FLIPPER

FLIPPER

 

 

Cuộc đời của Flipper có mục đích, nhưng phải mất một thời gian khá lâu mới hiểu được đó là mục đích gì.

Khi ấy tôi là sinh viên năm cuối của trường thú y, tài chính là cả một vấn đề quan trọng đối với tôi. Vợ tôi thì đi dạy học, còn tôi thì làm hai việc nơi trường đại học mà tôi đang theo, công việc thứ nhất là làm cho giáo sư Baker, chăm lo đàn chó mà giáo sư đang nghiên cứu về những chứng bệnh di truyền xảy ra cho các con chó này. Tôi phụ giúp chút ít trong công việc của giáo sư, và nó đòi hỏi chừng hai giờ đồng hồ mỗi ngày trong tuần và có thể làm thêm hai, hay ba giờ nữa cho cuối tuần cũng không chừng. Công việc thứ hai thì làm khoảng mười hai cho đến mười lăm tiếng, nhưng chỉ phải làm cuối tuần mà thôi. Tôi làm việc này tại Sở Khảo Nghiệm Thú Vật, vừa chùi rửa chuồng thú, đồng thời phải lo về phần thức ăn cho chúng nữa, những con thú này có đủ loại: chuột cống, chuột nhắt, chuột bạch v..v.. Một phần của cơ sở này là nơi giữ thú vật vô chủ, chó hoang được mang tới đây rồi giữ lại khoảng hai tuần để xem có ai tới nhận hay xin chúng không.

Công việc ở nơi giam giữ này không có gì là thích thú cả. Tôi biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra cho các con chó sau hai tuần mà không có ai tới nhận, tôi ráng lắm để không nghĩ tới điều này khi lo cho chúng, nhưng đôi khi cũng khó mà tránh được lòng thương hại tôi dành cho các con chó này.

Cứ mỗi sáng thứ bảy khi tôi đến làm việc thì thể nào cũng có thêm vài con chó lạ, và một vài con mà tôi nhớ mặt hồi chủ nhật trước nay không còn ở đó nữa. Tôi ráng tự nhủ là chúng đã được người tốt bụng xin đem về nuôi, nhưng trong thâm tâm tôi biết rất rõ điều gì đã xảy ra. Chuyến đi tới Sở Khảo Nghiệm hầu như không có đường ra, chỉ là chuyến đi một chiều mà thôi.

Một sáng thứ bẩy nọ khi tôi vừa đặt chân vào khu vực này thì có con chó nhỏ lông ngắn, mầu nâu trắng chạy xổ tới mừng. Đây là chuyện lạ vì hầu hết thú vật nào cũng tỏ vẻ sợ hãi ở nơi xa lạ, và tất cả đều tìm cách tránh né tôi. Nhưng với con chó nhỏ này nặng chừng mười ký, nó tỏ vẻ như tôi là người thân thuộc của nó lắm vậy, nó nhảy chồm lên và sủa liên tục như muốn nói chuyện, bắt tôi phải hoàn toàn chú ý tới nó, và khi tôi nhìn kỹ hơn, tôi thấy nó đang có mang.

Tôi ngồi xuống vuốt ve nó một hồi, sau đó tôi còn phải lo đi làm các công việc còn lại. Khi tôi đi từ chuồng này sang chuồng kia, con chó nhỏ vẫn không ngừng quan sát tôi từ chuồng của nó, và sủa liên tục để gọi tôi. Khi xong công việc tôi trở lại với nó và vuốt ve nó một lần nữa rồi tôi phải đi. Và cũng y như lúc tôi mới vào, nó tỏ vẻ mừng rỡ, vồn vã hết sức thân thiện.

Nguyên một tuần sau đó tôi cứ suy nghĩ miên man về con chó này. Không có cách nào để tôi biết được là còn bao lâu nữa thì nó sanh, tôi chỉ biết là ngày đó rất gần kề thôi. Tới giữa tuần tôi đến gặp nó, thì con chó lại đón mừng tôi với hết mọi nỗi hân hoan. Bây giờ cơ thể nó đã tạo ra sữa rồi, vú nặng đầy những sữa.

