GIỚI HẠN CỦA TRÍ NĂNG

Giới Hạn của Trí Năng

 

Dẫn Nhập
Muốn nói tới trí năng rõ ràng thì phải đề cập tới bản năng là điều nẩy nở trước trí năng. Trí năng phát triển đi đôi với việc bản năng bị tàn lụi, trí năng là dấu hiệu của con người vật chất thắng thế hết mọi sinh vật khác, tuy nhiên trí năng đôi khi thua sút hẳn bản năng của con vật. Não bộ con người toàn hảo hơn bất cứ sinh vật nào, nên thành quả của nó thuộc loại cao nhất về trí năng, nhưng óc lý luận chỉ hữu ích khi xem xét những gì vật chất, mà không thể giúp con người có được hiểu biết về chuyện tinh thần. Khi mất đi bản năng, con người mất đi trực giác là khả năng tột đỉnh và sau cùng của bản năng.
Trí năng là dụng cụ vụng về của khoa học gia, còn trực giác là cái chỉ dẫn không sai chạy cho người hiểu biết. Bản năng dạy cây cỏ và thú vật mùa hay thời điểm cho việc sinh sản, truyền giống và hướng dẫn con thú tìm dược thảo thích hợp khi có bệnh. Trí năng - niềm hãnh diện của con người - không chặn được sự quá độ  của con người vật chất của họ, và không kềm chế sự thỏa mãn vô độ của giác quan. Thay vì dẫn dắt để họ thành y sĩ cho chính mình, lời biện luận khôn khéo của nó thường khi đưa họ tới sự diệt vong của bản thân.
Sự toàn hảo của vật chất có được song song với việc mất đi bản năng. Thí dụ như con kiến với khả năng kiến trúc, tổ chức xã hội thì cao nhiều lần hơn con cọp khôn khéo rình mồi. Sò hến há miệng bắt lấy thức ăn trôi qua trong nước biển mà nếu tính theo tỉ lệ về cấu tạo thân thể, thì có nhiều bản năng hơn cá voi. Từ lâu khoa học coi thường bản năng, nhưng đó là sự nhận biết tức thì không sai chạy của cái trí toàn tri, về mọi mặt bản năng không giống như trí năng có giới hạn; khi cái sau phát triển, bản chất thiêng liêng như Thượng Đế của con người có lúc bị che khuất hoàn toàn, bất cứ khi nào họ tự đóng mình lại với ánh sáng thiêng liêng của trực giác.     

Trực Giác

Triết gia Plotinus dạy rằng hiểu biết của con người có ba nấc từ dưới lên trên: ý kiến, khoa học và soi sáng illumination, và giải thích như sau:
– Phương tiện cho ý kiến là giác quan hay sự cảm nhận.
– Cho khoa học là sự tranh luận,
– Cho việc soi sáng là trực giác hay bản năng thiêng liêng.
Trí năng xếp hàng thứ yếu so với trực giác, cái sau tuyệt đối là hiểu biết dựa trên sự đồng hóa của cái trí với vật được quan sát.
Mỗi người khi sinh ra đều có mầm mống của cảm quan bên trong gọi là trực giác, nhưng ít người biết cách phát triển nó. Dầu vậy, nó là quan năng duy nhất mà nhờ đó con người và sự vật được nhìn thấy theo đúng tính chất của chúng, và tất cả các đại triết gia như Plotinus, Porphyry, Iamblichus đều dùng quan năng này để chỉ dạy triết lý. Iamblichus nói:
– Có một quan năng của trí người cao hơn hết thẩy những gì được sinh ra. Nhờ nó ta có thể hòa hợp với trí siêu việt, tới được những cảnh vượt ngoài cõi trần này, và bước vào sự sống cao hơn cùng những khả năng lạ lùng của cõi trời.
Nếu không có sự sáng nội tâm hay trực giác, người Do Thái ắt sẽ không có được kinh Cựu Ước của mình, hay người Thiên Chúa giáo có được đức Jesus. Điều mà cả Moses và đức Jesus cho thế gian, là thành quả của trực giác hay sự soi sáng của hai ngài. Sau đó các trưởng lão và thầy giảng cho thế giới lời diễn giải sai lầm nặng tính giáo điều, và thường khi phạm thánh. Cái cảm biết không gì bôi xóa được, là có một điều gì đó hiện diện bên ngoài và bên trong chúng ta, là cảm xúc mà không lời phản bác có tính giáo điều, hay hình thức thờ phượng bên ngoài có thể hủy diệt trong nhân loại, cho dù khoa học gia hay hàng giáo sĩ làm gì thì làm.

