LUẬT RUNG ĐỘNG
Luật Rung Động
I– Tổng quát
a. Con người: 3 nguồn rung động
b. Do ngoại cảnh: môi trường, các hình thể, thế giới tinh thần
c. Từ vật được tạo ra
II– Ảnh hưởng
Trên hiệu năng làm việc của người phụng sự
Liên hệ giữa rung động và hình thể
III– Phân biện tính chất những rung động.
IV– Phản ứng
V– Kết luận
Đây là luật chi phối sinh hoạt tâm linh cũng như vật chất con người và sự hiểu biết về luật giải thích được nhiều hiện tượng trong cuộc sống.
I. TỔNG QUÁT.
Có hai loại rung động chính, từ con người phát ra và ảnh hưởng lên ngoại cảnh, hay vốn có sẵn trong môi trường bên ngoài và tác động lên con người.
a/ Về rung động từ con người, bởi ta dùng ba thể để biểu lộ, ta có ba nguồn rung động và những vấn đề của riêng từng thể.
– Thể xác, chính ra là thể sinh lực.
– Thể tình cảm
– Thể trí
Cho cả ba thể, nét thanh cao tương ứng với làn rung động mau và sự thô trược đi với làn rung động chậm
b/ Do ngoại cảnh.
Nhờ vào ngũ quan thân xác tiếp nhận làn rung động đến từ thế giới bên ngoài, ý thức sự hiện diện của vạn vật trong thế giới ấy, có sự trao đổi giữa cái ta và cái không ta. Khi cái trí càng lúc càng biết nhiều, con người bên trong trải qua các giai đoạn sau.
● Trước tiên anh ghi nhận rung động, môi trường cho ảnh hưởng lên hình thể nhưng con người chưa biết, chỉ chậm chạp tỉnh thức với tác động của nó.
● Môi trường bắt đầu có sức hấp dẫn, con người thấy ham muốn, từ từ sức thu hút của ngoại cảnh tăng dần cầm giữ con người trong ba cõi, khiến anh bị tái sinh lắm bận.
● Sau đó, làn rung động từ các hình thể của môi trường trở nên đồng điệu, tẻ ngắt vì không ngừng tác động qua bao nhiêu kiếp, con người không bị lôi cuốn nữa, anh bỏ nó ngoài tai và không còn để mắt tới ham muốn đã quá quen thuộc. Anh hết nhạy cảm với nó và càng lúc càng ý thức về làn rung động của chân ngã.
● Khi bắt đầu việc phát triển tinh thần, làn rung động tinh tế ngày càng quyến rũ, thế giới bên ngoài mất đi hấp lực, nay cái anh ước ao hơn hết là thế giới bên trong, và cũng có sự thay đổi tinh tế trong bộ máy đáp ứng, anh tạo các thể thanh bai hơn để có thể tiếp xúc, thông thương với những cảnh giới cao.
Đạt tới giai đoạn này, người bạn tiếp tục ngưng đáp ứng với làn rung động đến từ thế giới hình thể bên ngoài, và lòng ham muốn các vật ấy tàn lụi dần, mọi việc hóa khô khan, tẻ ngắt, không có gì thỏa mãn được tâm hồn khát khao đầy ước vọng. Con người bước vào giai đoạn khó khăn là chuyển hướng, quay mặt về một thế giới mới, trạng thái mới, khuynh hướng ý thức mới. Và bởi cơ chế đáp ứng tinh tế bên trong còn ở giai đoạn phôi thai, con người có một cảm giác mất mát khủng khiếp, như đang mò mẫm trong đêm tối. Anh trải qua sự giằng co về mặt tâm linh, đi tìm hướng này rồi hướng kia, và cuộc tìm kiếm ấy thử thách đến mức tận cùng sức chịu đựng, sự bền chí vững lòng của anh.
Cuộc thử thách thật kinh khủng, nhưng đến một giai đoạn anh hóa vững chắc như đá tảng không gì xô ngã, và dù trải qua giây phút chói sáng lẫn đêm tối thẳm sâu, dù các lượn sóng thanh tẩy ùa tới bao phủ như muốn cuốn trôi anh, và dù cho lúc đó anh thấy mình không còn là mình, bất lực trước hoàn cảnh, cuối cùng không còn gì đánh đổ được mục tiêu của linh hồn. Cái duy nhất thiếu kém là phần tâm linh chưa phát triển đủ, hầu đáp ứng làn rung động của thế giới tinh thần bên trong, tuy đã sẵn mầm, việc phát triển phải do tự mỗi người làm lấy, vì làn rung động nay phát sinh tự anh mà ra, bền bỉ, vững chãi, thay vì do ngoại cảnh, do lòng nhiêt thành bị bên ngoài khích động và dễ dàng hóa nguội lạnh. Kết quả là anh đứng vững trong đời sống tinh thần.
c/ Còn một điều khác không thuộc hai phần trên là làn rung phát sinh từ vật do con người tạo ra, đó có thể là hình tư tưởng hay lời nói của một cá nhân / một tổ chức. Ở mức độ của người phụng sự hiện giờ, ta nhấn mạnh cái quan trọng nhất là hình tư tưởng anh phát ra. Khi một hình tư tưởng được tạo theo đúng phương pháp bí truyền, nó có mức rung động của người sinh ra nó và có sức sống do năng lực của anh truyền vào hình. Làn rung động ấy thu hút vật chất nào ứng với nó, tạo nên thể là hình tư tưởng.
