TÔN GIÁO MỚI

Tôn  Giáo  Mới

 

Có nhiều lý do cho việc sắp có tôn giáo mới, nhưng cái quan trọng nhất là việc trình bày chân lý ở cả phương đông và phương tây, đã không theo kịp với sự phát triển trí tuệ của tâm thức con người. Ngôn từ, ý tưởng không còn làm thỏa mãn trí tuệ hay giải quyết được nhu cầu thực tế của nhân loại. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới, phát triển theo đường lối khác với cái ta quen biết. Lý luận tự nhiên là đi kèm với tâm thức mới sẽ có những trình bày tinh thần thích hợp, để hướng dẫn tâm thức đó. Trong bài dưới đây, ta chỉ tìm hiểu tổng quát về chân lý mà tôn giáo mới sẽ đưa ra mà không đề cập tới cơ cấu tổ chức, nhu cầu quản trị sẽ theo thời gian mà tới và sẽ do người lúc đó giải quyết, ở đây ta giới hạn vào nhu cầu tâm linh mà thôi.

Hiện Trạng.

Ở phương tây, các chi phái của Thiên Chúa giáo đã làm biến dạng lời dạy của đức Chúa (đức Di Lặc). Những nhà thần học đã cố gắng mạnh mẽ theo đường hướng sai lầm, dùng giáo lý của ngài để bắc cầu từ Do Thái giáo là cái đáng lẽ phải để cho tàn lụi, sang cái tương lai tinh thần cho thế giới mà ngài đưa ra. Họ làm việc ấy hữu hiệu tới mức lời giảng thương yêu của ngài bị lãng quên, thay vào đó là viễn ảnh hỏa ngục lửa cháy. Thiên chúa giáo vì vậy thừa hưởng di sản của Do Thái giáo, và qua sự diễn dịch của các nhà thần học, hành động cúng tế, hy sinh chuộc tội được nhấn mạnh thay vì hành động thương yêu, và hình ảnh một Thượng đế giận dữ, ưa trả thù làm mờ nhạt ý tưởng Thượng đế là lòng từ ái.

Đây là tình trạng đức Chúa đang tìm cách biến đổi. Việc Do Thái giáo với lòng thù ghét tiềm ẩn phải dần tàn tạ đã được thấy trước mà để chữa lại, đức Chúa nhấn mạnh tình thương yêu trong bài giảng và lối sống đời Ngài ở Palestine.Ta có thể ghi ba hoạt động của đức Chúa khi tôn giáo mới ra đời như sau;

– Tái tổ chức các tôn giáo lớn để những thuyết thần học lỗi thời, cái nhìn hạn hẹp, được thay đổi ngõ hầu các giáo hội cuối cùng rồi sẽ tiếp nhận được cảm hứng tinh thần, mở đường cho tôn giáo mới, đưa nhân loại trở về nét đơn giản.

– Sự tan rã của Do Thái giáo với óc chia rẽ giữa người trong đạo và người ngoài đạo, với chủ trương một Jehovah chỉ lo lắng về dân mình chọn. Đó là sai lầm căn bản, vì Thượng đế, đấng sinh ra vạn vật muôn loài, hoàn toàn khác hẳn vậy; điểm khác là lời giáo huấn quá cổ xưa tới mức không còn hợp thời trong nhiều trường hợp. Lý do nữa là khi người Do Thái phát triển phần tinh thần, họ sẽ mang lại lợi ích to tát cho nhân loại, vì họ có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Việc Do Thái giáo cần nhắm tới là tình thương hòa hợp ngay lúc này, loại bỏ lòng kình chống nhau. Điều sau cũng áp dụng luôn cho Thiên Chúa giáo với các chi phái không thuận thảo luận cùng nhau, có âm mưu chính trị và chủ trương giữ cho tín đồ thiếu hiểu biết. Nếu những điều trên không thực hiện được, có thể con người sẽ gây ra chiến tranh tôn giáo, và đó là chuyện kinh khủng, vì không có nỗi thù ghét nào to lớn hay sâu xa bằng cái được tôn giáo nuôi dưỡng.

Vào lúc này ta có thể lạc quan đôi chút về việc trên, vì nhu cầu hòa đồng tôn giáo đã được nhiều người nhận biết, và có đông người thành tâm muốn tìm một thế đứng chung cho các tôn giáo, họ không nhân danh một ai hay điều gì, mà chỉ dựa vào lịch sử loài người, vạch rõ:

– Sai sót và lỗi lầm của chủ trương đã có từ xưa.