Thứ bẩy sau đó, mọi việc cũng bình thường. Tôi không biết nó tới đây vào hôm nào, nhưng vì nó đã ở đây từ thứ bấy trước, nên tôi biết rằng nó sẽ không còn ở đây nữa vào thứ bảy tuần tới. Cũng vì đã có sẵn hai con chó ở nhà rồi nên tôi không muốn có thêm, tuy nhiên không biết vì lý do gì tôi lại có một quyết định. Sáng hôm sau chủ nhật, tôi đem nó ra khỏi chuồng, hy vọng là không ai để ý tới sự vắng mặt này vì trong mỗi chuồng có từ bốn đến tám con chó. Đem nó tới nơi nghiên cứu của giáo sư Baker, tôi tìm một căn chuồng trống cho nó ở.

Sáng ngày thứ hai tôi đi tìm giáo sư Baker.

– Thưa thầy, tôi nó, tôi tìm được một con chó hoang và đem nó vào một chuồng trống ở đây cho nó ở, chắc không có gì phiền ạ ?

– Sao anh không đem nó tới Sở Khảo Nghiệm ? Chỗ đó chuyên dành cho chó hoang mà ? Ông hỏi.

– U..m.. Tôi đem nó ở đó ra, tôi đành thú thật và giải thích thêm là tại sao tôi lại làm vậy. Ông tỏ vẻ thông cảm, nhưng nhắc thêm.

– Anh biết là làm vậy anh có thể gặp khó khăn nếu có ai hay được việc này, và có thể anh sẽ bị mất việc nơi Sở Khảo Nghiệm cũng không chừng.

Tôi cho ông hay là tôi có biết trước kết quả của hành động này.

– Vậy thì tốt, anh phải lo làm việc gì cho con chó này đi, vì khó mà giải thích khi có ai hỏi về sự có mặt của nó ở đây lắm, ông nói.

Điều giáo sư vừa nói không đáng quan tâm nhiều, vì nơi đây chỉ có ông và tôi được phép vào để chăm nuôi đám chó mà thôi, nhưng tôi vẫn phải nói với ông là tôi sẽ tìm người nhận nuôi đàn chó con sau này.

Ngay hôm sau con chó nhỏ sinh ra được ba con chó con, hai con cái, một con gần như trắng bóc, một con gần như nâu sậm, và một con chó đực có mầu lông giống hệt như mẹ của nó là nâu trắng. Hai con chó cái thì khỏe mạnh và linh hoạt, nhưng còn con chó đực, dù nó cũng linh hoạt và khỏe mạnh nhưng nó không được bình thường. Nó không có hai chân trước, thay vào đó chỉ là hai cục thịt nhỏ mọc ra ở nơi vai mà thôi.

Tôi chỉ cho giáo sư Baker coi đàn chó con này.

– Tốt hơn anh nên cho con chó con đó một liều thuốc để nó đi đi, ông bảo, đưa tay chỉ về phía con chó đực, vì nó không sống được lâu với cơ thể như vậy đâu.

Tôi đồng ý là tương lai của nó không có vẻ gì là tươi sáng cả, nhưng dù sao tôi cũng không thấy có lý do gì để làm vậy, vì đã cứu mẹ khỏi chết mà bây giờ lại đi giết con khi vừa mới lọt lòng. Tôi nói với giáo sư như thế.

– Anh suy nghĩ đi, mọi việc sẽ khó khăn lúc nó bắt đầu lớn. Và lần nữa ông cũng không quên nhắc tôi là phải kiếm ra người chịu nuôi đàn chó này.

Tôi đặt tên cho từng con một dựa theo màu sắc trời sinh của chúng, tôi gọi con có lông trắng là con Whitey (con Bạch), con có lông sậm là Brownie (con Nâu), và con còn lại là Flipper (con Vây). Flipper sống theo hai chị của mình rất hay. Nó tự tìm tới mẹ để bú, và làm mọi chuyện theo cách rất bình thường như bất cứ con chó con nào khác. Giáo sư Baker căn dặn tôi thêm là phải để ý coi Flipper có bị chứng gì khác lạ xảy ra nữa hay không, thường thì, ông nói với tôi, nếu lúc sinh ra cơ thể đã không được toàn hảo thì rất có thể sẽ có một dị chứng khác, mà chứng này sẽ không lộ ra rõ rệt.

