HÌNH TƯ TƯỞNG
Hình Tư Tưởng
Những Cách Suy Nghĩ
Cách Tạo Hình
Số Phận của Hình Tư Tưởng
Sự Nguy Hại Của Hình
Cách Hình Thể Hiện
Điều Kiện Làm Việc
Hiện Trạng Ngày Nay
Tư tưởng đối với người có khả năng thấy khía cạnh vô hình của sự sống được xem là vật sống động và có sức mạnh, theo nghĩa mỗi khi con người suy nghĩ là đang tạo hình có sự sống của riêng nó, mà tùy theo mức độ tập trung tư tưởng và chủ ý, hình ấy có sức mạnh cho ra tác động lành hay dữ. Chúng ta có thể suy nghĩ bâng quơ chuyện xấu cũng như chuyện tốt, và cho rằng bởi đó chỉ là ý nghĩ chưa phải là hành động, thì dù là ý nghĩ không hay như ganh tị, buồn rầu nó cũng không hại gì, nhưng sách vở chỉ dạy ngược lại, nói rằng một khi tư tưởng phát ra thì luôn luôn có ảnh hưởng lên người đã sinh ra tư tưởng ấy. Trong bài dưới đây chúng ta nghiên cứu đôi điều về hình tư tưởng, cùng những gì nên làm về thói quen suy nghĩ của mỗi người.
I. Những Cách Suy Nghĩ
Ai cũng suy nghĩ nhưng có trình độ sử dụng cái trí khác nhau, dựa theo khả năng sử dụng các thể con người được chia làm 3 nhóm chính:
– Đại đa số người không xấu cũng không tốt, chỉ đơn giản là không suy nghĩ, hoàn toàn chìm đắm vào giòng tiến hóa, và đang làm công việc phát triển cái ngã thực cùng những vận cụ cần thiết.
– Một số khác rất ít đang làm việc mạnh mẽ và có ý thức về mặt vật chất, hay lối nói thường gọi là tà đạọ. Ở cõi trần họ mạnh nhưng thế lực của họ chỉ tạm thời mà không vĩnh viễn.Luật của vũ trụ tức luật thương yêu luôn chống lại họ và điều có vẻ như là xấu sẽ cho ra việc tốt lành.
– Nhóm thứ ba gồm số khá lớn là linh hồn đã phát triển về đường tinh thần, đó là những người đưa ra tư tưởng của thời đại mới, là những đấng gìn giữ phần MTTL sắp được đưa ra cho nhân loại. Thành viên của nhóm là người không ích kỷ và thông minh trong mọi ngành hoạt động của nhân loạị, là người chí nguyện và đệ tử, là những bậc đạo sư người hướng dẫn các nhóm, và của chính Thiên đoàn.Ảnh hưởng của nhóm này hết sức lớn và cơ hội để hợp tác với nhóm thì dễ có hơn bao giờ hết vào lúc này.
Nhóm đầu tiên không suy nghĩ, hai nhóm sau bắt đầu suy nghĩ và sử dụng các luật của tư tưởng.Đối với người bắt đầu suy nghĩ họ cần nhận biết rằng thường khi họ suy nghĩ sai, suy nghĩ vì phản ứng bắt nguồn từ bản tính thấp trong người, và dựa trên lòng ích kỷ lẫn thiếu tình thương. Về điểm này có ba bài học mà ai muốn tập suy nghĩ đều nên biết:
1. Thứ nhất, mỗi hình tư tưởng mà họ sinh ra, được tạo do động lực của tình cảm hay dục vọng, trong vài trường hợp hiếm hơn nó có thể được tạo bằng sự giác ngộ và nhờ vậy có chứa đựng đôi chút trực giác, nhưng với đa số quần chúng, động lực trào dâng lên cái trí họạt động thường là tình cảm, hay lòng ham muốn mạnh mẽ hoặc tốt hoặc xấu, ích kỷ hay không ích kỷ.
2. Thứ hai, tư tưởng được tạo theo lối đó sẽ nằm lại trong hào quang của họ, hay tìm đường tới mục tiêu. Nếu nằm lại trong hào quang thì nó sẽ thành một phần trong bức tường dầy làm bằng tư tưởng giống vậy, bao bọc anh hoàn toàn hay tạo nên hào quang cái trí của anh, và sẽ trở nên càng lúc càng mạnh khi anh nghĩ tới nó thường. Vật lộn tới mức nó không cho anh thấy thực tại nữa, hay trở nên sinh động và mạnh mẽ tới nỗi anh trở thành nạn nhân cho chính sản phẩm của mình tạo ra. Hình tư tưởng hóa ra đầy uy lực hơn người sáng tạo ra nó, anh đâm ra bị ám ảnh, bị chính tạo vật của mình thúc đẩy.
Ngược lại, nếu hình tư tưởng được gửi tới mục tiêu là hào quang cái trí của một người khác, hay của một nhóm khác thì đó là hạt giống của việc không lành, là sự áp đặt của một cái trí mạnh lên một cái trí yếu hơn. Khi hình tư tưởng vào được hào quang của một nhóm, những hình khích động tương tự nằm sẵn trong hào quang của nhóm sẽ tụ hội với nó, vì có chung một mức rung động hay tính chất, và sự việc xảy ra cho nhóm y như nó xảy ra cho một người. Đó là bây giờ nhóm có bức tường ngăn cản bao quanh nó bằng hình tư tưởng, hay là nhóm bị một tư tưởng nào đó ám ảnh.Từ đây ta có manh mối cho óc phân rẽ giữa các chi trong cùng một tôn giáo, của lòng cuồng tín, và tính điên cuồng hoặc cho cả nhóm hoặc cho một cá nhân.
3. Thứ ba, người tạo ra hình tư tưởng chịu trách nhiệm về tác động của hình, hình vẫn nối liền vào với họ do mục tiêu sống động, và anh phải nhận chịu kết quả cùng đảm trách việc phá hủy hình đã tạo ra. Điều này áp dụng cho mọi loại tư tưởng xấu cũng như tốt, nó theo luật là kẻ sáng tạo chịu trách nhiệm về vật mình đã sinh ra, như vậy Chân Sư Jesus vẫn còn phải đối phó với hình tư tưởng mà giáo hội Thiên Chúa giáo đã tạo nên, Đức Phật và Đức Chúa (Đức Di Lặc) cũng còn nhiều việc chót phải làm, không phải với hình thức xuyên qua đó nguyên lý của tôn giáo được biểu hiệu, mà đúng ra là làm việc với các linh hồn tiến hóa bằng cách áp dụng những nguyên lý ấy.
