THUNG LŨNG VÀ ĐỈNH CAO
Thung Lũng và Đỉnh Cao
Đây là kinh nghiệm của Đức Chúa khi Ngài chuẩn bị việc giảng dạy. Sách ghi rằng Ngài trải qua thử thách nội tâm ở cả ba nơi: thung lũng, đỉnh cao và hang sâu. Nếu nhìn đức Chúa như một linh hồn đang tới sự toàn thiện, thì những gì xẩy ra cho ngài cũng là điều xẩy ra cho tất cả linh hồn khác, tuy bản chất và mức độ thay đổi. Mỗi chúng ta đều có trải qua những kinh nghiệm này: hoặc xuống hoặc lên tinh thần xen với giờ phút lặng lẽ, cô độc cho cơ hội suy gẫm sâu xa. Xét theo khía cạnh tâm linh, có rất nhiều chuyện để nói về các biến động ấy.
Có một số phương pháp để xếp loại biến động, ta có thể dựa trên việc thể nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất, hay trên lý do sinh ra biến cố. Như vậy, một biến động có thể nặng về mặt tình cảm, trí tuệ nếu nó biểu lộ qua thể ấy trội hơn, hay chính ra nó hướng vào phần cá tính hay linh hồn. Lại nữa, biến cố không nhất thiết phải liên hệ đến Karma. Có những sự việc xảy ra do nhân quả trở lại, mà cũng có những biến động do linh hồn tạo ra, với mục đích làm con người học hỏi và phát triển về một khía cạnh nào đó.
Biến động xảy ra còn do luật chu kỳ. Đời sống vật chất và tâm linh chịu ảnh hưởng của nhiều lực, khi các lực này hội tụ hay đối chọi chúng đều tạo xáo trộn trong đời sống chung, và đời tư mỗi người. Thường thường biến động là việc cần nếu ta nhìn nhận rằng với ai đang tập làm chủ tình cảm, sự quân bình chỉ tập được do việc đối đầu với xáo trộn cảm xúc, nhưng với ai đang chủ tâm thay đổi chính mình một cách tích cực, biến động là điều không thể tránh. Sự xáo trộn môi trường chung quanh người như thế phát xuất từ chính họ, vì năng lực tinh thần mà họ chứa đựng tuôn ra bên ngoài, kích thích sự sống chung quanh, gây thay đổi cho sự sống ấy.
Xáo trộn loại đó mang lại kết quả bất lợi và có lợi, tùy theo bản chất và khả năng của người bị ảnh hưởng. Kinh Phật cho thí dụ dễ hiểu, là ánh nắng và mưa của trời đất khiến cỏ dại cũng như cỏ thuốc tăng trưởng giống nhau không phân biệt. Khi một ai hữu ý áp dụng năng lực tinh thần vào cuộc đời mình, biến động sinh ra hàm ý cơ hội hay còn có nghĩa tiến bộ. Người tiến hóa gây biến động cho chính mình, hay nói cách khác nếu tới mức phát triển ấy mà cuộc đời không có biến động, nó cho thấy họ đang dậm chân tại chỗ. Sự việc muốn nói rằng, người bạn đang sống một đời không tạo ảnh hưởng nào lên môi trường xung quanh và những ai liên hệ. Cuộc đời ấy, vì vậy, không có giá trị. Điều cần cho người bạn là đứng vào trung tâm an nhiên, có được do việc làm chủ những xáo trộn mà không phải là sự lặng lẽ của ao nước đọng.
Biến động xảy ra trong thể tình cảm gây ra sự thu hẹp, đồng nghĩa với ích kỷ, còn biến động do linh hồn khởi xướng sẽ mang lại sự mở rộng, có đặc tính thương yêu sáng suốt; trí tuệ ghi nhận cái sau như là sự bao trùm, mang hết mọi vật vào lòng. Kết quả của xáo trộn do đó có thể dựng nên hàng rào chia cách người với ta, hay làm mở rộng tầm mắt và cõi lòng. Trên mức độ rộng lớn hơn, biến động còn xảy ra cho cả nhân loại (hai thế chiến vừa qua) hay một giống dân (cách mạng Pháp 1789 có ảnh hưởng lan khắp Âu Châu), nó kêu gọi năng lực tinh thần và thúc đẩy con người tiến lên. Hai thế chiến làm con người ý thức sự đau khổ do thành kiến sai lầm gây ra, và lý tưởng nêu lên trong cách mạng Pháp vẫn còn hướng dẫn sự suy nghĩ của nhân loại.
