NHẠC BEETHOVEN

Nhạc  Beethoven

 

Nhạc Beethoven mô tả nỗ lực của linh hồn con người tìm cách vượt qua mọi trở ngại bên ngoài, và sự bất toàn bên trong, trong cuộc hành trình thánh thiện tiến đến sự hòa hợp với Thượng Đế. Tuy bắt đầu cuộc đời trong cảnh bất lợi, ông vẫn vẽ ra được con đường tới chiến thắng làm chúng ta phấn khởi, cuộc đời riêng của ông có tai biến, nhưng ông vẫn sáng tạo được những tác phẩm tuyệt diệu gây rung động và nâng cao tâm hồn người ở mọi nơi trong mọi thời đại. Nhạc của ông kể lại câu chuyện về con đường mà ai đi trên đường tinh thần phải theo, mỗi đại tác phẩm nói về một chặng đường, và là một trong những loại nhạc có giá trị nhất để tham thiền có được hiện nay. Óc tưởng tượng của ông nâng cao con người mỗi lần nghe nhạc, để khiến từ nơi ấy ta thẩm định trở lại không những nhạc mà tất cả sự sống, tất cả cảm tình và tất cả tư tưởng. Điểm chính yếu ở đây là nhạc Beethoven  có thể thay đổi được chúng ta, và đi tới tận cùng nhạc ấy có thể cách mạng tâm thức của ta.
Beethoven là một nhà cách mạng thật sự sống trong thời đại cách mạng, nhưng cái ông làm là cách mạng tâm lý, nhạc đi sâu vào được linh hồn người nghe và bởi xúc động linh hồn được chuyển hóa, thế nên Beethoven là nhạc sĩ chiếm được lòng người. Trải qua bao thời đại, các triết gia và nhà thông thái biết rằng nhạc là một trong những phương tiện mạnh mẽ nhất, nhờ đó tâm thức con người được biến cải hoặc tốt hơn hoặc xấu hơn, và một nền văn minh không thể vượt lên cao hơn mức tinh thần và đạo đức của nhạc thời ấy. Ông hiểu rõ nguyên tắc này và cố ý dùng nhạc để nâng nhân loại lên mức hiện có, đưa trí con người lên tiếp xúc được với trí Thượng Đế. Dựa vào nhạc ông tìm cách đem Tinh thần vào Vật chất, gieo mầm Bồ đề tâm vào tâm con người mà ông yếu mến. Sự thành công của ông có thể được đánh giá qua việc nói chung, ông được xem là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thế giới.
Ngay ở tuổi trẻ thơ, ông đã ý thức uy lực bên trong của nhạc, khả năng chuyển hóa được tâm thức của nó, chú nhỏ hỏi thầy dạy âm nhạc của mình rằng ‘Sao thầy là nhạc sĩ giỏi như vậy mà lại chọn sự cô đơn ?’, bởi ông đã ý thức dù chỉ là đứa bé rằng ông soạn nhạc không phải cho mình mà cho người khác, và để phụng sự nhân loại. Khi nghe nhạc của Beethoven nó dẫn ta đi lên con đường tinh thần, khiến cho ý thức về tâm linh của ta được mở rộng càng lúc càng nhiều như ông định trước, nhạc làm các luân xa quay nhanh hơn, nâng cao trạng thái tâm thần và có thể chuyển hóa lâu dài con người chúng ta. Tâm ta thu hút và đón nhận những nét tâm thức của Thượng Đế nằm trong âm điệu mà hơn thế nữa, khi ảnh hưởng từng cá nhân riêng rẽ, Beethoven đóng vai trò cần thiết làm thay đổi tâm thức xã hội, tạo nên cây cầu bắc từ thời đại của ông là thế kỷ 19 sang tư tưởng của thế kỷ 20 và 21.Tuy phương tiện ông dùng là âm nhạc, ảnh hưởng của ông được gieo rắc một cách tế nhị trong khắp nghệ thuật và cả xã hội.
Càm quan nghệ thuật của Beethoven tiến xa hơn thời đại của ông nên khi soạn những tác phẩm vĩ đại nhất, ông biết rằng chúng là để cho hậu thế, rằng đa số người trong thời của ông sẽ không quí chuộng hay hiểu được chúng. Một số nhạc của ông vẫn chưa được chơi trong lúc ông còn sinh tiền, và ngày nay vẫn còn nhiều người chưa nghe các tác phẩm cuối đời của Beethoven. Vì vậy có thể nói là sáng tác của Beethoven không phải thuộc về quá khứ, mà đúng ra thuộc về tương lai nhiều hơn.
