LỄ WESAK
Giới Thiệu
Mục Đích
Luật Tác Động
Ý Nghĩa
Chuẩn Bị
Tham Dự Lễ Wesak
Giới Thiệu
(Ghi chú: tháng ghi trong bài tính theo dương lịch)
Lễ Wesak (Vaisaka) là một lễ đông phương được nhiều người biết và tham dự; lễ bắt nguồn từ sau khi đức Phật qua đời, và theo truyền thuyết, đây là dịp duy nhất trong năm ngài xuất hiện trở lại, ban ân lành cho thế giới. Lễ cử hành vào dịp trăng tròn tháng năm dương lịch (lễ Phật Đản), tại một thung lũng của Himalaya ở cõi ether; dân cư trong vùng biết chuyện thường đến dự, còn thì những vị khác hiện diện bằng thể vô hình.
Việc sách vở nói nhiều về lễ Wesak, về mối liên hệ hằng năm giữa đức Phật với nhân loại, được đưa ra từ năm 1900 nhằm ý thúc đẩy tây phương nhìn nhận đức Phật. Có hai lý do cho sự tiết lộ này:
– Một là ý của Thiên Đoàn - Hierachy muốn công chúng biết có hai vị Hóa Thân - Avatar là đức Phật và đức Chúa, hai Vị đều thuộc cung hai Minh Triết - Từ Ái, là hai người đầu tiên của nhân loại trên trái đất thành Hóa Thân thiêng liêng, đã thể hiện qua con người của mình những nguyên lý vũ trụ, cho chúng hình thể. Đức Phật biểu lộ nguyên lý Ánh Sáng nên được cung xưng là đấng Giác Ngộ, và nhờ sự soi sáng ấy con người đã nhìn nhận đức Chúa, Vị thể hiện nguyên lý lớn lao hơn là Tình Thương.
– Hai là để khởi đầu tôn giáo mới, trong đó nhân loại trên khắp thế giới sẽ có những ngày lễ tôn giáo chung.
Mục đích đầu đã thành tựu. Từ đó tới nay hằng triệu người đã hướng tư tưởng về đức Phật vào ngày trăng tròn tháng năm, mong nhận được ân lành của ngài và của Thiên Đoàn trong thời khắc ngắn ngủi mỗi năm, khi đức Phật trở lại với nhân loại. Việc nhận biết ảnh hưởng của ngài sẽ ngày càng tăng cho đến tương lai không xa, khi phần việc của đức Phật đã hoàn tất, ngài sẽ không trở lại nữa, và vị Hóa Thân sắp tới sẽ thay thế ngài trong tâm tưởng của bao người trên thế giới. Vào thời điểm này công việc của đức Phật sắp viên mãn, công việc của đức Chúa tới mức cao độ nên có lẽ cần nói thêm về hai ý.
Lưu tâm một chút ta sẽ thấy ba lễ lớn đi kế nhau, Phục Sinh, Phật Đản nhằm vào trăng tròn tháng tư, năm, còn lễ trăng tròn tháng sáu do đức Chúa chủ lễ; lễ sau quan trọng ở điểm người tây phương sẽ cảm thấy hòa hợp, và tham dự dễ dàng vào hoạt động của Thiên Đoàn khi hoạt động có liên hệ chặt chẽ với đức Chúa, hơn là khi nó liên hệ với đức Phật. Ý chính trong giai đoạn đầu của việc phổ biến lễ Wesak, là làm cho tây phương quen thuộc với sự hiện diện của đức Phật, và những hoạt động của ngài có liên quan đến nhân loại.
Dầu vậy con người đã có tiến bộ lớn lao về mặt tâm linh, khiến cho đức Phật không còn cần phải tiếp tục phần việc của ngài, trừ phi ngài muốn vậy, và ngài cũng chỉ làm trong một số năm nữa thôi. Từ đây tới đó đức Phật hợp lực với đức Chúa, trong việc mở rộng con kinh liên lạc giữa những đấng cao cả trên trái đất và con người. Về sau, ngài sẽ đảm nhiệm chức vụ trong Thiên Đoàn của thái dương hệ, và không còn đến thăm Himalaya hằng năm như ngài đã làm trong bao thế kỷ nay. Lễ Wesak của đông phương và ngày thứ Sáu trước lễ Phục Sinh (Good Friday) sẽ mờ dần khỏi tâm thức con người theo thời gian. Sự tan biến của lòng sợ chết, và việc thành lập mối liên hệ chặt chẽ của con người với bậc cao hơn, khiến cho hai nghi lễ cổ xưa trở nên lỗi thời; ý nghĩa của hai lễ thuộc về quá khứ và sự hữu dụng của chúng cũng đã gần xong.
