VAI TRÒ CỦA QUYỀN NĂNG
Mục đích thứ ba của Hội Theosophia có đôi khi gây hiểu lầm nên bài sau đây trình bầy vài ý kiến về vấn đề quyền năng.
A. Các Loại Quyền Năng
Có hai loại quyền năng chính tùy theo sự tiến hóa của con người, một cái thấp đã qua rồi mà con người có thể gợi lại, một cái cao đang chờ được phát triển. Phân chia theo cách khác thì một cái thuộc về phàm nhân và một cái thuộc về Chân nhân. Nói rộng ra hơn:
1. Một là quyền năng cũ mà con người đã phát triển và có được trong quá khứ, chúng chôn vùi trong tiềm thức, nằm khuất lấp đằng sau trong khi con người dùng tâm thức hiện tại để lo phát triển cái trí. Đây là quyền năng của giai đoạn dẫn tới việc phát triển phàm ngã.
2. Quyền năng cao hơn của linh hồn, mang dấu hiệu có ý thức tính thiêng liêng, có tính cách lớn lao hơn.
Tuy ta phân biệt như vậy nhưng tất cả mọi quyền năng tâm linh đều thuộc về một đại hồn, chỉ tùy theo không gian và thời gian mà một số biểu lộ như là tâm thức nơi loài vật, số khác biểu lộ như là tâm thức con người, và rồi là con người thiêng liêng. Sự tương quan giữa các khả năng, quyền năng trong ba loài có thể ghi tổng quát là:
– Thị giác dẫn tới Viễn ảnh thần bí
– Thính giác tới Viễn cảm telepathy
– Xúc giác cho ra Thông cảm
– Vị giác liên quan đến Trực giác
Bản năng nơi mỗi loài là một trong những giai đoạn của tâm thức, là sự mở rộng từ từ cái khả năng ý thức về môi trường mà linh hồn hoạt động theo mức của nó. Môi trường có thể nặng về vật chất, hiện tượng như ở loài vật và mức thấp của con người, hay có thể nghiêng về tinh thần.
Kế đó, những quyền năng tâm linh còn sơ khai nơi bản tính thú vật là dấu hiệu khơi mào cho khả năng của linh hồn. Khi thấu hiểu điều này, chúng ta thấy rằng những quyền năng giai đoạn cho phép ta ý thức một số cách sống, sự hiện hữu, nhưng chúng là giai đoạn chuyển tiếp, và không thể thay thế cho quyền năng cao. Quyền năng thấp là quyền năng thật sự, như thông nhãn thông nhĩ (clairvoyance, clairaudience), nhưng đó không phải là quyền năng cao nhất hay là mục tiêu con người nên nhắm tới. Chúng là quyền năng ở mức thấp nhất của con người, và do đó liên hệ mật thiết với thú vật, nói khác đi con người sơ khai ở nấc thang ngay trên thú vật và chia sẻ quyền năng thấp với chúng. Điều này được chứng minh là người sơ khai biểu lộ những khả năng này nhiều hơn người trung bình, là linh hồn ở nấc thang cao hơn nữa so với thú vật. Về một mặt khác ở nấc cao hơn, các quyền năng thông nhãn thông nhĩ cao bao trùm quyền năng thấp, theo đúng nguyên tắc cái cao bao trùm cái thấp, cái lớn chứa đựng cái nhỏ.
Ý tưởng này sẽ làm cho những ai cổ động luyện tập quyền năng loại thấp không vui, những ai thuộc các phong trào tâm linh, huyền bí, chú trọng về mặt quyền năng. Có người xem đó là dấu hiệu của tiến bộ tinh thần, và sẵn sàng nghe theo, đi theo ai bầy tỏ quyền năng ấy. Trong đa số trường hợp có thông nhãn, cái mà người ta thấy là những hiện tượng huyễn hoặc ở cõi tình cảm, việc cần đề phòng là bởi con người chưa có kinh nghiệm, khi quá chú trọng vào các huyễn tưởng, con người đi lạc vào ảo ảnh, mà về sau phải tự rút lui một cách khó khăn.
Đường phân ranh giữa quyền năng nơi thú vật, con người và con người thiêng liêng không rõ rệt, nên chuyện phức tạp, dễ bị hiểu lầm. Sau đây ta đi vào chi tiết vài điều hầu làm chuyện sáng tỏ hơn.
Với khả năng viễn cảm (thần giao cách cảm), người ta nhận biết được tình thế, ấn tượng. Cảm nhận đi vào huyệt đan điền không có kiểm soát, con người không thể cố ý nắm bắt hay thâu thập cái thông điệp muốn gửi tới, mà chỉ đặt tâm thức, hướng tâm thức vào người muốn gửi thông điệp. Trong 9/10 trường hợp, đây là lời cầu cứu mà người nhận không có khả năng thúc giục việc thâu nhận, thí dụ bà mẹ ý thức là con mình bị nguy hại. Hình thức khác của viễn cảm là thấy được chuyện bí ẩn qua biểu tượng như con số hay hình vẽ.