Nhìn theo một khía cạnh khác điều ấy còn muốn nói sự đáp ứng của ta đối với hình hay ý phát xuất từ cõi cao, đó là Thiên Cơ, là ý tưởng của nhân loại. Khả năng cần có để bắt được loại tư tưởng này là óc trừu tượng và sự tập trung tư tưởng. Có hai điểm nằm trong việc ấy làsự sử dụng vật chất ở cõi cao và khả năng hòa làn rung động của mình với nhịp của các đấng cao cả. Hiện tình bây giờ là chỉ có một số ít người có thể sử dụng trọn vẹn óc trừu tượng của mình, tuy dần dần có thêm người làm được vậy, rồi một thiểu số biết dùng óc cụ thể, còn thì đại đa số hoàn toàn bị tình cảm chi phối.
II. ẢNH HƯỞNG
Ta thử xét làn rung động ảnh hưởng ra sao khả năng bắt được Thiên Cơ, và hiệu năng làm việc của người phụng sự.
1/ Khi các đấng cao cả chọn người để giao phó công việc cần thực hiện, các ngài tìm cách truyền đạt càng nhiều càng tốt về kế hoạch, gây ấn tượng về kế hoạch, gợi ý về tầm mức của nó trong trí người có khả năng ở cõi trần. Nếu cái trí đó không vững lại quá tự mãn, đầy tính kiêu ngạo hay chán chường, hoặc tự ti mặc cảm, anh không nhìn ra viễn tượng với đường nét rõ ràng, cũng như nếu thể tình cảm rung động quá thô bạo với nhịp của cái tôi thay vì của chân ngã, hay thể xác đau ốm không thể chú tâm, thì người bạn đành chịu mất cơ hội do chính thiếu sót của mình.
Ta chớ quên rằng con người chỉ làm hoàn hảo phần việc của mình, khi cả ba thể được điều hợp và liên hợp nhau. Người có thể trí vững vàng, mạnh mẽ tích cực đón nhận ý tưởng từ cõi cao, và không màng đến những rung động từ cõi thấp, người có thể tình cảm trong sáng, không màu và phẳng lặng, có thể xác với thần kinh cứng cỏi và nhịp bền bỉ, sẽ thành vận cụ thích hợp cho nhu cầu của Chân Sư, thành con kinh qua đó ngài tuôn ân lành vào thế giới.
2/ Bây giờ nói qua mối liên hệ chặt chẽ giữa rung động và hình thể. Mọi sự sống phát ra rung động và rung động cho kết quả là hình thể từ nặng nề đến thanh bai, đi từ cõi thấp lên cõi cao. Sự thay đổi làn rung động là cái sinh ra việc tạo hình và cũng là cái làm tan rã hình.
a/ Hình rõ ràng nhất là con người xác thịt với ba thể, gồm vật chất cõi trần, tình cảm và trí tuệ. Làn rung động tạo nên các thể này được củng cố từ những kiếp trước đó. Với người trung bình cái hình thể ấy xứng hợp, đáp ứng được với nhu cầu của anh và được dùng y vậy tới lúc chết; với người đã hướng về đời sống tâm linh, anh bắt đầu với các thể mà khuynh hướng đã ấn định sẵn, nhưng trong kiếp ấy anh không ngừng tạo cho mình một thể mới hơn và tốt hơn, và càng tiến xa chừng nào anh càng làm việc này một cách ý thức chừng đó, cũng như sự việc là đầu mối cho các xáo trộn cùng đau ốm thường gặp nơi người mới bước vào đường tinh thần.
Chẳng những vậy, trong giai đoạn này con người lẫn lộn vài chuyện, anh cảm được luật, anh ý thức sự cần thiết phải nâng làn rung động và thường thường anh làm sai trước. Ở đây con người bắt đầu với thể xác bằng việc thay đổi thức ăn và đặt ra kỷ luật bản thân, làm vầy anh đi từ ngoài vào trong thay vì lẽ ra phải đi từ trong ra ngoài, và bắt đầu với thể trí, thể tình cảm trước. Tức khởi sự với việc kiểm soát tư tưởng, sử dụng cẩn thận chất liệu cõi trí khi tạo hình tư tưởng, chuyển hóa tình cảm, rồi thì từ những điều này việc thay đổi nơi cõi trần của thể xác sẽ đương nhiên tới. Nếu thêm vào cuộc tinh luyện phần trí và cảm xúc trên, con người lại thay đổi thức ăn và cách sống thì trong bẩy năm anh sẽ tạo nên ba thể mới cho mình.
b/ Tới một giai đoạn khi con người thức tỉnh, sự rung động mang lại cho anh nhiều khó khăn ban đầu. Lý do là làn rung động tượng ứng giữa hai vật sẽ khiến chúng kết hợp liền lạc với nhau, như vậy khi một người nâng làn rung động của mình, tái tạo mọi chuyện theo lề thói mới, thay đổi chủ tâm của anh, nó gây ra bất hòa, lạc điệu với môi trường chung quanh sinh ra chỏi nghịch.