Mục Đích
Lễ nhằm truyền xuống địa cầu một loại năng lực tinh thần từ trên cõi cao bên ngoài địa cầu, vì năng lực quá mạnh có thể gây bất lợi cho người nên đức Phật tiếp nhận lực, hạ nó xuống mức an toàn mà con người có thể sử dụng, rồi sau đó ban rải cho thế giới. Ngài hành xử như trạm biến điện, giảm dòng điện cao thế.
Mục đích khác của lễ là nó nhấn mạnh và cho thấy các tôn giáo đều chung một nguồn, một khối chân lý duy nhất. Trong buổi lễ, đức Di Lặc (đức Chúa) chủ trì, hướng dẫn các vị tham dự gồm những Chân Sư và người ở cấp bậc thấp hơn, thỉnh cầu đức Phật. Sự hiện diện hai ngài là bằng cớ nói rằng không có sự chia rẽ hay khác biệt giữa các tôn giáo, và mọi linh hồn tiến hóa đều thuộc về một khối chung.
(Đức Chúa - Christ mà ta sẽ đề cập nhiều lần dưới đây là trưởng Thiên Đoàn; đông phương gọi ngài là đức Di Lặc. Ngài không thuộc riêng về Thiên Chúa giáo hay bất cứ tôn giáo nào, cũng như đức Di Lặc không thuộc về Phật giáo mà thôi. Ngài đến với ai biết yêu đồng loại, và nhin nhận phần thiêng liêng trong mọi đạo. Người như thế sẽ kết hợp với ngài mà không cần phải là tín đồ Thiên Chúa giáo.)
Ngoài ra còn có những mục đích khác liệt kê dưới đây.
● Chứng tỏ sự hiện diện của đức Chúa trong xác phàm giữa loài người, ngài luôn có mặt trên địa cầu từ khi kinh thánh ghi ngài rời Palestine. Vào dịp lễ đức Chúa và các Chân Sư đến dự trong thân xác cõi trần, là bằng cớ cho sự hiện hữu trong thể xác của các ngài trên địa cầu. Sự việc nhấn mạnh đó là thực tại, mà không phải là hy vọng mơ hồ hay lời hứa hẹn của thần học.
● Chứng tỏ trên cõi trần sự đoàn kết thực sự giữa con đường đông phương và tây phương, cùng dẫn tới Thượng Đế. Trong buổi lễ đức Phật và đức Chúa cùng xuất hiện.
● Làm nên một tụ điểm và nơi gặp gỡ cho những ai hằng năm kết nối với nhau, đại diện cho nước Trời (Thiên Đoàn) và nhân loại (người tham dự).
● Khi đưa ý rằng ai muốn đều có thể tụ nhóm và tham dự lễ nơi mình ở, nó nhằm mục đích hòa lẫn, hợp ước vọng chung của mọi người vào dịp này, để làm thông, lập con kinh giữa người chí nguyện phụng sự và Thiên Đoàn. Một khi con kinh được thành hình thường trực, và có khá đủ số người nam cũng như nữ biết suy nghĩ, ý thức được vai trò của nó và việc có thể làm với nó, thì những đấng hướng dẫn nhân loại sẽ tạo được ấn tượng trên tâm thức con người dễ dàng hơn, và nhờ vậy ảnh hưởng được công luận. Bằng cách đó thế giới được chỉ hướng rõ ràng vì sẽ có hợp tác ý thức; người chí nguyện trên thế giới có thể hợp nhau tạo một con kinh như vậy.
Mỗi người trong chúng ta theo cung cách nhỏ bé của mình đều có thể hợp tác với Thiên Cơ theo cách sau. Do sự tự huấn luyện để nhận lãnh trách nhiệm tinh thần ngày càng gia tăng, gìn giữ sự an nhiên ở nội tâm, cùng chú tâm về mặt bí truyền, người thành tâm phụng sự có thể được cuốn vào lượn sóng tinh thần đang dâng cao, nhờ đó phụng sự được nhu cầu của nhân loại. Họ chuyển được lực vào thế giới, rồi khi biểu lộ lực qua hành động phụng sự, họ làm gia tăng khả năng đáp ứng và hiểu việc của nhân loại.