Một cách khác để phân loại biến động là chủ quan và khách quan.Nếu cõi trần là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tầm quan trọng của sư việc lại không đáng kể khi xét về mặt tinh thần. Nó có thể gây ra đau khổ lớn lao cho cái tôi, chi phối tình cảm và trí tuệ xui khiến con người hành động, nhưng hành động ấy thật ra nhắm vào phàm ngã. Về mặt chủ quan, xáo trộn có thể do linh hồn khởi xướng và có hai loại;
● Biến động cho cơ hội:
Người bạn phải chọn lựa khi đối đầu với sự việc, và sự chọn lựa đó quyết định chuyện họ sẽ hoàn thành trong kiếp này, cùng đặc tính chuyện ấy.Nó không phải là việc chọn lựa nghề nghiệp, chọn bạn, chọn nơi cư trú mà ai trong lứa tuổi 25-40 đều gặp. Đây là chuyện con người tự do chọn lựa sau khi đã giải quyết các vấn đề trên, và luôn luôn nối kết với đời phụng sự, bất kể nhân quả hay điều kiện sống chung quanh. Nó cũng không phải là sự lựa chọn của cái tôi, dựa trên lợi lộc hay động cơ tầm thường nào khác, hay nhu cầu riêng. Nó là sự lựa chọn dựa trên mối tương quan giữa cái tôi và linh hồn, nói rõ hơn dựa trên khả năng của phàm ngã mà linh hồn quyết định ngành phụng sự là giáo dục, kinh tế hay nghệ thuật..v.v. và môi trường phụng sự là cho số đông hay cho một thiểu số chọn lựa.
● Biến động nhằm biểu lộ:
Xảy ra khi người bạn đã lớn tuổi. Tới lúc này đời sống đã vững vàng, khuynh hướng thành cứng chắc và mạnh mẽ, biến động xảy ra sẽ thử thách tất cả những điều ấy. Nó đặt câu hỏi về đức tin, với những giá trị mà con người hằng nâng niu quý chuộng trong đời, sinh ra nhiều khó khăn và cay đắng vì đi tới gốc rễ của tâm hồn. Nhìn bề ngoài sự thử thách không tệ hơn những trắc trở mà người khác phải gặp, nhưng cái khác biệt là nó xảy ra trên các thể cùng một lúc. Óc tưởng tượng phong phú, tầm hoạt động rộng lớn của người đã tiến xa cùng ảnh hưởng của họ với người chung quanh, tất cả làm sự việc trầm trọng hơn và khó khăn lớn lao hơn. Chuyện được giải quyết khi chân giá trị của hoàn cảnh được nhìn nhận, trong đó giá trị nào dựa trên cõi trần là cái ít quan trọng hơn cả. Từ sự nhìn nhận dẫn tới sự biểu lộ không xa. Biến động kế không do nhân quả hay linh hồn chủ động, mà tự con người nơi cõi trần khởi xướng, nó có thể không nhắm tới điều kiện sống bên ngoài mà chỉ liên quan đến sự phát triển tâm linh, đến thái độ và tri thức.