– Lòng chia rẽ của con người.

 

Diễn Biến.

Tôn giáo mới là vận cụ trình bày chân lý, và ta nên phân biệt rõ giữa cái hình thể là tôn giáo, và sức sống là chân lý mà tôn giáo chứa đựng. Hình thể có sự sống riêng của nó, nhưng khi sự sống bên trong lớn mạnh hơn cái hình thể chứa đựng thì sẽ tới việc hủy hoại cái bó buộc, ngăn trở, phóng thích sự sống bên trong để nó tiếp tục lớn mạnh hơn. Chuyện có nghĩa bí mật của mọi sự tăng trưởng, tiến hóa, nằm trong việc hủy hoại phần hình thể. Ý này được biểu lộ không ngừng trong sự sống chung quanh ta. Các Chân Sư dùng phần hình thể (là tổ chức, tôn giáo, nhóm bí truyền) tới hết mức ích lợi của nó, cho đến khi đạt mục tiêu. Con người được dạy dỗ qua hình thức đó cho tới lúc hình thể không còn phục vụ như ý muốn, khi cơ cấu khô héo, đóng cứng, hóa dễ vỡ vụn thì hình thể cũ bị loại trừ và cái mới thế chỗ.

Vào lúc này, việc chế ngự lâu dài của các giáo hội đã tới lúc cáo chung. Chúng đã làm xong phần việc của mình. Trong giai đoạn đầu việc được thi hành tốt đẹp, giai đoạn giữa là sự củng cố cần thiết rồi tới lúc chót cơ cấu kết tinh đóng cứng, hóa bảo thủ ngược với đường tiến hóa. Nhưng chỉ có quyền cai trị của giáo hội đã lỗi thời mà không phải gương các vị giáo chủ đưa ra, hay lời dạy của các ngài. Mặc dầu vậy, đức Chúa có trách nhiệm lập một tôn giáo mới hữu hiệu hơn, khi ngài chính thức nhận vai trò Huấn Sư thế giới thay đức Phật. Vì lý do đó các tổ chức tôn giáo cần chuẩn bị nếu họ có đủ sáng suốt nhận ra nhu cầu của mình, và nỗ lực giải quyết nhu cầu đó của ngài. Dấu hiệu cho thấy là các giáo hội ngày nay thất bại, thiếu viễn kiến, cuối cùng cái không tránh khỏi là giáo hội sẽ tan vỡ do việc lạm dụng quyền lực của mình, hay sử dụng những quyền nó không có. Nhưng từ hoang tàn đổ nát ấy, các tín đồ chân chính có giác ngộ tâm linh, có viễn kiến, không mang óc giáo điều và chán ghét uy quyền tăng lữ, sẽ khai triển tôn giáo mới.

 

Đặc Tính.

Minh triết và óc phân biện sẽ phát triển mạnh trong tôn giáo mới, chúng tạo dựng và làm linh hoạt tôn giáo, và là căn bản tất cả những gì mới mẻ. Đó là óc phân biện giữa cách làm việc của linh hồn và của cái trí.

Khi cái mới thay thế cái cũ thì luôn luôn có sự dằng co, tranh chấp giữa hai cái, đi vào chi tiết và nói riêng về mặt tôn giáo, phần lớn sự đôi co diễn ra ở mặt tư tưởng, trí tuệ và tình cảm, vì có vướng mắc ít nhiều lòng cuồng tín về lý tưởng. Lòng cuồng tín cố hữu này thấy rõ trong mọi nhóm mang tính phản kháng, nhóm như vậy sẽ tranh đấu chống lại sự xuất hiện của tôn giáo mới cùng sự lan rộng của hiểu biết bí truyền. Ta sẽ thấy sự có mặt của những hội đoàn tôn giáo có tổ chức cao, các thành phần bảo thủ là phần mạnh nhất trong đó. Ngược lại, những ai nhạy cảm với trào lưu tinh thần mới lại không có sức mạnh bằng, cũng như cái gì mới luôn luôn phải đương đầu với việc khó khăn cùng tột, là vượt qua và chế ngự cái cổ xưa, được lập từ trước. Lòng cuồng tín, những luận cứ thần học bắt rễ lâu đời và lòng ích kỷ về mặt vật chất, liên kết với nhau trong mọi giáo hội ngày nay. Chúng sẽ cưỡng chống để duy trì thứ bậc của hàng giáo phẩm, lợi lộc vật chất và quyền uy thế tục.