Luật Tác Động
Ý vừa nói không phải là ước mơ xa xôi của một nhóm đông người. Nó là nỗ lực trí tuệ gay go, sử dụng một lực ở cõi tinh thần chưa được rõ từ trước tới nay. Có một lực tạm gọi là lực Hòa Cực - Polar Union tác động trong mọi việc, nó quản trị mối liên hệ của tinh thần một nhòm với tinh thần các nhóm khác. Nó quản trị sự tương tác tuy rất hệ trọng mà tiềm năng chưa được ý thức, giữa tinh thần của khối nhân loại với tinh thần của ba loài thấp (kim thạch, thảo mộc, thú cầm) và ba loài cao. Khi hiểu biết hơn và sống theo linh hồn, theo luật này con người sẽ hành xử như là tác nhân truyền ánh sáng, năng lực và tiềm năng tinh thần đến các loài thấp, đồng thời cũng là con kinh thông thương giữa cái bên trên và cái bên dưới, đó là tương lai rực rỡ của con người. Cách luật tác động như sau:
Khi ai do tham thiền, kỷ luật bản thân và phụng sự, tiếp xúc được với linh hồn của mình, họ có thể trở thành con kinh cho sự biểu lộ của linh hồn, là vận cụ cho sự phân phối năng lực linh hồn vào thế giới. Cũng y vậy, khi những người đã hiểu biết tụ lại thành một nhóm linh hồn (có nghĩa họ sống theo những qui tắc của linh hồn thay vì qui tắc cho phàm nhân), họ liên lạc được với nguồn của năng lực tinh thần. Với tư cách là một nhóm, họ tiếp xúc được với Thiên Đoàn, thông thương được với thế giới tinh thần. Nơi cá nhân, có được tiếp xúc ấy, làm cho nó vững vàng, điều chỉnh các thể của mình theo nó rồi tiếp xúc được với những đấng cao cả. Khối ước vọng chung, sự tổng hợp của lòng hiến dâng và óc sùng kín thông minh của nhóm, sẽ mang từng thành viên của nhóm lên mức tinh thần cao hơn khi họ gắng công riêng rẽ. Sự kích thích nhóm tạo ra, và nỗ lực được thống nhất sẽ cuốn trọn nhóm vào ý thức sâu xa, cái là chuyện bất khả lúc thường.
Hai luật tác động ở đây, luật Thu Hút mang họ đến với nhau tạo thành một nhóm, còn luật nói trên điều khiển khi họ sinh hoạt như là một nhóm, và chỉ là nhóm mà thôi (mà không phải là thành viên riêng rẽ của nhóm), kết hợp làm một, tạo nên con kinh để phụng sự trong tinh thần xả kỷ hoàn toàn. Nguyên tắc là khi trọn khối người được linh hoạt bằng một ước nguyện duy nhất, khì hào quang của họ hòa lẫn vào nhau tạo thành một đường kinh cho lực tuôn xuống, ảnh hưởng sẽ tăng bội mãnh liệt, và bán kinh có thể tỏa khắp địa cầu. Thì dụ này thấy vào lễ Wesak. Đức Phật là tụ điểm cho lực, để nó đi qua hào quang của ngài, rồi tuôn vào đường kinh mà thành viên Thiên Đoàn chung sực họp thành, gồm các đấng cao cả, Chân Sư và đệ tử, xong lực túa rải cho mọi người.
Đường kinh được tạo bằng âm thanh và sự chuyển động nhịp nhàng xẩy ra cùng lúc. Những vị tham dự xướng lời kinh và di chuyển chậm rãi, đường kinh thành hình, vươn lên tới nơi mong muốn. Việc di động tạo thành nhiều hình trong buổi lễ nơi cõi trần (tam giác, ngôi sao năm cánh, hai tam giác lồng vào nhau v.v.) cho ra những hình khác bằng vật chất cõi thanh, và những cái này tạo thành đường thông nối với tâm phát lực, mang lực tới người hay thiên thần ở bất cứ cõi nào. Nếu nhìn được khung cảnh này bằng thông nhãn, vẻ mỹ lệ của hình không sao tưởng được, và nó lại càng rực rỡ thêm do hào quang sáng chói của những đấng cao cả hiện diện ở lễ.
Ý Nghĩa
Năng lực vũ trụ đã được các nền văn minh xưa nhận biết. Ngoài yếu tố là vị trí địa cầu trong thái dương hệ, ta còn có thể tính tới vị trí mặt trời so với 12 chòm sao của đường hoàng đạo. Kinh thánh nhắc nhiều đến ảnh hưởng của những chòm sao này, và một số các lễ của Thiên Chúa giáo dựa vào thiên văn, thí dụ lễ Phục Sinh tính theo trăng tròn tháng tư.
Ngày nay, mối liên hệ giữa thiên văn và sinh hoạt con người trên địa cầu cũng được chú ý, chẳng hạn sóng radio bị nhiễu khi có bão mặt trời, mức độ tội phạm tăng giảm theo chu kỳ mặt trăng. Lại nữa, vị trí trái đất vào một thời điểm nào đó khiến nó nhận loại vũ trụ tuyến ảnh hưởng động cơ, làm tầu bè đụng, phi cơ rớt, người ta thu thập dữ kiện như vậy, và thắc mắc nhiều về ngày 9 tháng 9 mỗi năm, khi có những tai nạn không hợp lý xẩy ra.
