này thường có nhiều xáo trộn hơn thể trí, vì tâm thức của đa số người vẫn còn trụ trong tình cảm, Nó có nghĩa phần lớn các bệnh lúc này là do rối loạn trong tình cảm.Nguyên tắc của thể trí cũng áp dụng cho thể tình cảm, đó là sự cố chấp, thói quen đi ngược với sự thực là cái có tiềm năng sinh ra vấn đề. Thể tình cảm còn bị thương tổn do đè nén hay quá độ, cả hai điều này sinh ra nhiều bệnh về tình cảm nơi người.

Tình cảm tiêu cực nếu sinh ra liên tục, sẽ cho kết quả nghiêm trọng ở cõi tình cảm và cõi trần. Lo âu, sầu não và sợ hãi là ba thí dụ thường gặp nhất, lộ ra như những vệt màu nâu xám đục trong thể tình cảm. Nếu lòng sầu não có liên quan đến phần nào đặc biệt của thể xác, thì vệt sẽ hiện trong phần đó của thể tình cảm. Chuyện hay thấy là trọn thể bị gói trong một lớp màu nâu xám đục, cho ảnh hưởng rất đáng ngại đối với sức khỏe thể xác, nó gần như bị mất hết những dòng sinh lực từ thể trí và thể tình cảm tuôn vào.

GEOFFREY HODSON
An Occult View of Health and Disease