Những quyết định tự mình đề xướng này gây ra xáo trộn sâu xa trong lòng, và sự rối loạn đó là chuyện cần thiết vì nó chuẩn bị cho biến động tâm linh quan trọng hơn, đưa con người bước vào sự sáng nhiều hơn, có tình thương vững bền. Thí dụ cho biến động tự mình gây ra là câu hỏi nêu lên khi con người lớn tuổi, cảm thấy đã hoàn tất phần việc trong kiếp này và biết rằng mình chỉ còn ở trong thân xác vài năm nữa. Trong hoàn cảnh ấy, có những hướng sau để lựa chọn:
a. Có nếp sống an nhàn, tự cho là đã làm hết sức mình, đó là tất cả những gì một người có thể làm được trong kiếp này. Quan niệm ấy khiến vài năm cuối đời chỉ là sự biểu lộ thói quen hằng ngày, của tâm linh đã hóa cố định, và ngăn cản không cho con người bên trong khám phá chuyện mới mẻ về mặt tâm linh.
b. Nhận thức rằng mình đã đạt tới mức phát triển có thể được trong kiếp này, và không còn gì cần phải làm thêm nữa. điều ấy có thể đúng về mặt phàm nhân, nhưng linh hồn khác hẳn, linh hồn trẻ mãi không già và luôn luôn không thỏa mãn, không hề đứng dừng một chỗ.
c. Nhen nhúm nỗi lo lắng, tăng dần với tháng năm về chuyện ngày càng già: thân xác yếu kém bệnh tật. Đây là tâm trạng chung của đa số mà người hiểu biết không nên mắc vào.
d. Ý thức linh hồn đã gặt hái kinh nghiệm dồi dào trong kiếp này, giờ được tự do hành động: Không có thêm vấn đề phải giải quyết, tập luyện mới phải theo, mà con người xử dụng trọn vẹn những thành quả trên để phụng sự trong quãng đời còn lại.
e. Và cũng có thể tự hỏi: Từ những thành quả ấy, ta sẽ đi về đâu ? Bước đường của ta là gì, ta có thể tiến thêm bước nữa chăng ? Vào cuối đời, nếu nghĩ rằng sự sống giờ đây chỉ là chuỗi dài ... chờ chết, không còn gì có thể làm, thì đó là sự sai lầm to lớn. Biến động vẫn có thể có ích vào lúc này, vì khi tự xét mình, có thể thấy trong tâm thức và thái độ còn vài nét mà nếu được sửa đổi và phát triển, loại bỏ hay củng cố, sẽ mang lại sự nẩy nở tuyệt diệu và ngạc nhiên. Đôi khi sự phát triển ấy lại rất nên có trước khi chấm dứt kiếp này, bắt đầu kiếp mới. Chắc chắn ai cũng có thể yêu nhiều hơn lúc xưa, giảm bớt lòng sùng tín với thần tượng, thay vào đó tình thương lan rộng ra số đông và sâu đậm hơn. Hay con người có thể loại bỏ một số thành kiến cũ đã từng chi phối cách suy nghĩ bao lâu nay (lòng khoan dung của xã hội với vấn đề đồng tính luyến ái là một thí dụ tuyệt hảo) để cho tư tưởng mới, hoàn toàn khác lạ xen vào trí não và đặt nền móng cho tương lai.
Trừ phi cố tình gây ra sự biến cải tâm linh, việc tư tưởng đóng cứng lúc tuổi già dễ xảy ra; cách phòng ngừa hay nhất của sự cứng lòng, óc cố chấp là thương yêu, và bài học lớn cho ai hiểu biết là mở rộng tình thương càng lúc càng nhiều cho đến tận cùng thế giới, nói khác đi là biến động giúp cho con người thật biểu lộ minh triết và bác ái.
Một loại biến động chót xảy ra khi tới một trình độ nào đó, linh hồn xét thấy con người có thể đi mau hơn, và khiến cho có biến động, bắt buộc con người phải lựa chọn. Ấy là câu hỏi về tốc độ, về việc chấn chỉnh cuộc đời nhằm bước lẹ hơn, nó ngụ ý loại bỏ cái không thiết yếu mà tập trung vào cái thiết yếu. Về mặt nội tâm bên trong có liên hệ đến linh hồn và cái tôi, về mặt ngoại cảnh liên hệ đến môi trường hoạt động; kết quả là tiêu chuẩn sống và những giá trị hằng được tôn trọng bị duyệt xét, sửa đổi cho phù hợp với bước đường mới.