Hiểu Biết

 Để giải thích thì hiểu biết, hay chữ thường dùng hơn là Minh Triết, có hai loại và có sự phân biệt rõ ràng, một loại là Minh Triết từ trên cao có nét tinh thần và một loại tâm linh psychic hơn là thiêng liêng, với người chân thực học hỏi MTTL thì chỉ có một loại Minh Triết là loại đầu. Hiểu biết loại tâm linh thì đã có rất lâu, về Minh Triết thiêng liêng nó lan tràn khắp vũ trụ vô biên và Chân nhân của ta là một phần của vũ trụ, sự sáng của MTTL chỉ có thể tụ vào phần vĩnh cửu được cá nhân hóa là phần thiêng liêng trong mỗi chúng ta, tức thượng trí hòa hợp làm một với Bồ đề tâm, gọi chung là Buddhi-Manas. Bởi chỉ có cái ngã tinh thần thiêng liêng là bất tử, là y vậy qua bao lần tái sinh, còn cái ngã mà nó sử dụng trong những kiếp liên tục thì phù du, thoảng qua.
Đức hạnh cần thiết để có sự sáng này, vì nó đến không phải là do học hỏi từ sách vở hay chỉ thuần triết lý, mà phần lớn nhờ việc thực hành thực sự tánh xả kỷ, lòng thương tha nhân bằng hành động, lời nói và tư tưởng. Vì thực hành như vậy thanh tẩy những lớp che phủ linh hồn, cho phép ánh sáng chiếu xuống vào trí não. Sự việc là bởi trí não là cái tiếp nhận trong lúc ta tỉnh thức, nó phải được gột sạch cảm nhận do cảm quan đưa tới, và cách đúng nhất để làm vậy là phối hợp triết lý với đức hạnh cao nhất bên ngoài và bên trong.
Không ai có thể học được Minh Triết chân thật chỉ trong một kiếp, và mỗi lần tái sinh là ta nhận thêm một bài học từ vị thầy nghiêm khắc mà luôn công bằng, là cuộc đời theo luật Nhân Quả. Tuy nhiên người đời thường chỉ hiểu và thực hành một loại Minh Triết tâm linh hay phàm trần, và do đó hạ thấp Minh Triết chân thật.
Chính sự sáng chung này là Minh Triết từ trên cao, nó xuống cho ai tuân theo điều kiện là loại bỏ mọi hạt nguyên tử ích kỷ, hay ham muốn vì tư lợi. Đây là sự thật rất xưa. Thiên nhiên chỉ tiết lộ bí mật sâu kín nhất của nó và truyền Minh Triết chân thật cho ai đi tìm chân lý chỉ vì chân lý, và muốn có hiểu biết chỉ để mang lại lợi ích cho người khác, mà không phải là cho cái ngã không quan trọng của mình.
Ở trên ta có nói tới đức hạnh và cần nói rõ thêm để khuyến cáo. Tập đức hạnh là chuyện tốt, nhưng triết lý đông phương dạy rằng nhà yogi Ấn Độ lánh mình trong rừng sâu khó vào, giống các vị ẩn tu trong sa mạc của Thiên Chúa giáo hay gặp thuở ban đầu, cả hai chỉ là người ích kỷ thượng hạng. Một kẻ hành xử chỉ với một ý tưởng là đạt tới Niết Bàn chấm dứt việc tái sinh, người kia xử sự với mục đích duy nhất là cứu vớt linh hồn mình - cả hai người chỉ nghĩ tới chính họ. Động lực của cả hai hoàn toàn có tính cá nhân, vì giả dụ là họ đạt tới mục tiêu của mình thì chẳng phải là họ như người lính hèn nhát, đào ngũ khi đơn vị nhập trận để tránh lằn tên mũi đạn cho mình sao ? Khi cô lập mình như thế, cả nhà yogi lẫn ‘thánh nhân’ chỉ giúp chính mình, và ngược lại, cả hai cho thấy họ vô cùng thờ ơ với số phận của nhân loại mà họ chạy tránh xa và bỏ rơi.