Viễn cảm thực sự là sự liên lạc giữa cái trí này sang cái trí kia, ở mức độ cao hơn là giữa các linh hồn với nhau dùng cái trí như là dụng cụ để xếp đặt. Đây là quyền năng bậc thấp được nâng lên cao, dùng cho việc cao với ý thức tức có sự làm chủ, kiểm soát. Chẳng hạn:
● Có người chỉ ghi nhận trong trí mình ý tưởng đến từ cái trí khác, sự ghi nhận và liên lạc đều không lời, không hình dạng. Người nhận tự biết và thông điệp nẩy ra trong tâm thức mà không qua bước trung gian nào, đây là viễn cảm vô dạng.
● Người khác lập tức chuyển hiểu biết nhận được thành hình dạng, họ sẽ thấy được thông điệp, chữ, hay tin tức hiện ra trước mắt bằng chữ viết, hay bằng chữ to như được in trên màn ảnh chuyển động thấy ở trong đầu.
● Cách thứ ba là người ta sẽ chuyển tin thành hình dạng khi nghe được.
So sánh giữa viễn cảm và thông nhãn thông nhĩ, thì ở trường hợp đầu có việc kiểm soát tri tuệ hoàn toàn, có thông hiểu, còn hai trường hợp sau các khả năng thấy không tự động sử dụng không có kiểm soát, chú tâm vào việc không quan hệ, và người sử dụng không hiểu rõ các quyền năng này. Cho riêng thông nhãn và thông nhĩ thì cũng có ba hạng người dùng nó hữu ý hay không hữu ý.
– Người ở trình độ đủ thấp cho phép họ tự động có quan năng,
– Người đem theo trong kiếp này khả năng từ thời Atlantic. Khả năng như vậy tự nhiên đến với họ nhưng họ không hiểu và không làm chủ được, không biết gì về nó. Đôi khi con người trở thành nạn nhân cho chính quyền năng của mình.
– Người có khuynh hướng thần bí khi có chuyên chú tâm linh như tham thiền, đã đem năng lực cõi cao kích thích huyệt đan điền, và do đó mở cánh cửa vào cõi tình cảm.
Trong tất cả các trường hợp vừa nói, và nói chung cho mọi trường hợp, cái người ta thấy là chuyện ở cõi tình cảm, hoặc họ thấy mầu sắc, hiện tượng tương tự hoặc là phó bản copy của chuyện nơi cõi trần, rồi khi hình thể được thành hình thì ta có sự phối hợp giữa cõi tình cảm vào cõi thanh khí. Ngược lại chúng ta không hề có hiện tượng ở cõi trí, hay ở mức độ linh hồn, và đây là điều cần nhớ kỹ.
Người có thông nhãn thông nhĩ thấy gì ? Có nhiều chuyện xẩy ra mà sau đây là vài thí dụ.
● Họ thấy sự biểu lộ nỗi ước ao của người hay của nhóm mà họ đối diện, nỗi ước ao này có hình dạng tùy theo năng lực của ước muốn thầm kín, hay khả năng trí tuệ của người liên hệ.
● Họ cũng có thể thấy hình tư tưởng trong hào quang của người đối diện tới nhờ họ, hay trong cử tọa đến nghe. Những hình tư tưởng này được tạo dựng trong một thời gian lâu, và thường là hình của một người được thương yêu sâu đậm, hay là ghét thậm tệ. Hình dạng của chúng thường rất rõ nên khi người đồng mô tả chúng thì người ta có thể nhận ra ngay đó là ai, và do viễn cảm người đồng nhận biết được người tới hỏi muốn nghe nói về việc gì, và nội dung cùng cung cách nói chuyện phù hợp với lối nói, cung cách của người thân đã khuát. Vì lẽ đó phẩm chất của lời nói thốt ra và chuyện nêu lên trong buổi cầu hồn thường là thấp. Người tới dự những buổi cầu hồn thường không có trình độ thông minh cao, trừ phi họ tới để điều tra.