Việc trình bấy và ở mức độ nhỏ hơn là lễ trăng tròn tháng sáu, có ý nhấn mạnh tới hành động thỉnh cầu mà con người có thể thực hiện, cùng cho biết kết quả là việc tuôn tràn ảnh hưởng đáp ứng. Căn bản của mọi thỉnh nguyện (kinh cầu) là năng lực tư tưởng, nhất là mặt viễn cảm - telepathy (thần giao cách cảm), tương ứng và tính chất. Khi khối đông hợp lực thỉnh cầu, hướng tâm mạnh mẽ về một đích, tư tưởng tạo nên dòng năng lực phóng ra. Nó tới được những đấng cao cả, những vị nhậy cảm và đáp ứng với khích động như vậy. Sự hồi ứng của các ngài xẩy ra dưới hình thức năng lực tinh thần, hay đến nhân loại được hạ xuống thành năng lực tư tưởng. Qua hình thức đó nó khích động trí não người, chiêu dụ họ, mang lại hứng khởi và khai thị. Chuyện diễn ra từ lâu trong lịch sử khai mở tinh thần của thế giới, và là phương pháp theo đó kinh sách được viết nên.
Lý do thứ hai là trình bấy sự đồng nhất trong các lễ của những tôn giáo lớn, sẽ giúp người ở khắp nơi tăng cường công việc của nhau, và làm tăng trội mạnh mẽ luồng tư tưởng gởi đến những đấng cao cả. Vậy thì:
● Lễ Phục Sinh nhấn mạnh đến sự trỗi dậy của con người bất diệt, sự bất tử của linh hồn, là lễ lớn của tây phương.
● Lễ Wesak, lễ của đức Phật, ngài thể hiện Minh Triết của Thượng Đế, là hiện thân của Ánh sáng. Đây là lễ lớn của đông phương.
● Lễ trăng tròn tháng sáu, tiếp ngay sau lễ Wesak. Vào ngày này trong hai ngàn năm qua, đức Chúa mỗi năm giảng lại trước Thiên Đoàn bài thuyết pháp cuối cùng của đức Phật. Cho con người, lễ nhắc nhở mối liên hệ đúng đắn giữa người với nhau - human relationships, vạch rõ ảnh hưởng của việc làm đức Phật và đức Chúa trên tâm thức người.
Hình thức hai lễ có thay đổi chút ít trong những năm qua. Theo đó mỗi quốc gia có người đệ tử đại diện cho đức Phật, và thuộc cung 1 nếu đó là lễ Wesak, hay người cung 2 đại diện cho đức Chúa nếu là lễ tháng sáu. Năng lực tinh thần dùng họ làm con kinh tuôn xuống vùng. Ảnh hưởng của việc có tầm rộng rãi tuy chưa hiển lộ ngay với ai quan sát. Sự việc có thể diễn ra tóm tắt là ba đấng cao cả, đức Bàn Cổ - Manu, đức Chúa - vị Huấn sư thế giới, và đức Văn Minh - Mahachohan cùng đọc một bài kệ đặc biệt để thỉnh cầu đức Phật, đấng sẽ chuyển năng lực đặc biệt từ đấng cao hơn nữa mà ngài là đại diện. Qua sự hợp lực của ba đấng trước, lời thỉnh nguyện có sức rung động và tính chất mạnh đến nỗi tiếp xúc được tới vị biểu hiện cho tinh thần Bằng An, khiến ngài chú tâm về địa cầu. Kết quả sẽ đầy ý nghĩa nhưng xẩy ra dưới hình thức nào thì ta không thể nói, bản chất của việc từ đó sinh ra nằm ngoài tàm tay chúng ta. Phận sự của ta là cố gắng nâng cao tâm hồn, tiếp xúc với Thiên Đoàn, làm cho mình đáp ứng và nhậy cảm với kết quả sinh ra.
Chuẩn Bị
Để chuẩn bị ta cần biết tầm quan trọng của lễ Wesak, chẳng những nó kết hợp tôn giáo lớn ở đông phương với tôn giáo lớn ở tây phương về mặt bí truyền, cho thấy Thiên Cơ và phương pháp làm việc ( những điều mà người trung bình không có ý thức, do mức tiến hóa còn thấp của đa số người, và do đó nằm ngoài nhận thức của nhân loại), nó cũng là biểu tượng cho sự nối kết giữa ý chí - minh triết mà đức Phật là hiện thân, và từ ái - minh triết mà đức Chúa là thể hiện. Ngoài ra, sự kiện này sẽ thành một phần của tôn giáo tương lai, mà khi hiểu biết về lễ và tích cực tham dự với hết tâm hồn, nó mang lại kết quả lành cho bây giờ, mà còn xây dựng niềm tin trong tương lai cho nhân loại.
