NHẠC CHOPIN

Nhạc  Chopin

 

Chopin (1808 - 1849) là nhà soạn nhạc, là thi sĩ với nhạc điệu thanh nhã tuyệt vời, đó không phải là sự thanh thoát bề mặt mà là nét thanh cao bên trong của tâm hồn. Tính thanh nhã này là đặc điểm và là nốt chính trong nhạc của ông, do tính này mà một vài đoạn nhạc bị hiểu lầm là bi thương, sầu muộn. Nhạc của ông có những chỗ nhuốm buồn hoặc nhiều hoặc ít, nét u buồn man mác này là tinh túy của tất cả thi ca du dương đúng nghĩa. Hiểu được sự kiện này là hiểu được cá tính của Chopin cùng ảnh hưởng ông có trên thế giới. Cách biểu lộ tao nhã lòng sầu muộn và cách biểu lộ u buồn tính thanh cao, là do tự bản chất nhạc sĩ có nét thi vị sẵn mà không phải vì ông mắc bệnh lao như sách vở ghi, ngoài ra tính ấy cũng có thể sinh ra nơi người rất đỗi nhạy cảm như Chopin. Cha ông người Pháp, mẹ ông người Ba Lan, sự hòa hợp hai nền văn hóa cộng thêm với lòng ái quốc sâu đậm thể hiện qua nhạc của ông. Nét sầu thảm trong nhạc Chopin không có tính bi thương vì giống như nhiều nhạc sĩ khác, Chopin lấy hứng khởi từ dân nhạc của nước mình, đem nó vào sáng tác của ông và chuyện không tránh được là mang theo một chút u sầu, vì dân nhạc Ba Lan có nét buồn.

Mặc dù vậy, nét thi vị, man mác u hoài trong nhạc Chopin bị các nhà phê bình quan trọng hóa quá đáng, bởi những bản nhạc hay của ông có khúc rộn ràng, hăng say, dồn dập ngược hẳn với lòng sầu thảm. Do tính thanh cao bên trong nói ở trên, sự hăng say, rộn rã của ông không hề đi tới chỗ tưng bừng huyên náo, hay cuồn cuộn. Dù tươi vui, rộn ràng ra sao, hay thiết tha đắm đuối tới mức nào đi nữa, nhạc Chopin luôn luôn có tính khoan thai duyên dáng, chừng mực dịu dàng không thấy trong sáng tác của bất cứ nhạc sĩ nào trước đó, có lẽ ngoại trừ Mendelssohn mà thôi là người gần giống Chopin về điểm này.

Chopin không những là thi sĩ mà còn là một nhà quí tộc về nhạc theo nghĩa cao nhất của chữ, ông diễn tả mỗi tình cảm của mình như một nhà quí tộc, chọn lựa ngôn ngữ hay nhất khi làm vậy. Nhạc của ông không là gì khác hơn hình ảnh đầy lý tưởng về chính mình. Ông ghét những gì trơ trẽn, thiếu mỹ thuật, ghét hút thuốc vì nó nghịch với tính nhã nhặn nơi ông, và cách thưởng thức nhạc của ông cũng vậy. Tuy thán phục tài năng của Beethoven nhưng ông thấy nhạc Beethoven không hợp với mình, cho rằng nó sắp xếp thô sơ, quá vũ bão, cuồng loạn, nỗi đam mê trào dâng quá mạnh. Chopin cũng không coi trọng nhạc Schubert, có những đoạn ông công nhận là quyến rũ nhưng nói chung thì thô kệch không êm ái. Những gì biểu lộ nét man dại, đau khổ lột trần đều khiến ông lánh xa. Chỉ có hai nhạc sĩ mà ông xem như thánh là Mozart và Bach, với Mozart được ông ưa thích hơn vì so với nhiều nhạc sĩ khác, Mozart không bước qua lằn ranh phân cách sự thanh cao với tính thô tục.

Điều mà các nhà phê bình không nói tới, vì họ không có sự hiểu biết bên trong, là Chopin là một người đồng (medium) không ý thức. Ông không phải là người đồng cho vong linh đã khuất, hay cho bất cứ tình cảm và xúc động nào của người, mà cho hoài bão, lòng mong mỏi thiết tha và mơ ước tâm linh bất thành của giới trí thức thời Chopin. Nhạc sĩ phản ảnh lại điều này và biểu lộ qua nhạc, việc ấy giải thích phần nào các nhận xét đối nghịch về tính khí của ông, là tuy bản chất Chopin không sầu muộn hay bi thương, nhưng vì là người đồng nên cái khó tránh là ông có tính tình hay thay đổi, vui buồn bất chợt.

