NÓI CHUYỆN CÙNG H.P.B.

Nói chuyện cùng HPB

Charles Johnston

 

 

Dưới đây là phần trích dịch một đoạn trong bài viết về buổi nói chuyện của Charles Johnston với bà Blavatsky, cho thấy nét độc đáo của con người bà cùng vài điều thú vị về huyền bí học.

Charles Johnston tinh thông Phạn ngữ và là một học giả về triết lý Ấn độ, bản dịch Raja Yoga của ông được công nhận là có giá trị cao. Về sau ông thành hôn cùng cháu gái bà Blavatsky. Câu chuyện dưới đây xảy ra vào cuối thế kỷ trước nên cần đọc trong bối cảnh lúc bấy giờ.

   Tôi gặp HPB (bà muốn thân hữu gọi mình như vậy) lần đầu ở London vào mùa xuân 1887. Bà chưa xong việc trong ngày, nên tôi ngồi nói chuyện với một học trò của bà trên lầu một lát. Anh là thư ký tình nguyện của HPB, tỏ ra rất mến mộ, tận tụy, can đảm bênh vực khi bà bị phán xét bất công và do vậy, chính con người anh cũng bị chỉ trích không ngừng trong suốt bảy năm. Tôi đã quen biết anh từ trước nên chúng tôi bàn về chuyện cũ, về bộ The Secret Doctrine của bà. Nửa giờ trôi qua, rồi tôi xuống nhà gặp HPB.

   Bà đang ở phòng làm việc vừa mới viết xong, khoác trên người chiếc áo xanh dương đậm mà bà ưa thích. Cái gây cảm tưởng đầu tiên nơi tôi là mái tóc dợn sóng của bà, HPB quay đầu lại chào thì tôi bắt gặp đôi mắt sâu thẳm kỳ diệu:

— Chào anh bạn, gặp anh tôi mừng lắm. Lại đây ta nói chuyện.

   Chúng tôi nói chuyện thời sự, bàn về những công kích mới nhất đối với Hội, và HPB mạnh mẽ bày tỏ ý mình. Tôi chưa thấy cảnh nào đáng nể hơn. Lúc bị khích động, bà khống chế tất cả những ai đứng gần, người ta luôn luôn cảm nhận được lực bừng bừng từ HPB, ngay cả khi bà đau ốm tưởng như là mất hết nghị lực. Tôi chưa hề thấy điều gì giống như sức mạnh ào ạt nơi bà. HPB tự minh chứng cho tính thiêng liêng của ý chí mà bà viết trong sách. Câu chuyện bắt qua các Chân Sư. Tôi nhắc với bà là trong một bức thư cho ông Sinnett, Chân Sư nghe lời kêu cứu của bà vang vọng xuyên qua không gian đến tai Ngài lanh lảnh như tiếng công gáy, tôi nói chắc bà không nghĩ như vậy về mình.

— Làm gì có, tôi biết mình có giọng êm ái như chim khuyên mà ! Bà nói. Đây là Thầy tôi, chúng tôi gọi là Chân Sư Morya. Tôi có hình Ngài.

   Bà cho tôi coi một bức tranh sơn dầu nhỏ. Tôi chưa thấy ai tỏ sự ngưỡng phục và thành kính như thấy trên mặt bà khi nói về Thầy của mình. Bà nói Ngài là một hoàng thân Rajput, thuộc một trong các giòng dõi chiến sĩ trong vùng sa mạc ở Ấn. Ngài có thân hình to lớn, cao 2m, hết sức cân đối, chứa đựng thật trọn vẹn những nét đẹp của nam giới. Ngay cả bức hình cũng toát ra uy lực tuyệt vời làm kinh ngạc, gương mặt tỏa lực thật kiên quyết, đôi mắt đen sáng quắc nổi bật trên dung mạo, nét mặt sắc gọn, tóc râu đen nhánh. Tất cả nói lên một nhân vật vĩ đại, như thần linh đầy sức mạnh chót vót trên đỉnh cao. Tôi hỏi tuổi của Ngài, bà đáp:

— Tôi không nói rõ được vì tôi không biết, nhưng tôi có thể cho anh hay là tôi gặp Ngài lần đầu tiên năm tôi 20 tuổi, hồi 1851. Lúc đó Ngài như một người trung niên đang độ sung mãn. Bây giờ tôi đang bước vào tuổi già nhưng Ngài vẫn ở tuổi trung niên. Tôi chỉ nói được có vậy thôi, còn thì anh phải kết luận lấy.