II. Cách Tạo Hình
Với đa số người, hình tư tưởng được tạo một cách vô thức, sinh ra do phản xạ và dựa phần lớn vào việc thực hiện ước muốn của mình.Tất cả diễn ra mau lẹ và dẫn tới kết quả lẹ làng, kết quả này hữu hiệu hay không tùy thuộc vào khả năng của người ấy có thể làm sinh động và giữ tư tưởng, và do đó hình tư tưởng được liền lạc. Phần lớn những hình tư tưởng do người trung bình tạo ra chỉ hữu hiệu một cách tương đối, bị hạn chế rất nhiều và chỉ ảnh hưởng trong một khoảng giới hạn.
Khi con người học cách tạo hình có ý thức qua việc xếp đặt tư tưởng, tập trung và tham thiền thì họ tiến hành chậm hơn bởi họ đi từng bước và tuân theo luật, về sau khi tham thiền quen rồi việc tạo hình sẽ diễn ra mau lẹ dần, tới mức nhanh hơn khi tạo hình vô ý thức. Khởi đầu lúc bắt được ý tưởng ở cõi cao, họ nghiền ngẫm ý tưởng đó xem xét tới lui, và như vậy khuấy động chất liệu cõi trí, họ vẽ ra ý niệm tổng quát, đường nét sơ khai rồi thêm thắt chi tiết. Hoạt động này cho thấy giá trị lớn lao của óc tưởng tượng và việc áp dụng có trật tự, khoa học. Lúc óc tưởng tượng mạnh tới mức nào đó thì lòng ham muốn làm sinh động hình, tư tưởng bắt đầu sinh động.Đây là lúc cần có thăng bằng giữa lòng ham muốn và óc tưởng tượng, hai yếu tố phải tỷ lệ với nhau đúng mức, mà không để cho óc tưởng tượng đi quá đà.Trong trường hợp ấy tư tưởng không thể thực hiện được vì bị bóp méo nặng nề. Hoặc lòng ham muốn nhiều quá khiến cho óc suy xét không làm việc tới nơi tới chốn, tư tưởng chỉ có đường nét đại cương và thiếu chi tiết chính xác.
Lực làm sinh động hình tư tưởng có nguồn gốc thay đổi tùy theo tính chất của tư tưởng muốn thể hiện, người có ý thức làm sinh động hình bằng lực cao, còn hình tư tưởng của đa số người có lực sinh động thấp hơn, hoặc là tình cảm hoặc là năng lực tính dục. Chính luồng năng lực tình cảm hay tính dục nay không ngừng tuôn tràn đã gây nên tình trạng hỗn lọạn hiện thời của thế giới, những lực tạo ra tư tưởng không được cân bằng, sự tương tác giữa lý trí và tình cảm không có tỉ lệ thích ứng, và vô số hình được tạo ra có phẩm chất cùng mức rung động thấp, dẫn tới tình trạng làm người hoạt động về mặt trí tuệ phải nỗ lực hết mình để hóa giải, đảo ngược và chuyển hóa nó. Những vật này không đáng gọi là hình tư tưởng mà chỉ là tình cảm được khoác vật liệu thấp nhất của cõi trí, đã sinh ra một lớp sương mù nặng nề, rungđộng chậm chạp bao phủ nhân loại, sinh ra phần lớn những tội phạm, sự xấu xa và sự trì trệ trí não. Con người vốn nặng phần cảm tính vào lúc này, giờ cộng thêm vào đó là bầu không khí hay môi trường đầy hình tư tưởng loại thấp, được làm sinh động bằng năng lực tình cảm thấp kém, thì chúng ta thấy công tác nâng cao nhân loạị để con người sống trong bầu không khí trong lành, tinh khiết và tốt đẹp hơn là chuyện vĩ đại tới bực nào, cũng như đặc tính thấp và dục vọng dễ nảy nở và tăng trưởng ra sao.
Khi tạo xong, mỗi hình đều gắn liền vào chủ nhân của nó bằng một sợi dây sutratma rực sáng, nguyên tắc này áp dụng không sai chạy từ đức Thái Dương Thượng Đế vào trung tâm của mặt trời, cho đến mỗi người chúng ta vào hình của mình. Đây là dây từ lực chuyền năng lực, bao lâu mà chủ nhân của hình tư tưởng dù lớn dù nhỏ còn chú ý tới hình thì sợi dây còn tồn tại, hình tư tưởng được sinh động và hình thực hiện ý định của chủ nhân. Khi ý định đã thể hiện, hình làm xong vai trò của nó và người sáng tạọ vô thức hay hữu ý hướng tâm đi nơi khác, hình tư tưởng tan rã dần.
Sự chú tâm rất quan hệ trong việc tạo hình cùng là cho hình sức mạnh.Bao lâu mà người ta còn chú mục đến tư tưởng trong tâm trí, thì đường năng lực tiếp tục chuyền đến nó, hễ con người càng quyết tâm chừng nào thì năng lực này càng được tập trung và hữu hiệụ chừng nấy. Việc đa số người thiếu hữu hiệu là do họ không tập trung sự chú ý mà suy nghĩ lan man, không việc gì trụ được trong tâm trí của họ lâu. Người ta thường vung vãi năng lực của mình, tìm cách chìu theo bất cứ ham muốn nào thoảng qua, để tâm vào bất cứ chuyện gì xẹt vào tâm trí họ. Do đó không một tư tưởng nào mà họ nghĩ đến có hình dạng rõ ràng, hay được sinh động đúng mức, kết quả là họ bị một màn sương dầy bao quanh, gồm những hình tư tưởng được tạo dở dang và đang tan rã, màn sương này còn là khối vật chất được sinh động nửa vời đang tàn lụi. Trọn khối giống như những hình thể vật chất đang mục nát, nên cảnh tượng ở cõi vô hình cũng không thoải mái và không đẹp, y như cảnh rửa nát ở cõi trần.Cảnh ấy sinh ra phần lớn chuyện bệnh hoạn của nhân loạị ngày nay.
Lý do khác của việc tạo hình không được hiệu quả là vì con người không được dạy về những luật của tư tưởng, điều này ta sẽ nói về sau trong bài. Lý do kế là luồng năng lực mà đa số người phát ra có tính chất thấp tới mức hình tư tưởng không bao giờ có được hoạt động độc lập, trừ phi đó là hoạt động của nhóm, chỉ khi nào năng lực cao được sử dụng, khi chất liệu có phẩm chất cao được dùng để tạọ hình thì nó mới có thể họạt động độc lập, bằng không nó sống động là nhờ năng lực của đám đông.