Giới Hạn của Trí Năng

Vài tương quan giữa trí năng, hiểu biết và trực giác được ghi nhận như sau:
● Hiểu Biết chân thực là hiểu biết về Tinh Thần và tinh thần mà thôi, và không thể có được bằng cách nào khác ngoại trừ nhờ thượng trí, cõi thượng trí là nơi duy nhất từ đó chúng ta có thể xuyên được vào cái Tuyệt Đối bao trùm vạn vật.
● Trí năng hay lý lẽ chỉ để dùng cho việc xem xét điều vật chất, mà không thể giúp ai có nó hiểu việc tinh thần. Trí năng phát triển khi bản năng mất đi, nói cách khác trên đường tiến hóa bản năng phải lu mờ cho cái trí nẩy nở. Khi mất đi bản năng, con người mất đi khả năng trực nhận, và chỉ về sau mới có được trực giác là tột đỉnh của bản năng.
● Điều chi ở sau phần vật chất thì không thể hiểu được, và không một trí thông minh giới hạn nào có thể có ý niệm về nó, tuy ta có thể mường tượng chút ít với ý mù mờ là không chừng có điều gì như thế. Với ngôn ngữ giới hạn, ý niệm giới hạn, cái trí không sao tạo ra hình điều chi vốn là vô sắc tướng, mà đó là bản chất của chuyện tinh thần. Ta có thể hiểu được chuyện chi khi biết có nó trên đời, biết giới hạn phần nào của nó hoặc về kích thước hoặc về thể tích; nhưng ta không thể có khái niệm về điều chi nằm ngoài vật chất, nghĩa là điều chi tâm linh - chưa nói đến tinh thần - thì ta chỉ có thể cảm biết rất sơ sài trong tâm tưởng của mình. Ta không thể có chữ xác định nào để diễn tả nó, đây là điều mà các vị thầy muốn ta hiểu rõ.
Chẳng hạn triết gia nghĩ rằng Thượng Đế là gì đó - something; nhưng Thượng Đế không là vật  - no thing. Thượng Đế không phải không là gì hết - nothing. Thượng Đế không phải là một vật - a thing mà là tất cả và không là gì hết - nothing, vì đó LÀ Be-ness.
Ta không thể với trí thông minh giới hạn đạt tới điều chi thanh khiết, không phân hóa là phần tinh thần tiên khởi, mà phải vượt qua phần vật chất, bởi làm sao điều chi giới hạn có thể hiểu được điều chi vô hạn ? Khi dùng trí năng để bàn chuyện tinh thần thì kết quả chỉ là suy đoán của con người, đi lên mức cao hơn thì chuyện cũng tương tự vậy, chỉ khác nhau về mức độ. Nghĩa là ngay cả những bậc tiến hóa nhất trong thái dương hệ này, có thể không có khái niệm gì về những hệ cao hơn thái dương hệ của ta.
Đó là chuyện bất khả hoàn toàn vì cho dù các ngài cao tột đến mức nào, các ngài cũng vẫn là hữu hạn mà chưa phải là vô cùng; tới một lúc nào đó những đấng ấy phải có hình thể tan rã, bằng cách nào thì ta không biết, nhưng sẽ tới thời điểm là phút cuối cho xác thân các ngài.
Với trí năng phát triển theo chiều hướng hiện tại và theo cách giáo dục đương thời, người ta phải sờ chạm vật, phải nghe nó, phải nhận biết nó bằng cảm quan, tức theo một nghĩa là hiểu nó bằng một trong ngũ quan của xác thân, bằng không sẽ rất ít kẻ hiểu được. Tất cả chúng ta được dạy dỗ trong bầu không khí có tính vật chất, và ta phải có mọi điều đặt trước mặt để dùng cảm quan của mình tìm hiểu nó, bằng không ta không hiểu được. Ngay cả với Thượng Đế mà tín đồ tin tưởng, họ cũng làm ngài thành giới hạn, gán cho ngài nhân tính như nổi cơn thịnh nộ, hài lòng với tính thiện, ta đặt ra điều này, kia, nọ về ngài và đủ mọi thứ khác, làm như thể vị Thượng Đế này là một người vĩ đại mà không là gì hơn vậy
(Tới đây chắc ta nên có lời biện hộ cho nhân loại đáng thương. Khi xưa với dân trí đơn sơ ít học ở cả đông và tây, triết lý hay đạo lý cao siêu trong tôn giáo cần được trình bầy theo cách dễ hiểu, để dân chúng mù chữ chấp nhận và sống theo, nên ý niệm tinh thần được nhân cách hóa - hay bị giới hạn theo nghĩa trong bài này - như Ông Thiện, Ông Ác ở chùa, hay kính mầu tả các thánh, cuộc đời đức Chúa trong nhà thờ. Dân chúng không biết chữ chỉ nhìn vào hình ảnh để nắm lấy phần nào ý tưởng trong tôn giáo; nhưng nay với trình độ trí năng cao hơn thì con người bị đòi hỏi phải cố gắng nhiều hơn, để hiểu điều tinh thần cao hơn.)
Những cõi cao hơn không thể được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, thiên trí là điều không thể được biểu lộ, là điều mà trí thông minh hoàn toàn không thể có ý niệm, không thể hiểu được và không ngôn ngữ nào có thể giải thích. Hiểu biết tinh thần không thể được tượng trưng bằng lời, bằng chữ, mà phải bằng cảm nhận trực giác; nếu chúng được trình bầy bằng chữ, bằng lời thì ta không có được gì ngoài sự rối rắm vô nghĩa. Bạn phải cảm được nó trong tâm bằng cảm nhận trực giác và nhận thức tinh thần, không thể khác hơn được; bạn phải hiểu như là Chân nhân mà không phải hiểu với não bộ và cảm biết của trí thông minh, vì tất cả chúng đều là cảm nhận do ngũ quan của thân xác và không giúp được bạn. Bạn phải đạt tới mức cảm thấy mình là một với tổng thể Whole và hoàn toàn bất khả phân với nó - với cái duy nhất và vĩnh cửu, vô thủy vô chung. Nếu không được vậy thì không thể có được tâm thức cao hơn.
Giải thích thêm thì người ta có thể trực nhận một điều mà không thể diễn tả nó, nhưng ta phải hiểu điều ấy; ta hiểu bằng phần tinh thần của mình tuy nhiều phần là ta không thể trình bầy hiểu biết ấy bằng lời vì ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ tây phương không thể nói hết ý, ngay cả Phạn ngữ cũng vậy tuy phong phú hơn ngàn lần cái trước. Ấy là những điều người ta phải dùng ngôn ngữ của linh hồn, bởi đó là nhận thức nội tâm và là ngôn ngữ không lời.