Tuy lễ chính thức xẩy ra vào lúc trăng tròn, ngày giờ có thể tính trước từ nhiều tháng, và người tham dự chuẩn bị thanh tẩy tâm hồn từ hai ngày trước, kéo dài ý thức đó thêm hai ngày sau ngày lễ (tức là 5 ngày tất cả). Công việc phải làm ở mức cá nhân tóm tắt như sau:
– Dùng óc tưởng tượng nối kết mình với mọi người, ý thức ta là một với tất cả, và tất cả là một với ta.
– Loại trừ khỏi tâm thức mọi ý tiêu cực, không lửng lơ đứng giữa, mà đứng hẳn về phía Sự Sáng, nhưng dù có thái độ đối nghịch với chủ trương duy vật, ta vẫn giữ tình thương cho những ai bị cuốn hút vào cơn xoáy ấy.
– Khi tham thiền, gắng quên hoàn toàn mọi khó khăn, thảm kịch, việc rắc rối của riêng mình. Ta nên học cách tiếp tục giúp đời dù đang ở trong tâm trạng căng thẳng, bị áp lực và gặp giới hạn nhiều bề. Mục đích của sự chuẩn bị này là gia tăng tinh thần yêu thương, thiện chí, hợp tác trong thế giới vào tháng năm.
Trên mức độ nhỏ hơn, ta có thể kêu gọi nhiều người chú ý đến lễ, và tầm quan trọng của thời đại mới nói chung bằng những cách:
– Tích cực trình bầy, vận động người thiện chí trên thế giới trong bất cứ nhóm nào, để họ có thể chuẩn bị nhóm đúng lúc theo cách hợp với họ.
– Kêu gọi ai biết nắm lấy cơ hội và tham dự, tạo nên một nỗ lực rộng rãi trên khắp thế giới, gợi lại tinh thần thiện chí, và dùng bài Đại Thỉnh Nguyện (có đăng trên trang web PST, tìm trong Danh Mục) trong ngày lễ Wesak. Càng có nhiều người sử dụng bài kinh càng tốt, để làm cho thế giới ý thức về công việc của những người phụng sự. Nỗ lực chính là tổ chức sao cho có việc đọc bài kinh cùng lúc vào ngày rằm. Hãy cùng nhau đọc to, rõ ràng tạo nên âm lượng có sức mạnh, và đọc với trọn năng lực ý chí của mình.
– Tổ chức buổi họp cho công chúng càng đông càng tốt, trong khoảng 18 tiếng trước giờ trăng tròn và cả trong giờ này. Không cần thiết phải làm ngay trong giờ chính xác, miễn là có đông người tham dự trong khoảng 18 giờ trước đó, đặt nền tảng cho việc sẽ xẩy ra, và hỗ trợ nó vào lúc trăng tròn. Cũng y vậy, việc người có thiện chí mà không biết khía cạnh huyền bí của việc, hay ý thức việc có Thiên Đoàn hướng dẫn nhân loại, và cơ hội đưa ra do nỗ lực chung của đức Phật và đức Chúa, nhằm mục đích xoay chuyển tình hình hiện tại, khai mạc một kỷ nguyên hòa bình, thiên về tâm linh, không làm giảm sự hữu ích của họ khi dự lễ.
– Tổ chức nhóm tham thiền vào đúng giờ trăng tròn nếu được, nhóm sẽ bắt được năng lực và điều này cộng thêm với xoáy năng lực do buổi họp công cộng tạo ra trước đó, làm mạnh thêm ước vọng hòa bình và ánh sáng.
Việc đòi hỏi ta biến mình thành đường kinh trong sạch, cùng thanh tẩy và kỷ luật tâm hồn để có được cái trí tĩnh lặng.
– Hai ngày trước trăng tròn hãy chuẩn bị và hướng nội. Ta giữ tâm trạng hiến dâng phụng sự, cố gắng giữ trạng thái tiếp nhận những gì mà linh hồn ta muốn bầy tỏ, làm cho ta hữu dụng đối với Thiên Đoàn.
– Hòa nhập cùng các bạn trong nhóm vào ngày trăng tròn. Nhóm có thể gồm những người bạn quen biết có cùng chí hướng, hoặc những người thiện chí trên thế giới mà dù chưa hề gặp gỡ, ta biết có sự hiện hữu của họ, cảm thấy có sự đồng tâm, đồng lòng, thông cảm, chia sẻ lý tưởng chung. Cố gắng giữ cho mình ở luôn trong sự sáng, không vẽ ra việc gì sẽ đến, hay mong chờ kết quả, ảnh hưởng rõ rệt nào.