Một khi hình tư tưởng được linh hoạt và có hình thể rõ ràng bằng chất liệu cõi thanh rồi, với chất liệu này có tính cao hay thấp, nó có thể cho kết quả nơi cõi trần. Lấy thí dụ một người có tư tuởng thân ái, họ đã tạo ra tư tưởng ấy và làm sinh động nó, hình trở thành vật ở cõi thanh mà ai có thông nhãn (clairvoyance) đều thấy được, nó hiện hữu bằng chất thanh khí (ether) bay lượn gần họ. Tư tưởng sẽ tìm cách biểu lộ bằng cử chỉ dễ thương hay bằng sự vuốt ve ở cõi vật chất, khi điều này được thực hiện rồi thì cái chú tâm vào hình tàn đi và hình tan biến. Tư tưởng tội phạm cũng y vậy, khi nó được tạo ra rồi thì chuyện không tránh được là nó sẽ tìm cách thể hiện ở cõi trần bằng hành động này hay hành động khác. Tóm tắt thì mọi hành động đều là kết quả của một trong những điều sau:
– Hình tư tưởng được tạo nên một cách ý thức hay vô thức.
– Hình tư tưởng do tự đương sự phát khởi.
– Hình tư tưởng của những người khác.
– Đáp ứng lại động lực bên trong của một người, hay động lực của người khác tức hình tư tưởng nhóm.
Vì vậỵ ta thấy rõ hình tư tưởng là vấn đề thiết yếu như thế nào, và con người bị hình tư tưởng của họ hay của người khác tạo ra ảnh hưởng đến họ ra sao.
Khi hai kẻ đang yêu bầy tỏ tình thương nồng nàn không ích kỷ với nhau, niềm hạnh phúc của họ có hình tư tưởng sáng rỡ và thiên thần ở cõi cao đón lấy hình, mang đến cho ai bị đau khổ. Thiên thần đưa hình vào hào quang có màu xám vì chứa đựng sự lo buồn, rầu rĩ, nét sáng và màu sắc đẹp đẽ của hình làm cho hào quang bớt u tối, ảm đạm. Kết quả là người ta không biết tại sao nhưng cảm thấy nỗi sầu khổ dần dần có vẻ như bớt đi, và họ thấy được nhẹ lòng.
III. Số Phận của Hình Tư Tưởng
Hình tư tưởng khi được tạo đúng cách theo luật thì có số phận như vừa kể, mà nó cũng có thể không được như vậy. Con người tạo nên hình bằng chất liệu cõi trí mà không biết cách gửi nó đi để thực hiện ý định, tức không tách rời được với người tạo ra nó, thế nên nhiều hình tư tưởng chết một cách tự nhiên ở cõi trí, do việc con người không thể sử dụng ý chí của mình đúng cách, cũng như không hiểu luật về cách tạo hình tư tưởng. Hình còn tàn lụi vì con người không có khả năng tham thiền lâu đúng mức, và tạo ra tư tưởng rõ ràng đủ để thực hiện nơi cõi vật chất.
Trong vài trường hợp, tư tưởng và ý nghĩ của một người có thể mang lại kết quả vì nó hợp với mục đích và kế hoạch của ai biết luật huyền bí, hoặc là huyền bí gia chân chính hay kẻ tà đạo. Khi đó hình thể có được nội lực, thành một thực thể riêng biệt tức tách rời được với người tạo ra nó, và bay đi thực hiện ý định. Điều này giải thích cho một số thành công có vẻ hết sức lạ lùng mà ngườí ích kỷ, hay không suy nghĩ hiệu quả, thực hiện được.
Ở trường hợp khác, hình tư tưởng gửi đi không làm được ý định của chủ nhân và quay trở về, lúc ấy nó trở thành một đe dọa cho người đã tạo ra nó, và người này trở thành nạn nhân cho chính điều mà họ đã tạo ra. Dân gian có ý thức đôi chút về việc này với câu chuyện về thầy phù thủy bị âm binh vật, thầy phù thủy ở đây là nhân vật biết đôi điều về các luật huyền bí, luật về tạo hình tư tưởng và gửi nó đi tới đích, còn âm binh là tinh linh không có cá tính riêng mà chịu sự sai khiến của người biết luật. Khi hình quay trở lại, tinh linh tạo hình thu hút lấy năng lực của chủ nhân làm cho họ kiệt quệ năng lực. Tinh linh đều hiện diện trong mọi hình, chúng đáp ứng lại tính chất của tư tưởng và sử dụng vật liệu tương ứng để tạo hình, thế nên tư tưởng lành thu hút tinh linh lành và chất liệu thanh cao tốt đẹp, và ý định xấu thu hút tinh linh cùng vật liệu giống nó.
Tư tưởng là vật nguy hiểm, và chúng ta có thể bị nguy hạị tới mức chết người vì tư tựởng của chính mình, đây là điều không bao giờ nên quên. Hình tư tưởng có thể đầu độc con người ở cõi trí theo hai cách sau:
● Thứ nhất, nó trở nên mạnh mẽ ở cõi trí tới mức con người thành nạn nhân của vật mình tạo ra, họ bị ám ảnh và hóa điên loạn, tư tưởng quay ngược trở lại tấn công chủ của mình.
● Thứ hai, tư tưởng sinh sản nhanh tới độ hào quang cái trí của họ hóa giống như đám mây dầy, đặc, ánh sáng của linh hồn không thể soi thấu, sự sống đẹp đẽ của thiên nhiên và hoạt động trong ba cõi cũng không xuyên qua được. Con người bị chính hình tư tưởng của mình đè ngạt, bị chính ảo tưởng mà mình đã tạo ra lôi cuốn và tuân theo nó.
Vài tư tưởng làm thể tình cảm có phản ứng độc hại, nó sinh ra lòng thù ghét, ghen tuông, ganh tị, và biểu lộ nơi cõi trần bằng hành động gây nên cái chết của người sáng tạo ra chúng. Trong một số trường hợp ta có việc sát nhân là kết quả của chủ ý được kết tinh, hay nó có thể thành bệnh tật. Tư tưởng trong sạch, động cơ chính đáng và ước muốn đầy thương yêu là cách sửa chữa bệnh đúng cách, và khi con người suy nghĩ được như vậy thì bệnh tật sẽ lần lần giảm đi.Lúc này tình hình chưa được như vậy vì đa số người chỉ ham muốn, và có ít người suy nghĩ.