Theo luật, người cố công đi theo con đường như thế sẽ trải qua giai đoạn cô đơn, buồn rầu, anh bị cô lập không có bạn bè bên cạnh để chia sẻ, anh đứng giữa sự sống trong ba cõi thấp và sự sống ở ba cõi cao mà làn rung động của anh không ứng hợp hoàn toàn với cái nào. Người bạn cô đơn với cả hai nhóm nhưng đó chỉ là tạm thời. Mặt khác khi mọi việc xảy ra nhịp nhàng, khi môi trường thỏa mãn thì đó là giây phút cần lo nghĩ, vì nó là dấu hiệu của sự ngưng đọng, dậm chân tại chỗ.
c/ Kế đó ta qua hình thể của người sùng tín, đây là ý niệm trừu tượng nên cần đôi lời giải thích. Mỗi người dù ở bất cứ trình độ nào cũng có một cái gì mà anh nhiệt tâm hướng về, theo đuổi, sống vì điều ấy hoăc một cách vô minh, hoặc có hiểu biết hay ý thức hoàn toàn. Nếu thuần vật chất, điều anh hướng về có thể là thuần nhục dục, tiền tài , của cải, sở hữu vật cụ thể. Con người dốc hết năng lực để tìm cách thỏa mãn cái hình cụ thể ấy, và bằng cách đó học hỏi luật. Nếu thuần tình cảm thì đó là tình yêu, yêu vợ yêu chồng, gia đình, lòng tự hào về chúng muốn được nổi danh hay thèm khát điều gì. Con người cũng sẽ dùng hết sức mình để đạt tới ước vọng tình cảm. Nếu cao thượng hơn, hình ấy biểu lộ lòng yêu chuộng nghệ thuật, khoa học hay triết lý, tín ngưỡng. Anh sẽ cống hiến trọn năng lực thể chất, tình cảm và trí tuệ, mặc dù vậy hình vẫn luôn luôn mang tính chất của lòng sùng mộ.
Trong mọi trường hợp, cái hình đạt tới ý mong muốn, thành ý đó vượt qua nó rồi tan rã. Con người bị đau đớn do sự tan vỡ mà cũng vì vậy thay đổi tần số rung động của mình. Anh trải qua nhiều kiếp với những làn rung động thấp có đến triệu năm, nhưng với đà tiến hóa, sự phát triển càng lúc càng mau hơn, nốt rung động thay đổi từ kiếp này sang kiếp khác, so với trước kia ở giai đoạn đầu, cũng chỉ một nốt đó mà anh phải dùng nhiều kiếp mới làm nó vang vọng hoàn toàn.
Khi con người lại gần đường Đạo hơn nữa, hình thể được tạo dựng bao lâu nay càng tan vỡ nhiều hơn, anh thay đổi cái nốt thường hơn có khi trong một kiếp anh thay nhiều lần nốt rung động.
Như vậy, người ao ước chuyện tinh thần khi tiến bước mau lẹ, như ý sẽ không ngừng chuyển biến thường xuyên, thay đổi, phân hóa, tiếp tục xây rồi phá vỡ, soạn kế hoạch và chứng kiến chúng bị gián đoạn. Ấy là một đời đau khổ không ngừng, luôn luôn đụng chạm với hoàn cảnh bên ngoài, tạo được tình bạn rồi lại chia lìa, gặp đổi thay mãi và lắm khổ tâm, vì lý tưởng khi đạt tới anh chợt nhận ra nó chỉ là một chặng trên đường dẫn tới chuyện cao hơn, thấy được viễn ảnh rồi lại bắt gặp cái xa hơn nữa, thực hiện được mơ ước của mình rồi hóa chán ngán với nó.
Vấn đề hình thể quan trọng ở đây, vì có hai ảnh hưởng đang xảy ra trong thời đại bây giờ, đó là việc nhân loại đang bước vào tân kỷ nguyên và cung 7 đang thế chỗ cung 6. Cả hai cho ra một thời kỳ với nhiều gián đoạn cho tới khi các hình thể thích ứng hơn với làn rung động mới.