Để hiểu rõ nhạc của ông, ta cần hiểu quyền năng bên trong của nhạc. Người xưa từ Trung Hoa sang Ai Cập, từ Ấn Độ sang Hy Lạp tin rằng nhạc có khả năng tuyệt vời là làm tiến bước hay làm sa đọa tâm hồn người, và bởi cá nhân là đơn vị của xã hội, nhạc có thể làm hưng thịnh hay phá hủy trọn nền văn minh, tùy theo loại nào được chơi rộng rãi. Trong tay người thiếu hiểu biết, người ta tin rằng nhạc có thể đưa xã hội xuống hố sâu, còn trong tay người sáng suốt, nhạc là dụng cụ cho mỹ lệ có thể dẫn xã hội tới thời đại hoàng kim của thanh bình, thịnh vượng và tình huynh đệ. Beethoven hiểu trọn vẹn điều này, và hữu ý dùng nhạc của ông để cải hóa cho tốt đẹp hơn phần tư cách, tư tưởng và ý nguyện của tất cả những ai nghe nó.
Ngày nay thử nghiệm cho chúng ta biết thêm rằng nhạc có ảnh hưởng mạnh mẽ trên sức khỏe và tâm thần, cám xúc; nhạc có thể làm thay đổi mức biến dưỡng - metabolism trong cơ thể, ảnh hưởng sức mạnh của bắp thịt và sự tiêu hóa, làm tăng hay giảm áp huyết. Những loại nhạc khác nahu có thể hoặc tạo sự êm dịu tâm hồn hoặc làm nó rối loạn, tăng hay làm chậm lại nhịp tim, tức có khả năng tạo việc lành cũng như việc chẳng lành. Nguồn cội năng lực mạnh mẽ của nhạc theo người xưa, là do việc nó tuôn vào thế giới vật chất năng lực siêu nhiên ở bên ngoài thế giới thường ngày. Nhạc cũng cho ảnh hưởng lên cây cỏ, năm 1970 có thí nghiệm tại trường đại học Temple Bell ở Denver, Colorado với kết quả là cây trồng ở khu yên lặng tăng trưởng bình thường, còn cây được cho nghe nhạc khích động Rock thì lớn chậm, mà còn có thể làm chết cây trong một số trường hợp. Cây được nghe nhạc cổ điển lớn mau hơn cây bình thường, và lạ lùng hơn nữa là nó còn mọc hướng về máy khuếch âm, trong khi cây được nghe nhạc Rock có khuynh hướng mọc tránh xa máy.
Chính vì ảnh hưởng của nhạc trên thế giới vật chất cùng tư cách con người và nền văn minh, mà nhạc của Beethoven có ý nghĩa đáng nói. Nghiên cứu những tác phẩm của ông không phải là sự nghiên cứu khô khan, chỉ chú trọng về nốt nhạc và tiết tấu của bài nhạc, mà là nghiên cứu về tâm thức và sự thay đổi của tâm thức. Nhìn rộng hơn thì các nhà soạn nhạc lừng danh của thế kỷ 18, 19. và  20 tạo nên nhạc để chuyển hóa tâm thức người tây phương, dần dần mang nó cho phù hợp với tinh thần của thời đại Bảo Bình về nhiều mặt. Bởi không một thời đại hoàng kim nào có thể xẩy ra trong chu kỳ Bảo Bình một cách đột ngột, tự nhiên mà đến. Nó phải được gầy dựng và lôi cuốn được người, và đó là lý do của sự xuất hiện một loạt những đại nhạc sư, với ý thức rằng họ soạn nhạc là đề giúp người nghe đẩy mạnh và nâng cao tâm thức. Họ ước muốn rằng nhạc không phải chỉ để giải trí mà còn để làm con người trở nên tốt đẹp hơn, và Beethoven mong sao nhạc từ tâm ông đến được tâm người khác. Các nhạc sư và nhất là Beethoven vì vậy sinh ra để khởi đầu những rung động mới và cao hơn, về tư tưởng lẫn cảm xúc trong lòng người của thời đại họ sống và biết bao thời đại về sau.
Các nhạc sĩ thường khi ghi lại rằng họ được gợi hứng bên ngoài tâm thức của họ, như Robert Schumann viết rằng thiên thần đọc cho ông bài nhạc, Handel tin là bản Messiah được thiêng liêng tỏ lộ cho mình. Trong lúc soạn bản này, ông có cảm tưởng là cổng thiên đàng mở ra, và ông có thể thấy và nghe lời hợp ca tuyệt trần của thần thánh. Việc nhận được gợi hứng như vậy không hề có nghĩa là nhạc sư giống như người đồng cốt mê man, không kiểm soát được việc gì đến với họ. Chuyện khác xa vì tiến trình không thể nào có được trừ phi người nhạc sư được huấn luyện về âm nhạc, và có đủ khả năng  nhận ra được âm thanh, hiểu nó, rồi cuối cùng xếp đặt và tạo nó thành hình.
Nhạc sư được gợi hứng, nhưng công lao vẫn là của họ, bới một người phải thật sự là nghệ sĩ đại tài mới có thể nhận được nghệ thuật tuyệt hay, trước khi nhận được hứng khởi họ phải thông thạo phương tiện sử dụng là âm nhạc. Nơi đây cân có sự  phân biệt là gợi hứng thiêng liêng này khác hẳn với việc đồng cốt, nó là việc hòa hợp linh thiêng vào Thiên Trí, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm và thật sự muốn hoàn thiện con người. Về điểm đó nhạc Beethoven được xem là không phải nhạc do người trần viết ra, mà được ‘tặng’ từ một nguồn trên cao cho con người, để nhờ vậy tâm thức của nhân loại được tiến bộ.