Ta đừng bao giờ quên rằng những đấng cao cả không tìm kiếm ai chỉ biết ham muốn và có ước vọng mà thôi, các ngài tìm những ai hòa lòng ham muốn với sự quyết tâm học cách dùng thể trí của mình và trở thành người sáng tạo, làm việc một cách xây dựng để đi tới mục đích này. Như vậy ta thấy tại sao trong tất cả mọi hệ thống huấn luyện huyền bí chân chánh, có việc chú tâm vào chánh tư duy (suy nghĩ đúng đắn), ước vọng đầy tình thương và đời sống trong sạch, thanh khiết. Chỉ khi được như vậy thì công việc sáng tạo mới được thực hiện an toàn, hình tư tưởng biểu lộ nơi cõi thấp thành vật thể, và thành khí cụ xây dựng nơi cõi trần.
Trong trường hợp hình tư tượng không thể hiện thành kết quả nơi cõi trần, lý do đưa ra là hoặc thể tình cảm bị loạn động hoặc ước muốn không đủ mạnh để thúc đẩy tư tưởng biểu lộ. Theo đó tư tưởng hay ước vọng đẹp đẽ sinh ra trong lúc tham thiền bị cuốn hút vào thể tình cảm hỗn lọạn của họ, nó gặp lòng sợ hãi, nghi ngờ, thù ghét. Các lực này mạnh hơn hình tư tưởng và nhận chìm nó, hình tàn lụi đi và con người ý thức rằng công khó tan thành mây khói. Có khi con người không ích kỷ nhưng thể tình cảm bị xáo trộn như hân hoan hoặc chán nản thái quá, hài lòng hay bất mãn với kết quả đạt được hay không đạt được. Gặp phải rối loạn tình cảm mạnh mẽ như vậy hình tư tưởng dù được tạo ra cẩn thận và đầy nguyện ước cũng không đạt được gì, tựa như thả thuyền giấy vào hồ nước xoáy hay có sóng dồn dập tức không có sự tĩnh lặng bình an, thuyền bị cuốn vào xoáy tình cảm rồi biến mất.
IV. Sự Nguy Hại Của Hình
Có ba nguy hạị chính liên hệ đến việc tạo hình tư tưởng sai lầm mà ta ta cần biết để tránh.
1. Hình tư tưởng mạnh mẽ có thể tác động như cái boomerang của người thổ dân Úc, tức đồ phóng khi được ném ra sẽ quay trở lại người đã ném. Hình tư tưởng có thể sẽ trở về với vận tốc mạnh hơn, thí dụ tư tưởng thù ghét trở về người đã tạọ ra nó cộng thêm với năng lực của kẻ bị thù ghét, và gây khủng hoảng cho chủ nhân của nó.Bởi vậy có lời khuyên là không nên thù ghét, vì thù ghét luôn trở về nơi chốn nó đã ra đi. Thí dụ khác là nỗi ước ao mạnh mẽ để có được sở hữu vật chất cuối cùng, cũng trở lại mang theo cái mà người ta đã ước ao, nhưng trong đa số trường hợp khi ấy họ không còn ước ao điều đó nữa, và nó trở thành gánh nặng, hay là họ đã có nhiều hơn mong muốn và không biết làm gì với cái có thêm. Khát vọng tinh thần nồng cháy cũng có thể mang tới một lượng năng lực tinh thần ào ạt trong phút chốc mà con người chưa sẵn sàng để tiếp nhận, chưa thể dùng và con người bị chìm đắm sâu thêm vào thế giới ảo ảnh, vì tưởng rằng mình tiến đã xa. Thế nên cần có lòng khiêm tốn, ao ước phụng sự và quên mình, nếu ta muốn tạo hình đúng cách và đúng thực.
2. Hình tư tưởng có thể hành động như là tác nhân gây độc, và làm độc cuộc sống. Nó có thể không đủ mạnh để thoát khỏi hào quang của chủ nhân để bay tới hào quang khác, được tăng cường sức mạnh rồi trở về, nhưng nó có thể có sức sống của riêng mình tàn phá được đời sống của người sinh ra nó.Thí dụ là lòng ghét bỏ dữ dội, nỗi lo lắng gậm nhấm, ganh tị, có thể gây bực bội hay làm độc khiến cho trọn cuộc đời bị hư hại đi, và họ không làm được gì tốt đẹp cho mình hay cho người. Trọn cuộc đời có sự cay đắng và bị mất sinh lực vì nỗi thù ghét, lo rầu hay ao ước sự không toại nguyện đó. Mối liên hệ của họ với người khác cũng hóa ra vô ích hay có hại, vì thái độ nghi ngờ làm phá hủy tình thân trong nhà hay với bạn hữu, đời sống tâm linh bị dậm chân tại chỗ, họ không thể tiến lên được bởi chất độc trong trí não trì kéo họ lại. Đây là một trong những khó khăn thông thường nhất, có nguồn gốc là đời sống riêng ích kỷ.
3. Nguy hiểm chót cần canh phòng là con người có thể bị ám ảnh bởi chính tư tưởng của mình, dù đúng dù sai. Ta đừng quên rằng tất cả những tư tưởng đúng chỉ có tính cách tạm thời, và cuối cùng phải được xem như là chỉ đúng một phần và nhường chỗ cho chân lý cao cả hơn, cái gì được xem là đúng ngày hôm nay về sau sẽ thấy nó một phần của một điều khác đúng hơn.
Ai đó có thể bắt được vài nguyên tắc nhỏ của MTTL thật rõ ràng, và tin vào sự đúng thực của chúng tới nỗi hình ảnh rộng lớn hơn bị quên lãng đi, anh tạo hình tư tưởng quanh chân lý một phần mà anh thấy, nó trở thành nhà tù giam hãm làm cho anh không tiến bước, bởi anh quá tin chắc vào chân lý đó, rằng mình đã tìm ra chân lý và không nhìn thấy chân lý của ai khác. Anh quên mất giới hạn của trí não mình, chỉ sống vì chân lý nhỏ bé ấy và áp đặt hình tư tưởng của mình lên người khác. Anh thành người cuồng tín, tâm trí thiếu quân bình cho dù thế giới nghĩ rằng anh lành mạnh.
Để đối phó với những nguy hiểm này:
● Việc đầu tiên và quan trọng hơn hết là tập lòng Vô Hại (Harmlessness) trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nó là lòng Vô Hại tích cực phải cảnh giác luôn luôn mà không phải là lòng khoan hòa tiêu cực buông xuôi.
● Kế đó là việc canh giữ tư tưởng , theo dõi ý nghĩ, ngăn cấm không cho phép trí não có một vài lối suy nghĩ nào đó, và thay thế vài thói quen suy nghĩ đã lâu bằng cách suy nghĩ sáng tạo và xây dựng, hay lãng quên vài tư tưởng có trước đây để thấy được những chân trời mới và để cho tư tưởng mới có thể bước vào. Muốn làm điều này thì người ta cần tỉnh thức từng ngày từng giờ tới khi thói quen cũ biến mất, và nhịp hoạt động mới được lập vững vàng.Khi ấy tư tưởng sẽ chú tâm rất mực vào ý tưởng tinh thần mới, và hình tư tưởng cũ không còn làm người ta để ý tới nữa.