Trong thời gian điều chỉnh đó, ai có tính mềm dẻo và thích ứng, hay ai có cung phàm nhân là cung 7 sẽ gặp ít ngăn trở hay xáo trộn hơn ai có thái độ cứng rắn, trụ chắc vào một việc gì. Lại nữa, còn một biến cố thứ ba là việc đức Di Lặc (đức Chúa) xuống trần, làn rung động mạnh mẽ của Ngài khi gặp hình thể đóng cứng thành khuôn sẽ làm nó tan rã, gẫy vụn. Tác dụng hủy hoại ấy đã có khi Ngài xuất hiện 2000 năm về trước, ngày nay nó sẽ tái diễn.
Do đó ta cần luyện tánh mềm dẻo và đáp ứng bằng cách mở rộng tư tưởng, không ngừng học hỏi. Một cách làm là tập suy nghĩ thường xuyên tư tưởng trừu tượng, và khi tập yêu thương tất cả mọi người mọi vật, là ta làm cho thể tình cảm mềm dẻo. Vì khi yêu rộng rãi như vậy, ta có khả năng rung động ở mức lớn lao, trùm khắp, và nhờ đó đáp ứng với làn rung động của đức cao cả.
Ý thức này dẫn đến việc con người hiểu một cách sâu xa tính cách phù du của hình thể, và cũng vì thế anh không còn vướng bận đến mọi chuyện trong ba cõi hồng trần, tình cảm và trí. Cái lạ lùng là khi con người không còn bám víu vào ba cõi, bỏ rơi chúng, họ lại thấy mình rảnh tay mang ân lành cho khối nhân loại đang phấn đấu. Cái diễn biến tạo hình rồi hủy bỏ được trình bày không nhằm nói rằng ta không nên tạo hình, nhưng ngụ ý là sao cho con người ý thức cái diễn biến đó và không quá đặt nặng vào hình thể.
Ta cũng có chút an ủi ở đây, hiểu rõ vấn đề hơn là tíến trình này xẩy ra chẳng những cho cá nhân ở mọi trình độ, mà còn xảy ra cho vũ trụ, sự khác biệt chỉ là có hay không có ý thức. Ở mức độ cao, con người cố ý lập nhóm, lập tổ chức nhằm thực hiện lý tưởng của mình. Với người đã giải thoát và toàn thiện, họ tập trung lực vào cõi trí, từ đó sinh ra , phát khởi những hình tư tưởng uốn nắn trí tuệ nhân loại, hình chứa những nét của phần Thiên Cơ mà họ chịu trách nhiệm, và muốn thực hiện vào thời đại và thế hệ nào đó.
III– PHÂN BIỆN.
Đã biết có nhiều nguồn rung động nay ta sang bước kế là vấn đề phân biện, nhận biết tính chất những rung động từ ngoài đến với ta hay tư tưởng , cảm xúc phát khởi tự trong lòng để chọn giữ lại hay gạt bỏ. Hơn nữa, ta cũng cần rõ làn rung động của chính linh hồn, và về sau, của Chân Sư.
Khi con người càng nhạy cảm, họ càng bắt được nhiều làn rung động từ bên ngoài và do đó có nhu cầu phân biện hơn người bình thường. Bề ngoài là cái dễ làm con người bị sai lạc nhất, nên một khả năng cần trau dồi khi đi sâu vào chuyện tinh thần, là tập phân biệt được làn rung động tốt lành và thấp kém với những biến thể của chúng
Rung động là cái phát ra tự bản chất không thể giả mạo, nên đó là căn bản không sợ nhầm lẫn để lượng giá trị nguồn phát ra nó. Khả năng đó giúp ích khi ta còn lưỡng lự, chưa biết chắc đối tượng có thực sự như hình dáng trưng bày. Đi xa hơn ta có thể nói tới sự phân biệt giữa chánh / tà, và quen thuộc với làn rung động giúp ích nhiều ở đây. Việc tiếp xúc với một người, một tổ chức, hay ngay cả việc đọc một cuốn sách cho phép ta bắt được làn rung động và nhận định nó. Vì đọc sách là tiếp xúc với hình tư tưởng do tác giả tạo ra khi viết sách, còn tổ chức cũng có hình tư tưởng do lý tưởng của người sáng lập và thành viên của tổ chức tạo nên. Bằng sự nhạy cảm với làn rung động, ta có thể tránh cho mình một số chuyện bất lợi nếu chỉ căn cứ vào bề ngoài.