Hai đặc tính chính của thái độ Beethoven đối với cuộc đời là sự ý thức rằng đời là bể khổ, và nét anh hùng của sự thành đạt, cái đầu là vấn đề căn bản của cuộc đời, cái thứ hai là lời giái đáp căn bản, và Beethoven đã chọn con đường ngắn nhất trong ba con đường mở rộng tâm thức là bằng hành động (hai đường kia là hiểu biết và niềm tin). Beethoven đạt sự hoàn thiện bằng âm nhạc của mình, tuy ông không đạt được  nó qua cái ngã của ông, nhạc sĩ có những khuyết điểm nên lý tưởng hóa con người của ông là chuyện sai lầm, và điều ta muốn nói là sự hoàn thiện trong tâm cũng như đó là sự hoàn thiện có thể đạt tới được. Sự hoàn thiện hay Thượng Đế nằm ở bên trong, nên trong việc phụng sự, một trong những đặc tính lạ lùng nhất của Beethoven là mức độ mà ông có thể để qua bên cái tôi, với các rắc rối của nó và sự đau khổ của cuộc đời, để Chân ngã có thể biểu lộ. Thí dụ là ngay giữa lúc bị khó khăn riêng tư lớn lao nhất, ông đã soạn những tấu khúc thật hân hoan và đầy hứng khởi.
Lúc còn trẻ năm 22 tuổi, nhạc sĩ thấy rõ ràng mục tiêu cho nhạc của mình, ông gọi đó là nghệ thuật thiêng liêng. Ông giận dữ mỗi khi gặp thí dụ về nghệ thuật giả mạo, tức nhạc được rao truyền là nghiêm chỉnh nhưng thực ra chỉ nhằm để giải trí mà không phải để cải thiện, hay sự biểu lộ tài năng mà thiếu nét thiêng liêng. Việc soạn nhạc đối với ông chỉ là hành động vô nghĩa, nếu nó không cho thấy tiến bộ về mặt mỹ thuật và kỹ thuật. Trong đời có hai lần chuyển tiếp khá đột ngột, dẫn tới thành đạt về kỹ thuật và viễn kiến tinh thần. Hai bước nhẩy vọt rõ ràng về tiến bộ nội tâm nâng ông lên một chiều đo mới về tâm thức, khiến cho việc sáng tác đột nhiên bừng nở.
Tính cách của nhạc soạn theo sau hai bước tiến này thật là khác biệt, nên người ta thường chia tác phẩm của Beethoven làm ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất gồm tất cả nhạc soạn trước bản đại hòa tấu Eroica. Khúc Eroica là tiến bộ cách mạng chưa hề có, không những cho Beethoven mà còn cho trọn cả thế giới âm nhạc, và lan ra bên ngoài âm nhạc, do ảnh hưởng của nó trên tâm thức của ai nghe bản này. Tác phẩm ấy đánh dầu sự mở đầu của giai đoạn hai, từ đó cho ra một số bản nổi tiếng nhất của ông. 15 năm sau, nhạc của ông lại được nâng cao lên một lần nữa thật đột ngột với mức cao tốt về cả nghệ thuật và tính siêu hình, như thấy qua bản Missa solemmis và đại tấu khúc thứ chín. Ba giai đoạn này trong nhạc của Beethoven không tuyệt đối khác hẳn nhau, hay tuyệt đối phân cách rõ rệt về mặt thời gian, vậy thì điều chi tạo ra sự chuyển biến đó, tạo ra những mở mang tâm thức đó ?
Một chìa khóa của câu trả lời là giai đoạn hai và ba, thoát thai từ cái có thể gọi là những giai đoạn khó khăn, và đau khổ nhất trong đời ông. Giai đoạn thứ hai chỉ bắt đầu sau khi ông bị điếc dần, và đối đầu với cái điếc trong khoảng từ 1799 đến 1802. Giai đoạn thứ ba chỉ đến sau khoảng 1815 - 1820 là ông gặp khó khăn tài chính, thưa kiện trước tòa về quyền giám hộ cháu. Mỗi giai đoạn đánh dấu không những là một người được lột xác, mà còn là người nhìn thế giới từ cảnh trí rộng rãi hơn trước kia, cái viễn kiến mở rộng có được vì chính ông đã có tâm thức vượt trội, nhưng ông chỉ làm được vậy sau khi đã trải qua cuộc thử thách gay go lớn lao.