Trí Năng và Sự Sáng

Có ba loại hiểu biết,
● Hiểu biết lý thuyết.
● Hiểu biết phân biện, con người ý thức tính nhị nguyên, bắt đầu có sự sáng và có sự lựa chọn.
● Hiểu biết được soi sáng nhờ trực giác. Các lóe sáng trực giác sống động này ban đầu chiếu rọi bất ngờ vào tâm thức và biến đi gần như tức khắc, nhưng từ từ chúng xuất hiện thường hơn khi tập thiền nhiều hơn, và còn đó lâu hơn khi cái trí được ổn định. Dần dần ánh sáng nội tâm có nhiều hơn và con người học cách dùng ánh sáng ấy cho mọi việc, nhờ vậy mở rộng chân trời của mình, giải quyết vấn đề và trở thành hữu hiệu thêm.
Điều gì họ thấy và tiếp xúc nhờ sử dụng ánh sáng tinh thần này khi ấy được ghi nhận, thấu hiểu, và thích nghi cho con người dưới trần sử dụng qua não bộ. Đây là lúc cái trí suy luận đóng vai trò của nó là diễn giải, sắp đặt và truyền tới não bộ điều chi con người thực lả tinh thần thấy, biết và hiểu trên cõi của nó. Theo cách ấy, hiểu biết tinh thần trở thành tâm thức có ý thức trọn vẹn nơi con người dưới trần.
Cách này cho thấy là người ta đạt được sự sáng không dựa vào cảm quan nào trong ngũ quan, lẫn cái trí với khả năng lý luận, biện giải, mà ngược lại trí năng là phương tiện được dùng để áp dụng ánh sáng cõi cao vào cuộc sống ở cõi trần, và ngũ quan không còn được dùng làm phương tiện để tiếp xúc.
Trí năng có khả năng tách rời nó với chính mình, và xem mình như một điều tách rời, riêng biệt. Dầu vậy lúc này người ta vẫn chưa đi tới nhìn nhận việc có thể có một thực thể nằm ngoài, khác với cái trí và sử dụng cái sau như một phương tiện để có được hiểu biết. Vấn đề có đó phần lớn là do sự kiện là thực thể hay kẻ suy nghĩ - tức linh hồn chưa được nhìn nhận, hiểu biết về nó vẫn chưa có được tới khi nào trí năng được phát triển - cái dụng cụ để có sự hiểu biết, tuy nhà thần bí mystic và tín đồ đầy lòng sùng mộ cảm biết và cảm nhận được nó.
Chính phần tâm thức thấp khi được phát triển cho phép con người sau rốt có tiếp xúc hữu ý với phần cao. Trí cụ thể hay hạ trí phải được khơi dậy, thấu hiểu và sử dụng, trước khi thượng trí được dùng để có được hiểu biết chuyện cõi cao. Trí thông minh phải được phát triển trước khi trực giác có thể được gợi nên. Trí năng nhấn mạnh đến sắc tướng, tạo hình tư tưởng còn trực giác thì ngụ ý vô sắc tướng; trực giác phải vừa đảo ngược khuynh hướng tạo hình thể của hạ trí mà đồng thời cũng sử dụng nó; điều cần nhớ là hình thể và sự sống là một, và không có gì ngoại trừ sự sống được biểu lộ.
Ở đây hiểu biết của đông phương bước vào, làm sáng tỏ tuyệt vời công chuyện mà khoa học gia tây phương  khởi đầu, những người này nhấn mạnh sự kiện về cái trí - trí cá nhân và thiên trí - và ta phải chịu ơn họ nhiều. Bản chất cái trí, cách làm chủ, vấn đề của nó, diễn trình của dòng tư tưởng được thảo luận rộng rãi ngày nay. Dầu vậy vẫn còn nhiều mù mờ, lộn xộn vì khuynh hướng thời đại là tôn vinh trí năng và xem nó như là yếu tố quan trọng nhất, hoặc hơn nữa là đồng hóa con người với khả năng tư tưởng:
– Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.
Khoa học đông phương bước vào cứu giúp, nói với tây phương rằng:
●  Đằng sau cái trí là con người suy tư;
●  Đằng sau sự cảm biết có con người cảm nhận, và
● Đằng sau vật được quan sát là một thực thể quan sát nó.
Nhân vật cảm nhận, con người suy nghĩ và người quan sát là cái Ngã bất hư hoại và bất tử, là linh hồn chìm đắm suy tư, có sự thông minh tinh thần. Việc tham thiền, suy gẫm về con người thật, dành bao thì giờ xem xét về bản chất thật của mình, là những cách được dùng để tách rời cái trí với những phản ứng và khuynh hướng thấp, tạo nên thói quen thường xuyên nhận thức bản chất thiêng liêng thật sự của ta.
Khi đạt tới nhận thức ấy, nhu cầu luyện tập không còn nữa, con người tách rời với cõi hiện tượng, ngừng đi tìm kinh nghiệm bên ngoài bằng ngũ quan, và đứng vững chãi nơi cõi tinh thần. Con người có ý thức chính mình là kẻ hiểu biết, không còn quan tâm chính yếu tới sự hiểu biết như ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Họ không còn đồng hóa mình với điều hiểu biết, với kinh nghiệm trải qua, mà nay do biết cái Ngã họ đồng hóa mình với con người hiểu biết thật, do đó thấy sự vật như nó là, tách biệt mình hoàn toàn với thế giới có cảm nhận bằng ngũ quan.
Anh là một với linh hồn của tất cả hay Đại Hồn, và ở cách riêng, tách biệt với tất cả những gì liên quan với hình thể hay vật chất. Anh là vậy mà vẫn dự vào sinh hoạt của con người, sống như một người trên trần, ăn ngủ, làm việc giữa mọi người, ở giữa thế gian tuy không thuộc về trần thế.
Ta phân biệt hạ trí hay trí cụ thể, thượng trí hay trí trừu tượng, với cái sau có thể được xem là cánh cửa qua đó tâm thức đi vào cõi có sự thức tỉnh cao hơn, nhưng đó chỉ là một cách nói, là biểu tượng. Trong cuộc tiến hóa dài hằng trăm kiếp, trọn diễn trình chỉ giản dị là sự mở rộng tâm thức và đạt được - nối tiếp nhau chặng này sau chặng kia - ý thức hằng chứa đựng tất cả. Ta có bảng sau:
Trực giác: Nhận thức tinh thần
Thượng trí: Trí tinh thần, trí được soi tỏ, mang lại sự sáng
Hạ trí: Óc thông minh trong cõi sắc tướng
mô tả phần cao hay tinh thần được phản chiếu xuống phần thấp trong cõi vật chất. Ba cõi của linh hồn và ba cõi thấp trở thành một cõi mà người chí nguyện sinh hoạt, làm việc, không thấy có phân biệt, xem cõi cao là cõi của hứng khởi và cõi thấp là vùng phụng sự, và cả hai hợp lại thành một thế giới chung cho hoạt động. Sự hòa hợp này chỉ xẩy ra khi người ta bắt đầu thực sự hướng tâm vào cõi trí, trụ tâm thức rõ rệt ở đó, khiến họ làm việc khôn ngoan và có ý thức.
Khi bắt đầu trụ tâm thức ở cõi trí (nhờ tham thiền), anh khởi sự dùng chất liệu cõi trí, biết dùng tư tưởng, làm chủ phần nào cách suy nghĩ của mình