   — Có phải các Chân Sư tìm được thuốc thần tiên bất tử ?

— Đó không phải là chuyện thần tiên đâu, bà nghiêm trang nói, nó chỉ là tấm màn che dấu việc huyền bí có thật, làm trẻ mãi không già. Nghe có khó tin nên thôi, không cần đi vào chi tiết. Cái bí mật là như thế này: mỗi người sẽ có lúc đi gần tới cái chết, nếu họ đã xài trọn sinh lực thì không có cách nào khác, nhưng nếu họ sống thuận theo luật trời đất thì họ có thể vượt qua điểm ấy và tiếp tục xử dụng thể xác gần như vô hạn định.

   Rồi bà kể cho tôi nghe đôi điều về các đạo sư (adepts) và Chân Sư khác mà bà được biết. HPB phân biệt rõ giữa các đạo sư - người thông hiểu bí mật của trời đất - và các Chân Sư là người trội hơn về cả mặt huyền bí học và mặt tinh thần. Bà quen biết nhiều đạo sư ở Nam và Bắc nước Ấn, Tây Tạng, Ba Tư, Trung Hoa, Ai Cập, Hy Lạp, Hung Gia Lợi, Ý, Anh và Nam Mỹ, nơi bà cho hay có một trung tâm với nhiều đạo sư cư ngụ.

— Bởi có lời truyền tụng về trung tâm này mà người Tây ban Nha khi đến Nam Mỹ, đã cất công đi tìm Thành Phố Vàng El Dorado (Manoah). Trung tâm này có liên hệ với cổ Ai Cập, và các đạo sư vẫn còn làm cho nơi ẩn cư của các ngài bất khả xâm phạm. Có một số thành viên thuộc những trung tâm như vậy đi từ nhóm này đến nhóm kia, giữ cho đường liên lạc giữa các ngài được thông thương luôn. Nhưng các Ngài vẫn hằng nối liền với nhau bằng cách khác.

   — Bằng các thể thanh ?

— Phải, bà đáp, và còn những đường lối khác cao hơn. Các Ngài có chung một đời sống và năng lực. Càng tiến lên cao về mặt tinh thần, các Chân Sư càng vượt lên trên những khác biệt về chủng tộc như ta biết. Các ngài liên lạc với nhau không có đứt đoạn nào. Đạo Sư là chuyện cần thiết trong thiên nhiên và các cõi thanh, là gạch nối liền con người với thần linh. Thần linh đây là các Đại Chân Sư đắc quả từ thời xa xăm (thí dụ các vị cổ Phật trong kinh điển), và chưa nhập Niết Bàn. Sự liên tục vì vậy duy trì mãi.

   — Các Ngài làm gì ?

— Anh khó mà hiểu được, trừ phi chính anh là một đạo sư. Nhưng các Ngài giữ cho đời sống tinh thần của nhân loại được sống động.

— Khi mình sinh hoạt trong thể tình cảm thì cảm thấy thế nào ? Đôi khi tôi mơ thấy đang bay và luôn luôn ở trong cùng một tư thế, gần như là nằm ngửa, chân đi trước. Phải cảm giác đúng là vậy không ?

— Tôi không cảm thấy vậy, bà nói. Tôi thấy y như nút bấc trồi lên mặt nước, anh biết chứ. Cảm giác nhẹ nhõm vô cùng. Chỉ khi đó tôi mới thấy là mình sống thực, và tôi đi gặp Thầy.

   — Trở lại cái bà nói, các đạo sư hướng dẫn linh hồn con người như thế nào ?

— Bằng nhiều cách lắm, nhưng chính yếu là dạy trực tiếp các linh hồn ở cõi tinh thần. Tuy nhiên cái đó khó hiểu đối với anh. Cái này thì dễ. Đều đặn vào một lúc nào đó, các Ngài đưa ra thế giới nói chung những hiểu biết đúng đắn về chuyện tinh thần. Một trong các Ngài sẽ xuất hiện trước quần chúng giảng dạy, được sử sách lưu lại như là người sáng lập tôn giáo mới . Thí dụ Krishna, Zoroaster, đức Phật, Shankacharya, đức Jesus. Đấng chót không theo lời khuyên của các vị trong nhóm, giảng dạy quần chúng lúc thời giờ thuận lợi chưa tới, vì Ngài quá thương nhân loại và ao ước chuyện tốt đẹp cho con người. Ngài đã được báo trước là thời điểm không thích hợp, nhưng vẫn tiến hành ý nguyện và do đó bị hại.