Khi con người bị ê chề và đau đớn vì nghịch cảnh ở đời, nó có thể phản ứng theo một trong hai cách, hoặc trách móc trời đất, tỏ ra tức giận, chú tâm đến mình nhiều hơn, và do đó tách biệt thêm với thiêng liêng tức không qua được thử thách. Thái độ khác là ý thức sự vô ích của việc sống rời khỏi Thượng Đế, và cảm nhận rằng đôi khi cần nghịch cảnh để khiến cái tôi thấy được sự sống từ góc cạnh mới, mở rộng tầm nhìn, và nhận biết rắng tất cả những gì có ý nghĩa đều là Một. Từ việc liên tục loại bỏ cái tôi giới hạn, một khoảng trống được thành hình cho thiêng liêng tràn vào, rồi từ từ từng bước một trên con đường, cá nhân  trở thành thiêng liêng trong hình hài con người, trở nên như Thượng Đế.
Phản ứng của Beethoven với khoảng thời gian đen tối là loại trừ cái tôi nhỏ bé, và xác nhận tính thiêng liêng, nên nhạc của ông chứa đựng ngày càng nhiều hơn sự sáng và năng lực thiêng liêng, ngày càng trở nên là một với Thượng Đế. Nhạc của ông là sự tham thiền, nhạc của ông là lời cầu nguyện. Ta cần nói rằng một người không thể nhận được thêm sự sáng hay tâm thức thiêng liêng, khi tâm trí chưa có được khả năng nắm bắt và gìn giữ ánh sáng ấy. Mỗi tác phẩm lớn của ông đều tiến xa hơn và cao cả hơn bài trước đó. Khi tham thiền về những sáng tác này, lắng nghe chúng, năng lực và tâm thức cần thiết cho trạng thái tâm linh được truyền sang chúng ta, ông đi trên đường Đạo và để lại dấu chân cho ta đi theo. Qua nhạc của ông, ta có thể theo để vươn lên như nhạcsĩ.
Khi nghe nhạc có những mức chú tâm khác nhau mà ta liệt kê sau đây. Mức cảm xúc là lắng nghe nhạc chỉ vì đó là kinh nghiệm hân hoan, vì đó là lạc thú, chúng ta có thể không cần phải lúc nào cũng tập trung tư tưởng vào bản nhạc hay nghĩ tới nó. Mức biểu lộ là khi ta tích cực chú tâm vào bản nhạc và hấp thu ý nghĩa tình cảm của nó. Nếu chú tâm đầy đủ nó trở thành sự tham thiền. Nhạc hay giúp ích rất nhiều cho vài hình thức tham thiền. Khi tham thiền bằng nhạc Beethoven, ta hãy chú tâm vào việc nhạc này là sự mặc khải trực tiếp bằng nhạc thiêng liêng, và nói bản chất của thiêng liêng, về Chân lý vĩnh cửu, và về con đường Đạo, và hãy luôn luôn tham thiền bằng quả tim cũng như bằng khối óc.

 

Mức thứ ba là đặt trọng tâm vào tính nhạc của tác phẩm, nó đòi hỏi sử dụng cả trực giác và trí tuệ, và có thể giúp đẩy mạnh cả hai mặt này. Đó là cách thưởng thức riêng về chất nhạc và về một khía cạnh, cách nghe nhạc này là hình thức tham thiền khác về nhạc. Thay vì thụ động lắng nghe và để cho âm thanh lẫn kinh nghiệm tràn ngập con người chúng ta, ta hãy tập trung để tích cực ý thức những điểm trong nhạc như là tiết tấu, nhịp nhàng, nhịp điệu và âm sắc cũng như còn nhiều yếu tố khác như ý nghĩa của cảm xúc gợi nên, và kết cấu của bản nhạc . Ở mức này người ta sẽ có khuynh hướng làm cho nhận thức của mình trở nên sắc bén hơn đối với nhiều yếu tố. Chẳng hạn ta có thể tìm cách trả lời những điều sau:
– Vào một lúc nào đó có những nhạc khí được sử dụng, và tại sao chúng lại được chọn để chơi những nốt đặc biệt ấy ?
Tại sao một nhạc điệu xuất hiện lần đầu, hay tại sao nó được lập lại ?
– Nếu đó là sự lập lại thì tiết tấu có giống y hệt chăng, hay có thay đổi và nếu đó là thay đổi thì nó khác biệt ra sao ?
– Một đoạn nhạc đặc biệt có vẻ như gợi nên tình cảm nào ?
– Dàn nhạc khác nhau hay nhạc trưởng khác nhau có khiến một tác phẩm được chơi khác biệt chăng, và nếu có thì ta thích dàn nhạc nào hay nhạc trưởng nào ?
– Có những tiết tấu khác chơi cùng lúc với tiết tấu chính không ?
và còn nhiều câu hỏi khác.
Đây là những yếu tố mà Beethoven phải biết đến để viết từng bản nhạc, nay nếu ta khám phá trở lại thì ta đi theo cách hoạt động của trí não ông, và điều mà ta kinh nghiệm sẽ làm thay đổi các tế bào thần kinh, và qua đó biến đổi não bộ.