● Việc làm thứ ba là từ chối không sống trong thế giới tư tưởng của mình, mà bước vào thế giới của ý niệm và dòng tư tưởng đương thời của nhân loạị. Thế giới của ý niệm là thế giới của linh hồn, của thượng trí, còn dòng tư tưởng và quan niệm đương thời là của nhân loạị và thuộc về hạ trí. Con người cần linh hoạt trong cả hai thế giới ấy, khi tham thiền là họ hoạt động trong cõi của linh hồn, và khi đọc rộng, quan tâm đến các việc của đời sống cùng tìm hiểu chúng là sống trong cõi thứ hai. Chót hết, người ta cần học cách tách rời khỏi hình tư tưởng một khi đã tạo xong, tức làm việc với lòng dứt bỏ. Ta biết rằng khi sống như linh hồn thì tinh thần sẽ từ trên cao tràn qua con người, khiến hình tư tưởng thể hiện ý tưởng tinh thần và làm trọn công việc của nó là tạo ảnh hưởng ở cõi trần, công việc của người nằm ở cõi ý tưởng mà không liên quan đến kết quả cụ thể, phần kết quả này sẽ tự động đáp ứng lại động lực tinh thần.
Tới đây ta thấy có nhu cầu phải suy nghĩ rõ ràng, không có tư tưởng ơ thờ, phá hoạị và tiêu cực nếu muốn tạo hình tư tưởng hữu hiệụ. Khi năng lực trí tuệ tăng dần, và khi con ngườì càng lúc càng biết phân biệt tư tưởng của mình với tư tưởng của khối đông thì tư tưởng càng mạnh thêm, khả năng giúp đời hay hại đời tăng dần, và trừ phi họ học cách tạo hình đúng đắn, tốt lành, họ có thể trở thành tác nhân phá hoại, là trung tâm phát sinh ra lực gây tổn thương cho mình mà cũng cho ai rung động cùng nhịp với họ.
Nói về tương lai, việc tạo hình tư tưởng càng lúc sẽ càng quan trọng vì con người dần dần sử dụng cái trí nhiều thêm, đa số nguy hiểm sinh ra do việc tạo hình và con người trở thành nạn nhân của sản phẩm do mình sinh ra. Sự việc hay thấy nơi loại người lãnh đạo, nơi ai có suy nghĩ độc lập và do đó có khả năng suy nghĩ minh bạch, sử dụng cái trí tự do. Ta đã thấy diễn trình là nhận thức ý tưởng, suy tư làm cho nó cụ thể rồi làm hình trở nên sinh động. Chỉ khi hình xuống tới cõi tình cảm, thu hút làm cho hình thêm vẻ mỹ lệ, màu sắc và nguy hiểm bắt đầu từ đây.
Hình này có khả năng thu hút, cầm giữ người về mặt trí tuệ lẫn tình cảm. Nếu người ta không có óc cân bằng, biết giá trị tương đối của sự việc và thiếu óc khôi hài, hình tư tưởng có thể mạnh đến mức họ bị lôi cuốn theo, không đủ sức rút lui. Họ không thấy gì khác ngoài tư tưởng ấy, không tin và không làm gì khác ngoạị trừ hình đang cầm giữ họ chặt chẽ. Người như vậy là kẻ mang thành kiến và hung bạo trong bất cứ nhóm nào, giáo hội hay chính phủ nào. Họ thường có tính thích gây đau đớn, hay theo một giáo phái và ngành khoa học, sẵn sàng hy sinh gây thiệt hạị cho ai mà họ xem là thù nghịch đối với tư tưởng họ xem là phải, là thật. Người gây ra tòa án giáo đình (Inquisition) thời trung cổ của giáo hội Công giáo, là thí dụ tệ hại nhất của khuynh hướng phát triển tư tưởng này.
Thái độ tin tưởng mù quáng vào quan niệm và sùng bái cá nhân, thấy ở bất cứ nơi đâu và trong mọi tổ chức, người như vậy có phần tâm lý không quân bình, và khó được giải quyết vì giai đoạn đầu có vẻ tốt đẹp, hữu lý. Con người gia nhập một nhóm thường là điều tốt về mặt tâm thần, vì nó làm họ hướng ngoạị, khiến cho năng lực có nơi thích hợp tuôn ra. Bao lâu sự việc chỉ có vậy và không có gì khác thì không có nguy hiểm thực sự, nhưng khi tầm nhìn của một người về kẻ khác và những cơ hội lớn hơn bị lu mờ hay bắt đầu phai dần đi, khi giáo lý thuộc loạị nào đó, một trường phái tư tưởng hay bất cứ lý thuyết nào chiếm trọn tư tưởng của họ, tới mức lọại bỏ mọi quan niệm khác hay cơ hội khác, khi ấy phần tâm lý có mầm rối loạn và con người gặp nguy hiểm.
Rối loạn tâm thần cũng xảy ra khi trọn khả năng tư tưởng của một người được sử dụng về một hướng duy nhất, thí dụ như về sự thành công trên thương trường, chế ngự mặt tài chánh, khi ấy người ta có trục trặc về mặt tâm thần.
Đây là trục trặc đặc biệt về sự hoà hợp ba thể, vì nó sinh ra do cái trí bị kích thích và phần trí tuệ tìm cách kiểm soát cái ngã, con người thấy muốn có uy thế, thế lực, và thành công dưới hình thức được cấp trên mà họ sùng bái lưu tâm, hay thành công do mua bán được như ý trên thị trường tài chính, sẽ nuôi dưỡng sự khích động này. Thế nên tới lúc người ta cần lưu tâm đến vấn đề phàm ngã, với sự hòa hợp và phát triển đồng đều ba thành phần là xác thân, tình cảm và trí tuệ. Bất cứ sự nhấn mạnh quá đáng nào về nghề nghiệp, ước vọng, chủ thuyết hay tư tưởng được xem là dấu hiệụ không hay, để có nỗ lực làm hai việc là có phát triển về mọi mặt, và có nỗ lực hòa nhập vào phần linh hồn và với nhóm.