Cuộc tranh đấu sẽ xảy ra trong lòng các giáo hội, mà cũng do các phần tử giác ngộ khai sinh. Từ đó, tranh chấp lan tới những ai biết suy nghĩ, nam cũng như nữ ở khắp nơi, họ có thái độ phản đối, gạt bỏ ảnh hưởng của thần học, hệ thống tổ chức giáo hội xưa nay. Họ không phải là người vô tôn giáo, nhưng do khổ não và đau buồn, đã tự mình học mà không cần chức sắc giáo hội giúp, rằng giá trị tinh thần là cái duy nhất có thể cứu chuộc nhân loại. Họ biết Thiên đoàn (Hierarchy) tượng trưng lý tưởng, và đức Chúa mang lại một lực gợi nên đáp ứng trong tim người.

Tuy nhiên tôn giáo mới sẽ không xuất hiện một cách đột ngột, tách rời với tôn giáo cũ, mà ta sẽ chứng kiến việc tái chỉnh trang của các tôn giáo đương thời. Chuyện ngụ ngôn ghi là chim phượng hoàng mới sẽ trỗi dậy từ tro tàn thân xác của chim cũ, thì tôn giáo mới cũng sẽ phát sinh từ những tôn giáo đương thời, hay nói khác đi, chúng được chỉnh đốn lại để tạo nên khung cảnh thích hợp cho sự ra đời của tôn giáo mới. Nền tảng của cái sau được xây dựng bằng sự kết hợp các hội đoàn, giáo hội lại với nhau, do đức Chúa gợi  hứng. Điều mà các tổ chức này cần nhớ là cuối cùng sẽ chỉ còn một giáo hội, và đó không phải là giáo hội này hay kia. Thượng đế sử dụng nhiều tổ chức tôn giáo và thực hiện việc bằng nhiều đường lối. Ấy là lý do cho việc loại bỏ những triết lý không thiết yếu, và nhấn mạnh vào các nguyên lý cốt lõi, và ta trình bày được chân lý trọn vẹn bằng sự hòa hợp các nguyên lý trên. Tôn giáo mới sẽ làm công việc này, đức Chúa tái xuất hiện không phải để phá hủy mọi điều, mà các nguyên lý ấy được giữ lại làm nền tảng cho tôn giáo đại đồng, nó được xây dựng trên những nguyên lý đã đứng vững qua bao thử thách của thời gian, và đã mang lại sự vững lòng, an vui cho con người ở mọi chỗ. 

Vài nét đại cương của tôn giáo mới có thể phác họa từ bây giờ. 

1- Thượng đế trong sự sống. Đông phương nhìn nhận rằng ai cũng có Phật tánh, còn tôn giáo tây phương dạy rằng Thượng đế ở khắp mọi nơi. Hai ý tưởng đó là hai nét của một sự kiện, và các giáo hội ngày nay tốt hơn nên trình bày sự tổng hợp của hai ý. Thượng đế tạo ra vũ trụ, lớn hơn cả vũ trụ mà đồng thời cũng hiện hữu trong phần nhỏ bé nhất của vũ trụ, ngài là mục đích, soạn ra thiên cơ, ảnh hưởng mọi sự sống từ hạt nguyên tử nhỏ bé nhất đến con người.

2- Mối liên hệ giữa người và Thượng đế. Đây là thiên tính trong ta mà mọi kinh sách đều nhắc tới.

3- Tính bất tử và sự hằng hữu của linh hồn. Nó giúp con người đối diện với sự chết, biết rằng mình sẽ sống trở lại và con người kiểm soát được vận mạng của mình. Con người đến rồi đi, chúng ta hiện tồn vì chúng ta có thiên tính, và sự hiện hữu của con người có mục đích là làm đời sống phong phú hơn.

Tinh thần con người bất tử, nó luôn tồn tại, đi từ điểm này sang điểm khác, chặng này rồi chặng kia trên đường tiến hóa, nảy nở từ từ và nối tiếp nhau các đặc tính thiêng liêng. Cái chân lý này đòi hỏi ta nhìn nhận hai luật lớn trong thiên nhiên là Tái Sinh và Nhân Quả. Các giáo hội tây phương đã chính thức bác bỏ thuyết Tái Sinh và như vậy đi vào bế tắc thần học, vào ngõ cụt không lối ra, trong khi đó tôn giáo đông phương nhấn mạnh quá mức khiến con người thờ ơ với việc tu thân, nghĩ rằng luôn luôn còn có cơ hội ở đời sau và hóa bê trễ.