Hiểu biết về luật rung động giải thích được một vài hiện tượng hay gặp trong các nhóm hoạt động tâm linh.
a/ Một người thường xuyên sống đời tinh thần, tiếp xúc với năng lực từ cõi cao sẽ đương nhiên phóng ra quanh mình vừa năng lực ấy, vừa mức rung động cao của anh, nó sẽ tác động lên ai giao tiếp với anh, khêu gợi nơi họ cả phần tốt đẹp lẫn phần thấp kém. Đây là việc hoàn toàn nằm ngoài chủ ý của người bạn và là điều ta cần biết khi làm việc. Với người chưa phát triển cùng hướng như anh, luân xa tùng thái dương (solar plexus) của họ hoạt động mạnh hơn các luân xa khác (trong khi với người có ý thức tâm linh, nó đã được chuyển hóa lên huyệt tim và nay trở thành luân xa phụ); phần năng lực tuôn ra của người cao sẽ bị thu hút vào tùng thái dương hơn mức bình thường, nói khác đi nó bị kích thích quá độ, kế đó, ảnh hưởng khác là làn rung động mạnh mẽ của người cao cũng kích thích quá mức những thể của người sau. Bởi không thể rung động hòa nhịp hay đồng hóa năng lực tuôn tràn quá nhiều vào người, anh bạn sau thấy khó chịu, bực bội, và đi xa hơn, sinh ra ác cảm với nguồn phát sinh năng lực ấy. Nó là hành động không chủ ý của cả hai bên, nó giải thích tại sao một ai cảm thấy không thoải mái khi đối mặt với người tiến hóa xa hơn mình, tại sao đức Chúa lại bị nhóm Pharisee ghét bỏ vô cớ, hay hầu như mỗi đấng cao cả thường có nhóm đối nghịch.
Ngược lại, với ai khi bước vào vùng ảnh hưởng người khác, bắt được làn rung động mạnh và có khả năng đáp ứng, việc có hay không có sự hòa nhịp giữa hai làn rung động là yếu tố để người cao biết được mức tiến bộ của người thấp và giúp đỡ.
Khả năng đồng nhịp này là bí ẩn của việc một ai gia nhập tâm phụng sự (ashram) của Chân Sư. Anh bị hấp dẫn bởi làn rung động, bị thu hút bởi tính chất của nhóm, đặc tính sinh hoạt của nhóm, cái chính là đặc tính của vị Chân Sư. Và như vậy, ta thấy đặc tính của làn rung động là chìa khóa quyết định cho sự phát triển tâm linh của một người, vì chỉ khi anh có làn rung động thanh cao mới bắt được cái tương tự, đáp ứng với nó.
b/ Điểm kế nói tới làn rung động như là sự an nhiên. Ta phân biệt giữa an nhiên (serenity) và bình an (peace). Bình an là cảm xúc, có giá trị nhất thời và nói tới điều kiện có thể bị xáo trộn, còn an nhiên nói tới lòng điềm tĩnh sâu xa, không có những giao động của cảm xúc. Trên đường tinh thần, mỗi bước tiến tới đều sinh ra xáo trộn, rối loạn, biến động rồi bình an, nhưng càng đi sâu vào tâm phụng sự, tâm của nhóm mà anh cảm thấy bị thu hút, lòng an nhiên sẽ thay thế dần cảm giác bình an. Nó có được là do ý thức rằng sự sống vĩnh cửu, con người vượt lên mọi xáo trộn. Bình an mang tính cách cá nhân, an nhiên cho thấy con người có ý thức nhóm, không còn sự tách biệt của đơn vị riêng rẽ.
IV– PHẢN ỨNG
Khi gặp một làn rung động không thích hợp đến với ta thì phải phản ứng ra sao ? Có nhiều cách chọn lựa nhưng dù tính chất đó thuộc loại nào, ta vẫn có một thái độ chung áp dụng cho tất cả, ấy là lòng vô hại (harmlessness), nó được biểu lộ tích cực qua:
– Tư tưởng trong sạch, dựa trên tình thương hiểu biết.
– Lời nói khôn ngoan, nhờ có lòng tự chủ kiểm soát.
– Hành vi nhân ái vì đã hiểu rõ luật.
Đây không phải là chuyện dễ làm mà đòi hỏi nỗ lực của cả tâm hồn và con người, và phải tốn nhiều thì giờ tập thành thói quen Nó không phải là tánh vô hại phát sinh từ sự yếu mềm và bản tính cầu hòa, không ưa rắc rối làm xáo trộn nhịp điệu đã có sẵn của đời sống, gây ra hậu quả không thoải mái.
Lòng Vô Hại phát sinh ra từ sự hiểu biết chân thật của linh hồn, và việc kiểm soát phàm nhân đưa tới cái không tránh khỏi là sự biểu lộ phần tinh thần trong đời sống hằng ngày. Đó là khả năng đi sâu vào được tâm thức, tư tưởng của người bạn, và khi đã hiểu rõ tâm hồn người khác thì ta không còn ý phiền trách, mà chỉ còn lòng bao dung, tất cả biến mất chỉ còn lại ước muốn trợ lực và giúp đỡ.
Người đời hay thích thú và bị lôi cuốn bởi quyền năng khác thường, siêu linh, nhưng theo trên và theo ai thực sự biết con đường tinh thần, cái quyền năng đáng ao ước nhất là hiểu được người khác, cảm được tâm người. Nó đáng quí trọng hơn hết và khi đạt được nó tránh cho ta bao lỗi lầm, vì biết được tâm người là cũng biết ta với người là một, và do đó không có lý do nào để ghét bỏ phân cách người với ta.