Còn một nguy hiểm khác là việc con người không phân biệt được điều kiện thật và hình tư tưởng. Cõi trí và cõi tình cảm có đầy hình tư tưởng, khi tiếp xúc với những hình này người ta có thể tin đó là điều thật. Hình tư tưởng về các đấng cao cả mà tín đồ tạo ra từ cả ngàn năm nay hiện diện ở đây, được lòng sùng tín nuôi dưỡng nên rất sống động. Con người bắt gặp chúng và nghĩ rằng mình gặp được Chúa, Phật, thánh nhân, được chọn lựa để rao giảng chân lý, và tuân theo các ý tưởng chứa đựng trong hình một cách mù quáng vô điều kiện. Hình vì thế trở thành hiểm họa cho hoạt động tự do của linh hồn và không có giá trị thực sự. Tâm thức con người không vượt lên cõi cao, vẫn còn bị giới hạn trong cõi tình cảm, vướng bận vào hiện tượng đẹp đẽ cõi ấy.
Hiện tượng này có thể rất thanh cao và đầy hứng khởi, nhưng đó là phản ảnh những suy nghĩ của người có ao ước thánh thiện từ xưa đến nay.Chúng là phản ảnh mà không phải thực tại. là phó bản thay vì chính chân lý (trực nhận ở cõi bồ đề), là sản phẩm của con người thay vì thiên ý. Lầm lẫn này cũng có điều lợi, ấy là con người cần phân biệt giữa cái giả và cái thật, giữa chân lý với sai lầm ở cõi tình cảm, nên ai bị nhầm lẫn là đang học bài học cần thiết. Để tránh sự lẫn lộn này, con người cần thoát khỏi lôi cuốn tình cảm, phát triển đúng đắn có nghĩa người ta luôn luôn trụ vào cõi trí. Viễn ảnh nhờ đó không bị mù mờ, đối với quần chúng người ta có thể dùng sức thu hút tình cảm có kiểm soát để làm cho viễn ảnh được chấp nhận, nhưng cho chính mình thì người ta phải luôn giữ không để bị tình cảm chi phối.
Một cách đề phòng nữa là vun trồng lòng khiêm tốn thực sự. Ai nghĩ rằng mình được đấng cao cả chọn làm phát ngôn viện để giảng chân lý hay cứu chuộc thế giới, có khuynh hướng chia rẽ với những vị huấn sư khác, từ chối không nhìn nhận nhiều khía cạnh khác biệt của một công tác chung, nhiều đường lối mà thiên trí vạch ra để lo cho quần chúng. Cái hiểu biết thực sự sẽ mang lại niềm tin là có nhiều người cùng nói một điều, và có nhiều con đường dẫn người trở về Thượng đế.Tinh thần hòa đồng, bao trùm nhờ vậy phát triển thay vì óc phân rẽ, cao ngạo, và con người có thể tin tưởng rằng viễn kiến và nhận thức của mình là thật.
Việc làm kế là từ chối không sống trong thế giới tư tưởng của mình, mà bước vào thế giới của ý niệm và dòng tư tưởng đương thời của nhân loại.Thế giới của ý niệm là thế giới của linh hồn, của thượng trí, còn dòng tư tưởng và quan niệm đương thời là của nhân loại và thuộc về hạ trí. Con người cần linh hoạt ở cả hai thế giới ấy, khi tham thiền là họ họạt động trong cõi của linh hồn, và khi đọc rộng, quan tâm đến các việc của đời sống cùng tìm hiểu chúng là sống trong cõi thứ hai.
V. Cách Hình Thể Hiện
Điều cần nhớ là mỗi tư tưởng của con người, hoặc cá nhân hoặc của nhóm, cuối cùng sẽ biểu hiện ở cõi trần. Đây là luật không tránh được và không thay đổi, do vậy nghiên cứu về luật cho ta thấy nguy hiểm của tư tưởng bậy là như thế nào, và tiềm năng của tư tưởng lành to tát ra sao. Tiềm năng của tư tưởng nhân loại lúc này chính yếu thuộc về tư tưởng quần chúng, vì có ít người thực sự có thể suy nghĩ sáng tạo. Thế thì dư luận, ý kiến khối đông, khuynh hướng về ham muốn và tư tưởng của con người vào lúc này chưa ở mức độ cao, làm cho sự thể hiện nơi cõi trần của chúng có dạng đáng chú ý. Đặc tính những hình này là chúng thường rất giống nhau, hỗn loạn, mơ hồ, nhuộm màu ích kỷ và tư lợi, dựa trên lòng ưa thích hay ghét bỏ, ao ước và thành kiến, và kết quả trực tiếp là chúng thể hiện thành dịch côn trùng nơi cõi trần. Khối lượng đông đảo côn trùng đang gây hại cho trái đất, và khiến khoa học gia, nhà canh nông phải bận tâm, dầu vậy ta cũng có viễn ảnh tốt đẹp là khi con người học cách suy tư bớt ích kỷ hơn, với lòng trong sạch nhiều hơn, và ác tâm, thù hận, ganh đưa nhường chỗ cho tình huynh đệ, nhân ái và hợp tác thì dịch côn trùng đa số sẽ tàn lụi đi.
Nay ta qua chuyện lý thú là việc hình thành những phong trào hay hoạt động có ảnh hưởng rộng lớn, làm thay đổi chiều tiến hóa của thế giới. Mọi việc khởi đầu bằng tư tưởng, có nghĩa bắt nguồn từ cõi cao, trong tất cả phong trào to lớn Thiên Đoàn gieo tư tưởng hay nhiều tư tưởng vào trí của người có lý tưởng, các ngài tìm một người hay một nhóm người thích hợp và đưa vào tâm não họ tư tưởng nào đó. Chúng nẩy mầm trong trí óc người đó, và được diễn dịch bằng tư tưởng khác không trong sạch và không khôn ngoan bằng, và chắc chắn bị nhuộm màu cá tính của họ.
Bây giờ tới phiên những hình này được người suy nghĩ thực tiễn và cụ thể ở cõi trần, nắm bắt được nét chính yếu, kết tinh chúng, kiến tạo thành hình có đường nét rõ ràng làm quần chúng tiếp nhận, hiểu dễ hơn. Tới mức này hình đã xuống các cảnh thấp của cõi trí, nay những ai trụ vào cõi tình cảm thấy rằng đó là chuyện đáng ước ao, đối với họ nó có sức thu hút, mời gọị về mặt tình cảm và trở thành quan niệm chung. Khi được như vậy thì tư tưởng sẵn sàng biểu lộ thành vật cụ thể nơi cõi trần. Tiến trình đi từ cõi bồ đề xuống cõi trần của ý tưởng khiến nó mất phần nào sự mỹ lệ ban đầu, không còn tinh tuyền và tuyệt mỹ như lúc mới đựợc suy tưởng, và bị biến dạng so với hình tiên khởi, nhưng nó ứng dụng đựợc cho công chúng, và có thể dùng làm bước tiến đến những chuyện cao đẹp hơn. Một vài phong trào được gợi hứng và thành hình như cách trên có thể kể là hội Quốc Liên sau thế chíến thứ nhất, hội Hồng Thập Tự quốc tế, phong trào nghiệp đoàn lao động (để quân bình thế lực tư bản), phong trào Agnotism (Bất Trí, để chống lại sự tin tưởng mù quáng vào tín điều tôn giáo.)