●Tầm quan trọng và cách đáp ứng:
Cái đáng sợ khi con người trực diện với biến động là họ cần phải giải quyết một mình, nó thường xảy ra vào năm 35, 42, 56, 63 tuổi. Vào những lúc như thế, con người bị dằng co giữa linh hồn, cái tôi và môi trường chung quanh; kinh nghiệm cho thấy quyết định dựa theo chiều hướng của linh hồn thì mọi việc tốt lành, còn nếu nó chịu ảnh hưởng của trí suy luận, thì lỗi lầm dễ mắc phải.
Một đặc tính của biến động tâm linh là chuyện thường đi kèm với sự giải tỏa năng lực tịnh thần. Nó đem vào đời sống con người nhiều tình thương hơn, nhiều giác ngộ làm tâm hồn nở rộng, đường kính tâm linh ngày càng lớn, bao trùm càng lúc càng nhiều những sự sống chung quanh. Đặc tính ôm trọn vạn vật vào lòng là dấu hiệu của một tâm thức đã phát triển, biết hòa đồng, biết rằng vạn vật là một, mọi sự sống đều từ một nguồn mà ra, do đó óc chia rẽ, cách biệt, giới hạn không phải là biểu hiện của tính thiêng liêng. Đây là chỗ thuận tiên để nhắc lại câu nói của linh hồn giác ngộ: “Chúng tôi không từ chối một ai “, năng lực thương yêu ở đây được tuôn tràn không phân biệt. Kết quả là nhãn quan rộng rãi, về chiều ngang là ghi nhận mọi người mọi vật vào tâm thức, về chiều sâu là ý thức cơ trời, biết sắp xếp hành động khiến kết quả tốt lành cho trọn nhân loại thay vì cho một nhóm, một quốc gia.
Thí dụ về tính phóng thích của biến động là trong thế chiến thứ hai, bom rơi xuống thành phố London làm tung đất cát, lớp đất sâu bị bắn lên cao. Do sự đảo lộn ấy, mùa hè ở những nơi bị tàn phá đã có nhiều hoa dại xinh đẹp, hiếm có mọc lên, hoa mà chưa ai thấy bao giờ, làm con người ngạc nhiên với màu sắc và vẻ mỹ lệ của chúng. Đời người cũng y thế, nếp sống ổn định có thể bị xáo trộn, giá trị quen thuộc có thể bị lung lay tận gốc rễ, tư tưởng hằng có bị nghi ngờ, nhưng về một khía cạnh sự thay đổi ấy phóng thích nét đẹp đẽ ẩn dấu bên trong. Thách thức, biến chuyển càng sâu chừng nào, kết quả càng khích lệ chừng ấy nếu con người biết đáp ứng.
Ta có nói ở trên là sự đáp ứng tốt lành nếu đi theo cái nhìn của chân ngã, đây là điểm then chốt vì biến động dù sâu xa và mạnh mẽ thế nào, vẫn có bản chất là ảo ảnh và giả tạm. Con người thường nhìn ra những điểm sáng và tối của một vấn đề, nhưng sáng và tối chỉ có trong ý thức của phàm ngã, liên hệ đến sự phiền não hay mừng vui. Với con người thật, nhìn rõ bước đường phải qua, biến động dù lớn lao cũng không mang ý trọng đại, ghê gớm, thành ra có sự an nhiên. Một phương pháp dẫn từ tâm trạng xáo động sang tính an hòa đi như sau:
– Dùng cái trí xem xét cặp đối nghịch ta phải giải quyết.