Hai tuần trôi qua đàn chó con bắt đầu mở mắt. Brownie mở mắt trước tiên, hôm sau đến Whitey, nhưng còn đôi mắt của Flipper thì chẳng thấy hó hé gì. Chết rồi, tôi nghĩ, không biết đây có phải là dị chứng mà giáo sư nói không ? Chẳng lẽ nó bị mù ?

Hai ngày nữa trôi qua vẫn không thấy động tĩnh gì. Kỳ này tôi sợ không dám nói cho giáo sư Baker hay, vì tôi biết ông sẽ nói gì. Nhưng đến ngày thứ ba, mắt trái của Flipper he hé mở. Ngày hôm sau mắt phải cũng mở he hé để lén nhìn cuộc đời chung quanh nó. Hai ngày sau đó thì đôi mắt hoàn toàn mở hẳn. Bây giờ thì Whitey và Brownie bắt đầu chập chững đi, ít nhất chúng cũng run rẩy ráng đứng lên, còn Flipper thì vẫn trườn lết như một con rắn, đôi khi hai chân sau đẩy đẩy cơ thể của nó tiến tới trước một chút xíu.

Flipper bắt đầu gặp khó khăn trong việc bú mẹ. Hai chị của nó dùng hai chân trước để vạch vú ra bú, Flipper  thì không làm vậy được nên cứ bị đẩy qua một bên lúc hai chị đang bú sữa. Nhưng mẹ nó rất kiên nhẫn, sau khi hai con gái đã no một bụng và ngủ kỹ, mẹ nó vẫn nằm đó cho Flipper được bú một cách thảnh thơi.

Nhiều ngày trôi qua, Brownie và Whitey đi tìm hiểu khung cảnh chung quanh, chạy nhẩy, vật nhau, chơi đùa, trong khi Flipper thì vẫn nằm dài ra đó. Ngày kia giáo sư Baker gọi tôi vào văn phòng của ông.

– Tôi mới xuống thăm đàn chó, tôi thấy một con chó tật nguyền không thể nào có tương lai tươi sáng. Anh tính sẽ làm gì với nó ?

Tôi đoan chắc với ông là tôi sẽ quyết định về việc này nay mai, nhưng khi nói ra điều này tôi biết là mình đã nói dối. Hai ngày sau đó một việc bất ngờ xảy tới. Khi tôi đem thực phẩm đến cho đàn chó như mọi khi, Mama chó mẹ chạy lại vồn vã, theo sau là Brownie và Whitey và ngay sau hai chị con gái này là Flipper.

Flipper nhảy tưng tửng như con kangaroo !

Thì ra nó đã tìm cách cân bằng cơ thể để đứng trên đôi chân sau, hai bàn chân bấu chặt sàn nhà, và chiếc đuôi dùng để giúp cho sự cân bằng được hữu hiệu hơn. Nhẩy thì được, nhưng ngừng lại là cả một vấn đề, mỗi lần muốn ngừng nó phải tự đổ người xuống cái ào, nhưng ngay sau đó đứng lên trở lại để nhảy tiếp.

Mỗi một ngày trôi đi Flipper càng biết cách giữ cho sự di động của mình khéo léo hơn, bớt xử dụng đuôi để giữ thăng bằng. Bây giờ tôi thực sự phải đi kiếm người chịu nhận nuôi bốn con chó này. Giáo sư Baker thúc hối cấp bách hơn. Tôi dẫn bạn cùng lớp tới xem, họ cũng là sinh viên sắp ra trường như tôi, với hy vọng là có ai đó trong bọn chịu nhận nuôi. Và niềm hy vọng của tôi được đáp ứng gần như toàn vẹn. Brownie được xin trước tiên, một người bạn muốn nó là món quà cho vợ mình. Sau đó tới Whitey được xin, người bạn học dưới tôi một lớp muốn nó là quà cho đứa em nhỏ của anh. Ngay cả Mama con chó mẹ cũng được cô bạn gái cùng lớp xin về nuôi. Chỉ còn Flipper là không ai chịu xin cả. Người nào tôi dẫn đến cũng đều tỏ ra thương mến và khâm phục Flipper, và tôi tưởng rằng khó có ai từ chối được Flipper. Ai cũng khen là nó ngộ nghĩnh và có tính đáng yêu, nhưng tuyệt nhiên không ai hỏi xin nó hết. Flipper bây giờ chỉ còn có một mình trong cái chuồng rộng lớn.