Nhạc Chopin là loại có ảnh hưởng gần như tức thì, nói như vậy không có nghĩa là ảnh hưởng của nó lên tới tột đỉnh tức khắc. Đúng ra lúc khởi đầu nó chỉ tác động lên ai nhạy cảm, và về sau nó từ từ lan ra quần chúng nói chung. Về mặt hội họa nó gián tiếp gợi hứng nhóm Pre-Raphaelite tại Anh, về văn chương nó khêu gợi lối hành văn gọt dũa của Flaubert, Paul Verlaine, Maeterlinck và những người khác.

Chopin qua thăm nước Anh lần đầu năm 1837, sang cuối thập niên 1840 thì nhóm Pre-Raphaelite thành hình. Ta không bàn về mặt kỹ thuật của nhóm mà chỉ đề cập đến tinh thần nhóm này, nó vừa chủ trương thanh nhã tuyệt hảo, vừa đầy mỹ thuật, với tiểu tiết thi vị. Tranh của các họa sĩ trong nhóm đều có chung vẻ mơ màng, êm ái, đường nét tế nhị như hay thấy trong âm điệu của nhạc Chopin. Cái đáng chú ý là tranh nhóm này nhiễm tinh thần nhạc Chopin, còn phong cách nhân vật thì họ vẽ theo trường phái thời trước của Ý. Ngắm tranh của nhóm thì người ta có thể cảm ngay bầu không khí đặc biệt của tinh thần này, đây là nhóm lớn có tiếng, cho ra ảnh hưởng rộng rãi về mỹ thuật như đồ gốm, dệt thảm, mẫu hoa trong ngành dệt, mẫu giấy dán tường, vẽ kiểu bàn ghế, và có nhiều sách nói về nhóm nên độc giả tìm đọc xem tranh không khó. Vài họa sĩ của nhóm cùng một số người đi sau áp dụng tính chất này quá xa, tới mức nhà phê bình nói rằng thiếu nữ trong tranh nhợt nhạt không hồn, còn hiệp sĩ trói gà không chặt.

Một số họa sĩ trong nhóm cũng là văn sĩ như William Morris, Rossetti. Nếu kể luôn văn sĩ Maeterlinck thì cả ba người đều có khuynh hướng về sự thanh bai, tao nhã. Tuy sáng tác của họ lấy đề tài là thời trung cổ nhưng dù họ mô tả tình cảm gì, nó cũng hoàn toàn không có nét hung bạo. So sánh thì thơ văn về thời này thường hết sức tàn bạo, nhưng thơ và chuyện của ba nhân vật trên không giống thế. Nó cũng không có cái trực tính của Shakespeare hay Beethoven, mà đơn sơ trong trắng, mực thước giản dị, là tinh thần của Chopin được biểu lộ tới mức tối đa.

Thơ của Paul Verlaine cũng cho thấy ảnh hưởng của Chopin, ta gặp ở đây cùng nét thanh cao trong mọi sáng tác của thi sĩ Pháp này, và thi sĩ Anh Ernest Dowson. Thơ của Verlaine đã được dịch ít nhiều sang Việt ngữ nên ta có thể kiểm chứng, còn với Dowson, nó luôn luôn có sự êm nhẹ, mơ màng. Flaubert thì trau chuốt lời văn, cân nhắc cả tiếng đồng hồ cách dùng một chữ sao cho thích hợp.

Ảnh hưởng của Chopin đối với phong thái xã hội cũng rõ ràng như thấy trong nghệ thuật và văn chương. Trước ông, ai nấy hành xử theo tập tục, nói rằng:

– Người khác không làm chuyện đó thì mình cũng đừng làm, hay
– Không ai làm vậy.

Theo cách suy nghĩ đó chuyện thô tục bị xem là ‘sai', còn khi có ảnh hưởng của Chopin thì nó bị xem là ‘không hay', so sánh thì khi trước cái gì trái với tập tục và nên tránh xa nay trở thành cái thiếu mỹ thuật. Như thế Chopin biến đổi và làm động cơ hành xử thanh bai hơn, tức đi thêm một bước về đúng hướng. Tránh không làm một việc vì nó không đẹp, thì tốt hơn là tránh không làm chỉ vì đó không là tập quán.