Sự bất tử của linh hồn, và khả năng bẩm sinh của con người bên trong thúc đẩy anh tự cứu chuộc lấy mình theo luật Tái Sinh và Nhân Quả, là những yếu tố quản trị lối sống và ước vọng của người. Không ai có thể thoát hai luật ấy, chúng chi phối ta mọi lúc cho đến khi ta đạt được cái ước ao, tới sự toàn thiện và biểu lộ rõ ràng thiên tính trong đời.

4- Tính liên tục của việc tỏ lộ chân lý và thiên cơ.

Nói một cách giản dị thì điều này ngụ ý con người cần Thượng đế mà ngài cũng cẩn ta. Chưa bao giờ Thượng đế bỏ mặc nhân loại không có đại diện của thiêng liêng dưới trần, và cũng chưa bao giờ con người kêu cầu ánh sáng mà không được hồi đáp. Không lúc nào mà không có chỉ dạy hay sự giúp đỡ tinh thần cần thiết cho người lúc đó. Lịch sử của nhân loại là sự kêu cầu ánh sáng phát xuất từ con người, và việc Thượng đế tiến đến gần con người hơn, mang lại ánh sáng. Luôn luôn từ trên cao có một vị Hóa Thân, đấng Cứu Thế, đức Thế Tôn được gửi xuống nhân loại, mang theo giáo huấn mới, niềm hy vọng  và động lực mới hướng về đời sống tinh thần trọn vẹn hơn.

Trung tâm phát xuất những đấng cao cả ấy được gọi bằng nhiều tên, là Thiên đoàn, là Chánh đạo, thành viên của trung tâm mang lại minh triết của Thượng đế, gìn giữ chân lý và có nhiệm vụ cứu chuộc thế giới, trình bày các khải thị mới và thể hiện thiên tính có trong mỗi người. Đó là trung tâm biểu lộ phần tinh thần và càng ngày Thiên đoàn càng đến gần con người hơn, cũng như nhân loại càng ngày càng ý thức nhiều hơn về tính thiêng liêng, và cũng xứng đáng hơn để tiếp xúc với thiêng liêng.

Các giáo hội dạy rằng Thượng đế tạo nên con người, mà cũng tạo luôn cả địa ngục để trừng phạt người, và đứng ngoài chứng kiến. Hình ảnh đó phải được vạch rõ là sai lầm, và phải thay thế nó bằng sự biểu lộ quyền năng, các đặc tính của Thượng đế trong chính con người ta.

Vậy thì qua đến phần nhân sự và công việc ta có thể làm để chuẩn bị cho tôn giáo mới.

Nhân Sự và Công Việc.

Có thể chia nhân loại thành ba nhóm có đặc tính riêng biệt, và mỗi thành phần sẽ đáp ứng theo đường lối riêng trong việc chuẩn bị chọ tôn giáo mới, đó là các tín đồ, người biết suy nghĩ và người giác ngộ. Việc đào sâu các lý tưởng về tôn giáo, và việc tăng trưởng của các nhóm tôn giáo có mục đích là chuyển biến cái hình thể cũ để nhờ vậy, phóng thích sự sống bị giam cầm bên trong, và có hai việc đáng chú ý là:

1) Khối đông quần chúng bị óc cụ thể chế ngự và chưa thể nắm vững điều trừu tượng. Hình thể có giá trị hơn hết đối với họ, bởi họ bảo thủ và bám lấy cái gì quen thân. Giáo  hội (bất cứ giáo hội nào) có phần việc là phục vụ khối đông, mà không nhằm ý là thành cái hữu dụng cho người học về bí truyền, vì những người này không coi trọng hình thể như đa số trong giáo hội, họ đã tiếp xúc phần nào với cái sự sống thu hút bên trong. Đối với họ, giáo hội chỉ hữu dụng ở điểm nó là cơ hội cho việc phụng sự mà thôi.