Người tập được tính đó trong lòng không có chút thù nghịch với sự sống trong bất cứ hình thể nào. Cho nên anh chỉ thu hút về mình cái tốt lành và dùng những lực tốt lành ấy vào việc giúp đỡ người khác. Đó là bước đầu đòi hỏi con người khép mình vào kỷ luật, canh giữ tâm trí đối với phản ứng của ba thể trong ba cõi, và nhờ vậy hiểu được người chung quanh. Tới giai đoạn kế, anh học cách thu hút và chuyển hóa làn rung động lỗi nhịp cùng năng lực phá hoại. Khi làm việc này anh không tìm cách cô lập mình với đồng loại, tránh xa bằng cách dựng hàng rào tâm lý ngăn cách ta với người. Do lòng vô hại anh học cách trung hòa mọi phát khởi độc ác, biểu lộ sự quyết tâm theo một cách mới. Ấy là hoàn toàn ý thức việc mình làm, anh chủ tâm thu nạp vào lòng mọi phát khởi lạc điệu (như năng lực phá hoại, các lực sai đường), bẻ gẫy chúng thành những phần rời rồi trả chúng về nguồn đã sinh ra, lần trở lại này tuy chúng giữ nguyên bản tính nhưng đã mất sinh lực, thành trung hòa và vô hại.
Có một ý nghĩa sâu xa ẩn đằng sau hành động này. Mỗi người khi làm việc lành, mạnh mẽ thực hiện lòng vô hại là đã trở thành tụ điểm cho năng lực thiêng liêng, và cái ta nhắm đến là trở thành tụ điểm có ý thức, ảnh hưởng môi trường xung quanh. Thường khi, do thấy trước những nơi, những lúc thế giới bị xáo trộn, các đấng cao cả tụ họp người phụng sự vào một số nơi chốn nào đó để nhóm người này tác động, mang lại quân bình và sự trợ giúp kế hoạch chung. Phần việc của họ không nên là đối kháng, đẩy lui áp lực, hay chống cự, đánh phá lực mang tới. Phương pháp ấy hướng tư tưởng vào cái phàm ngã và sinh ra rối loạn thêm. Nỗ lực nên có là cố gắng tiếp xúc với chân ngã, giữ cho sự tiếp xúc ấy được vững chãi, đều đặn và thẳng đường, tới mức lực và sức mạnh của chân ngã tuôn xuống được ba thể, rồi túa ra chung quanh, tạo ảnh hưởng tương xứng với lượng lực tuôn từ trên xuống cùng sự trong trẻo của các thể. Điều này giải thích phần nào việc nên có thể tình cảm không mầu. Con người tập không có đam mê mạnh mẽ, và tình cảm chỉ là phản ảnh của đáp ứng từ trên cao, như cõi trí, (tinh thần thuần lý) và cõi bồ đề (trực giác, tình thương yêu bao trùm, sáng suốt).
Mọi huấn luyện tâm linh đều nhằm tới việc biến con người thành tụ điểm của năng lực tinh thần. Bởi ấy là vai trò của ba thể xác tình và trí, thành dụng cụ qua đó năng lực thiêng liêng tuôn tràn ra thế giới quanh mình. Nhìn được như vậy là ta thấy rõ tầm quan trọng đúng thực của ba thể, và học điều khiển được chúng từ trên cao bằng sự rung động, và đường phát triển đúng cách là càng ngày càng thức tỉnh hơn với đời sống tâm linh trong lúc đang sinh hoạt ở cõi trần.
Giữ cho thường có làn rung động cao là một dạng của sự tỉnh thức đó. Nói khác đi là thiền trong hành động, ý thức bản chất thiêng liêng của mình trong mỗi sinh hoạt (Ăn biết là đang ăn, nói biết là đang nói). Hiểu được như vậy thì đời sống trở nên vô cùng thâm sâu, rộng rãi, con người không còn để ngoại cảnh ảnh hưởng làm lạc hướng mà bởi thường xuyên tiếp xúc cõi tâm linh, anh giữ được mục tiêu trong trí mình.
Một phản ứng khác là sách vở dạy hãy luôn có tư tưởng đẹp đẽ trong trí, để khi cái trí rảnh rỗi nó sẽ theo thói quen lập lại tư tưởng hay làn rung động ấy, hoặc khi gặp phải tư tưởng đối nghịch thì nó sẽ giúp ta không sa ngã. Chữ trụ tư tưởng cũng nói về ý này, con người trụ vào ý tưởng cao xa và do đó không bị lôi cuốn hay hóa lung lạc vì chuyện bất hảo. Cách ấy là một bước trong giai đoạn phát triển tâm linh mà chưa phải là đích cùng, vì bước kế đó là việc đạt tới tâm trạng tĩnh lặng, không có sự phân biệt, hay không có phản ứng. Về mặt cơ chế, ấy là vượt lên trên, đạt tới mức rung động cao, cao hơn cái bay tới lẫn cái phản ứng, và ta trụ ở trên cao, không để cho làn rung động thấp ảnh hưởng. Nếu giữ được lâu, con người không còn quay cuồng giữa khích động và phản ứng mà tách rời khỏi cả hai, và có sự an lạc. Nó đi từ tâm trạng nhị nguyên và tranh chấp sang cái tâm nhất nguyên không phân biệt.
