ĐI TÌM GIẢI ĐÁP

Đi Tìm Giải Đáp

 

Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 có nhiều khám phá lớn lao, đưa tới hiểu biết rộng rãi hơn về khoa học kỹ thuật, trong khi đó hiểu biết về tâm linh dường như không phát triển cùng nhịp. Vì thế có người cảm thấy hoang mang, muốn biết Minh Triết Thiêng Liêng (MTTL) nói gì về việc tạo phó bản sinh học (cloning), ghép bộ phận của vật cho người, hay của người cho người, thay đổi tính di truyền v…v.. Chúng ta bị choáng ngợp vì quá nhiều tiến bộ đến trong một thời gian ngắn, không biết chọn lựa phản ứng ra sao cho đúng và mong muốn có sự hướng dẫn tâm linh. Ước muốn này dễ hiểu nhưng khi xem xét kỹ thì có những điểm sau cần bàn.

1. Trước tiên con người thường muốn có giải pháp nhanh chóng giản dị cho vấn đề có nguyên do phức tạp. Khuynh hướng này chịu ảnh hưởng của thời đại ta sống là có hoạt động vội vàng hối thúc. Nhu cầu vì vậy dễ hiểu nay sang động cơ thì e rằng không chính đáng, lý do là khi muốn biết 1 nghĩa của sự việc thì đó là ao ước nên có, nó giúp ta nhìn ra sự sống rộng lớn, còn khi chỉ muốn có giải pháp tiện dụng cho vấn đề để tránh né hay giảm bớt sự lo âu, không thoải mái thì rất thường khi đó là phản ứng của cái nhìn giới hạn trong một kiếp, và của cái ngã hơn là của linh hồn. Cái nhìn giới hạn vì vậy thường không không thấy đúng ý nghĩa của sự việc cũng như không giải quyết thỏa đáng, sự việc xẩy ra là để con người học hỏi và nhờ đó tăng trưởng, nhưng khi giải pháp không đi tới tận gốc thì việc học hỏi không thấu đáo, tăng trưởng không toàn vẹn và cơ hội mất đi. Tới đây ta có ba ý chính liên hệ với nhau:
- Muốn có giải đáp cho những vấn đề của cuộc sống,
- Ý nghĩa của chúng, và
- Sự tăng trưởng tâm linh có được khi thực hiện giải đáp phù hợp với ý nghĩa.

Giải đáp có khi không dễ thực hiện, nhưng nó không là quan tâm của chân ngã. Người ta thường ví việc dù khó mà vẫn làm với cảnh trẻ nhỏ tập đi và bị té. Có té đau ra sao đi nữa, chưa có trẻ nào vì sợ té đau mà không chịu tập đi một mình. Dù lâu hay mau trẻ nào rồi cũng tự đi lấy, cũng y vậy thì có những vấn đề con người phải tự tìm giải đáp cho mình mà không thể trông mong vào can thiệp từ bên ngoài. Thế nên mong chờ được có giải đáp là tâm lý dễ hiểu vào lúc nhiều sự việc xảy ra khiến ta rối trí, nhưng đó không hẳn là điều nên làm, mà việc ta có thể làm là tìm ý nghĩa của chuyện. Chủ trương này được khuyến khích bằng câu nói: 
- Hãy gõ cửa sẽ mở, hãy hỏi sẽ được trả lời,
và được chứng minh nhiều lần là khi chúng ta nỗ lực đi tìm ý nghĩa thì giúp đỡ sẽ tới.

2. Điểm thứ hai là yếu tố thời gian, thiên cơ có thời gian tính khác với ý thức của ta thường giới hạn chỉ trong một kiếp người. Một số điều sẽ có ý nghĩa rõ ràng và đúng đắn hơn khi đặt vào bối cảnh của cuộc tiến hóa kéo dài hằng trăm năm, lấy thí dụ hiện tượng di dân đông đảo trên thế giới, còn nhìn xa thì một trong những ảnh hưởng của sự di dân là các sắc tộc được hòa hợp để tạo thành giống dân tương lai. Cho từng cá nhân thì có thể đó là thảm kịch khi gia đình phải lưu lạc, phân tán, con người chịu đau khổ, mất mát nhưng trên bình diện rộng lớn hằng trăm năm, cá nhân đóng một vai trò trong cuộc tiến hóa và những bất hạnh này không phải là vô nghĩa hay vô lý. Ngược lại nó có thể là cái khởi đầu tới những biến cố trong tương lai rất xa của cơ trời vĩ đại, tức con người đóng một vai trò tích cực trong thiên cơ dù không hay biết.
Thí dụ xảy ra là một nhân vật sinh ra ở Ai Cập mấy ngàn năm về trước (xin đọc thêm bài Điểm Sách PST 48 để rõ chi tiết), về sau hậu duệ mấy đời của nhân vật này làm thủy thủ, đến Âu châu lập nghiệp để rồi vào thế kỷ 19, nhân vật này khi tái sinh ở Hungary nhận lại đúng phần di di truyền tử của mình từ kiếp Ai Cập, qua hậu duệ mà có. Tầm mắt và tri thức con người có thể không bao trùm được khoảng thời gian ấy, nhưng đó là cách thức làm việc của sự sống. Cái đáng lưu ý là nguyên tắc nhân quả công minh ở đây, con người nhận đúng trở lại cái gì mình đã tạo, và không có gì mất mát sai chạy dù khoảng cách là mấy ngàn năm giữa những kiếp sống.