Trong diễn trình cụ thể hóa ý tưởng này ta nhận thấy là ngoài việc đưa ra viễn ảnh, các đấng cao cả không thể làm gì thêm được, viễn ảnh có thể có tiềm năng hết sức lớn lao, và con người cũng có thể thấy được phương thức để thực hiện chúng, nhưng các ngài không đi xa hơn mà để chi tiết cùng đường lối cụ thể hóa, việc làm cần thiết cho con người lo liệụ, nên thành quả tùy thuộc rất nhiều vào tính chất của người làm việc thể hiện ở cõi trần. Các nhóm hay hạng người nói chung được chọn để ghi nhận ý tưởng từ trên cao gồm có ba loại:
–Ai có thể cảm được thiên cơ và được giao phó nhiệm vụ biểu lộ điều họ thấy.
– Ai có thể được sử dụng nhưng không thấy được các vấn đề lớn hơn.
– Ai không cảm nhận gì hết ngoại trừ những gì có liên quan đến quyền lợi riêng tư của họ.
Chân Sư có thể tiếp xúc với nhóm đầu tiên, và mong chờ kết quả trung bình, người có tính chất ấy bắt được ý tưởng và thấy được thiên cơ, nhóm thứ hai do người hiểu biết thuộc nhóm đầu sử dụng tới mức có thể được, còn nhóm thứ ba chỉ dùng khi nào cần.
VI. Điều Kiện Làm Việc
Một trong những điều kiện đầu tiên mà người hiểu biết cần vun trồng, để cảm nhận thiên cơ và được Chân Sư sử dụng là sự cô tịch. Cảnh vắng lặng của sự cô tịch làm cho phần thiêng liêng lên tiếng được, và trong sự cô tịch khả năng cùng tính chất của chân nhân có thể lắng sâu vào phàm nhân rồi đâm chồi, đơm hoa. Cũng trong sự cô tịch Chân Sư có thể tiếp xúc, gây ấn tượng cho tâm hồn tĩnh lặng phần hiểu biết mà ngài muốn truyền đạt, bài học cần phải học, phương pháp và kế hoạch mà người đệ tử cần nắm vững. Trong sự cô tịch người ta nghe được âm từ trên cao. Các đấng cao cả phải làm việc xuyên qua con người, và thiên cơ cùng viễn ảnh bị biến dạng khiếm khuyết rất nhiều do khả năng thiếu sót của kẻ trung gian. Về phần các Chân Sư, khó khăn và vấn đề mà các ngài gặp phải khi tìm cách dùng con người để đẩy mạnh cơ tiến hóa gồm vài nét sau:
Khi soạn xong kế hoạch và thảo luận, các ngài phân chia công việc và đối với ai sẵn lòng phụng sự, có phát triển đôi chút về tâm linh, các ngài tìm cách truyền đạt thiên cơ càng nhiều càng tốt. Chân Sư gieo ấn tượng và đề nghị về tầm mức công việc vào trí của người nam hay nữ ở cõi trần. Nếu cái trí không ổn định hay quá tự mãn, nếu nó đầy sự kiêu hãnh hay tuyệt vọng, tự ti mặc cảm thì viễn ảnh không đi vào được với đường nét trong sáng. Nếu thể tình cảm rung động dữ dội theo nhịp của phàm nhân sinh ra, hay nếu thân xác bị đau yếu và không thể tập trung tư tưởng được, thì Chân Sư đành phải quay đi, tiếc rằng cơ hội phụng sự đã bị đương sự làm mất vì chính yếu kém của họ, và ngài đi tìm người khác để giải quyết nhu cầu, người này có thể không thích hợp bằng, nhưng là kẻ duy nhất có sẵn chỉ vì người trước không thể được sử dụng.
Người đệ tử chỉ hữu dụng và làm được việc khi họ kiểm soát và điều hợp được ba thể, có thể trí ổn định, hướng về cõi cao để tiếp nhận qua việc có làn rung động thích hợp với tần số cao,và không đáp ứng với làn rung động có tần số thấp. Họ cũng có thể tình cảm trong trẻo, không màu sắc và an tĩnh, có thể xác an nhiên, dẻo dai, cho Chân Sư sử dụng, là con kinh qua đó ngài có thể tuôn tràn ân phước xuống nhân loại mà không bị cản trở.
Ta cũng nên biết rằng ngay cả những đấng cao cả vẫn phải để qua bên kế hoạch của các ngài, phần lớn là sự thiếu ý thức của người nơi cõi trần mà các ngài sử dụng để làm việc. Chân Sư bị trói tay và tùy thuộc vào vận cụ của ngài nơi cõi trần, và mối quan tâm chính của các ngài là về mức tiến hóa của khối đông người ở đông phương. Bởi còn rất nhiều việc phải làm mà công việc của Chân Sư thường khi bị ngăn trở.
Vào lúc này đa số người hoạt động bằng cách có tư tưởng yếu ớt, ít oi mà hành động lại mau. Mục đích nên nhắm tới là tập trung tư tưởng mau lẹ và hành động chậm chap, kết quả sẽ là hành động có tiềm năng mạnh mẽ vì không có động lực nào mất mát, phản ứng trì hoãn, và không có khuynh hướng ngần ngại. Chủ ý của con người suy tư trụ vào cõi trí, tiến trình thể hiện của tư tưởng sẽ không tránh được và chắc chắn xảy ra. Khi ý tưởng được nắm bắt rõ ràng, chủ tâm được hướng vào sát vấn đề và năng lực tuôn vào đó thì kết quả sẽ là sự hiển hiện không gì cưỡng lại, thành hành động mạnh mẽ nơi cõi trần.
