TRUNG TÂM LUXOR
Giới Thiệu
Hi Mã Lạp Sơn là trung tâm huyền bí của Thiên Đoàn - Hierachy được biết tới nhiều nhất. Ngoài ra còn các nhánh hay trung tâm nhỏ hơn ở Tây Tạng, Trung Hoa, Hungary, Ai Cập, Lebanon và Mexico. Hôm nay ta tìm hiểu đôi chút về trung tâm Luxor ở Ai Cập, nhưng trước tiên có một điểm cần trình bầy.
Khi chữ Theosophia được dùng làm tên cho Hội, các nước tây phương đã giữ nguyên chữ ấy trong danh xưng, và dùng Theosophy hay Theosophia, hơn là chữ tương đương trong tiếng của họ, khi nói về Minh Triết Thiêng Liêng MTTL. Riêng ở VN, lúc ban đầu Theosophia được dịch là Thông Thiên Học rồi chữ này trở nên phổ thông, nhưng xét kỹ nó không chính xác bằng Minh Triết Thiêng Liêng, vừa đúng nghĩa vừa hợp lối dùng ở các nước khác. Theo lối này, từ nay Hội Thông Thiên Học sẽ được viết là Hội Theosophia.
Hội đã từng làm quen với trung tâm Luxor trong những ngày đầu. Dưới bức thư mà đại tá Olcott nhận từ Luxor có tên bốn vị Chân Sư, vị đầu tiên là đức Serapis đã lãnh nhiệm vụ chỉ dạy bà Blavatsky và ông Olcott một khoảng thời gian. Vào năm 1944 ông Geoffrey Hodson bắt đầu tiếp nhận huấn thị từ vị Chân Sư thứ hai trong thư, đức Polidorus Isurenus P.I., và nhờ đó ta biết vài nét về nhánh Luxor. Về sau ta sẽ học hỏi các huấn thị áy, hôm nay ta chỉ giới hạn bài viết vào trung tâm, xin bạn đọc thêm bài Điểm Sách số này 34.
Vị Trí
Luxor là một thị trấn nhỏ ở phía nam Ai Cập, nằm trên bờ sông Nile, cách thủ đô Cairo hơn 600 cây số. Đây là một thắng cảnh du lịch vì có nhiều di tích lịch sử của Ai Cập xưa như đền Karnak với cột trụ khổng lồ, bao tượng vĩ đại, hầm mộ các vua thí dụ như Tutankhamon với những bích họa vẽ hơn 2000 năm mà vẫn còn tươi sắc. Đó là mặt nổi, về mặt huyền bí xưa kia Luxor thuộc vùng đất Khem có một lịch sử văn minh cao tột, còn đầy bí ẩn vì khoa khảo cổ chưa biết trọn vẹn. Khi ấy vùng Luxor luôn cả bờ bên kia sông Nile có tên là Thebes, là trung tâm tinh thần, nơi cử hành lễ chứng đạo; kiến trúc sư đền thờ và họa sĩ đều là các đạo gia - Initiates, lưu lại những biểu tượng mang ý nghĩa ý truyền. Mối duyên của ông Hodson và Chân Sư đã có từ xưa, khi ông sống ở Thebes vào thời cực thịnh. Lúc đó có những vì vua là đạo gia, thông suốt khoa huyền bí học.
Dáng Vẻ
Có nhiều Chân Sư tại trung tâm Luxor hiện giờ, tuy các ngài chỉ tới để làm việc. Trong một kiếp Chân Sư P.I., là triết gia Philo Judaeus (-30 đến 40 sau tây lịch) của thành Alexandria, một hải cảng miền bắc Ai Cập, xưa kia là thủ đô văn hóa với thư viện vang danh, là chỗ gặp gỡ trao đổi tư tưởng giữa các nhà thông thái từ nhiều nơi. Chân Sư thông thạo kinh điển Do Thái cùng những nến văn minh khác nên đã giải thích cho ông Hodson về ý nghĩa của kinh Cựu Ước. Kết quả sự hợp tác giữa ngài và ông Hodson là bộ 4 cuốn The Hidden Wisdom in the Holy Bible và cuốn The Concealed Wisdom in World Mythology. Đức P.I. ở trong thành phần nhân sự của đức Văn Minh - MahaChohan, đấng mà nền văn minh nhân loại trải rộng trước mặt ngài, đấng coi sóc và lưu giữ nền văn minh của giống dân thứ năm; đức P.I. giữ nhiệm vụ tương tự ở trung tâm Luxor với mức độ nhỏ hơn. Kim Tự Tháp lớn nhất ở ngoại ô Cairo thuộc về vua Cheops, cái lớn thứ nhì thuộc vua Khafre, con vua Cheops, cai trị khoảng năm 2750 trước tây lịch. Vì vua này còn một tên khác là Khephren và ông Hodson có cảm tưởng đó là tiền thân của đức P.I.. Truyền thuyết ghi con Nhân Sư Sphinx có nét mặt là của vua Khafre, nay đã bị hư hại nhiều.