Điều này làm tôi đâm lo, nên tôi nảy ra ý nghĩ đi gặp giáo sư Walken, vị coi sóc Bệnh Viện cho Thú Nhỏ. Tôi kể cho ông nghe về Flipper, và hỏi tôi có thể mang Flipper tới ở một trong những căn chuồng rộng rãi của bệnh viện được không. Nơi đây Flipper sẽ có cơ hội được ở chung với những thú khác, và quan trọng nhất là theo ý tôi, nó sẽ được nhiều người nhìn thấy hơn và dịp may được xin cũng tăng hơn . Bác sĩ Walken tới xem Flipper với tôi. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy được khả năng của con chó con bảy tuần lễ này, thấy sự cân bằng của những bước nhảy, nhưng nổi bật hơn hết là tính vồn vã và thân thiện của nó. Và ông bằng lòng cho nó một căn chuồng, nhưng căn dặn tôi phải là người trông nom cho nó chứ không phải các sinh viên trong trường.

Không cần phải mất một thời gian lâu để Flipper thu hút được sự chú ý của mọi người. Có hơn hai trăm sinh viên và nhân viên của trường tới để săn sóc cho nó, và Flipper yêu hết tất cả mọi người. Nhưng, vẫn không thấy ai đả động gì tới việc xin nó cả. Họ đem nó ra khỏi chuồng để chơi, sau đó luôn luôn bỏ nó vào chuồng trở lại, rồi thôi. Dầu vậy Flipper không màng tới việc này cho lắm, lúc nào nó cũng giống như con thỏ sống sung sướng yêu đời giữa các bụi cây rậm rạp, luôn vui vẻ chào đón bất cứ ai đó có dịp đi qua.

 

Ngày kia, đang khi chúng tôi còn tụ tập ngoài sân chưa tới giờ học, một người bạn cùng lớp tiến đến gần. Anh tên Jamie Bell. Dù chúng tôi đã cùng nhau học hơn ba năm ở đây rồi nhưng tôi thực sự không biết về anh bạn này. Cả những người khác nữa, không ai rõ lai lịch của Jamie. Anh là người cô độc, là kẻ lặng lẽ nên tôi rất ngạc nhiên khi anh nói chuyện với tôi.

– Chào Grant.

– Mạnh giỏi Jamie, mọi việc ra sao, vẫn khỏe chứ ?

Anh chẳng đếm xỉa đến lời chào hỏi thông thường này.

– Flipper đã có nơi nào xin chưa ? Jamie hỏi ngay.

– Chưa, chưa có ai xin cả. Tôi chỉ sợ rằng rồi đây sự vồn vã của Flipper ngày sẽ càng giảm đi mà thôi. Lại nữa bây giờ chỗ này có thêm nhiều thú quá, chẳng sớm thì muộn cái chuồng này cũng sẽ bị cần đến.

– Tôi nghĩ là tôi biết một nơi có thể sẽ nhận xin Flipper. Cuối tuần về thăm nhà tôi sẽ hỏi họ thử. Nói xong, anh quay lưng bỏ đi thẳng.

Tôi ráng gọi với theo để hỏi thêm vài câu, nhưng anh chàng cứ đi tuốt. Cuối tuần rồi cũng qua, thứ hai đến tôi đi tìm Jamie.

– Anh có hỏi giùm tôi về Flipper không ? tôi hỏi ngay khi gặp anh.

– Có, và họ muốn được thấy Flipper. Tụi mình có thể đem Flipper đến thăm họ cuối tuần tới được không ?

– Ở đâu mới được chứ ?

– Ở nơi mà người ta muốn xem Flipper.

– Tôi biết, nhưng mà ở đâu ? Tại sao họ không tới đây ?

– Họ có đông người lắm và ở xa đây nữa.

Trước đây tôi chưa bao giờ có ý thắc mắc về quê quán của Jamie. Thường thì sau ba năm trời sát vai học với nhau, sinh viên biết rõ về nhau rất nhiều. Ít nhất thì tôi cũng biết ai đến từ tiểu bang nào, nếu không muốn nói là từ thành phố nào nữa, nhưng tôi hoàn toàn mù tịt về Jamie, không hề biết anh từ đâu tới.

– Cho tôi biết nơi đó là đâu vậy ?