– Hai ngày sau trăng tròn nỗ lục sử dụng năng lực tinh thần đón nhận được, làm nó thành sự thực trong tâm và hướng ra bên ngoài, chuyển năng lực ra thế giới.
Thiên Đoàn chuẩn bị lâu hơn thế nhiều, các ngài khởi sự vào ngày xuân phân 21 tháng 3, gần hai tháng trước ngày, nhưng các ngài không mệt mỏi như người thường, cũng như dù có lòng hiến dâng mạnh mẽ thế mấy, ta không sao duy trì tâm trạng chuẩn bị trong thời gian dài như vậy.
Việc đặt tâm hồn vào trạng thái thích hợp trước lễ, và cố gắng nhiều sau lễ để sử dụng đúng cách phần năng lực thâu nhận được, đòi hỏi lớn lao nơi ta, nhưng không có giá náo quá cao, mối bất tiện nào quá lớn để có được sự sáng tinh thần, chuyện có thể đến vào giờ phút đặc biệt của ngày lễ Wesak.
Tham Dự Lễ Wesak
Ý tưởng trên trình bầy cơ hội ngay trước mặt cho mọi nhóm người chí nguyện, ai có thiện chí trong thế giới ngày nay. Nếu vào dịp lễ họ làm chuyện như là một nhóm linh hồn, họ có thể thực hiện được nhiều điều. Việc cần nắm giữ ở đây là trong loại công việc này không có chỗ cho tham vọng riêng tư, dù là tham vọng có tính chất tinh thần, và không có việc tìm kiếm sự kết hợp cá nhân. Đây không phải là sự hòa hợp huyền bí ghi trong kinh sách, hay theo truyền thống huyền học mystic. Nó không phải là sự liên hợp và hòa vào nhóm của Chân Sư, hay với nhóm của các đệ tử. Những yếu tố này được coi là chuyện sơ bộ và mặc nhiên ai cũng được xem như đã thực hiện trước rồi.
Chuyện ta nhắm tới là thực hiện một nỗ lực nhóm vào thời điểm đặc biệt để tới đúng lúc, nó sinh ra động lực ngày càng lớn mạnh, một sức thu hút mạnh tới mức lên tới những đấng cao cả và Thiên Đoàn. Sự đáp ứng nơi các ngài qua trung gian nhiều nhóm, sẽ mang lại với nhau những lực tốt lành dưới dạng ánh sáng vào tâm người, hứng khởi và giác ngộ tâm linh. Lực được phóng thích cho ra thay đổi rõ rệt trong tâm thức người, và cải thiện tình trạng trên thế giới. Lần hồi nhân loại tự mình sẽ áp dụng những biện pháp cải sửa cần thiết, tin vào sức mạnh của năng lực minh triết của mình, trong khi đó nhóm người chí nguyện lặng lẽ làm việc từ đầu tới cuối, đứng sau thế sự, kết hợp với nhau và với Thiên Đoàn, làm cho con kinh rộng mở để cái rất cần là minh triết, sức mạnh, và tình thương có thể tuôn chẩy qua.
Ai tin tưởng vào lễ có thể tham dự bằng cách hướng tư tưởng đến đức Phật, dâng mình làm con kinh cho năng lực tinh thần mà ngài mang lại. Chúng ta được khuyến khích tụ họp nhau lại vào thời điểm trăng tròn, ở bất cứ nơi nào trên thế giới và tham dự một cách thông minh, chủ động trong hai ngày lễ trên. Ta hãy dùng óc tưởng tượng, hành xử như đang đứng cùng Thiên Đoàn. Mai sau hai buổi lễ sẽ được cử hành ở trung tâm mỗi nước, một hạt nhân gồm những người thành tâm hiện đang được mang lại với nhau, tuy lễ chưa được công chúng nhìn nhận lúc này và nhóm người trên chưa được biết tới, sự việc vẫn đang được tiến hành.
Hiểu biết về lễ cho ta mục đích và chủ tâm, việc trình bầy chúng trên sách vở là lời mời bạn tham dự, đóng một vai trò thay vì làm kẻ quan sát đứng ngoài. Khi nhận được năng lực từ lễ, hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan cho nhân loại. sự hiểu biết này có giá trị đặc biệt cho nhóm hay tổ chức đáp ứng với việc làm của Thiên Đoàn. Việc dự lễ với trọn tâm hồn có thể dẫn tới niềm xác tin bất chợt là những gì bạn đọc là chuyện thực, và bạn không cần đức tin, vì nay bạn đã biết.