Tuy nhiên ít khi điều ấy xảy ra, thực tế là con người ước ao mong muốn thấy tư tưởng biểu lộ và ý kíến được thành hình, họ mất nhiều thì giờ hoạt động nơi cõi trần, phung phí năng lực khi đồng hóa với hình thể đã tạo, thay vì giữ cho mình tách biệt với nó và hành xử như là tác nhân hướng dẫn mà thôi. Đường lối nên theo là học cách làm việc nơi cõi trí, tạo hình tư tưởng và nhớ rằng nếu đắm chìm vào hình mà ta có trách nhiệm thì nó có thể ám ảnh, chế ngự và khi ấy hình trở thành yếu tố chi phối thay vì mục tiêu khiến hình được tạo. Nơi đây có sự phân biệt tế vi nhưng rất quan trọng giữa hình tức vật chất và mục tiêu là ý tưởng tinh thần. Bất cứ điều gì tạm thời tăng cường uy lực của vật chất, thêm vào tiềm năng của vật chất thì có khuynh hướng tả đạo, đưa đẩy tâm trí dần xa khỏi thiên cơ và mục tiêu mà hình hướng về. Ngựợc lại tất cả công việc và hình tư tưởng nào (mà khi thể hiện thành một tổ chức, tôn giáo, trường phái tư tưởng, một cuốn sách hay hoạt động cả đời về bất cứ loại gi) biểu lộ lý tưởng tinh thần và đặt nặng vào sự sống thay vì hình thể, thì đó là chánh đạo, vì chúng dẫn con người bước ra khỏi hình thể vào sự sống, khỏi vật chất vào tâm thức.
VII. Hiện Trạng Ngày Nay
Một trong những trở ngại lớn nhất trên con đường trở về, và điều mà con người có trách nhiệm rõ ràng về mặt huyền bí, là những hình được linh hoạt mà họ sinh ra từ giữa thời châu Atlantis, lúc cái trí quan trọng dần. Tính ích kỷ, động cơ xấu xa tạo nên một hình tư tưởng khổng lồ bay lượn trên đầu trọn khối nhân lọại. Con người khắp nơi đã tạo ra nó từ hàng ngàn năm qua, nuôi dưỡng hình bằng năng lực dục vọng điên cuồng, khuynh hướng xấu xa của tất cả những gì tệ nhất trong nhân tính. Con người cần làm vỡ và làm tiêu tan hình, cũng như các Chân Sư lo việc hủy diệt nó. Theo luật nhân quả, hình phải bị tiêu hủy do chính ai đã sinh ra nó nên công việc của Chân Sư chỉ được gián tiếp, và có hình thức là soi sáng, làm ta giác ngộ từ từ để thấy hình ảnh đáng sợ cần chuyển hoá.
Mỗi khi có ai thức tỉnh thì phần việc của các ngài được dễ dàng hơn, có nghĩa một đường nhỏ chứa năng lực sự sống được tuôn tràn vào con kinh mới, tuôn khỏi dòng kinh cũ có khuynh hướng sinh động và nuôi dưỡng hình xấu xa cũ; nó cũng hàm ý có thêm một người hữu thức có thể được huấn luyện và hợp tác trong việc phá hủy hình. Người như vậy tách khỏi hoạt động mù quáng của nhóm, mà trở thành trung tâm lực có ý thức để phá vỡ khối tư tưởng nói trên. Việc phá vỡ được thực hiện ở cõi trí, và đó là lý do huấn luyện con người tham thiền và làm việc bằng chất liệu cõi trí, tức biết các luật về hình tư tưởng. Mục tiêu thực sự của tất cả những vị huấn sư huyền bí không phải là đưa ra hiểu biết, mà là huấn luyện đệ tử cách sử dụng năng lực tư tưởng.
Sự thực nay được nhìn nhận nói rằng mọi biểu lộ ở cõi trần là kết quả của tư tưởng trước tiên, kế đó là dục vọng rồi hoạt động ở cõi trần.Ban đầu một người thấy viễn ảnh và việc có thể thực hiện được, họ nghiền ngẫm hình ảnh đó và nó đi vào tâm tưởng họ, rồi hình tư tưởng được tạo ra, hoặc là hình cái xe hơi, một chính đảng, một thuyết về kinh tế. Người ấy suy tư nhiều khiến vùng từ lực hóa mạnh đến nỗi lòng ham muốn khởi dậy, và giấc mơ hay viễn ảnh có sức sinh động mới.Tới khi ham muốn phát triển đủ mạnh, viễn ảnh sẽ lắng đọng xuống cõi trần, hoạt động nơi đây và phương pháp cụ thể dần dần làm cho hình tư tưởng biểu lộ thành thực tại, thành hữu hình. Tư tưởng, ham muốn và hoạt động vì vậy là lịch sử của viễn ảnh và giấc mơ của nhân loại, và bởi nó bắt đầu bằng cái trí, điều hiển nhiên là khả năng trí tuệ cần phát triển để tư tưởng có cơ thành tựu như mong muốn.
Đây là kết quả của sự gắng công khó nhọc và óc phân biện, nó cần hai điều sau:
– Suy nghĩ minh bạch, không phải chỉ về vấn đề mà người ta chú ý đến, mà về tất cả những gì ảnh hưởng đến nhân loại. Nó can dự đến việc sử dụng chất liệu cõi trí và khả năng xác định, tức khả năng dùng chất liệu cõi trí để tạo hình tư tưởng và dùng hình này trợ giúp con người. Ai không suy nghĩ rõ ràng, có thể trí lộn xộn là sống trong sương mù, và ai ở trong sương mù thì chỉ là người mù muốn dẫn dắt người mù khác.
– Khả năng làm tĩnh lặng cái trí, để tư tưởng nơi cõi trừu tượng và trực giác có thể thấu nhập mỗi khi con người tiếp xúc được với nơi ấy. Điều này chỉ đạt tới được sau việc thực hành định trí và tham thiền nhiều năm.
Tổng kết của bài thì mỗi tư tưởng, lời nói không lành là thêm sức mạnh cho hình tư tưởng to lớn và nguy hại cần được phá hủy, cũng như tư tưởng trong sáng đẹp đẽ chẳng những giảm được bệnh tật, mà còn có thể làm cho dịch côn trùng bớt đi. Công việc của chúng ta là học cách làm việc trên cõi trí, trụ vào cõi trí, kiểm soát tư tưởng, giữ cho cái trí luôn luôn có sự sáng. Thế giới bị một hình tư tưởng khổng lồ có từ xưa bao trùm, hình này cần được phá hủy bằng việc tuôn tràn ánh sáng từ cõi cao, làm tan ảo ảnh, huyễn tưởng. Ánh sáng đó là nhận thức đúng đắn về sự việc, là chân lý bắt được trong phút giác ngộ và cố gắng giữ chân lý ấy trong tâm. Tư tưởng là vật có sức mạnh hoặc phá hủy hoặc xây dựng, và khi cái trí càng được phát triển như hiện nay, việc canh giữ tư tưởng càng ngày càng trở nên quan trọng.
Cúc Trắng
Sách tham khảo:
A Treatise on White Magic by Alice A. Bailey
A Treatise on Cosmic Fire “
The Externalisation of the Hierachy “
Discipleship in the New Age “