– Ngay gần nhà tôi, rồi anh cho tôi tên một thành phố xa cách đây khoảng 450 cây số. Ít nhất cũng phải lái xe sáu tiếng đồng hồ. Mình có thể rời đây tối thứ sáu. Tôi nghĩ họ sẽ thích Flipper.

– Họ là ai mới được chứ ? Tôi muốn biết rõ ràng trước khi làm phí một cuối tuần.

– Họ là những người có thể sẽ muốn Flipper, chỉ có vậy thôi.

Tôi không chắc là tại sao, nhưng tôi lại đồng ý đi với Jamie. Chúng tôi thu xếp mọi việc để tới thứ sáu sẽ đi, tôi tìm người chịu làm dùm công việc cuối tuần, nguyên cả cuối tuần, để lỡ trong trường hợp tôi về không kịp vào tối thứ bảy.

Chiều thứ sáu, sau khi bỏ hết hành lý của hai đứa vào xe của tôi, khoảng bốn giờ ba mươi chúng tôi lên đường. Flipper được cho vào một cũi nhỏ và đặt vào băng ghế sau, vì đây là lần đầu tiên nó được đi xe nên tôi sợ nó bị chóng mặt dễ nôn ọe. Sau khi đi được năm mươi dặm biết chắc là nó không bị gì, tôi nhờ Jamie mở cũi cho Flipper ra. Được dịp nó nhảy phóc lên băng ghế trước với chúng tôi, dụi dụi đầu một cách thương mến rồi chìm vào giấc ngủ trên đùi êm ái của Jamie.

Đây là một chuyến đi miễn cưỡng, Flipper ngủ gần trọn cuộc hành trình. Jamie thì không nói được tới mười chữ. Tôi hỏi đủ cách để tìm hiểu về những người mà chúng tôi sẽ đến gặp, nhưng Jamie chỉ vắn tắt trả lời rằng tốt hơn hết tôi nên đợi đến khi gặp họ.

Chúng tôi đến nhà của ba mẹ Jamie khoảng chừng mười giờ bốn lăm khuya. Flipper và tôi được đưa vào môt căn phòng để ngủ đêm, có giường dành sẵn cho tôi, chiếc giường này không êm ái chút nào. Flipper thì ngủ trong cũi của nó, và ngủ rất là ngon giấc. Riêng phần tôi, tôi không được tròn giấc như ý.

Sáng sớm hôm sau, thứ bẩy, chúng tôi đi tới để gặp những người có thể sẽ nhận Flipper. Lái xe hơn hai mươi dặm, Jamie chỉ đường cho tôi, anh kêu rẽ vào con đường nhỏ trước mặt. Con đường này dẫn đến một căn nhà khá lớn nhưng cũ kỹ. Bên hông nhà là bãi đậu xe cho khoảng hai mươi chiếc, chung quanh là hàng rào bằng móc kẽm bao bọc. Đây không phải là một tư gia bình thường.

Tôi để Flipper vào cũi trở lại, và mang nó đến trước thềm nhà. Trên bãi cỏ trước hàng hiên có một bảng nhỏ ghi hàng chữ: 'Nhà Dành Riêng cho Trẻ Tàn Tật'. Jamie bấm chuông, một bà phúc hậu có vẻ hiếu khách bước ra mở cửa, chào đón chúng tôi một cách thân thiện rồi mời chúng tôi vào nhà.

– Các em đang ở trong phòng sau, bà nói, anh cứ việc đem chó vào đó đi rồi chúng ta xem phản ứng của chúng ra sao.

Chúng tôi đi theo lối đi nhỏ, bước ngang qua khung cửa thật rộng dẫn đến căn phòng lớn, nơi đây có khoảng mười hai tới mười bốn đứa trẻ đang ngồi. Một vài em rất bé, chừng cỡ ba, bốn tuổi, lớn nhất khoảng mười lăm. Và quả đúng như tấm bảng ghi, đây là những trẻ bị tàn tật, các em ngồi đó yên lặng không có chút gì là sống động cả.

– Các con, bà Watson lên tiếng, Jamie và bạn có mang đến một người bạn mới để gặp các con.