   — Các đạo sư có lưu trữ tài liệu về đời Ngài không ?

— Phải có chứ, bà trả lời, vì các Ngài lưu trữ mọi kiếp của tất cả đạo gia (initiates). Có lần tôi được vào động to lớn mà cũng là đền thờ ở Hy Mã Lạp Sơn cùng với Thầy tôi; bà nhìn vào bức hình đẹp đẽ của Hoàng thân người Ấn. Ở đó có nhiều tượng các đạo sư, Ngài chỉ tay vào một tượng và nói : Đây là Vị mà con gọi là đức Jesus, chúng ta xem Ngài là một trong những Vị cao cả nhất trong nhóm chúng ta. Nhưng đó không phải là công việc duy nhất của các đạo sư (sáng lập tôn giáo). Vào những giai đoạn ngắn hơn, các Ngài gửi xuống một sứ giả để cố chỉ dạy nhân loại. Đó là vào mỗi phần tư của thế kỷ, và vào thời điểm này (1887) Hội Theosophia đại diện cho công việc ấy của các Ngài.

   — Chuyện ấy mang lợi ích cho nhân loại ra sao ?

—- Biết về những luật của sự sống thì làm lợi cho anh như thế nào ? Không phải là nó giúp anh thoát khỏi đau ốm và sự chết sao ?  Cũng giống vậy, cũng có đau ốm phần linh hồn và sự chết của linh hồn. Chỉ có lời dạy chân chính về Sự Sống mới chữa được các chứng ấy. Giáo hội với tín điều, với trừng phạt và địa ngục, với thiên đàng, với lửa cháy đời đời, làm cho con người gần như không thể tin được vào sự bất tử của linh hồn. Và nếu họ không tin vào đời sống sau khi chết, thì họ sẽ không có đời sống bên kia cửa tử. Luật nói vậy.

   — Làm sao cái mà con người không tin lại ảnh hưởng được họ ? Hoặc có đời sống sau khi chết, hoặc không có dù người ta tin hay không chứ.

—- Niềm tin của họ ảnh hưởng theo cách sau. Đời sống sau khi chết được tạo nên bởi ước vọng của họ, và sự phát triển tinh thần sẽ nẩy nở ở cõi tinh thần. Đời sống sau khi chết tùy thuộc vào mức tăng trưởng tinh thần của họ, và nó chỉ là cái bổ túc làm cho toàn vẹn đời sống ở cõi trần. Mọi ước ao tinh thần chưa được thỏa mãn, ham muốn về một đời sống cao hơn, những mơ tưởng, nguyện ước thanh cao nhất sẽ kết thành hoa trái trong đời sống tinh thần. Thời gian đó là ngày của linh hồ,n cũng như kiếp sống dưới trần là đêm đối với nó. Nhưng nếu anh không có ước vọng, không mộng mơ thanh cao, không tin vào đời sống sau khi chết, thì anh không có vật liệu gì để xây dựng đời sống tinh thần, nên linh hồn anh trống không là vậy.

   — Lúc đó người ta ra sao ?

—- Anh sẽ tái sinh ngay lập tức, gần như không lưu lại bên kia khoảng thời gian nào, không có thức tỉnh ở cảnh giới đó.

   — Ngược lại, thí dụ là người ta tin có thiên đàng, như ai sùng đạo tin là sẽ về cõi Phật, nước Chúa thì chuyện gì xảy ra ?

—- Nếu anh tin vậy thì chuyện sẽ như sau. Đầu tiên anh phải qua nơi gọi là Kama Loka, cõi tạm, cõi dục vọng, ở đó linh hồn thải rơi những nét thô trược của thú tính, đam mê, ham muốn xấu xa. Chúng từ từ yếu đi và bởi không có lực mới để nuôi dưỡng, chúng kiệt quệ dần. Đây là một trạng thái mà không phải chốn địa lý, kinh sách gọi là cõi luyện tội. Sau đó linh hồn lên tới cõi Devachan là thiên đàng hay tây phương cực lạc. Mỗi linh hồn tự tạo cõi Devachan cho mình, và gặp quanh họ những ai họ thương mến nhất ở cõi trần, sống hạnh phúc với các người ấy. Nếu anh tin vào lời dạy của tôn giáo, anh sẽ thấy có thành phố vàng bạc, cửa nẻo gắn đầy minh châu; nếu theo Ấn giáo anh sẽ gặp ở đó đủ mặt thần thánh có trăm cánh tay, người da đỏ sẽ thấy thiên đàng là vùng đồng cỏ bao la đầy muông thú cho họ săn, còn triết gia bước vào cảnh sống tự do của linh hồn. Trong mọi trường hợp, tinh thần anh thu góp sức mạnh mới mẻ để tái sinh trở lại.