2) Các phong trào tôn giáo giống như mọi vật khác là chỉ có giá trị một thời, và nhằm phục vụ một chặng đường trong dòng tiến hoá của sự sống. Cuối cùng sẽ còn một giáo hội đại đồng, lớn mạnh dần theo với lực tuôn xuống cho đến khi đức Chúa xuất hiện.

Riêng về giáo hội Thiên chúa, các chi phái có thể biến mình thành hạt nhân qua đó thế giới được soi sáng. Giáo hội có thể làm việc trên quy mô rộng lớn, và muốn vậy, cần tỏ lòng khoan dung rộng rãi, không giảng dạy những thuyết bám víu vào ý tưởng lỗi thời, thay bằng những căn bản thiết yếu như tái sinh, nhân quả; loại bỏ cách trình bày cũ mà đưa ra ý nghĩa tinh thần bên trong và đích thực của chúng, (thí dụ cho việc này là tư tưởng rằng chỉ hàng giáo sĩ đã được thụ phong theo luật giáo hội mới có quyền cử hành nghi lễ nào đó; nó nói lên ý muốn bảo vệ giáo quyền mà không nhằm lòng phụng sự. Khi tôn giáo mới ra đời, việc chọn người hành lễ hoàn toàn dựa vào mức phát triển tinh thần họ đạt được, mà không phân biệt nam nữ, tu sĩ hay dân). Tức người dâng lễ không thuộc vào hàng ngũ chuyên biệt chỉ dành cho nam giới. Ai cũng có thể được chọn dâng lễ vào đầu cuộc lễ, nếu họ có khả năng liên hợp với lực cõi cao, và hợp tác với tất cả những tâm thức khác trong buổi lễ.

Nói như vậy thì bạn thấy ngôn ngữ bị giới hạn biết bao khi bàn chuyện tương lai. Nó chỉ có ý rằng người như vậy đã có tâm thức phát triển vươn lên được cõi cao (nét đứng), hòa được với đồng loại mình (nét ngang, gộp lại hai nét cho ta chữ thập). Vào lúc này, quyền hành, chức vị trong hàng giáo phẩm, giai cấp tăng lữ với đặc ân là những điều con người đặt ra, mà không hề là ý muốn của đấng cao cả khi sáng lập tôn giáo. Thiên chúa giáo đã bị biến dạng quá xa, so với ý ban đầu là do nỗ lực cá nhân mà một người làm cho mình xứng đáng với việc tế lễ (kết hợp với phần thiêng liêng khi dâng lễ), mà không do nghi thức bên ngoài như truyển chức thụ phong.

Phần việc ưu tiên một của giáo hội là giảng dạy, và phải giảng dạy không ngừng, giữ lại hình thức bên ngoài để người quen với chúng tiếp tục đến với giáo hội, và nhờ vậy được hướng dẫn. Trong giáo hội có nhiều người thuộc cung hai, họ được đức Chúa sử dụng để đi vào lòng khối tín hữu Thiên Chúa giáo, vì giáo hội là cái người sau hiểu được. Số người ấy đông đảo, tức giáo hội có thể ảnh hưởng khối người lớn lao đi tìm đạo, giúp được khối đông quần chúng vốn có sẵn tâm hồn hướng thượng và có tánh bản thiện.

Song song với tôn giáo còn một hoạt động khác cũng được những đấng cao cả sử dụng, để thúc đẩy thế giới vào tân kỷ nguyên, là ngành giáo dục. Đây là những người thông minh không thấy hứng thú với nghi lễ và biểu tượng, họ cũng đến được với quần chúng và những ai trí năng có ưu thế hơn là tình cảm. Nó giúp được nhóm người mà phần lớn thuộc cung ba nặng về trí tuệ.

Hiện diện trong cả hai tổ chức này là những nhóm bí truyền rành rẽ phần bí giáo, có chung mục đích và đường lối hành động. Họ hoặc đã tiếp xúc được với Chân Sư, hay đã chịu ảnh hưởng của chân nhân tới mức cảm nhận được thiên ý, và ghi được vào não bộ xác thịt. Cái ta đừng quên là dù trong giáo hội hay tổ chức bí truyền, chỉ những linh hồn đã bước vào đường tâm linh mới tạo thành hạt nhân của tôn giáo mới. Họ đã tới một mức trong chặng tiến hóa khiến họ có ý thức, và với ý chí của mình, bước vào đường Đạo, thức tỉnh trọn vẹn khi phụ giúp đức Chúa, chuyển biến đời sống theo đuổi chuyện thế tục sang đời phụng sự.