Một cách thưởng thức khác rất được khuyến khích là chơi đều đặn và tới lui, những bản nhạc của Beethove như là nhạc nhẹ trong phòng. Điều này quan trọng vì ba lẽ sau.
– Thứ nhất nhạc ảnh hưởng và nâng cao tình cảm lẫn mức rung động của ta, dù ta không ý thức trong lúc nghe nhạc .
– Kế đó ta trở thành quen thuộc với âm điệu và những tính chất khác của nhạc , dù rằng nhạc chỉ chơi nhạc nhẹ trong phòng, và âm thanh ban đầu lạ lùng không hiểu dần dần trở thành quen thuộc rồi được yêu mến, ưa chuộng.
– Sau cùng âm thanh của bất cứ bản nhạc tuyệt diệu nào dù là nghe bằng đĩa, đều có chuyên chở năng lực tinh thần rất thật, hay tỏa ra lực chữa lành và đầy ân phước. Năng lực ấy thấm đượm căn phòng và khung cảnh ngay chung quanh ở bất cứ nơi nào chơi nhạc, nó ảnh hưởng ngay cả hạt nguyên tử vật chất của tường, bàn ghế và các thể của người trong phòng. Nhạc còn cho tác động trực tiếp lên hào quang, làm thay đổi trọn ngày của ta. Ngay cả khi nhạc chấm dứt rồi, căn phòng vẫn còn thấm đượm cho đến hơn một giờ hay lâu hơn nữa, và chứa đầy ân lành cho ai bước vào. Năng lực chữa lành này mang lại sự thuận hòa, hân hoan và nâng cao con người cùng tỏa rộng ra khu vực láng giềng. Vì vậy hãy chơi nhạc Beethoven thường xuyên và lập đi lập lại, nhất là chín bản đại hòa tấu theo thứ tự, hay theo bất cứ cách nào cũng tốt lành. Quen thuộc với mỗi bản đại hòa tấu, với mỗi hành âm trong đó là làm cho mình liên hợp hơn với trạng thái tâm thức nâng cao của thời đại mới của con người. Chín bản đại hòa tấu này có thể được xem như là ân huệ thiêng liêng, và chỉ khi nào chúng được thấm nhuần, hòa hợp vào linh hồn thì nhân loại mới nhận được thêm, bởi mọi ân lành chỉ được ban theo thứ tự.
Vậy thì ta bước qua ý chót là âm nhạc tương lai sẽ ra sao, và ta sẽ làm vậy qua nhận xét về nhạc của Beethoven. Bài học căn bản nhất mà chúng ta có thể học được từ Beethoven, là ông trước tiên không bị thúc đẩy bằng ao ước muốn tân kỳ về kỹ thuật hay phong cách, nhưng bị thúc đẩy bằng ý muốn phụng sự nhân loại qua nghệ thuật, diễn tả chân thiện mỹ. Động cơ đằng sau bất sự sáng tạo nghệ thuật nào sẽ quyết định kết quả của nó, và động cơ của Beethoven là nâng cao nhân loại tới gần Thượng Đế hơn.
Ý nguyện đó giống như lời của đại nhạc sư Wagner mô tả về sau, rằng ông thấy nghệ thuật chân chính là một với tôn giáo chân chính, với tôn giáo được hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất và cao cả nhất, như là sự vun trồng trong con tim điều vượt khỏi giới hạn của con người. Như vậy mục tiêu của nghệ thuật chân chính không phải chỉ là trưng ra sự sống như nó là, hay trốn chạy thực tại của sự sống bằng chuyện hồi hộp căng thẳng, và càng không phải hạ giá sự sống. Theo nghĩa của Wagner thì đúng ra, mục tiêu của nghệ thuật chân chính là cứu chuộc sự sống.
Kinh Thi ghi rằng người quân tử tìm cách tạo sự hòa hợp trong tâm người, .bằng việc tìm lại bản tính con người, và cố gắng cổ động âm nhạc như là phương tiện làm hoàn thiện văn hóa. Khi âm nhạc như thế thịnh hành, và tâm người được dẫn dắt đền tư tưởng và khát vọng chính đáng, thì chúng ta có thể thầy sự xuất hiện của một quốc gia cao cả.
Khi âm nhạc như là điều có khả năng giúp tạo thành quốc gia cao cả, thì đó là mục tiêu xứng đáng biết chừng nào cho nghệ sĩ nỗ lực đi tới. Vậy mà so sánh lý tưởng này với âm nhạc đang được sáng tạo vào lúc này thì ta thấy gì ? Nhạc  sĩ Jazz Ornette Coleman bảo rằng khi khám phá là mình có thể viết nhạc sai mà vẫn có thể gọi đó là nghệ thuật, thì ông biết mình đã tìm ra chuyện hay ho; thực ra ông không tìm được điều gì hay ho ngoại trừ chuyện viết nhạc lỗi lầm. Rồi khi cố nhạc sĩ Sid Vicious của ban Sex Pistols tuyên bố người ta chỉ cần chọn một hợp âm, búng cái tưng là có được âm nhạc, thì trên thực tế ông không có được cái gì ngoài cái tưng của giây đàn.