– Nhìn chúng như là hai ngọn núi cao một sáng một tối hai bên, phân cách bằng đường hẹp ở giữa có màu vàng chói. Hình ảnh ngụ ý cái nhìn của trí thường luôn luôn phân biệt sự vật (sáng tối, thiện ác) mà không nhận ra các nét ấy là hai đặc tính của một vấn đề, ngọn núi tự nó không sáng hay không tối mà chỉ tâm trạng con người thấy vậy. Con đường ở giữa là trung đạo, dẫn thoát khỏi cặp đối nghịch, không thiên về sự sáng và gạt bỏ sự tối, không đi vào ngọn núi sáng vì đó chỉ là ảo ảnh; nó có màu vàng chỉ óc sáng suốt khi chọn lựa, sự minh triết thấy rõ bản chất của biến động là cơ hội để học hỏi và phát triển.
Bước qua khung cảnh sống hiện tại, cách đáp ứng cho thấy cơ hội này dễ bị lỡ khi suy luận bằng trí thông thường. Quan niệm chung là đời sống máy móc ở Bắc Mỹ và Âu Châu làm con người quay cuồng, chạy theo vật chất, một số phản ứng bằng cách rút vào thiền viện ở Nhật, ở Ấn, để có an lạc nội tâm. Làm như vậy con người mất dịp học hỏi những bài học mà xã hội tây phương có thể cống hiến. Việc tái sinh hay hoàn cảnh đưa đẩy ta vào một môi trường nào đó, thường có ý nghĩa rằng ấy là khung cảnh tuyệt hảo cho sự nẩy nở con người thật bên trong. Tính cách “động" của thế kỷ hai mươi bắt buộc ta làm hai chuyện một lúc, vừa đứng trên chóp núi, thấy bản chất của sự việc, thấy con đường minh triết, vừa là trung tâm an nhiên so với sự cuồng loạn bên ngoài.
Đi sâu hơn nữa, thế kỷ này và thế kỷ tới cho cơ hội ngàn năm một thuở mà không ai nên bỏ qua, vì đây là thời điểm mà biến động cá nhân và biến động tâm linh trùng hợp. Về mặt cá nhân ta đã nói, về mặt tâm linh có hai nét chính:
– Thế giới càng lúc càng có nhiều người hoạt động tích cực trên cõi trí, do đó kêu gọi năng lực tụ vào cõi trí nhiều hơn trước kia, thế nên ai có khả năng trí tuệ sẽ thấy đây là dịp may đáng kể cho sự phát triển đầu óc.
– Sự tái hiện của Đức Chúa (Đức Di Lặc) kích thích phần cao của trí não, đi từ suy luận qua trực giác, làm con người nhận thức sự sống trọn vẹn cùng sâu xa hơn, điều ấy muốn nói trong tương lai, tâm lý học sẽ là ngành hàng đầu, thế cho kỹ thuật
Vì sự trùng hợp đó, thời điểm ta đang sống rất hệ trọng, cho cơ hội lớn lao về sự phát triển tinh thần của nhân loại mà ai hiểu biết không để mất dịp cộng tác.
Càng đi sâu vào đời sống nội tâm, ta càng gặp nhiều biến động. Ở chặng đầu khi nhiệt tâm trội hơn óc sáng suốt, thử thách làm tăng thêm lòng nhất quyết (nét đứng), rồi khi tâm trí ổn định, chịu ảnh hưởng của linh hồn, con người bớt sự ràng buộc vào cái tôi mà hòa hợp nhiều hơn (nét ngang). (Do đó hình chữ thập còn có ý chỉ linh hồn tiến hóa). Con người bước giữa những đối nghịch và tự nói với mình :
– Tôi không phải là cái này, tôi không phải là cái kia, tôi là chân nhân.
Ta có thể lập một nhật ký chuyên về biến động, ghi lại những thay đổi từ trước và về sau những lúc đời có quyết định lớn lao; ghi lại cách đáp ứng cùng thể nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Bằng cách ấy, tính chất và khuynh hướng của con người lộ rõ, cho dịp học hỏi về chính mình; nhật ký giúp ta hiểu biến chuyển có thể làm nẩy nở và tăng trưởng mà không phải là chuyện để tránh né, sợ hãi. Bảo đảm bạn sẽ thấy đây là chuyện thú vị.
Sách tham khảo
Discipleship in the New Age Vol. I & II
Alice A. Bailey