Kế tiếp chẳng những nhạc của Chopin làm cảm nhận có tính mỹ thuật hơn, mà còn cho ra một ảnh hưởng khác không tránh được là sự phân biệt, ‘người ta (they)’ biến thành ‘bọn mình (we)’. Bây giờ không còn câu hỏi là người khác làm gì hay ngược lại, mà là câu hỏi bọn mình làm gì hay ngược lại. Bọn mình là giới chọn lọc, élite, và phân cách với đám đông.

Sự việc cũng có nét bất lợi vì ý tưởng ‘bọn mình, giới chọn lọc’ sinh ra lòng khinh người, với hậu quả là tính thiếu khoan dung sâu đậm. Hình thức tệ hại nhất của tính này là đầu óc phe nhóm, còn hình thức cao là sự thành lập những tổ chức liên hệ đến sinh hoạt trí thức hay nghệ thuật. Tại Anh năm 1854 quốc hội ra đạo luật tài trợ sự thành lập các viện nghiên cứu văn chương, khoa học. Từ đó trở đi con số các tổ chức chuyên về nghệ thuật, nhạc, văn chương xuất hiện ở London làm người ta kinh ngạc. Xem xét kỹ thì đa số các hội này chuyên chú về một nhân vật mà thôi như nhà thơ Wordsworth (Hội Wordsworth), nhạc sĩ Purcell (Hội Purcell) v..v.. Đó là một hiện tượng mới mẻ thời bấy giờ vì từ trước tới lúc đó các hội, nhóm thường mang tính chất tôn giáo hơn là nghệ thuật, cũng như bấy lâu nay người ta ở nhà đọc thơ của thi sĩ mà họ ưa thích, và thường là đọc một mình, nhưng sau khi Chopin lan tràn ảnh hưởng của ông, người yêu thơ văn họp lại thành hội. Thứ nhất là để tìm hiểu rõ hơn thi sĩ thần tượng của họ, thứ hai là để họ có thể cảm thấy là mình biết và hiểu thi sĩ hơn người không rành thi ca, tức cho rằng ‘bọn mình' có học thức hơn người khác !

Ảnh hưởng của Chopin đối với nữ giới đặc biệt mạnh ở Đức và Anh. Vào thời ấy phái nữ tại hai nước này thường không được trau luyện nhiều về mặt học thức, họ là người nội trợ đảm đang, thêu may, đan áo, biết chơi dương cầm một chút và hát những bài ca vô thưởng vô phạt khi có tụ họp trong gia đình. Dù chỉ có thế, trong nhiều trường hợp những khả năng này được tập luyện với hậu ý là kiếm chồng thành hôn. Chúng không là dấu hiệu cho ước muốn mở mang trí tuệ hay trau luyện tâm hồn, mà chỉ là những khả năng cần thiết làm cậu trai lưu ý đến cô gái để lập gia đình. Trong xã hội dưới thời nữ hoàng Victoria, người đàn bà có trí tuệ được trau dồi bị xem là bất lợi cho việc thành hôn, bởi tự các ông không có học thức cho lắm nên sợ rằng mình sẽ bị thua kém  người vợ có học. Quan niệm chung là các bà chỉ nên xinh đẹp và công dung ngôn hạnh vẹn toàn mà thôi, còn thì đừng thông minh quá.

Ảnh hưởng của Chopin có mục đích là thay đổi quan niệm trên theo cách mà không nhạc sĩ khác nào làm được. Trước Chopin có nhạc Handel, nhạc này làm người ta sống rập khuôn theo tập quán, thói quen của xã hội, mà một chi tiết là vợ phục tùng chồng, trong gia đình ông bảo sao hay muốn gì thì bà nghe theo và làm vậy. Theo cách đó giữa chồng và vợ ít khi có tình bạn chân thật nẩy nở. Ông kính sợ Trời và bà kính sợ Trời lẫn ông, thế nên cái cần thiết là phải có một ảnh hưởng  tinh tế hơn được sử dụng, để phá vỡ sự lệ thuộc ấy làm người ta thiếu phát triển, và ảnh hưởng đó là nhạc Chopin. Ông đi vào tâm thức nữ giới tuy họ không ngờ qua nét thanh bai, tế nhị, mỹ thuật. Nhạc Chopin có những nữ tính đó và bởi nó không chát chúa, thô lậu hay khó chịu, nhạc đi vào tiềm thức cho ra ảnh hưởng về văn hóa, giống như lời êm đềm thủ thỉ của một thiếu nữ nói với cô bạn của mình, nhẹ nhàng khơi lên các ước vọng thanh cao. Viết về Chopin người ta ghi rằng ông không hề dùng chữ nào thiếu duyên dáng, ngay cả lúc hết sức thân mật, khi vui tươi hớn hở ông cũng luôn luôn dè chừng cho có tế nhị. Chỉ có nhạc của người như thế mới khéo léo biết cách không làm phật lòng nữ giới nhạy cảm.