V– KẾT LUẬN
Tổng hợp các điều trên có những nét chính sau, suy diễn từ luật rung động:
1– Bởi con người càng ngày càng phát triển về trí tuệ, tham thiền sẽ dần trở nên hoạt động nổi bật, nhưng sinh hoạt trí tuệ đó có thể nằm dưới hình thức ta không ngờ.
Theo thói quen ta nối kết tham thiền với ai có khuynh hướng sùng tín và các nhà thần bí, và nghĩ rằng chỉ những người như vậy mới đạt được thành quả mà tham thiền mang lại. Do ảnh hưởng cung 7 càng mạnh cùng với hoạt động trí tuệ tăng cao, những nhà đại tư bản, chủ tịch công ty thế giới và các thương gia làm việc theo kỷ luật chặt chẽ, đều là những người hành thiền đúng nghĩa, tức sử dụng trí tuệ và vật liệu cõi trí để tạo dựng mà không hay biết, và họ cũng thể hiện được những quyền lực do tham thiền mang lại. Họ là hiện thân cho việc khăng khăng bám sát vào một đường lối tư tưởng, và sự phát triển của họ đi song song với sự phát triển của thiền gia và huyền bí gia.
Điều cần nhấn mạnh là họ tham thiền theo đường lối của đức Văn Minh (cung 3). Việc tập trung tư tưởng cao độ vào vấn đề đã tạo họ thành các nhà doanh thương, và về một số phương diện họ đạt được thành quả của tham thiền lớn lao hơn nhiều người khác. Cái duy nhất họ cần thực hiện là chuyển hóa động cơ của việc làm, và khi được vậy họ sẽ vượt xa lắm kẻ.
2– Luật rung động là căn bản của âm thanh và màu sắc, và bởi con người theo đà tiến hóa sẽ biết thêm nhiều về luật, âm thanh và màu sắc sẽ dần đóng vai trò quan trọng trong nhiều lãnh vực.
– Khi con người biết nhiều hơn về các thể thanh, tình trạng các thể sẽ được diễn tả bằng mức rung động và màu sắc của thể, cũng như tôn giáo và đạo đức sẽ được giảng dạy bằng màu sắc, và khi nhiều người có thông nhãn, việc xếp đặt người theo cung sẽ làm được dựa trên màu sắc của cung ấy.
– Màu sắc có thể hủy hoại cũng như có thể chữa lành, và âm thanh có thể làm xáo trộn cũng như làm gắn bó. Hai tư tưởng này sẽ là căn bản cho sự phát triển của khoa học trong tương lai gần. Người ta sẽ nghiên cứu về ảnh hưởng của chiến tranh, nhất là âm thanh của đại bác ở cõi tình cảm và ether.
– Rối loạn tình cảm sẽ được coi là âm thanh lỗi nhịp, còn trì trệ thần trí sẽ được diễn tả như là có làn rung động chậm.
3– Trên đường tâm linh, hầu hết mọi chuyện đều do làn rung động mà ra.
● Lúc khởi đầu con người biết được làn rung động của nhóm thuộc một Chân Sư. Sự cảm nhận chỉ đến thưa thớt, anh hòa với nó trong phút giây ngắn ngủi, và nếu thành công hơn nữa, anh nâng lên được tới làn rung động của vị Chân Sư, trọn con người được tràn ngập với làn rung động cao đó. Rồi anh buông lơi, rớt trở lại tình trạng bình thường của mình và mất liên lạc, những thể của anh chưa đủ thanh bai cũng như làn rung động của anh chưa vững, để anh ở được trong tình trạng nâng cao đó.
● Lần hồi theo với thời gian và mau hay chậm là do lòng nhiệt thành của chính mình, anh có thể ở trong làn rung động đó lâu hơn, và không mau lẹ rơi trở vào trạng thái cũ như trước nữa. Nói cách khác anh có thể giữ cho mình ở mức rung động ấy, tự mình phát ra rung động ở cùng mức độ cao trong một thời gian lâu. Anh đạt được trạng thái này thường hơn và do vậy nhịp liên lạc cũng tăng lên, với kết quả là sự tiếp xúc hóa vững vàng, rồi anh qua giai đoạn kế.