● Một đôi khi linh hồn trên đường tái sinh, hay sau khi vừa mới qua đời bị thúc giục tìm cách liên lạc với người thân qua trung gian đồng cốt, vì mục tiêu tốt lành và hữu ích. Điều này thường đòi họi người trung gian, người muốn liên lạc và người nhận lời nhắn có mức thông minh trên trung bình. Chuyện vì vậy ít khi xẩy ra và là ngoại lệ
Điều cần nhắc là chúng ta không nghi ngờ lòng thành thực của ai có khả năng thông nhãn thông nhĩ, dù là người đồng cốt hay người bình thường. Chúng ta chỉ nêu ra việc hiện tượng mà họ tiếp xúc có nguồn gốc ở cõi tình cảm, và do đó mang tính ảo. Khi dùng khả năng tâm linh cao xem xét một buổi cầu hồn, người ta sẽ thấy tụ chung quanh mỗi người đến tham dự một số hình ảnh do chính họ tạo ra, đó có thể là hình của người đã quá vãng, của người vẫn còn sống mà thường xuyên ở trong tâm trí của người đến dự, cùng vô số hình dạng đến rồi đi, có cái mờ nhạt không có hình rõ rệt, có cái sắc nét sống động tùy theo khả năng tư tưởng.
Những hình này đều có liên quan đến nỗi ước ao thầm kín của đương sự về chuyện làm ăn, sức khỏe, tình duyên gia đạo ! Ai nhậy cảm sẽ bắt mạch được những rung động này, nối kết nó với hình tư tưởng bay lượn quanh đó, rồi cho ra câu chuyện thường được nghe kể ở những buổi cầu hồn mà người tham dự có mức thông minh trung bình. Người đồng cốt thực tình thấy cảnh ấy và mô tả chính xác những gì họ nhìn được, nghe, nhưng vì họ không được huấn luyện kỹ thuật để phân biệt cái giả với cái thật, nên họ không thể làm gì khác hơn là thuật lại hình ảnh hay hiện tượng thấy, và lời họ nghe.
Với ai có khuynh hướng thần bì mà cũng có khả năng y vậy, hiện tượng mà họ thấy và lời mà họ nghe có thể ở mức độ rất cao. Dầu vậy nó cũng vẫn thuộc về cõi tình cảm, vì nó liên hệ đến chuyện đã qua, đến hiện tượng ở những cảnh cao nơi cõi tình cảm. Người ta có thể tiếp xúc với nỗi ước ao tâm linh hay tín ngưỡng của dân chúng, và tùy theo khuynh hướng căn bản của ước nguyện riêng vào lúc đó mà họ tiếp xúc với cái ứng hợp. Nếu đó là người Thiên Chúa giáo chân thành, sùng tín, họ sẽ thấy được hình tư tưởng đẹp đẽ, linh động của đức Chúa ở nơi đó. Thầy được như vậy thì tình thương, trí tưởng tượng và tất cả những gì tốt lành nhất trong người họ được khơi dậy thành lòng sùng mộ, khuynh hướng thần bí.
Chuyện tương tự xẩy ra cho ai có khuynh hướng khác, nếu đó là người theo Ấn giao thì họ thấy được hình ảnh của đức Krishna. Phật tử thấy hình ảnh đức Phật, với hội viên hội Theosophia thì đó là hình ảnh của Chân Sư. Cộng thêm vào họ còn nghe lời thốt ra khiến họ càng tin chắc dạ, rằng đấng cao cả đã chọn họ làm phần việc đặc biệt, rằng họ có đặc ân được tiếp xúc với các ngài. Tuy vậy tâm thức của họ vẫn không đi ngoài cõi tình cảm, và hiện tượng chỉ là phản ành ước vọng của họ mà không phải là chuyện thực sự xẩy ra.
Diễn biến sự việc như sau, ước vọng tâm linh nơi người như vậy kích thích quá độ huyệt đan điền, năng lực mà họ cảm nhận lúc tham thiền đầy ước nguyện tuôn vào huyệt làm khích động nó. Kết quả thường đầy tình cảm, phản ứng sinh ra cũng như việc phụng sự nằm ở mức tình cảm, và người như vậy thu hút được quần chúng vào lúc này ở khắp nơi. Người như vậy là kẻ có tâm nguyện chân thật; tâm thức họ đã khai mở nơi cảnh cao ở cõi tình cảm, họ thấy ở đó hình tư tưởng mà nhân loại đã tạo ra về các đấng thiêng liêng, nghe lập lại những gì đã từng được người trên đia cầu nói và nghĩ từ hồi nào đến gờ, nói khác đi là không có gì mới lạ và đa số điều này là chân thiện mỹ. Nghe được rồi thì họ giảng dạy lại cái đã nghe, thấy và thường khi họ đạt được chuyện tốt lành nơi cõi tình cảm.