Hòa bình là mối quan tâm chung, mỗi chúng ta đều có thể hợp tác với Thiên Cơ theo mức nhỏ bé của mình, và mỗi người đều có trách nhiệm trong việc thực hiện Thiên Cơ ấy. sự hiện diện của Thiên Đoàn nhằm gây ấn tượng về Thiên Cơ trong trí con người, cho thấy muốn hoàn thành công việc cần có năng lực và sự hiểu biết để làm nên chuyện, kế đó nỗ lực của mọi người chí nguyện là đáp ứng và thực hiện điều chi đang chờ đợi. Những ai nhờ huấn luyện khiến cho ý thức trên gia tăng và có thể giữ cho nội tâm an nhiên, tâm hồn hướng về lễ, có thể được lôi cuốn vào lượn sóng đang dâng của lực tinh thần và khi đó, có thể phụng sự nhu cầu của nhân loại. Họ đóng hai vai trò, một là truyền năng lực, hai là cảm nhận Thiên Cơ; họ gia tăng khả năng đáp ứng của nhân loại đối với những việc phải làm.
Ngoài đức Phật và đức Chúa đóng vai trò là con kinh tiếp nhận năng lực tinh thần lớn lao, mạnh mẽ từ ngoài trái đất và có tính chất khác thường, Thiên Đoàn hiện diện với phần việc rõ rệt trong nỗ lực chung này. Mỗi cung có ba vị Chohan (vị đã có 5 lần chứng đạo - initiation, thí dụ đức M. và đức K.H.) hợp lực cùng những vị Chohan cung khác (tổng cộng 21 vị cho bẩy cung) và hai đấng Cao Cả trên, tạo thành một nhóm là đường kinh chung cho lực tuôn tràn vào ngày lễ Wesak, và nhất là vào lúc trăng tròn. Các Chân Sư cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho dịp lễ này, nỗ lực của các ngài được người chí nguyện đáp ứng bằng cố gắng vượt bực, để gia tăng mức tiếp nhận các lực đến trong tháng năm. Khi được tuôn rải, lực sẽ thực hiện được việc tổng hợp tốt lành. Nhìn chung ta có:
– Các lực Sáng, tinh thần Hòa Bình, sức sống dũng mãnh.
– Hai đấng Cao Cả đức Phật và đức Chúa
– 21 vị Chohan của bẩy cung
– Nhóm người phụng sự
– Nhân loại.
Ta ghi nhận đức Phật chú tâm vào lực tuôn xuống từ trên cao, đức Chúa chú tâm vào đòi hỏi phát ra và nguyện vọng tinh thần của nhân loại. Hợp lực của hai thỉnh nguyện sau cho sức dũng mãnh to tát. Trọn diễn biến xẩy ra trong tâm thức với biến cố sau đó thành hình ở cõi trần, tùy thuộc vào nhận thức hữu ý của người trong hay ngoài nhóm phụng sự. Nhiều điều tùy thuộc vào nhóm người này:
● Mức thấu hiểu thông minh của họ về kỹ thuật sử dụng.
● Việc sẵn sàng chấp nhận ý tưởng là mỗi kỳ trăng tròn cho cơ hội thực hiện việc trên (có 12 cơ hội như vậy trong năm, trong đó lễ Wesak là dịp quan trọng nhất, trong bài này ta không đề cập tới những dịp nhỏ hơn).
● Sẵn sàng làm việc theo đường lối đã định.
Họ cũng không có bảo đảm nào về sự chính xác của những lời nêu trên, liên quan đến sự quan trọng của ngày rằm, và họ cũng không có hiểu biết riêng về việc đã tả, là đức Phật hiện trước Thiên Đoàn tụ họp ở Himalaya. Một số còn không biết có Thiên Đoàn chăm lo nhân loại, nhưng họ đều đồng lòng hiến dâng, có lòng xả kỷ, và bởi có những tính chất đó, họ thuộc về nhóm người phụng sự. Nếu họ biết ước vọng, cầu nguyện, tham thiền và phụng sự, chú tâm vào việc làm hòa điệu với tất cả người phụng sự khác vào ngày trăng tròn tháng năm dương lịch, việc cứu chuộc nhân loại có thể tiến hành mau lẹ, và kết quả sẽ hiển hiện rõ hơn.
Tầm quan trọng của lễ Wesak với sự hiện diện của đức Phật và đức Chúa, chỉ được thấy rõ khi ta hiểu được phần nào công việc của hai ngài. Đức Phật do sự thành đạt của ngài, là biểu tượng cho Minh Triết hay Sự Sáng, và đức Chúa cho lực Hòa Bình, Thương Yêu. Vào lễ Wesak ba sự việc liên quan đến nhân loại xẩy ra, có liên hệ đến nhau.
● Đức Phật là thể hiện hay là tác nhân cho lực Sáng và lực từ những đấng cao cả hơn ngài. Qua đức Phật lực tràn xuống địa cầu. Tên các Vị này có thể được nêu, nhưng sẽ không mang ý nghĩa nào với chúng ta nên bài không ghi. Chỉ khi tới mức chứng đạo thứ ba ta mới ý thức về các ngài, và sự hiểu biết thực ra không cần hiện nay.