Minh triết của người xưa dạy chúng ta rằng mọi nghệ thuật chân chính đều là vận cụ của Thượng Đế, dùng để truyền những điều bí nhiệm của thiêng liêng tới kẻ thưởng ngoạn hay người lắng nghe. Nghệ thuật như âm nhạc, vũ, họa và điêu khắc, kịch là cách giảng dạy đầy thương yêu cho nhân loại những đường lối cần thiết, để sinh ra sức sáng tạo lớn lao nhất trong con người. Ai hát và ai chơi nhạc là tạo nên sự hòa hợp của trọn trái đất, vì âm nhạc không phải chỉ là hình thức nghệ thuật vô hình, mà còn là nguồn năng lực bí truyền rất thực.
Vậy thì cái gì là âm nhạc hủy hoại và âm nhạc xây dựng ? Người ta muốn biết là âm điệu này, nhạc cụ kia, hay loại nhạc nào đó, hay sự phối hợp của các hợp âm có mang lại ảnh hưởng tốt lành hay xấu cho người nghe. Tôi cho là muốn trả lời những câu hỏi như vậy, cần phải xem xét nó theo một góc cạnh khác, bởi sẽ có vô số điểm của nhạc có thể được lượng xét theo cách này. Thay vì phân tích từng điểm chi ly của mỗi bản nhạc, tôi tin rằng chuyện sẽ hữu ích và bao quát hơn, khi chúng ta ý thức rằng âm nhạc luôn luôn là kết quả của tâm ý và động cơ, của nhà soạn nhạc hay chơi nhạc.
Do đó thay vì xem xét kết quả, chúng ta hãy xem xét căn nguyên, nếu của tâm ý hay động cơ không trong sạch, thí dụ như có lòng hãnh diện và ý muốn làm người khác chú ý đến mình, thì âm nhạc sinh ra từ ý đó cũng sẽ bất toàn như người đã soạn ra nó. Còn khi tâm ý và động cơ trong sạch thì tác phẩm sẽ tự động phản ảnh nét tinh khiết đó, và chúng ta không cần thắc mắc về những nét nhạc tính riêng rẽ.
Theo ý đó, luyện tập, trau dồi và uốn mình để có được khả năng biểu lộ nghệ thuật thiêng liêng, là việc trở thành - becoming nhiều hơn là việc làm - doing nó. Beethoven hiểu rất rõ điều này, ông đã dành trọn cuộc đời của mình tìm cách thanh lọc dần cái ngã của ông, hầu có thể viết được nhạc siêu việt hơn. Người ta có thể học nhạc mấy chục năm, và học là điều cần thiết, nhưng nếu những nét bất toàn của cái ngã vẫn chưa được chuyển hóa thì vẫn không sao thể hiện được nguồn cảm hứng thuần khiết không bị ô nhiễm. Chuyển hóa  trong tâm thức tự động dẫn tới chuyển hóa nghệ thuật của một người, và khi không có sự thay đổi bên trong, thì sẽ không có cải thiện đáng nói trong sự sáng tạo của họ.
Như thế nếu có một loại nhạc mới và siêu việt sắp đến trên địa cầu, và chỉ tìm cách sáng tạo ra cách mạng về kỹ thuật, là nhắm đích sai lạc hẳn và cũng khiến cho cái ngã gọn gàng tránh khỏi vấn đề chính. Bởi tất cả những nghệ thuật tuyệt hảo đều tùy thuộc trước hết vào việc cách mạng tâm thức, vào sự thăng hoa của ý nguyện và động cơ của người nghệ sĩ.
Làm sao thực hiện được điều ấy ?
Chúng ta phải trở lại Beethoven lần nữa để học về bài học này, và thấy rằng ông tận tụy hết mình với công việc, đó là sự dâng hiến qua kỷ luật của bản thân. Sự mở rộng tâm thức, thanh lọc, và thăng hoa nó chỉ có thể đạt tới bằng kỷ luật. Ngoài động cơ, kỷ luật là nét kế quan trọng hơn hết trong đời và trong nhạc của Beethoven, cái không may là kỷ luật lại thường khi thiếu vắng trong các nghệ sĩ ngày nay. Sự thực là những nghệ sĩ, thi sĩ, và nhạc  sĩ cao cả nhất, những ai nuôi dưỡng ngọn lửa nội tâm muốn thể hiện một ý niệm về Thượng Đế, là những người có kỷ luật bản thân mạnh nhất, có năng lực của tâm thức, của sức sống, và ngay cả có kỷ luật trong cách dùng không gian và thời gian. Kỷ luật là cái sườn, là hệ thống cần thiết cho lòng thương yêu tuôn chẩy, và giữ cho nó được tuôn tràn luôn. Khi cuộc sống không có kỷ luật, sự thương yêu cạn  rồi ngưng chẩy. Như đời sống của Beethoven cho thấy, nghệ thuật của tình thương sống động có tính sáng tạo, và nghệ thuật sống sáng tạo là có kỷ luật bản thân.