Đó là chuyện lịch sử, nhưng người học hỏi MTTL không cần thông nhãn, hay khả năng huyền bí cũng có thể suy ra giải thích hợp lý cho trường hợp riêng của mình. Một hội viên kể là hôn nhân tan vỡ lúc cô còn trẻ, cuộc ly dị gặp nhiều khó khăn làm cô rất đau khổ, trách thầm trời đất rằng định mạng bất công, rằng cô không đáng bị khổ sở như vậy chút nào. Rồi cô tình cờ biết hội và đi nghe giảng, nghe là nếu ta chỉ nhìn vào vào một đường cọ nhỏ bé trên bức tranh sơn dầu lớn, thì không hiểu là nó tả điều chi, nhưng nếu ta lùi ra xa nhìn trọn bức tranh thì toàn cảnh hiện rõ trước mắt, các phần ăn khớp với nhau có ý nghĩa liền lạc, phong phú. Cô chợt hiểu rằng nếu chỉ nhìn cuộc đời qua một kiếp sống, thì không sao thấy có sự công bình tuyệt đối quản trị thế gian. Lòng nhẹ nhõm, cô ý thức nỗi đau khổ lớn lao khi trước là để quân bình karma, và vững tin rằng có một luật tuyệt hảo điều hành kiếp người. Cô không còn trách móc số mạng mà thấy là Thượng đế đầy tình thương như xưa !

3. Kế tiếp, sự việc xảy ra lắm khi có vài nguyên do cùng đóng góp vào chuyện, nhưng không phải nguyên nhân nào cũng hiện rõ cho ta xem xét. Có những nguyên do chìm chỉ lộ ra sau một thời gian dài, và khi ấy mới cho phép con người thấy được trọn vẹn ý nghĩa biến cố. Như thế ý nghĩa ban đầu dựa trên chỉ một số nguyên do biết rõ vào lúc ấy sẽ không hoàn toàn, cần được bổ túc hay thay đổi khi có thêm hiểu biết mới. Nó giống như viết sử, mỗi ngày có chứng cớ, tài liệu của chuyện đã qua ở nơi này hay nơi kia trên thế giới được khám phá, khiến lịch sử được thẩm định lại không ngừng, giả thuyết đưa ra trước kia nay được sửa đổi cho phù hợp  với khám phá mới. Cái gì được xem là đúng hôm nay thì chưa chắc là thế vào ngày mai. Sự việc cũng giống vậy khi áp dụng vào cuộc sống như vị Chân Sư trong chuyệnVòng Tái Sinh giải thích:

“Ai cũng đang dệt tấm thảm rất lớn, họ làm việc sát nó quá, mê mãi đưa thoi qua lại trên mảnh thảm nhỏ bé trước mặt thành ra không thấy vẻ mỹ lệ và sự vĩ đại của toàn thảm. Nhưng điều cần yếu là họ phải làm vậy, và ai đã mở rộng được tầm mắt, biết bước lui khỏi chi tiết rối trí thì thấy được toàn thể. Hiện giờ con chỉ thấy biến cố, nhân vật như các mảnh vụn rời rạc, có hay không liên hệ với nhau. Nhưng chuyện liên tục không có sự gẫy đổ nào. Chỉ  có một sự sống, một tâm thức, một sự biểu lộ tột cùng.
Hãy ý thức việc này không phải bằng trí tuệ, lý thuyết, mà bằng cách khiến nó nhuộm màu trọn quan điểm của con, thấm nhuần mọi hành vi, gợi hứng tư tưởng, chỉ dẫn mọi hoạt động, là mục đích của con. Bao lâu chưa làm được vậy, con sẽ tiếp tục bị giới hạn trong ảo ảnh của tính chia rẽ, và tiếp tục bị lôi cuốn vào vòng tái sinh.”

4. Ấy là vài yếu tố khách quan, sang yếu tố chủ quan là cách ta nhìn vào ý nghĩa sự việc, theo quan điểm tâm linh hay chỉ giới hạn trong ba cõi. Chân ngã sẽ không quan tâm đến vui sướng hay đau khổ mà chỉ nhắm đến sự tăng trưởng tinh thần, nên sẽ chọn giải pháp nào đòi hỏi ta phải hy sinh, nỗ lực nhiều nhất. Còn phàm ngã muốn theo con đường thoải mái hơn. Cái khác chi phối không ít nhận xét của ta là mức hiểu biết, người có kinh nghiệm sẽ bắt gặp những ý nghĩa mà người chưa có kinh nghiệm không nhận ra. Giải pháp chọn lựa vì vậy cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hợp lại ba chuyện:
- Muốn có giải đáp,
- Đi tìm ý nghĩa, và
- Tăng trưởng
thì có tư tưởng nói rằng một trong những mục tiêu trong việc học hỏi tinh thần, là làm cho thế giới hiện tượng mờ nhạt đi trong tâm thức, cùng lúc đó thế giới của ý nghĩa trở nên sống động và thực hơn đối với ta. Về sau, thế giới ý nghĩa tới phiên nó sẽ thành thứ yếu so với thế giới nguyên nhân, nơi mà con người tiếp xúc có ý thức với những đấng cao cả. Lòng muốn có giải đáp nhanh và gọn cho các vấn đề ở cõi trần sinh ra do tâm thức chú trọng vào cõi hiện tượng, nhưng giải đáp sẽ hoàn mỹ hơn khi ý nghĩa của chuyện được thấu đáo, sự việc được xem xét theo MTTL, và tăng trưởng có được khi ta chọn giải pháp phù hợp với ý nghĩa này.

 

Bình Minh