Khuôn mặt ngài là của người trung niên còn trẻ, cao lớn, có nét thanh tú của người da trắng vùng Trung Đông mà không phải Ả Rập, hết sức đẹp đẽ thanh bai, đầy an lạc, thân hình cường tráng mạnh mẽ. Ngài tỏa ra sự tươi mát, hoan lạc, rất nhã nhặn, tự nhiên, đáng yêu và đầy thân ái, ta cũng cảm được sức mạnh tiềm tàng như lò xo ép lại, được kềm giữ chặt. Trọn người Chân Sư tỏa ra nét chiến thắng của linh hồn khi hòa được tiểu vũ trụ vào đại vũ trụ. Ngài mặc áo trắng rộng, điểm nổi bật là nét trẻ trung đầy sinh lực, tươi vui, bình an, tâm hồn điềm tĩnh; hào quang sáng rỡ lạ lùng nhất là ở đầu và vai.
Một trong các căn nhà của ngài mầu trắng, có nhiều cột và gần sông nước, trong nhà có khi đông người hiện diện, có khi yên lặng hoàn toàn; mọi việc ở đó đều sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, tuyệt hảo. Những chuyện trong đời sống thường ngày được xếp đặt khéo léo, thực hiện trôi chẩy không chút ồn ào; nghệ thuật sống trở thành tuyệt kỹ đến mức kỳ tài. Vào ngày mùa nông dân đi lại chung quanh nhà. Ngoài Luxor còn một trung tâm ở sâu về miền nam cho các ngài sử dụng khi hội họp nhiều vị.
Các Nhóm Khác
Nhánh Luxor và nhánh Lebanon - đức Jesus coi sóc vùng Trung Đông, các ngài hoạt động tích cực để mang lại hòa bình ở đây, nơi vốn là thùng thuốc nổ âm ỉ từ bao lâu nay như sự tranh chấp ở đảo Crete, hay mối liên lạc mỏng manh giữa Turkey và Hy Lạp. Tuy các Chân Sư của hai nhánh lưu tâm đến Hội, các ngài lại là chuyên gia về ngành khác, trong đó Chân Sư Kourios tuy mang xác thân Hy Lạp nhưng không đóng vai trò như đức Hilarion vốn cũng là Chân Sư người Hy Lạp, vị đứng đầu cung 5, phụ trách tiến bộ khoa học của nhân loại. Ngược lại ngài chuyên về tình hình ở Trung Đống.
Một trong các phương thức đức P.I. sử dụng khi có dấu hiệu nghiêm trọng ở đảo Cyprus (nơi có giao tranh giữa Turkey và Hy Lạp) là làm dịu bớt mặt tình cảm, ảnh hưởng - trong vòng có thể được - tâm lý những lãnh tụ, các nhóm ly khai muốn gây hấn và những chính khách có thể cứu vãn được tình thế. Công việc tựa như chơi bản hành quân nhỏ lại, êm dịu hơn. Đây cũng là phương thức mà Chân Sư ở nơi khác dùng đến khi có biến động nguy hiểm.
Lẽ cố nhiên vị đứng đầu nhánh Hy Lạp là Nữ thấn Pallas Athena, hình tư tưởng vĩ đại của ngài còn ngự trị trong vùng, vẫn sống động do các lực tinh thần tuôn vào, chúng đã cho nhân loại nền văn minh Hy Lạp rực rỡ và một ngày kia, nơi ấy sẽ linh hoạt trở lại cùng với Ai Cập.
Từ mỗi nhánh đều có đường liên lạc huyền bí về Shamballa và trung tâm Hi Mã Lạp Sơn, cũng như từ Lebanon có đường liên lạc ở cõi trí và cõi tinh thần với nhánh ở Hungary (đức R.) và Luxor. Những đường liên lạc ấy đã có từ lâu đời, tạo thành màng lưới thông tin vĩ đại huyền bí, hoạt động toàn hảo từ xưa đến nay. Các Chân Sư có thể liên lạc trực tiếp với nhau nhưng đường dây trên là cách ít bị trở ngại nhất.