   — Ta phải trở lại à ? Không cách nào thoát được sao ?

—- Nếu lòng ham muốn vật chất của anh tiêu tán lúc chết, anh phải trở lại. Dục vọng là lực, và người hiểu biết tin vào việc bảo toàn năng lực. Anh phải gặt kết quả của hạt giống đã gieo, và gặt ở chỗ đã gieo. Cuộc đời mới của anh là kết quả chính xác của hành động gây ra trong kiếp vừa rồi. Không ai thoát được sự trừng phạt sinh ra bởi lỗi lầm của mình, hay phần thưởng do hành vi tốt đẹp. Đó là luật Karma, anh sẽ phải tái sinh hoài cho đến khi anh lên tới cõi Niết Bàn.

   — Tôi thấy mấy chuyện đó có ghi đôi phần trong tôn giáo, chỉ có điều nó bị biến dạng ít nhiều.

—- Chính thế, bà trả lời, tôn giáo có dạy hết. Tôn giáo có chứa đựng  chân lý nhưng tín đồ không hiểu, lại rao giảng cái mà người có chút suy nghĩ không sao chấp nhận được, thành ra thế giới lạc vào thuyết vô thần và thuyết duy vật. Nhưng khi hiểu theo Theosophia ta thấy sự việc khác hẳn, và lúc đó con người sẽ thấy tôn giáo chứa đựng bao phần chân lý mà trước đây không biết. Lấy ví dụ sách Sáng Thế Ký trong Cựu Ước gồm những chuyện đều biểu tượng về chân lý đúng thực. Khi hiểu ra anh sẽ thấy việc tạo dựng trời đất, Adam và Eva có hàm ít nhiều lẽ thực, nhưng chỉ đạt được vậy nhờ học hỏi Theosophia.

   — Người học Minh Triết Thiêng Liêng sẽ bắt đầu ra sao ?

—- À, bà nói, theo hai cách; đầu tiên là trình bày chân lý theo như nó được giảng dạy trong các trường bí giáo, kế đó là dùng phương pháp so sánh, khuyến khích nghiên cứu kinh sách đông phương, họ sẽ tìm thấy trong đó phần bổ túc cho những điều mù mờ khó hiểu trong kinh thánh.

   — Thí dụ như cái gì ?

—- Chẳng hạn ý về thiên đàng, địa ngục và cõi luyện tội. Kinh điển của Ấn giáo có ghi rõ mọi chuyện, trình bày dưới hình thức huấn dụ đầy triết lý đáng tin. Mà anh phải tìm hiểu trước các tôn giáo đông phương mới hiểu điều tôi nói. Nên nhớ rằng Cựu Ước hoàn toàn không ghi chút gì về sự bất tử của linh hồn, còn trong Tân Ước nó bị lẫn lộn với sự phục sinh của thể xác. Nhưng kinh Upanishad (Áo Nghĩa Thư) có cả một triết lý bí truyền chân thực và đầy nét tinh thần.

   — Bà còn điều gì khác muốn dạy nữa ?

—- Anh à, tối nay anh chất vấn tôi hơi nhiều. Bà đáp với một nụ cười. Chúng tôi trình bày điều rất là xưa cũ, nhưng là việc cần được đưa ra. Chúng tôi giảng về tình huynh đệ đại đồng.

   — Có lẽ nên tránh nói tổng quát và mơ hồ, bà có thể giải thích rõ điều ấy là chi không ?

—- Hãy lấy thí dụ cụ thể, chẳng hạn người Anh và nước Ấn. Người Anh tin là các giống dân thấp - tức các nước thuộc địa - chỉ là để phục vụ quyền lợi của người Anh, nhưng chúng tôi cho là không có giống dân nào thấp, tất cả họp thành một nhân loại chung. và bởi hết thảy chúng ta đều đã sinh ra trong mọi giống dân. đúng lý ra con người phải tỏ tình huynh đệ với nhau, Đằng này ta lại đến xâm lăng, khai thác tài nguyên thuộc địa.
— Vậy đó là điều các Chân Sư gửi bà đến trình bày cho thế giới ?