Trí Năng và việc Phụng Sự

Người chí nguyện thời nay thường có trí năng phát triển; ở giai đoạn này anh bắt đầu hiểu rằng hạ trí với các khả năng của nó chỉ là nền tảng cho anh đứng vững trên đó, và thay thế óc thuần lý cho các phức tạp của hạ trí. Sau cùng anh học dùng trực giác - đến một cách chớp nhoáng và không sai chạy - thay cho trí năng có lòng chia rẽ, với ảo ảnh, sự sai lầm của nó.
Bởi trực giác vô dụng và không thể có được nếu người ta không có mức thông minh cao, chuyện hóa rõ ràng là tất cả người chí nguyện phải có trí năng phát triển, nói khác đi ai mong muốn được tiếp xúc với bậc Thầy, dự và góp phần vào việc phụng sự với Thiên Đoàn phải có thể làm việc ở cõi trí, vì các bậc Thầy làm việc ở đó, và đảo lại bậc Thầy đi tìm người như vậy ở cõi trí. Dầu vậy có thượng trí hay óc trừu tượng nẩy nở thì chưa đủ, nó hữu ích nhưng ai như thế vẫn có thể không có được chút cảm nhận trực giác nào.
Để kết, bài đưa ra hai ý chính:
● Giới hạn của cái trí: vùng hoạt động của nó là ba cõi vật chất, ta không thể dùng trí năng để hiểu chuyện tinh thần.
● Nhu cầu phải phát triển phương tiện dùng nơi cõi cao là trực giác.
Thời đại ta đang sống tôn vinh trí năng, chưa công nhận có sự hiện hữu của linh hồn và cõi tinh thần. Chúng ta cần nhận biết giới hạn của lối suy nghĩ ấy, khuynh hướng thời đại để đừng mê muội, và tập để phát triển khả năng cho phép ta hoạt động trong cõi tinh thần là trực giác.

Tham khảo:
Isis Unveiled, H.P. Blavatsky
The Light of the Soul, A.A. Bailey

Geese