Mục tiêu là vậy, nay ta sang những việc phải làm để tới đó.

● Đầu tiên là trình bầy luật tiến hóa và hệ quả không tránh được của luật, là có những bậc siêu nhân. Con người cần được biết rằng những đấng cao cả hiện hữu, và hiện hữu hoàn toàn chỉ để phụng sự đồng loại các ngài. Quần chúng cần biết danh hiệu các ngài, đặc điểm sinh hoạt và mục tiêu các ngài, cũng như cần được nhắc nhở là Chân Sư sẽ nhập thế để cứu chuộc thế gian. Kế đó là đưa ra hiểu biết về chứng đạo (initiation, điểm đạo). Hai nét chính của tôn giáo mới là tính đại đồng và sự chứng đạo, cho nhân loại có thể thấy sự chứng đạo qua việc thế giới bước vào tân kỷ nguyên Bảo Bình, tiếp nhận các năng lực là cái sẽ làm phá vỡ hàng rào chia rẽ, và hòa ý thức cá nhân vào cái chung duy nhất là bồ đề tâm

● Người ý thức tham dự vào việc phải tập sống thuận hòa và thương yêu. Làn rung động hung bạo của cảnh sống chung quanh ta, cần được làm thanh tĩnh bằng cái đối nghịch là thương yêu, cái do bản chất cao nên có sức mạnh hơn. Hãy tâm niệm rằng bởi ta làm việc theo chiều tiến hóa, năng lực thiêng liêng ở cùng ta, sẵn sàng cho ta sử dụng. Khi thương yêu và tính thuận hòa được duy trì đủ lâu, không gì có thể chống chọi lại áp lực đều đặn của chúng, hay nói khác đi nỗ lực khi có khi không sẽ vô hiệu mà chỉ áp lực bền bỉ, không lay chuyển mới cuối cùng  làm vỡ sự đối nghịch, và làm tan rã bức tường chia rẽ.

● Các tổ chức bí truyền phải là hiện thân của sự đoàn kết. Cần có sự hợp tác thuận hòa, trợ lực thương yêu giữa các thành viên, các nhóm, và họ cần hành xử như là những tụ điểm thương yêu. Mục tiêu của chúng ta là giúp đỡ những đấng cao cả, phụ việc một cách thông minh để làm kế hoạch của các ngài cho nhân loại được thành tựu. Ngài chọn chúng ta làm trung gian để nâng cao thế giới, và nhóm bí truyền cần gia tăng nỗ lực tinh thần để chặn đứng làn sóng ác. Cái khối người có ý thức tinh thần có thể làm nên một tâm bình an, uy lực và thương yêu, có sự giúp đỡ thiết thực và có sức nâng cao tinh thần mà thế giới chưa từng thấy từ trước đến giờ.
Nhìn thấy sự sống và biến cố theo giá trị tinh thần như ngài, sẽ khiến việc trình bày các hiểu biết mới được dễ dàng hơn, và khi làm vậy ta đã dựng nên cái khung sơ khởi cho tôn giáo mới, cho cái nhìn mới mẻ về thiên ý, cái hiểu biết sống động về cách suy nghĩ của những đấng thi hành ý thiêng liêng, kiến tạo tương lai con người. Vì thế ta được khuyên hãy cố gắng nhìn ngắm, cân nhắc, không những cơ hội đức Chúa giúp nhân loại, mà luôn cả  những biến cố, vấn đề ngài phải đương đầu khi làm việc trên.
Con người thường nhìn sự việc theo cái nhìn rất người và nhất thời, có ít thấu đáo về khó khăn, quyết định phải có, và hệ quả mà đức Chúa gặp phải hôm nay. Mỗi người trong cương vị của mình, trong hoàn cảnh mà số mạng đặt để kiếp này, đều có thể góp phần bằng cách sống theo những quy luật tinh thần ta đã biết. Tôn giáo mới sẽ khiến chúng sống động hơn và khi làm chúng rõ ràng trong đời mình, gợi cho người khác biết đến luật, là ta đã làm quang đãng phần nào khung cảnh tôn giáo mới sẽ gặp.

Bình Minh

Sách tham khảo:
- The Externalisation of the Hierarchy, A.A. Baley
-The Reappearance of the Christ, A.A. Baley
-The Rays and the Initiations, A.A. Baley

 

Geese