—- Phải, bà nói, điều ấy và nhiều điều khác, những điều rất quan trọng bây giờ và lại càng quan trọng hơn về sau. Có nguy hại về huyền thuật mà thế giới, nhất là nước Mỹ, đang chạy hết sức để đâm đầu vào. Chỉ nhờ sự hiểu biết sâu rộng về bản chất đích thực của phần tâm linh và tinh thần con người, mà ta mới có thể cứu nhân loại khỏi các hiểm họa nặng nề.

   — Có ma thuật ở thời đại văn minh tiến bộ này sao ?

—- Đúng thế, thưa anh ! có tà thuật trong thời đại này, loại tà thuật đen tối nhất, duy vật nhất, không có chút tinh thần nào mà từ trước đến nay thế giới chưa gặp. Một khi đã mở cánh cửa vào cõi huyền bí, anh nghĩ nó sẽ đóng lại chăng ? Anh không thấy điều tệ hại kinh khủng nằm trong việc thôi miên sao ? Thôi miên và sự gợi ý là những lực mạnh mẽ đầy nguy hiểm, vì nạn nhân không biết là mình chịu ảnh hưởng của nó; ý chí họ bị mất đi và anh hãy nhớ lời tôi những chuyện có thể bắt đầu với ý tốt, mục đích hay, nhưng tôi đã lớn tuổi và thấy ở nhiều nước là không phải các lực luôn luôn được dùng vào việc lành. Ai để cho mình bị thôi miên - bởi người tốt hay xấu - là mở cánh cửa mà đương sự không có khả năng đóng lại, và không thể biết là ai sẽ qua cửa đó mà vào. Nếu anh được thấy những gì tôi thấy, anh sẽ khởi ngay việc rao giảng tình huynh đệ đại đồng với cả tâm trí mình. Đó là cách duy nhất che chở được.

   — Làm sao nó sẽ canh giữ cho con người khỏi thuật thôi miên ?

—- Bằng cách thanh lọc tâm hồn ai có thể lạm dụng nó. Căn bản của tình huynh đệ đại đồng là phần Đại Hồn cho tất cả mọi người. Bởi hết thảy ai ai cũng thuộc về Đại Hồn, họ sẽ dễ dàng chấp nhận tình huynh đệ. Làm cho mọi người tin như vậy và họ sẽ được an toàn. Có một quyền lực thiêng liêng nằm trong mỗi người, quản trị sự sống của họ mà không ai có thể chi phối nó để làm điều xấu, kể cả bậc thầy huyền thuật giỏi nhất. Khiến mọi người chịu sự hướng dẫn của điều ấy trong đời sống và họ không còn gì phải sợ kẻ khác hay quỷ thần. Nhưng anh à, đã tối rồi mà tôi cũng mệt, chúng ta hãy dừng ở đây.

Bà chấm dứt câu chuyện và đuổi tôi về bằng vẻ thật oai nghi, vốn là cung cách của bà và đó là một đặc tính của HPB. Bà là nhà quí tộc tuyệt hảo nhất mà tôi biết được. Có một cái gì đó trong con người bà, dáng điệu, vẻ sáng từ đôi mắt và nghị lực tỏa ra, nói lên một đời sống rộng lớn và sâu xa hơn mà không cần phép lạ để chứng minh, bởi tự nó là chuyện lạ lùng. Ấy là điểm vĩ đại nhất nơi bà, và nó luôn luôn có đó. Cảm tưởng về một cảnh giới bao la hơn, quyền năng thâm diệu hơn, uy lực vô hình làm cho ai rung động cùng nhịp với khả năng phi thường của bà được bừng tỉnh, và thành động cơ cho họ đi theo đường bà chỉ. Với ai không thể thấy như bà, không thể chia sẻ phần nào cái viễn ảnh của HPB, đặc tính ấy hóa ra sự thách thức, làm bực bội, sinh lỗi nhịp, thành lực đối kháng và cuối cùng đưa họ tới lòng thù nghịch dữ dội, rồi chối bỏ bà.

 

Theo: HPB Collected Writings
(vol. VIII, p. 392)