Dầu vậy họ lẫn lộn giữa cái phản ành và thực tại, cái là phó bản với cái nguyên bản, cái con người tạo ra với cái thiêng liêng sáng tạo. Ta chớ quên rằng cõi tình cảm là nơi con người cần học hỏi để phân biệt sự thật với ảo ảnh, sai lạc, nên ai bị lầm lạc chỉ là đang học hỏi một bài học cần thiết. Các hiện tượng trong cõi tình cảm đang được tỏ lộ và nhận biết là một điều hay, dù ai làm chuyện nêu ra đó bị lẫn lộn giữa hình tư tưởng và thực tại.
B. Cách Tránh Lẫn Lộn
Làm sao để ta phân biệt giữa cái thật và cái giả ? Vào lúc này có nhiều người nói rằng họ tiếp xúc được với nhân vật A, B, là trung gian để với nhân vật A, B viết sách, tuyên bố, chỉ dạy. Đây là vấn đề cá nhân cho mỗi ai có ước nguyện, khuynh hướng thần bí, và không có một luật khoa học để hướng dẫn. Ta nêu ra sau đây vài luật rất đơn sơ về trí tuệ để giữ ta khỏi đi lạc vào lỗi lầm nơi cõi tình cảm.
Vun trồng tinh thần khiêm tốn thật sự, có khi ẩn đằng sau sự hạ mình là cao ngạo tinh thần, người ta tưởng rằng họ là phát ngôn viên của đấng này hay kia, khiến có thái độ phân rẽ với người khác, giáo phái khác. Làm như vậy là quên rằng một công việc chung có nhiều phương tiện mà thiên tính vạch ra để thực hiện, để đáp ứng với quần chúng.
Từ chối không chấp nhận sự tiếp xúc hay chỉ dạy nào có liên can đến cái ngã, hay làm cho người nhận thông điệp đứng riêng rẽ, sinh ra mặc cảm mình là đấng cứu thế. Sự tiếp xúc thật sự với ý tưởng cao cả, và ý thức đúng đắn về công việc sẽ đi kèm với nó niềm tin rằng có nhiêu người cùng làm việc phụng sự chung, nhiều sứ giả rao giảng cùng một thông điệp, nhiều huấn sư giảng dạy những khía cạnh khác nhau của một chân lý, và có nhiều con đường khác nhau dẫn về tâm Thượng Đế. Khi có sự tỏ ngộ về tính bao trùm này, đi kèm với lòng phụng sự thì tinh thần kết hợp được phát triển, và người ta có thể tin chắc là viễn kiến của mình là điều thực, và quả thật họ đi đúng hướng.
Không để bị phát triển chi phối. Một người làm việc theo thiên cơ đúng nghĩa luôn luôn trụ vào cái trí, tầm nhìn của họ thoát khỏi phản ứng mê muội của tình cảm.
Chúng ta nói về quyền năng vào lúc này, vì thế giới đang tiến dẫn tới sự nhìn nhận rằng còn những phương cách nhận thức khác ngoài ngũ quan, phần khác cũng vì người ta bắt đầu ý thức về mặt tâm linh rằng hiện tượng luôn luôn có nhưng thường không được ghi nhận, và quan năng ghi nhận có sẵn bên trong con người, còn nằm yên tiềm ẩn.
Trong một bài khác chúng ta có nói đến hiện tượng và triết lý, hiện tượng là hệ quả của triết lý, là cái sẽ xẩy ra khi triết lý được áp dụng. Do vậy trọng tâm của việc học hỏi luôn được đặt vào mặt triết lý, và cũng vì lý do đó đức Phật cấm các đệ tử không được biểu diễn quyền năng thần bí của mình. Khi một đạo sĩ nói ông có thể đi trên mặt nước qua sông tới bờ bên kia, đức Phật đáp rằng ngài cũng qua được bờ bằng cách trả vài chục tiền đò.
Nương theo đó, mọi sự nhấn mạnh đến quyền năng khác thường là chuyện đáng ngờ, và chưa chắc là đáng theo. Trước hết có thổi phồng cái tôi, cái phàm nhân của người muốn phô bày quyền năng, gây nguy hại đầu tiên cho chính đương sự vì tăng thêm ý muốn trụ vào cái ngã, rời xa con đường tinh thần. Kế tiếp, hiện tượng và quyền năng của cái ngã khác xa với ước muốn của con người thật, với mục tiêu của con đường tinh thần. Cốt tủy của bất cứ tôn giáo nào cũng là phát triển con người thật, và chuyện đáng chú ý là việc phát triển đó luôn mang tính đại đồng, bao trùm, mở rộng, có liên quan đến người khác, mưu cầu cho con người nói chung, cho sự sống được tốt đẹp hơn mà không mưu cầu cho chính mình. Quyền năng nếu có là để phục vụ cho sự tốt lành chung, mà không phải để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ riêng tư không có lợi cho ai hết.
Tham khảo:
- Esoteric Psychology v. 2, A. A. Bailey