● Đó là sự phát triển óc trừu tượng, ta nên nhớ lại rằng các Chân Sư hoạt động nơi cõi trí trừu tượng trở lên, nó cũng là nơi chốn thường trụ của chân nhân, và mọi ý tưởng, kế hoạch đều có phần căn bản nằm ở cõi trí trừu tượng, rồi từ đó mới đi xuống các cõi thấp, và được cụ thể hóa khi đi xuống như vậy.
Thế thì, con người phải tạo cho mình khả năng tiếp xúc và tỉnh thức ở cõi trừu tượng bằng cách tham thiền, và trụ tâm thức vào cõi chân nhân, bao lâu chưa làm được vậy, anh không thể tiếp xúc đúng nghĩa với vị Chân Sư, vì người đệ tử phải nâng mình lên khỏi cảnh giới thấp của anh, và bước vào cảnh giới cao của các ngài. Có nghĩa, con người phải tạo cho mình khả năng để bước vào cõi của các Chân Sư, thay vì cầu khẩn các ngài bước xuống cõi của chúng ta. Việc làm cho mình xứng đáng để lên được tới cõi các ngài còn nói lên một đòi hỏi, một luật bí truyền, là không có đường tắt, sự thiên vị, chước giảm trong chuyện tinh thần, bất cứ ai cũng chỉ đạt tới địa vị, lý tưởng bằng chính nỗ lực của mình.
Con người trở thành Phật, mà không sinh ra là Phật, và sự trở thành đó là do công khó của riêng anh mà thôi. Mặt khác, nó cũng có nghĩa khi ta ao ước điều chi về mặt tinh thần, hãy tập luyện để trở nên điều ấy mà không có cách nào khác hơn. Khi tỏ ra xứng đáng thì cánh cửa mở rộng và không một điều gì có thể đứng chặn giữa ta với điều ao ước.
Cả hai giai đoạn nêu trong phần 3 ở trên đều là kết quả của tham thiền, và ta học thêm là chỉ có làn rung động tương đồng mới đưa con người tới nhóm cao hơn mà anh có thể dự phần, đưa anh tới vị Chân Sư đứng đầu cung của anh. Đó cũng là cách luật Thu hút và Xô đẩy làm việc, trải qua các giai đoạn kim thạch, thảo một, thú cầm, con người, kêu gọi phần linh hồn thiêng liêng ngụ trong hình thể, dẫn dắt, đưa nó vào nhóm mà nó thuộc về.
Công việc của người sơ cơ trong giai đoạn dự bị là hòa làn rung động của mình vào làn rung động của vị Chân Sư, tinh lọc ba thể khiến chúng không là trở ngại cho việc tiếp xúc ấy, làm chủ hạ trí để nó không là rào cản cho việc tuôn tràn ánh sáng từ trên cao. Làm được vậy anh sẽ tiếp xúc với nhóm ở cõi thượng trí mà anh thuộc về, do karma và cũng vì anh xứng đáng. Tất cả những điều này đều do tham thiền mang lại mà không có cách nào khác để đạt tới mục đích đó. Tham thiền làm ba thể liên hợp và chỉ khi được vậy, Chân Sư mới ảnh hưởng được các thể của anh.
Tóm tắt cho những điều trên là:
●Học nâng làn rung động lên cao, giữ nó ở mức đó một cách liên tục, để mức rung động cao biến thành đặc tính vững bền trong ba thể người đệ tử.
●Phần chủ động thuộc về con người đệ tử, và bao lâu họ chưa tạo cho mình điều kiện thích hợp để vị Chân Sư có thể liên lạc với họ, Ngài phải chịu bó tay. Nỗ lực của mình là chìa khóa của việc tiến bộ, đi kèm với sự ý thức rõ ràng về công việc và cách thực hiện nó.
●Xét kỹ những điều trên, việc kêu gọi lời đáp ứng từ trên cao luôn luôn là phần việc của người học đạo, và chuyện anh nhận được sự hồi đáp mau hay chậm tùy thuộc vào lòng hăng hái làm việc của anh, lòng hiến dâng khi phụng sự, và nhân quả ràng buộc. Khi anh xứng đáng chắc chắn anh sẽ nhận được hồi đáp mà không gì có thể ngăn chận hay trì hoãn. Cũng y vậy, không gì thúc hối làm cho sự hồi đáp tới được sớm hơn, thành ra anh cũng không nên mất thì giờ rầu rĩ về việc chưa thấy được thành quả của tham thiền.
●Phần việc của anh là tuân theo luật, uốn mình theo mô thức đã đặt ra, suy gẫm và tuân theo một cách khôn ngoan những giáo huấn, hăng hái làm việc để phụng sự con người. Khi làm được các điều trên, đã mang vào ba thể những vật liệu có làn rung động thích hợp, liên hợp với chân nhân, anh sẽ thấy mơ ước thành tựu.
Thông Xanh
Sách tham khảo:
Letters on Occult Meditation
A Treatise on White Magic
A.A. Bailey