Nhiều người thắc mắc trong những năm gần đây là nhạc của Tân hoàng kim thời đại ở đâu ? khi nào thì nó xuất hiện và xuất hiện như thế nào ? Câu trả lời là phần lớn của nhạc ấy vẫn chưa thể xuất hiện, vì trong xã hội ngày nay có quá nhiều người không muốn hy sinh và nỗ lực như đòi hỏi phải có, để tạo nên mỹ thuật trong đó có âm nhạc, bằng cách nhờ kỷ luật để làm chủ ngọn lửa thương yêu bao trùm. Chuyện đáng buồn là nhiều người có thể có vận mạng là sử dụng ngọn lửa thương yêu có kỷ luật ấy một cách tuyệt diệu, lại làm hạ phẩm cách vận mạng đó, hay đổi hướng ngọn lửa vào chuyện thấp kém.
Do không có được sự bình an nội tâm thực sự lẫn tình thương vô ngã, họ không thể tạo nên sự hòa hợp chân thực hay niềm vui trong nghệ thuật của họ. Người như thế phải thanh lọc cái ngã ở cả phần hữu thức lẫn vô thức, nếu họ muốn làm chủ được dòng tư tưởng và cảm xúc, bao lâu chưa làm được vậy, họ sẽ vẫn sáng tạo một cách bất hòa dù không chủ tâm.
Giống như sự sáng tạo của Beethoven, âm nhạc của Tân hoàng kim thời đại khi xuất hiện, sẽ không phải là sự thể hiện của cái ngã chút nào cả, không phải là cái hay gọi là tự thể hiện, mà đúng hơn là sự biểu lộ của Chân ngã, của cái vượt lên trên và vượt ra ngoài những giới hạn và điều tầm thường của cuộc sống trần tục. Loại âm nhạc như thế chỉ có được bằng cách chú tâm vào, và trở thành các phần hết sức cao cả và tinh anh nhất, trong bản tính thực của con người.
Một qui luật đầu tiên là người biểu diễn thể hiện âm nhạc, còn làm ngược lại là đường lối của cái ngã, và nghệ sĩ của Tân hoàng kim thời đại hiểu rằng âm nhạc có tầm quan trọng, vượt qua cá nhân người thể hiện nó. Khi động cơ nằm sau nỗ lực nghệ thuật trở nên vô kỷ, vị tha, và hướng thượng tột bực, điều con người cảm xúc và kinh nghiệm có thể được mầu nhiệm chuyển biến, thành nguồn hứng khởi thiêng liêng, và cái thể hiện sẽ có tính chất toàn hảo vượt thời gian.
Có bao nhiêu âm nhạc toàn hảo vượt thời gian đang được sáng tạo hôm nay ? Chúng ta phải tự đặt cho mình câu hỏi ấy, vì tính toàn hảo vượt thời gian là nét nổi bật của loại nhạc sẽ tới, và có khả năng đóng vai trò trọng yếu trong việc làm thay đổi cục diện thế giới. Động lực tinh thần của nhạc cổ điển và nhạc trữ tình đã khô cạn vào đầu thế kỷ 20, và bị thay thế bằng tâm thức nặng tính duy vật. Cùng lúc ấy nhạc phổ thông cũng xuống tới mức thật thấp về mặt nhạc và lời, và lại có ảnh hưởng trong xã hội mạnh hơn bất cứ loại nhạc cổ điển hay loại nhạc cao thượng nào. Làm sao âm nhạc tương lai có tính chân thiện mỹ, lại sinh ra được trong thế giới đầy dẫy những âm thanh làm chìm mất tính người, hung hăng, nặng tính kỹ thuật hơn là tính nhạc ?
Dầu vậy không phải là không có hy vọng. Cái đáng chú ý là khía cạnh huyền bí của âm nhạc và uy lực của nó, được khám phá trở lại trong thập niên 1970  sau hơn một thế kỷ bị quên lãng. Kết quả là sách vở, hội thảo, và trị liệu dựa trên uy lực bên trong của âm thanh, của giọng nói và của âm nhạc lan tràn ngày nay. Hoạt động này đặc biệt được phản ảnh trong sự lớn mạnh của phép trị liệu bằng âm nhạc. Nhiều hình thức của trị liệu bằng âm nhạc được thấy là có kết quả, đối với bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi về các chứng bệnh, hoặc thể chất hoặc tâm thần. Các phép trị liệu như vậy thường khi có hiệu quả, còn tất cả những cách tri liệu khác thất bại, và trọn tầm mức cùng tiềm năgn của phương pháp ấy chưa được biết hết.
Vào đầu thập niên 1980 có một phong trào khác, gọi là âm nhạc của tân kỷ nguyên hay New Age Music. Mới đầu nó chỉ giới hạn vào một số nhạc sĩ, và được một số người trẻ hưởng ứng không ngờ. Những người này mệt mỏi với sự ồn ào và thiếu hướng đi mới của nhạc thời trang, tới cuối thập niên 1980 nhạc của tân kỷ nguyên trở thành loại nhạc vững vàng, có chỗ đứng riêng trên giá trong tiệm bán nhạc .