● Đức Chúa biểu hiện cho Tình Thương, Hòa Bình, lực có nguồn gốc ngoài địa cầu.
● Được thấm nhuần bởi hai lực trên nhân loại có thể đóng góp phần mình là bầy tỏ ý làm lành, làm trung gian thông minh, biết thương yêu, đứng giữa tâm thức cao của bậc siêu nhân và tâm thức thấp của các loài dưới người, bằng cách đó nhân loại trở thành người cứu rỗi trái đất.
Trong năm ngày chuẩn bị đó, ý tưởng chính là nỗ lực sâu xa, từ bỏ tất cả những gì có thể cản trở sự hữu ích của việc ta làm con kinh cho lực tinh thần. Nó có nghĩa sau khi chuẩn bị kỹ càng, tận hiến, hướng thượng trong hai ngày đầu, vào chính ngày lễ Wesak ta coi mình như người tiếp nhận năng lực đang tuôn tràn, làm cho nó thông qua càng nhiều càng tốt. Là con kinh, ta hãy chuẩn bị quên mình trong việc tiếp xúc và chứa đựng lực cho toàn thể nhân loại. Đó là ngày yên lặng bên trong, duy trì sự bình an lặng lẽ, thành kính trong lòng dù đang sống đời thường nhật đòi hỏi ta phải nói chuyện. Công việc phụng sự hoàn toàn thực hiện ở cõi tâm linh, quên mình trọn vẹn khi nhớ đến nhân loại và nhu cầu thế giới. Trong ngày đó, chỉ có hai ý tưởng trú ngụ trong tâm trí ta, một là nhu cầu đồng loại, hai là việc họp nhóm cần thiết để tạo đường kinh cho năng lực xuống đến nhân loại, dưới sự dẫn dắt khéo léo của Thiên Đoàn.
Điều cần nhớ là việc chúng ta là ai, nơi ta đang ở, khung cảnh sống chẳng quan hệ chút nào, hay ta thấy mình cô lập xa cách người có cùng cái nhìn tâm linh. Mỗi chúng ta trong năm ngày lễ (hai ngày trước, chính lễ, hai ngày sau) đều có thể làm việc, suy nghĩ và hành động như là một nhóm, và làm phận sự là phân phối thầm lặng năng lực.
Công việc có thể được xem như là không phải tranh đấu với sự ác, lực của bóng tối, mà là gợi nên cái chú ý về sự sáng, động viên chúng và khả năng của người có thiện chí, theo khuynh hướng thiện lúc này. Lời dạy trong kinh thánh là không cưỡng lại sự ác, mà hãy tổ chức và huy động cái thiện để bằng cách đó, củng cố việc làm của những ai đứng về phía tình thương và lòng công chính, làm cho cái ác mất bớt cơ hội. Nếu có niềm tin dù rất bé nhỏ vào ngày lễ, ta hãy quên mình mà dâng hiến mọi nỗ lực vào việc hợp tác, hầu thay đổi tình hình thế giới qua việc gia tăng tinh thần thương yêu, và thiện chí trên thế giới vào tháng năm.
Bạn có thể dự lễ tại chi bộ trong vùng của hội Theosophia, hay liên lạc với:
– Lucis Trust, 113 University Place 11 Flr, New York, N.Y. 10276, U.S.A.
– Gtroup for Creative Meditation, Meditation Mount, P.O. Box 566, Ojai, Ca. 93203 U.S.A.
để biết giờ trăng tròn, những nơi tổ chức lễ.
Năm 1985 một đoàn quay phim tây phương đã tới thung lũng ở Tây Tạng, nơi lễ Wesak được cử hành hằng năm, đế quay phim vào ngày lễ Wesak. Phim thâu được vẻ hùng vĩ của núi non Himalaya, cảnh tượng cảm động của dân chúng Tây Tạng lũ lượt từ xa xôi kéo về dự lễ, cũng như có những chuyện bên lề hết sức thú vị trong lúc thâu. Chẳng hạn có những biến cố về kỹ thuật khiến chuyên viên quay phim nghĩ rằng họ được che chở, trong lúc thực hiện chương trình.
Mọi việc như vậy đã được trình bầy chi tiết: mục đích, ý nghĩa ngày lễ, việc chuẩn bị, tham dự, thế nên phần kết sẽ thật ngắn gọn. Hẹn gặp bạn vào ngày lễ Wesak mỗi năm
Tham khảo:
– The Externalisation of the Hierachy, A.A. Bailey
– Esoteric Psychology, ”
– Discipleship in the New Age, ”