Để hiểu hơn bối cảnh khi ấy, nhạc Beethoven có tính thẳng thắn, không nương tay, phân tích tâm lý, làm bộc lộ các ẩn ức mà tiềm thức đè nén, che dấu, và nhờ vậy khiến người ta sinh lòng thiện cảm với người khác. Nhưng ngoài lòng thiện cảm đó nhạc Beethoven không để lại gì thêm, nó thanh lọc tâm hồn rồi chỉ còn sự trống rỗng, nay nhạc Chopin đến lấp đầy cái trống không đó. Beethoven gợi nên thiện cảm trong lòng người bằng cách mô tả thảm kịch và sự đau khổ trong cuộc đời, còn Chopin khơi dậy ước muốn thăng hoa tâm hồn bằng cách mô tả tính thanh bai, tao nhã, cao thượng một cách thi vị, và nét duyên dáng, quyến rũ của thi ca. Kết quả là các bà các cô khi trước hài lòng rúc trong nhà lo việc nội trợ, chăm sóc nhà cửa cho chồng hay học nữ công gia chánh để chuẩn bị thành hôn, nay bắt đầu gia nhập các hội nghệ thuật để biết nhiều hơn về thi ca hay mỹ thuật. Đó là khởi đầu cho việc thăng hoa phụ nữ.

Có quan điểm coi thường sự đóng góp của Chopin, nói rằng ông không có thành đạt lớn lao hay viết nhạc nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Nhìn về mặt bí truyền thì có một số lý do  khiến ông không làm, hay không thể làm vậy. Chúng có liên hệ đến giới hạn của chính ông, và phần khác là với sự giới hạn của thời đại ông sống. Phần lớn hứng khởi cho nhạc sĩ đến từ cõi cao hay do tiếp xúc với thiên thần, việc này sinh ra phản ứng trong cơ thể nhạc sĩ là sự căng thẳng. Khi căng thẳng kéo dài do hứng khởi nhận được nhiều hơn, mạnh hơn, thì thân xác có thể không chịu nổi và đó là trường hợp của Chopin. Nếu việc ấy xảy ra thì chẳng những nhạc sĩ sẽ chết sớm hơn là dự tính, mà tính chất mạnh mẽ hơn trong nhạc của ông cũng không được thế giới với tâm hồn chưa chuẩn bị lúc bấy giờ quí chuộng đúng mức, vì họ không hiểu nhạc muốn nói gì.

Một nhạc sĩ khác cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với văn hóa là Georges Bizet. Trong khi Chopin là thi sĩ về nhạc cho dương cầm tạo ra âm kỳ diệu hơn, thì Bizet là thi sĩ của dàn nhạc, làm nó điêu luyện hơn. Bizet sinh ra 11 năm trước khi Chopin qua đời và tiếp tục công việc của Chopin cho tới khi ông mất đi năm 1875. Ta có thể nói chắc chắn là trước Bizet, không nhà soạn nhạc nào có ý rõ rệt về sự hòa hợp cho êm tai các nhạc cụ trong dàn nhạc. Berlioz như sấm sét thịnh nộ, Beethoven thì oang oang tiếng kèn trumpet nhiều lúc không hay. Có vẻ như muốn hòa cho êm tai các âm trong dàn nhạc thì nhạc sĩ phải là người Pháp, và Bizet là người như vậy. Ông là dân Pháp từ đầu tới chân, từ trong ra ngoài, có nét khả ái của người Pháp, rất là chic như phụ nữ Pháp, mà ông cũng có thể rất bi thảm và đầy kịch tính như thấy trong vai Don José ở phần kết vở nhạc kịch Carmen của ông. Mặc dù đó là một bi kịch, Bizet không hề mạnh tay quá trớn hay thô tục, ông không hề mất đi ý thức thế nào là cái đẹp. Nỗi đam mê và sức mạnh ít khi được ông mô tả một cách thô kệch mà tả bằng một câu đẹp đẽ.

 

CYRIL SCOTT 
Music: The Secret Influence throughout the Ages

 

         
 

Geese