Tôi mở cũi và Flipper nhẩy cà tửng ra. Nó nhảy ngay đến đứa trẻ gần nhất, một em gái chừng mười tuổi ngồi trên xe lăn, phóng ngay lên đùi em, tỏ ra vồn vã nồng nàn ngay lập lập tức bằng cách liếm khắp mặt em. Mối đầu em còn ngại ngùng nhưng sau đó tỏ vẻ thích chí cười nắc nẻ.

Sau đó Flipper nhảy xuống, và tiếp tục nhảy thăm hết tất cả các em có mặt trong phòng. Từng em, từng em một, nó nhảy tới nhảy lui một cách rộn ràng. Một em bé trai mới đầu tỏ vẻ sợ hãi, em la khóc um sùm, nhưng sau đó thấy ai nấy đều cười một cách thích thú nên em bớt sợ, từ từ em gia nhập với các bạn và cũng cười vui theo.

Chúng tôi ở chơi khoảng hai giờ đồng hồ, khỏi phải nói Flipper lấy làm khoái chí về sự chú ý của mọi người dành cho nó. Tới giờ phải đi, bà Watson kéo hai đứa chúng tôi qua một bên và nói rằng mọi việc thấy trôi chảy quá, nhưng bà thêm.

– Anh để Flipper lại đây một đêm được không, để tới sáng mai coi mọi việc thể nào ?

Chúng tôi bằng lòng ngay, và để lại những vật dụng cần thiết cho Flipper như đĩa ăn, bát uống nước, và cũng không quên căn dặn bà Watson cách thức tối thiểu để chăm lo cho một con chó con, rồi hẹn sáng mai trở lại.

Trên đường về tôi cho Jamie hay rằng tôi rất khâm phục sự chọn lựa này của anh, như thường lệ Jamie chỉ ngồi im, chẳng trả lời tôi một tiếng nào. Sáng hôm sau chúng tôi trở lại nhà Trẻ Tàn Tật. Khi vừa đặt chân vào lối đi nhỏ dẫn tới căn phòng lớn, chúng tôi đã nghe tiếng la lối cười đùa hòa lẫn với tên của Flipper được gọi liên tục.

Vào tới phòng thì Flipper thấy chúng tôi, nó nhảy cà tửng lại quanh chân tôi, nhẩy lên nhẩy xuống cho tới khi tôi ẳm nó lên để vuốt ve. Nó vẫy đuôi rối rít mừng rỡ và liếm khắp mặt tôi, nhưng sau đó thì đòi xuống và nhảy cà tửng trở lại với đám trẻ.

– Bây giờ chúng tôi lại có vấn đề khác, bà Watson nói, là tụi nhỏ cứ cãi nhau để coi tới phiên ai được ngủ với Flipper. Thành ra chúng tôi phải phân chia thời khóa biểu để cho công bằng với mọi em.

Hai đứa tôi ở lại đây một thời gian ngắn, lúc quay ra để đi về tôi chợt cảm thấy nước mắt như chực trào ra. Tôi chỉ nói được ‘Bye Flipper' mà thôi, nó nhảy lại tôi như để nói ‘Bye', rồi lại nhảy trở về với đám trẻ. Tôi chợt thấy không nơi nào tốt hơn nơi này cho Flipper. Tôi căn dặn bà Watson nhớ cho tôi hay tin tức của nó.

Khoảng một năm sau tôi nhận được thư cho hay rằng Flipper rất vui vẻ sống, nó chào đón những em mới đến một cách vồn vã nồng nàn. Ngay cả khi nó lớn lên và trưởng thành rồi lúc về già cũng thế, lúc nào cũng giữ được tính chất làm cho đời luôn vui tươi, cùng với tình thân mến mà nó dành cho người.

Trẻ nhỏ khi đặt chân tới Nhà Tàn Tật thường cảm thấy sợ hãi, không biết được chuyện gì sẽ xảy đến với mình. Flipper là kẻ giúp đỡ tận tình, nó làm các em cảm thấy dễ dàng  hơn để hòa mình vào môi trường mới. Và đây rõ ràng là mục đích cuộc đời của Flipper, giúp cho các em thấy làm thế nào để sống trong đời với cơ thể tật nguyền không toàn vẹn.

Tin buồn nhất trong đời mà tôi nhận được là mẫu thư ngắn bà Watson gửi tới cách đây vài năm, nói rằng Flipper được mười lăm tuổi, đã ra đi vĩnh viễn trong giấc ngủ triền miên.

TT dịch.