Tên của nó thực ra gọi lầm, vì nhạc loại này luôn luôn không phải là nhạc nghệ thuật, hay có khi không phải là nhạc một chút nào, mà chỉ là âm thanh êm ái, bình an, để thì thầm trong phòng. Cho dù vậy, nhạc tân kỷ nguyên đó là một đường thoát đầy khích lệ và hữu ích so với nhạc đương thời, nó phản ảnh lòng khát khao bên trong của hàng triệu người yêu nhạc, muốn trở lại giai điệu nhịp nhàng của nhạc. Phẩm chât của loại nhạc ấy đã cải thiện sau nhiều năm, và nay một số nhạc  sĩ đã soạn ra nhạc tân kỷ nguyên có tính nghệ thuật thực sự.
Loại nhạc rối loạn tràn lan ngày nay, là nền tảng của một trạng thái tâm thức chỏi hẳn với sự khai rạng của thời hoàng kim. Nói về mặt bí truyền, căn bản của việc tái tạo tâm thức bồ đề trong các quốc gia và giữa chúng là sự tái tạo âm nhạc chân thực và  âm thanh chân thực. Vấn đề không phải chỉ là đè nẻn có tính rối lọan, mà đúng ra là thay thế nó một cách sáng tạo, khi nhạc trong quốc gia thay đổi thì chỉ khi ấy nền văn minh mới biến hình ngay trước mắt chúng ta. Thế nên không có gì cao cả hơn cho nhạc sĩ hiến mình làm việc bằng lý tưởng ấy. Vậy thì, chúng ta sẽ mong được nghe gì nếu âm nhạc tương lai hòa điệu trở lại với thiêng liêng ?
Trong những thập niên qua, nhiều quan niệm sai lầm và lạc hướng được trình bầy về bản chất của âm nhạc tương lai, có cái nói rằng nhạc tương lai sẽ là nhạc  điện tử, giống như khoa học giả tưởng, mang tính chất tiên phong. Cái khác nói là nó phải hoàn toàn mới, phải cách mạng về mặt kiểu thức, cấu trúc, thành phần. Ngay cả nhạc cụ cũng bị xem là phải mới, chưa được sáng chế lúc này và sẽ cho ra âm thanh cùng âm sắc mới.
Không hẳn là tất cả những ý trên đều sai, chỉ có điều là nó quên nói tới điểm quan trọng hơn hết: cái ngụ ý trong nhạc, mục tiêu, động cơ và ảnh hưởng. Có thể một loạc nhạc nào đó trong tương lai chơi nhạc cụ điện tử, và loại nhạc khác không cần vậy. Có nhạc có thể có cấu trúc hoàn toàn mới mẻ, và chơi bằng nhạc cụ chưa được sáng chế, hay được chơi bằng nhạc cụ đã có sẵn hiện nay. Không một điểm nào trong những điểm này hoặc có, hoặc tỏ ra thiết yếu cho nhạc thiêng liêng sẽ tới, không phải vì có tính mới mẻ, hoặc về nhạc cụ hoặc về cấu trúc, mà một loại nhạc trở thành nhạc của tân kỷ nguyên. Nhạc  mới mẻ giống như khoa học giả tưởng cho ra dự phóng vào thế giới tương lai, và thường khi chú tâm nhiều vào kỹ thuật cùng óc thông minh, làm cho phần tâm linh con người bị ý tưởng về máy móc và trí thông minh nẩy nở quá độ choán chỗ.
Nhạc tân kỷ nguyên thật sự hay nhạc của thời đại Hoàng kim, có thể được soạn dưới bất cứ hình thức nào, nhưng nó sẽ được định nghĩa là tân kỷ nguyên tùy theo nội dung của nhạc; không phải cái phương tiện như nhạc khí, hình thức làm cho bất cứ phải loại nhạc nào thành nhạc tân kỷ nguyên, mà chính cái thông điệp, cái tâm thức trong nhạc truyền đạt tới người nghe, làm cho một bản nhạc  có tính tân kỷ nguyên.
Nhạc  nào có nét tinh thần thật sự có cái uy lực của nó, nó tỏa ra là có mục tiêu và có sức thúc đẩy, mang con người tới gần thiêng liêng hơn; nó không nhất thiết phải mang tình chất tôn giáo, mà chỉ cần biểu lộ vẻ mỹ lệ trong âm điệu nhịp nhàng, giai điệu chính xác. Nó có thể phức tạp mà cũng có thể đầy sự mỹ lệ của cõi trời, bởi điều gì vào được tâm người phải đến từ trên cao, bằng không nó chỉ là nốt nhạc mà không là gì cả, như thân xác không có tinh thần.
David Tame
Beethoven and the Spiritual Path

Xem Các Bài Liên Quan