Mục Đích của TrungTâm
Không phải để làm thỏa mãn óc tò mò của công chúng về các Chân Sư, hay để thu hút sự chú ý của người đời về các ngài mà có sự tiết lộ về các trung tâm. Cũng như bài sẽ không trọn nếu ta chỉ nhắm vào những nét vô bổ không có chút giá trị tinh thần như nơi ngài ở, trang phục của ngài. Các chi tiết ấy thú vị, nó cho biết có Chân Sư ở giữa chúng ta, làm ta thấy gần gũi ngài, nhưng khi chú tâm quá đáng nó làm con người để ý cái hư hoại, vô thường, phần vật chất rồi quên nhìn ngắm phần tinh thần là tính Chân, Thiện, Mỹ mà Chân Sư biểu lộ qua thân xác ngài, và chính cái sau mới là phần quan trọng. Vậy câu hỏi cần nêu là sự tiết lộ về trung tâm Luxor có ý nghĩa gì.
Sự việc có hai ý chính.
● Đầu tiên, trung tâm tinh thần có rải rác trên khắp thế giới, mọi vùng đều được chăm lo mà không nơi nào bị bỏ quên. Mỗi trung tâm có thời hưng vượng của nó rồi tới thời lặng lẽ chìm, đợi chu kỳ trở lại sẽ hoạt động lần nữa, đóng vai trò huấn luyện, chỉ dạy người vào đường Đạo. Nói cách khác, gần đây có một trung tâm tàn lụi nhưng ấy không phải là chuyện đáng buồn. Từ sự đổ nát của một nền văn minh cũ sẽ chỗi dậy nền văn minh mới, và cùng với nó là trung tâm mới, tái sinh thường ngay chỗ của trung tâm cũ.
Ta được dạy rằng chỉ có gạch cát, xi măng biết mất mà thôi, ngoài ra còn lại tất cả. Công trình rất đỗi quý giá mà bất cứ một trung tâm nào đã thực hiện trong một thời gian dài, sẽ vẫn còn tiếp tục qua đời sống của người ở trung tâm xưa và nay. Khi người chí nguyện nhờ trung tâm ở một nơi mà vào đường Đạo, theo đuổi lý tưởng, tinh lọc mình, được huấn luyện bước lên Những Nấc Thang Vàng đến quả vị La Hán rồi xa hơn nữa, công trình ấy không thể bị hủy hoại, không bao giờ mất mà sẽ giữ vững tiêu chuẩn, và chiếu rọi ánh sáng thiêng liêng cho thế giới, vừa công truyền vừa bí truyền. Minh Triết Thiêng Liêng vẫn được tiếp tục thu nhập, gợi hứng cho người theo đuổi lý tưởng, nối tiếp công việc của trung tâm vốn là một phần của Đại Cuộc.
Vì vậy có lời khuyên không nên buồn khi một trung tâm tàn lụi, mà hãy tạ ơn là trung tâm như thế đã từng hiện hữu, đã giúp đời và xuyên qua nhiều đại diện vẫn còn ngày nay, sẽ được tái sinh với cùng đặc tính, gây hứng khởi và nâng cao con người.
Việc gì được xây dựng bằng tay có thể bị tàn phá, đền đài ở trung tâm có thể bị sụp đổ, nhưng việc không xây dựng bằng tay sẽ tồn tại, lý tưởng và công trình của trung tâm không bao giờ biến mất, in khắc không xóa nhòa được vào Thiên Ký. Hơn nữa, chúng ta còn có thể tin chắc là một trung tâm khác cũng với hoạt động tinh thần sẽ mọc lên, tiếp tục ở mức độ cao hơn công tác của trung tâm xưa và lý tưởng về đời sống tinh thần.
● Thứ hai, việc tiết lộ các Chân Sư có liên hệ với Hội thuở ban đầu vẫn còn hiện diện và theo sát hoạt động của Hội, tiếp tục gợi ý hội viên, muốn nói việc phát triển tâm linh dưới sự hướng dẫn của Chân Sư nói chung vẫn còn có thể thực hiện, cho cả người nam và người nữ nào bị thu hút bới lý tưởng của đường Đạo.
Với thắc mắc làm sao tìm vào cửa Đạo, câu đáp của Chân Sư K. H. là hãy phát triển sáu hạnh Ba La Mật (6 Paramitas: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, trí huệ, tinh tấn, thiền định), theo sát Bát Chánh Đạo và tiến lên Những Nấc Thang Vàng. Bố thí, chánh tư duy, một đời sống trong sạch, giúp đời, những bước đầu tiên này khi thành tâm áp dụng sẽ dẫn con người tới cửa Đạo, làm vị Thủ Môn mở rộng cửa. Ngài sẽ ngắm nhìn ta, nhưng khi ta quyết lòng bước ngang thềm ngăn cách, từ thẳm sâu trong tim có thúc giục vào, ngài sẽ nắm tay ta dắt đi tiếp con đường bên trong.
Theo
Light of a Sanctuary, Geoffrey Hodson